Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tu Tập Đúng) – P16

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Vì sắc rỗng không nên không có tướng não hoại, vì thọ rỗng không nên không có tướng thọ, vì tưởng rỗng không nên không có tướng biết, vì hành rỗng không nên không có tướng tác giả, vì thức rỗng không nên không có tướng tri giác. Tại sao vậy? Vì chẳng phải sắc khác với không, cũng chẳng phải không khác với sắc, mà sắc chính là không và không chính là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chính là không và không chính là thọ, tưởng, hành, thức”.

Luận giải:

♦ “Vì sắc rỗng không nên không có tướng não hoại, vì thọ rỗng không nên không có tướng thọ, vì tưởng rỗng không nên không có tướng biết, vì hành rỗng không nên không có tướng tác giả, vì thức rỗng không nên không có tướng tri giác”:

Như ở phần trên đã quan sát soi thấy Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh. Do đó, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không tự sanh nên Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều rỗng không.

Vì Sắc rỗng không nên Sắc không có tướng não hoại.

Vì Thọ rỗng không nên không có tướng cảm thọ.

Vì Tưởng rỗng không nên không có tướng biết.

Vì Hành rỗng không nên không có tướng tác giả.

Vì Thức rỗng không nên không có tướng tri giác.

♦ “Vì chẳng phải sắc khác với không, cũng chẳng phải không khác với sắc, mà sắc chính là không và không chính là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chính là không và không chính là thọ, tưởng, hành, thức”:

Như ở phần trên đã soi thấy Sắc không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không, không có Sắc. Sắc được hiện hữu, được sinh ra là do Pháp tánh thường trụ ở trong Sắc. Pháp tánh thường trụ đó là Tự tánh Như Lai tạng, là Pháp thân của Như Lai do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật, Đức Phật phân thân ra nên cũng gọi là Phật tánh. Vì Như Lai cũng gọi là Phật, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Thánh Hạnh, Đức Phật Thích Ca nói: “Phật tánh là Như Lai” vì Như Lai cũng gọi là Đức Phật, là Phật.

Phật tánh chẳng phải Sắc nên gọi là Không, Không này là phi không (Chẳng không chẳng phải chẳng không. Chẳng không tức là có Phật tánh, là do Chánh thân Như Lai phân thân ra. Chẳng phải chẳng không tức là không có Phật tánh vì Phật tánh không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không nên không có). Không này là Phật tánh, còn được gọi là Tánh không, do đó, Phật tánh chính là Tánh không.

– “Vì chẳng phải Sắc khác với không”:

Sắc không sai khác với Không tức là Sắc không sai khác với Phật tánh bởi Phật tánh là cái làm Tự tánh để tạo tác, cấu tạo, khởi sanh ra Sắc trên cơ sở Nhân quả (Dựa vào nghiệp) để tạo ra Sắc (Thân con người đẹp, xấu, cao, thấp, …). Phật tánh tạo như thế nào thì Sắc được như thế đó, không sai khác, nên chẳng phải Sắc khác với Không (Phật tánh).

– “Cũng chẳng phải Không khác với Sắc”:

Dựa trên cơ sở nghiệp để Không tạo ra Sắc theo Nhân quả, được thể hiện trong ba mươi hai tướng tạo tác của Phật tánh. Nếu nhân ác nhiều thì Phật tánh tạo ra Sắc là thân súc sanh: có 4 răng nanh hay bàn chân có màng, … tạo ra loài nào là tùy theo nghiệp. Nếu nhân thiện nhiều thì Phật tánh tạo ra Sắc là thân con người. Như vậy, Phật tánh tạo ra thân người thì Sắc là thân người, Phật tánh tạo ra thân súc sanh thì Sắc là thân súc sanh, không có sai khác. Do đó, chẳng phải Không khác với Sắc.

– “Mà Sắc chính là Không”:

Khi quan sát các hoạt động, vận động, tác động qua lại của con người, các pháp trong hiện hữu, Đức Phật Thích ca chỉ rõ như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa: “Không tam muội là nói các pháp Tự tướng rỗng không”, nghĩa là các pháp hiện hữu nhưng Tự tướng rỗng không do không có chúa tể, chủ tể, vô ngã nên tướng như bất động, do đó, Sắc cũng tướng như bất động. Vì vậy, mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của Sắc là do cái Không tạo tác, sanh khởi ra Sắc, thường trụ và làm Tự tướng trong Sắc để Sắc hoạt động, vận động, tác động qua lại chứ không phải tự Sắc hoạt động, vận động, tác động qua lại được. Như vậy, mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của Sắc là do Không, nên Sắc chính là Không.

