Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tu Tập Đúng) – P18

Chính kinh:

“Lại nầy Xá Lợi Phất! Chẳng vì thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc, lậu tận sáu môn thần thông mà đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì lúc thật hành, đại Bồ tát còn chẳng thấy Bát nhã ba la mật huống là thấy Bồ Tát thần thông. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Các thần thông gồm Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm, Túc mạng, Thần túc và Lậu tận.

♦ “Thiên nhãn”: Đại Bồ tát có thiên nhãn là hiểu được tất cả các pháp, chúng sanh đều rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động khả đắc theo nhân quả nên Đại Bồ tát thấy chúng sanh chết nơi đây sanh nơi kia.

♦ “Thiên nhĩ”: Đại Bồ tát có thiên nhĩ sẽ nghe được chư Thiên nói ở trong đầu nên nghe được chư Phật mười phương thuyết pháp.

♦ “Tha tâm”: Đại Bồ tát có tha tâm thì biết được tâm niệm (suy nghĩ) của hằng sa chúng sanh.

♦ “Túc mạng”: Bồ tát có túc mạng là nhớ biết được đời trước của mình và cũng nhớ biết được những đời trước của người khác.

♦ “Thần túc”: là Thần lực của Đức Phật, là Thần lực của Như Lai. Đây là phép biến hóa nhiệm màu của Như Lai.

♦ “Lậu tận”: Bồ tát có lậu tận thì biết rõ nghiệp của chúng sanh, biết chỗ tạo nghiệp của chúng sanh.

Trên đây là sáu môn thần thông mà Đại Bồ tát được phát khởi.

Thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được là Đại Bồ tát cũng như các môn thần thông đều không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh nên Đại Bồ tát, các môn thần thông là vô sanh, vô khởi. Do đó, Đại Bồ tát và các môn thần thông là rỗng không, không có. Sự hiện hữu của Đại Bồ tát và các môn thần thông là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong Đại Bồ tát phát khởi các thần thông theo nhân quả (theo nhân lành mà Đại Bồ tát đã tạo được). Nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có Bát nhã ba la mật nên Đại Bồ tát và các thần thông cũng rỗng không, không có. Vì vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát còn chẳng thấy Bát nhã ba la mật huống là thấy Bồ tát thần thông. Do đó, Đại Bồ tát chẳng vì các thần thông mà thật hành Bát nhã ba la mật.

Bát nhã ba la mật do Như Lai phân thân thời có, có Bát nhã ba la mật thời có Đại Bồ tát và các thần thông. Như vậy, thần thông là do Như Lai sanh ra, nếu Như Lai không phân thân thì sẽ không có Bát nhã ba la mật và Bồ tát cùng các thần thông cũng không được sanh ra nên không có. Do đó, Đại Bồ tát chẳng vì các thần thông mà thật hành Bát nhã ba la mật bởi thật hành Bát nhã ba la mật Đại Bồ tát mới thấy được tất cả các pháp đều vô sanh, rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp là do Như Lai, là Đấng tạo hóa duy nhất tạo ra tất cả các pháp kể cả Bát nhã ba la mật và các thần thông. Đại Bồ tát hiểu được như vậy nên tất cả các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật (Như Lai).

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng quan niệm rằng ta dùng như ý thần thông bay đến phương Đông cùng bay đến khắp mười phương để cúng dường hằng sa chư Phật, cũng chẳng quan niệm rằng ta dùng thiên nhĩ nghe hằng sa chư Phật mười phương thuyết pháp, dùng tha tâm trí biết tâm niệm của hằng sa chúng sanh mười phương, dùng túc mạng trí biết việc làm của vô lượng đời của hằng sa chúng sanh ở mười phương, cũng chẳng nghĩ rằng ta dùng thiên nhãn thấy hằng sa chúng sanh chết đây sanh về nơi kia. Như đây gọi là đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật tương ứng với Bát nhã ba la mật và cũng có thể độ thoát vô lượng vô số chúng sanh”.