– “Và Không chính là Sắc”:

Không chính là Phật tánh, vượt lên Sắc, tạo ra Sắc, tiêu diệt Sắc, nhưng con người không nhìn thấy cái Không cũng chính là vật chất (Siêu vật chất), không thể đo đếm, không thể thấy được, nên Không chính là Sắc.

– “Thọ, Tưởng, Hành Thức cũng như vậy”:

Nghĩa là Thọ, Tưởng, Hành Thức chính là Không và Không cũng chính là Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Tướng rỗng không của các pháp vốn chẳng sanh chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại vì thế nên trong không pháp ấy không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, nhẫn đến không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có vô minh tận, nhẫn đến không có lão tử, cũng không có lão tử tận; không có khổ tập diệt đạo, không có trí, cũng không có đắc, không có Tu đà hoàn và quả Tu đà hoàn; không có Tư đà hàm, A na Hàm, A la hán, Bích chi Phật và Phật, cũng không có quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, quả Bích chi Phật và quả Phật”.

Luận giải:

♦ “Tướng rỗng không của các pháp vốn chẳng sanh chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại”:

Tướng rỗng không của các pháp chính là tướng rỗng không của Sắc và tướng rỗng không của Thọ, Tưởng, Hành, Thức vì các pháp bất sanh, bất diệt. Do Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Do đó, Sắc không tự sanh ra được Sắc; Thọ, Tưởng, Hành, Thức không tự sanh ra được Thọ, Tưởng, Hành, Thức cho nên Sắc và Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng tăng, chẳng giảm.

Vì Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không sanh, rỗng không nên không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, do đó, không có quá khứ, vị lai, hiện tại.

♦ “Vì thế nên trong không pháp ấy không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, nhẫn đến không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có vô minh tận, nhẫn đến không có lão tử, cũng không có lão tử tận; không có khổ tập diệt đạo, không có trí cũng không có đắc, không có Tu đà hoàn và quả Tu đà hoàn, không có Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật và Phật, cũng không có quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, quả Bích chi Phật và quả Phật”:

– “Trong không pháp ấy”: Tức là trong cái rỗng không của các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đã soi thấy được là không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức bởi vì Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không có Tự tánh tức là không có cỗ máy để tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp nên các pháp không sanh, không khởi. Do không sanh, không khởi nên các pháp rỗng không, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức rỗng không. Vì rỗng không nên không có, do đó, trong cái rỗng không ấy không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý; không có Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; không có Nhãn giới nhẫn đến không có Ý thức giới. Vì vậy, không có con người bởi con người được Đức Phật Thích Ca tách ra thành năm uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) hay mười tám giới (Sáu Căn, Sáu Trần, Sáu Thức. Sáu Căn là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Sáu Trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Sáu Thức là từ Nhãn giới nhẫn đến Ý thức giới).

– “Không có vô minh cũng không có vô minh tận, nhẫn đến không có lão tử, cũng không có lão tử tận”:

Mười hai nhân duyên bao gồm từ Vô minh đến Lão tử. Đây là quy luật sanh khởi ra con người theo Nhân quả, đọa sanh hành nghiệp con người vào các đường khổ ách, sanh tử. Nhưng mười hai nhân duyên cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Do đó, mười hai nhân duyên cũng không tự sanh ra được mười hai nhân duyên.

Vì không có con người nên không có mười hai nhân duyên. Vì con người lầm mê, không hiểu biết về chơn tánh nên con người vô minh, do đó, con người sanh ra Vô minh. Có Vô minh thì có Lão tử, nghĩa là có mười hai nhân duyên.

Vì con người sanh ra Vô minh nên không có con người thì sẽ không có Vô minh. Khi Vô minh không có tức là Vô minh không sanh thì không có Vô minh tận, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Chúc Lụy, Đức Phật Thích Ca nói: “Nếu các pháp đó đã vô sanh thì làm sao có tận”. Tận có nghĩa là diệt, do đó, không có Vô minh thì không có Vô minh diệt.

Vì không có con người thì không có Lão tử nên cũng không có Lão tử tận, nghĩa là không có Lão tử diệt.

Như vậy, trong cái rỗng không của các pháp thì không có Vô minh cũng không có Vô minh diệt, nhẫn đến không có Lão tử cũng không có Lão tử diệt.

– “Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo”:

Khổ, Tập, Diệt, Đạo là Tứ đế gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

Khổ là con người được sinh ra, phải chịu vô lượng các sự khổ. Khổ là có nguyên nhân.

Nguyên nhân của Khổ là do Tập. Tập là tập khí phiền não, chính là những nghiệp ác bất thiện.

Con người muốn giải thoát mọi khổ đau thì phải diệt nguyên nhân gây ra đau khổ, đó là diệt nghiệp.

Đạo là con đường diệt nghiệp để giải thoát, gồm Thập thiện đạo, Ba bảy pháp trợ đạo, Bát thánh đạo, …

Khổ, Tập, Diệt, Đạo không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không nên không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Do đó, trong cái rỗng không của các pháp không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

– “Không có trí, cũng không có đắc”:

Không có trí nghĩa là ý thức của con người là không thật có, chỉ được tạo ra dựa trên cơ sở nghiệp (Hành làm duyên cho Thức sanh khởi), mà Phật tánh tạo tác, sanh khởi, thường trụ trong con người tạo ra trí thông minh, hiểu biết hay ngu dốt là dựa vào nghiệp.

Vì trong cái rỗng không của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không có con người nên không có trí, cũng không có đắc.

Cũng không có Đắc: Đắc là mọi thành đạt của con người trong việc tư duy, sự mong muốn của con người trong tham cầu. Ai cũng muốn mình được đầy đủ như người khác và cố gắng phấn đấu để đạt được những mong muốn. Nhưng vì Nhân quả mà Phật tánh thường trụ trong con người báo ứng theo nghiệp, nhân nào quả ấy. Do đó, mọi mong muốn của con người không thể đạt được theo ý muốn của mình, mà tùy vào nhân để hưởng quả. Do đó, không có Đắc.

– “Không có Tu đà hoàn và quả Tu đà hoàn, không có Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật và Phật, cũng không có quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, quả Bích chi Phật và quả Phật”:

Các quả tu từ Tu đà hoàn đến quả Phật là do Bát nhã ba la mật định. Các quả này đều không có Tự tánh nên không sanh ra được các quả. Con người cũng không tự tu tự chứng cho mình được và cũng không phải người này chứng cho người khác được. Các quả tu này là do Phật tánh thường trụ trong người tu hành chứng theo Nhân quả tương ứng, nhưng Phật tánh cũng không có Tự tánh nên không tự sanh ra được Phật tánh. Phật tánh là vô sanh, rỗng không nên không có các quả từ Tu đà hoàn đến quả Phật. Khi đã không có các quả trên thì không có các bậc từ Tu đà hoàn đến bậc Phật, kể cả danh tự từ Tu đà hoàn đến Phật cũng không có.

Do đó, trong cái rỗng không ấy không có Tu đà hoàn và quả Tu đà hoàn, không có Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật và Phật, cũng không có quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, quả Bích chi Phật và quả Phật.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát tu tập đúng như vậy gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Đại Bồ tát tu tập đúng như vậy nghĩa là Đại Bồ tát tu tập thấy được đúng các pháp hiện hữu nhưng đều rỗng không, không có các pháp gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật vì Đại Bồ tát tu tập phải thấy được các pháp rỗng không, không có các pháp thời mới thấy được sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật, Chánh thân Như Lai tạo ra. Bát nhã ba la mật tạo theo tùy duyên như thế nào thì các pháp được như thế đó nên các pháp tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng; cũng chẳng thấy Đàn na ba la mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật và Thiền na ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng. Đại Bồ tát cũng chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, chẳng thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chẳng thấy nhãn giới nhẫn đến ý thức giới hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng. Đại Bồ tát cũng chẳng thấy tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng”.

Luận giải:

♦ “Lúc thật hành Bát nhã ba la mật”:

Thật hành Bát nhã ba la mật là thật hành tất cả các pháp không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên không chấp vào các pháp như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Vô Tác, Đức Phật Thích Ca nói:

“Muốn thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng hành nơi sắc, chẳng hành nơi thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến chẳng hành nơi nhứt thiết chủng trí, thời đó là thật hành Bát nhã ba la mật, …

Tại sao vậy? Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhứt thiết chủng trí đây vốn không có tánh, …”.