Luận giải:

“Như ý thần thông”: là Bồ tát có ý thức hiểu được tất cả các pháp đều có Tự tánh Như Lai tạng là Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra mọi hiện hữu khắp trong vũ trụ.

Thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Do đó, Bồ tát và các thần thông cũng không có Tự tánh để tự sanh ra được Bồ tát, thần thông nên Bồ tát và các thần thông là rỗng không. Sự hiện hữu của Bồ tát và các thần thông là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra Bồ tát và phát khởi các thần thông trong Bồ tát. Nhưng Bát nhã ba la mật và các thần thông cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có nên Bồ tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật huống là thấy các thần thông. Vì vậy, Bồ tát không có quan niệm ta dùng các thần thông.

Bát nhã ba la mật do Như Lai phân thân thời có, không phân thân sẽ không có.

Nếu Như Lai phân thân thì có Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật sẽ tạo tác, sanh khởi ra các pháp, Đại Bồ tát và phát khởi các thần thông.

Còn nếu Như Lai không phân thân sẽ không có Bát nhã ba la mật. Do đó, Bồ tát và các thần thông cũng không có.

Đại Bồ tát hiểu được như vậy là Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật tương ứng với Bát nhã ba la mật nghĩa là Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp từ chúng sanh, Đại Bồ tát, thần thông cho  Bát nhã ba la mật, … đều rỗng không bởi tất cả đều không có cái để tự tạo tác, sanh khởi ra, mà tất cả là do Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thì mới có. Vì vậy, tất cả các pháp hiện hữu đều tương ứng với Bát nhã ba la mật (Như Lai).

Do đó, Đại Bồ tát thuyết giảng chỉ cho chúng sanh biết để chúng sanh tu hành thời sẽ thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát có thể thật hành Bát nhã ba la mật như vậy thời ác ma không hại được, tất cả sự việc thế gian đều tùy ý muốn, hằng sa chư Phật mười phương đều ủng hộ cho Bồ Tát này chẳng sa vào hàng Thanh văn, Bích chi Phật. Chư Thiên từ Tứ vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên cũng đều ủng hộ Bồ Tát này giúp thêm tự tại. Nếu Bồ Tát này có trọng tội thời hiện đời bị báo nhẹ. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát này dùng lòng từ bình đẳng lợi ích chúng sanh. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦ “Đại Bồ tát có thể thật hành Bát nhã ba la mật như vậy thời ác ma không hại được, tất cả sự việc thế gian đều tùy ý muốn, hằng sa chư Phật mười phương đều ủng hộ cho Bồ Tát này chẳng sa vào hàng Thanh văn, Bích chi Phật. Chư Thiên từ Tứ vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên cũng đều ủng hộ Bồ Tát này giúp thêm tự tại”:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật như vậy nghĩa là Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp không có Tự tánh tức là các pháp không có cái để tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là vô sanh nên các pháp rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp từ Đại Bồ tát, ác ma, tất cả mọi sự việc ở thế gian, hằng sa chư Phật mười phương, tất cả chư Thiên ở các cõi trời, … đều do Tự tánh Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi ra mà có. Đại Bồ tát hiểu được như vậy nên Đại Bồ tát luôn luôn tự tại.

♦ “Nếu Bồ Tát này có trọng tội thời hiện đời bị báo nhẹ. Tại sao? Vì Bồ Tát này dùng lòng từ bình đẳng lợi ích chúng sanh”:

Bồ tát này có trọng tội tức là Bồ tát sanh (thối Bồ tát). Bồ tát này hiểu được tất cả các pháp đều không có cái tạo tác để cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là không sanh, các pháp rỗng không. Tự tánh để tạo tác, sanh khởi ra các pháp là Tự tánh Như Lai tạng, là Trí tuệ Phật tức Bát nhã ba la mật nên tất cả các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật. Bồ tát này hiểu biết rõ tất cả các pháp đều là Phật pháp nhưng vẫn bị sa vào trọng tội, thoái chuyển đường tu thì quả báo hiện đời được giảm nhẹ vì Bồ tát này dùng phương tiện để hóa độ chúng sanh, chỉ cho chúng sanh thấy được tất cả các pháp hiện hữu, mọi sự việc ở thế gian đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi. Bát nhã ba la mật là Trí tuệ Phật tức là Đức Phật.