Như vậy, tất cả các pháp từ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nhẫn đến Nhất thiết chủng trí (Bát nhã ba la mật, Phật tánh) vốn không có tánh, không tự sanh, rỗng không nên Đại Bồ tát chẳng chấp vào các pháp.

♦ “Đại Bồ tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật vì Bát nhã ba la mật là Pháp tánh tạo tác, sanh khởi ra các pháp và thường trụ trong các pháp, nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh để tự sanh khởi ra Bát nhã ba la mật, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Hành Tướng chỉ rõ: “Vì không có tánh, chính đó là Bát nhã ba la mật”. Bát nhã ba la mật không có tánh, tức là không có Tự tánh nên không tự sanh ra được Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật vô sanh, rỗng không, không có Bát nhã ba la mật. Do đó, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng.

Bát nhã ba la mật là Tự tánh của Như Lai tạng do Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thời có, không phân thân sẽ không có.

Nếu Như Lai phân thân sẽ có Bát nhã ba la mật, Tự tánh Như Lai tạng nên Bát nhã ba la mật tương ứng.

Nếu Như Lai không phân thân sẽ không có Bát nhã ba la mật, Tự tánh Như Lai tạng nên Bát nhã ba la mật chẳng tương ứng.

♦ “Cũng chẳng thấy Đàn na ba la mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật và Thiền na ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng”:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Đàn na ba la mật nhẫn đến Thiền na ba la mật đều không có Tự tánh, tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là vô sanh, rỗng không. Các pháp được hiện hữu là do Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra thì mới có các pháp từ Đàn na ba la mật nhẫn đến Thiền na ba la mật. Nhưng Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có Bát nhã ba la mật cho nên các pháp từ Đàn na ba la mật nhẫn đến Thiền na ba la mật cũng không có. Do đó, Đại Bồ tát chẳng thấy Đàn na ba la mật nhẫn đến Thiền na ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng.

Bát nhã ba la mật là Tự tánh Như Lai tạng do Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thời mới có, không phân thân sẽ không có.

Nếu Như Lai (Bát nhã ba la mật) phân thân thì sẽ có Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật sẽ tạo tác, sanh khởi ra các pháp từ Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật nên các pháp này tương ứng với Bát nhã ba la mật (Chánh thân Như Lai).

Nếu Như Lai (Bát nhã ba la mật) không phân thân sẽ không có Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật nên sẽ không có các pháp từ Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật, vì vậy các pháp này chẳng tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Đại Bồ tát cũng chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; chẳng thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; chẳng thấy nhãn giới nhẫn đến ý thức giới hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng”:

Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là năm uẩn.

Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý là sáu căn.

Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp là sáu trần.

Nhãn thức nhẫn đến Ý thức giới là sáu thức.

Con người được Đức Phật Thích Ca tách ra làm năm uẩn hay mười tám giới để quan sát.

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh. Do đó, các pháp: năm uẩn, mười tám giới đều không có Tự tánh, tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra năm uẩn, mười tám giới nên năm uẩn, mười tám giới đều vô sanh, rỗng không.

Sự hiện hữu của các pháp là do Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp, do đó, năm uẩn hay mười tám giới được hiện hữu trên thế gian này. Nhưng Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh để tự sanh khởi ra được Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật là rỗng không nên không có các pháp: năm uẩn, mười tám giới. Do đó, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng thấy Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, chẳng thấy Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, chẳng thấy Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, chẳng thấy Nhãn thức giới nhẫn đến Ý thức giới hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng.

Bát nhã ba la mật là Tự tánh Như Lai tạng do Như Lai phân thân thời mới có, không phân thân sẽ không có.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật không phân thân thì sẽ không có Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật. Không có Bát nhã ba la mật thời các pháp: năm uẩn, mười tám giới đều không được sanh ra nên chẳng tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thì sẽ có Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật sẽ tạo tác, sanh khởi ra các pháp: năm uẩn, mười tám giới nên các pháp này đều tương ứng với Bát nhã ba la mật (Như Lai).

♦ “Đại Bồ tát cũng chẳng thấy tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp từ Tứ niệm xứ nhẫn đến Nhất thiết chủng trí đều không có Tự tánh, tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Các pháp là vô sanh vô khởi, vì vô sanh nên rỗng không, không có các pháp. Sự hiện hữu của Tứ niệm xứ nhẫn đến Nhất thiết chủng trí đều do Bát nhã ba la mật hay Tự tánh Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi ra các pháp và thường trụ trong các pháp. Nhưng Tự tánh Như Lai tạng cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có các pháp từ Tứ niệm xứ nhẫn đến Nhất thiết chủng trí nên chẳng thấy Tứ niệm xứ nhẫn đến Nhất thiết chủng trí hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thời mới có Tự tánh Như Lai tạng. Có Tự tánh Như Lai mới tạo tác, sanh khởi ra các pháp nên các pháp từ Tứ niệm xứ nhẫn đến Nhất thiết chủng trí tương ứng với Bát nhã ba la mật, Chánh thân Như Lai.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật không phân thân thời không có Tự tánh Như Lai tạng. Do đó, các pháp từ Tứ niệm xứ nhẫn đến Nhất thiết chủng trí cũng không được sanh ra nên Tứ niệm xứ nhẫn đến Nhất thiết chủng trí chẳng tương ứng với Bát nhã ba la mật, Chánh thân Như Lai.

Chính kinh:

“Như trên đây, nầy Xá Lợi Phất! Phải biết đó là đại Bồ tát tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp từ Sáu ba la mật, Năm uẩn, Mười tám giới, Tứ niệm xứ đến Bát thánh đạo phần nhẫn đến Nhất thiết chủng trí đều rỗng không bởi không có Tự tánh, không tự sanh nên chẳng thấy hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng thời mới thấy được sự hiện hữu của các pháp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra mọi hiện hữu. Do đó, tất cả các pháp đều tương ứng với Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, không chẳng hiệp với không, vô tướng chẳng hiệp với vô tướng, vô tác chẳng hiệp với vô tác. Tại sao vậy? Vì không, vô tướng và vô tác chẳng có hiệp với chẳng hiệp”.

Luận giải:

Không là nói Không tam muội như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật chỉ rõ: “Không tam muội là nói các pháp tự tướng rỗng không”, nghĩa là các pháp hiện hữu nhưng vô ngã, không có chúa tể, không có chủ tể. Tự tướng rỗng không nên tướng như bất động.

Vô tướng là nói Vô tướng tam muội như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật chỉ rõ: Vô tướng tam muội là nói diệt hoại các pháp tướng, không nghĩ, không nhớ”, nghĩa là các pháp hiện hữu nhưng không có tướng tự diệt hoại, tức là các pháp không có tướng diệt.

Vô tác là nói Vô tác tam muội, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật chỉ rõ: Vô tác tam muội là nói đối với các pháp không mong cầu tạo tác”, nghĩa là các pháp hiện hữu nhưng không có cái để tự tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, tức là các pháp không có tướng sanh.

Ba môn tam muội gồm Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội chỉ rõ các pháp hiện hữu nhưng tất cả đều không có tướng sanh, không có tướng diệt và tướng như bất động.

Vậy, ba môn tam muội từ đâu mà có?

Khi không có các pháp hiện hữu thời không có ba môn tam muội.

Khi có các pháp hiện hữu thời mới có hiện tượng sanh, hiện tượng diệt, hiện tượng tướng như bất động, nghĩa là có ba môn tam muội.

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Các pháp là vô sanh vô khởi, các pháp không tự sanh ra được các pháp, các pháp là rỗng không, không có các pháp. Do đó, không có sanh, không có diệt, không có tướng như bất động, thậm chí cả danh tự tuyên nói cũng không có như danh tự Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội.

Sự hiện hữu của các pháp là do Tự tánh Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp, được thể hiện trong ba mươi hai tướng tạo tác như Kinh Lăng Già Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm chỉ rõ: “Tự tánh của Như Lai tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất bị cáu bẩn vọng phân biệt tham, sân, si sở ô nhiễm giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ”. Như vậy, chúng sanh, các pháp được sanh ra là do Tự tánh Như Lai tạng. Có chúng sanh, có các pháp thời có ba môn tam muội (Không, Vô tướng, Vô tác) để giải thích về hiện tượng có, hiện tượng không của các pháp.