♦ “Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ tát tu tập thấy được tất cả các pháp trong không gian vũ trụ vạn vật ở hằng sa thế giới mười phương đều rỗng không bởi không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra các pháp và thường trụ trong các pháp. Tất cả các pháp đều là Bát nhã ba la mật, là Trí tuệ Phật, là Đức Phật. Nếu Đức Phật tạo tác, sanh khởi thời mới có các pháp, nếu Đức Phật không sanh thời các pháp sẽ rỗng không, không có các pháp. Do đó, tất cả các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật (Đức Phật, Chánh thân Như Lai).

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát mau được các môn đà la ni và các môn tam muội, sanh về đâu cũng thường gặp chư Phật mãi đến khi chứng quả Vô thượng Bồ đề không bao giờ rời chư Phật. Đây gọi là tương ứng với Bát nhã Ba la mật”.

Luận giải:

♦ “Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát mau được các môn đà la ni và các môn tam muội”:

Đà la ni: là sức tăng thượng của tuệ niệm, là độ nghĩ nhớ được lâu.

Các môn đà la ni: là nhớ được nhiều môn.

Các môn tam muội là ba môn tam muội gồm Không tam muội, Vô tướng tam muội và Vô tác tam muội, chỉ về các pháp hiện hữu nhưng tất cả đều không có tướng sanh, không có tướng diệt và tướng như bất động nghĩa là các pháp hiện hữu nhưng không tự sanh ra được các pháp, các pháp không tự diệt được các pháp, mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại không phải tự các pháp hoạt động được.

Thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu rõ được tất cả các pháp đều không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là vô sanh, vô khởi nên các pháp rỗng không, không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật làm Tự tánh để tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp và làm Tự tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại khả đắc theo nhân quả. Đại Bồ tát hiểu rõ được như vậy nên không chấp vào các pháp. Do đó, không tạo ra những nghiệp chẳng lành, dứt trừ được phiền não và được Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát cho ý thức nhớ được lâu và nhớ được nhiều môn gọi là được các môn đà la ni, hay nói cách khác Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát phát khởi các môn đà la ni.

Tùy thuộc vào nhân quả tức là thiện căn của Đại Bồ tát đã tạo ra được mà Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát cho Đại Bồ tát hiểu được các môn tam muội.

Các môn đà la ni, các môn tam muội không tự sanh ra vì cũng không có Tự tánh nên vô sanh, rỗng không. Đại Bồ tát cũng không sanh ra được các môn đà la ni, các môn tam muội vì Đại Bồ tát cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không.

Như vậy, Đại Bồ tát được các môn đà la ni, các môn tam muội là do Bát nhã ba la mật nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có nên cũng không có các môn đà la ni và các môn tam muội.

Bát nhã ba la mật là trí tuệ đến từ bờ kia do Như Lai phân thân thời có. Có Bát nhã ba la mật thời có Đại Bồ tát, các môn đà la ni và các môn tam muội. Do đó, các môn đà la ni, các môn tam muội là do Như Lai, Đức Phật sanh ra.

♦ “Sanh về đâu cũng thường gặp chư Phật mãi đến khi chứng quả Vô thượng Bồ đề không bao giờ rời chư Phật”:

Đại Bồ tát luôn luôn nghĩ nhớ tất cả các pháp đều do Như Lai sanh ra, còn các pháp đều không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không. Mãi đến khi Đại Bồ tát chứng quả Vô thượng Bồ đề tức là có được các thần thông cũng không bao giờ rời chư Phật nghĩa là không bao giờ rời Đức Phật (Như Lai). Đại Bồ tát luôn luôn nghĩ nhớ đến Như Lai là Đấng tạo hóa duy nhất sanh ra tất cả.