Tự tánh của Như Lai tạng cũng không tự sanh ra Tự tánh của Như Lai tạng vì không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh nên vô sanh, rỗng không. Không có Tự tánh Như Lai tạng thời cũng không có các pháp. Khi không có các pháp thì cũng không có ba môn tam muội. Do đó, Không, Vô tướng, Vô tác chẳng có hiệp với chẳng hiệp. Tự tánh Như Lai tạng do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thời mới có, nếu không phân thân sẽ không có.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát tu tập đúng như vậy gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Đại Bồ tát phải tu tập để thấy được ba môn tam muội chẳng có hiệp với chẳng hiệp nghĩa là Đại Bồ tát phải tu tập đúng để thấy được không có ba môn tam muội, tức là thấy được tất cả các pháp rỗng không thời mới thấy được sự hiện hữu của các pháp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra tất cả mọi hiện hữu của các pháp nên tất cả các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật, Chánh thân Như Lai.

Chính kinh:

“Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát nhập vào tự tướng không của các pháp, nhập xong, nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, Bồ tát chẳng cho là hiệp, chẳng cho là chẳng hiệp, sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng hiệp với tiền tế cũng chẳng hiệp với hậu tế, chẳng hiệp với hiện tại. Tại sao vậy? Vì Bồ tát chẳng thấy tiền tế, chẳng thấy hậu tế cũng chẳng thấy hiện tại”.

Luận giải:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật là không chấp vào tất cả các pháp bởi tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không.

Nhập vào Tự tướng không của các pháp, nhập xong Đại Bồ tát thấy được các pháp Tự tướng rỗng không là vì tướng của các pháp không sanh, không diệt. Tướng của các pháp được hiện hữu là do Tự tánh Như Lai tạng ẩn trong thân chúng sanh tạo tác, sanh khởi ra chúng sanh mà có, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh, Đức Phật Thích Ca nói: “Ngã tức nghĩa của Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã”. Như vậy, ngã chính là Tự tướng, là chúa tể, chủ tể trong chúng sanh, nhưng lại là của Như Lai chứ không phải của chúng sanh, của các pháp. Do đó, khi nhập vào Tự tướng trong các pháp, Đại Bồ tát thấy được các pháp Tự tướng rỗng không như trong quá trình quan sát để tìm đến ba môn tam muội và thấy được các pháp vô sanh do các pháp không có cái tạo tác, tức là không có cỗ máy để tự tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là rỗng không. Vì vậy, Sắc rỗng không, Thọ, Tưởng, Hành, Thức rỗng không nghĩa là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều Tự tánh rỗng không, Tự tướng rỗng không. Mà Tự tánh, Tự tướng trong tất cả các pháp đều do Tự tánh Như Lai tạng tạo ra nên Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hiệp, còn nếu Tự tánh Như Lai tạng không sanh thì Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không có nên chẳng hiệp.

Như vậy, khi nhập vào Tự tướng không của các pháp nơi Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Đại Bồ tát chẳng cho là hiệp (không hiệp), chẳng cho là chẳng hiệp (có hiệp). Từ quá khứ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức được sanh ra cũng chẳng hiệp, chẳng phải chẳng hiệp như hiện tại chẳng hiệp, cũng chẳng cho là chẳng hiệp, vị lai Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chẳng hiệp, cũng chẳng cho là  chẳng hiệp vì trong hiện tại thấy rằng, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hiệp và chẳng hiệp vì các pháp hiện hữu hiệp là do Tự tánh Như Lai tạng.

Nếu Tự tánh Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi ra Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức có hiệp. Có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thời có tiền tế, hậu tế, hiện tại.

Nếu Tự tánh Như Lai tạng không tạo tác, sanh khởi thời Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức rỗng không, không có nên chẳng hiệp. Khi không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thời không có tiền tế, hậu tế, hiện tại nên Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chẳng hiệp với tiền tế, chẳng hiệp với hậu tế, chẳng hiệp với hiện tại bởi Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không có Tự tánh để tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là rỗng không, không có nên không có tiền tế, hậu tế, hiện tại. Do đó, Đại Bồ tát chẳng thấy tiền tế, chẳng thấy hậu tế, chẳng thấy hiện tại.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày  19 tháng 12 năm 2021

Phạm Thị Mý