♦ “Đây gọi là tương ứng với Bát nhã Ba la mật”:

Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có các pháp nên mới thấy được sự hiện hữu của các pháp, các môn đà la ni, các môn tam muội là do Như Lai, Bát nhã ba la mật sanh ra. Do đó, tất cả đều tương ứng với Bát nhã ba la mật, Như Lai, Đức Phật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng nghĩ rằng có pháp nầy với với pháp nầy hoặc hiệp hay chẳng hiệp nhau, hoặc bằng hay chẳng bằng nhau. Tại sao vậy? Vì đại Bồ tát chẳng thấy có pháp nầy cùng những pháp khác hoặc hiệp hoặc bằng hay chẳng hiệp chẳng bằng. Đây gọi là tương ứng với Bát nhã Ba la mật”.

Luận giải:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng chấp vào tất cả pháp kể cả Bát nhã Ba la mật là Phật tánh bởi tất cả các pháp đều không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Các pháp là không sanh, rỗng không, không có các pháp thời chẳng thấy các pháp có hiệp hay chẳng hiệp nhau, hoặc bằng hay chẳng bằng nhau. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra các pháp. Có các pháp thời có sự hiệp hay chẳng hiệp, sự bằng hay chẳng bằng nhau của các pháp.

Nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật là vô sanh, rỗng không, không có Bát nhã ba la mật thời các pháp cũng không được sanh ra nên Đại Bồ tát chẳng thấy có pháp này cùng với những pháp khác hoặc hiệp hoặc bằng hay chẳng hiệp chẳng bằng.

Bát nhã ba la mật do Như Lai phân thân thời có, Như Lai không phân thân sẽ không có.

Nếu Như Lai không phân thân sẽ không có Bát nhã ba la mật, do đó, cũng không có các pháp.

Nếu Như Lai phân thân thì sẽ có Bát nhã ba la mật và Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra các pháp. Khi có các pháp thì có sự hiệp hay chẳng hiệp, sự bằng hay chẳng bằng nhau của các pháp.

♦ “Đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Nghĩa là Đại Bồ tát hiểu rõ được tất cả các pháp đều rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp để các pháp hiệp hay chẳng hiệp, bằng hay chẳng bằng là do Như Lai tạo tác, sanh khởi ra mà có nên tất cả các pháp đều tương ứng với Như Lai, Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng nghĩ rằng ta sẽ chóng được pháp tánh hoặc chẳng được. Tại sao vậy? Vì pháp tánh chẳng phải là tướng được. Đây gọi là tu tập tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng chấp trước tất cả pháp từ Sắc nhẫn đến Nhất thiết chủng trí bởi tất cả các pháp đều không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Các pháp là vô sanh nên các pháp rỗng không, không thật có. Sự hiện hữu của các pháp là do Tự tánh Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Tự tánh Như Lai tạng còn gọi là Pháp tánh thường trụ trong các pháp, trong chúng sanh, trong Đại Bồ tát, nhưng Tự tánh Như Lai tạng, Pháp tánh cũng không có Tự tánh để tự sanh khởi ra được Pháp tánh. Pháp tánh là vô sanh, rỗng không, không có tướng nên lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng nghĩ rằng ta sẽ chóng được Pháp tánh hay chẳng được.

Tự tánh Như Lai tạng, Pháp tánh là do Như Lai phân thân thời có, Như Lai không phân thân sẽ không có.

Nếu Như Lai phân thân sẽ có Pháp tánh. Pháp tánh này sẽ tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp.

Nếu Như Lai không phân thân thời không có Pháp tánh, do đó, tất cả các pháp, Đại Bồ tát không được sanh ra.

Đại Bồ tát tu tập thấy được Pháp tánh là cái tạo tác, sanh khởi ra các pháp cũng rỗng không nên mới thấy được sự hiện hữu của Pháp tánh là do Như Lai. Do đó, tất cả các pháp, Pháp tánh đều tương ứng với Bát nhã ba la mật, Như Lai.

Chính kinh:

“Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng thấy có pháp nào ra ngoài pháp tánh, cũng chẳng nghĩ rằng pháp tánh khác với các pháp, cũng chẳng nghĩ rằng pháp này có thể được pháp tánh hay chẳng được. Tại sao vậy? Vì đại Bồ tát chẳng thấy dùng pháp nầy có thể được pháp tánh hay chẳng được pháp tánh. Đại Bồ tát tu tập đúng như đây thì gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát không chấp trước vào các pháp bởi các pháp không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, các pháp được hiện hữu là do Pháp tánh. Pháp tánh tạo tác thế nào thì các pháp được như thế đó. “Sắc tức thị không”. Không chính là Pháp tánh nên Đại Bồ tát chẳng thấy có pháp nào ra ngoài Pháp tánh và cũng chẳng nghĩ Pháp tánh khác với các pháp, như Kinh Bát Nhã Ba la mật, Tập III, Phẩm Thiện Đạt, Đức Phật nói: “Vì pháp chẳng thể có được nên chẳng thể nói ngoài pháp tánh có pháp, … Đại Bồ tát học pháp tánh thì học tất cả pháp. Tại sao? Vì tất cả pháp là pháp tánh”.

Như vậy, tất cả pháp đều do Pháp tánh tạo ra nhưng Pháp tánh cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên Đại Bồ tát chẳng nghĩ rằng dùng pháp này có thể được Pháp tánh hay chẳng được Pháp tánh vì Pháp tánh rỗng không nên chẳng có tướng được như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Thán Tịnh, Đức Phật nói: “Tất cả pháp một tánh duy nhất chẳng phải hai tánh. Pháp tánh duy nhất này cũng là vô tánh. Vô tánh này chính là tánh. Tánh này chẳng khởi chẳng tác. Nếu Đại Bồ tát biết các pháp một tánh duy nhất là vô tánh không khởi không tác, thời xa lìa tất cả tướng chướng ngại”, nghĩa là Pháp tánh duy nhất tạo ra các pháp, nhưng Pháp tánh cũng không có Tự tánh nên vô sanh, rỗng không.

Như vậy, Đại Bồ tát tu tập tất cả các pháp là Pháp tánh (Bát nhã ba la mật) nhưng Pháp tánh cũng rỗng không. Sự hiện hữu của Pháp tánh là do Bát nhã ba la mật, Đức Phật, Chánh thân Như Lai phân thân, do đó, tất cả các pháp đều do Đức Phật, Bát nhã ba la mật tạo ra.

Đại Bồ tát tu tập tất cả các pháp đều rỗng không, Pháp tánh (Bát nhã ba la mật) cũng rỗng không thì sự hiện hữu của Pháp tánh, các pháp là do Bát nhã ba la mật, Đức Phật nên gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật, Chánh thân Như Lai.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, pháp tánh chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với pháp tánh. Đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Thật hành Bát nhã ba la mật là thật hành tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, các pháp hiện hữu là do Bát nhã ba la mật sanh.

Pháp tánh là cái tạo tác, cấu tạo, khởi sanh ra các pháp, chính là Phật tánh, là cái đang hiện hữu. Tuy Pháp tánh không có Tự tánh, không tự sanh ra được Pháp tánh nhưng Pháp tánh là do Bát nhã ba la mật (Chánh thân Như Lai) phân thân ra nên mới có sự hiện hữu để tạo tác, sanh khởi ra các pháp. Do Pháp tánh hiện hữu nên mới có tên gọi. Còn “Không” là rỗng không. Do đó, Pháp tánh chẳng hiệp với Không (rỗng không).

Như vậy, Pháp tánh tương ứng với Bát nhã ba la mật (Chánh thân Như Lai) bởi Bát nhã ba la mật tạo ra thì mới có Pháp tánh. Đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, nhãn giới chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với nhãn giới; sắc giới chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với sắc giới; nhãn thức giới chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với nhãn thức giới; nhẫn đến ý giới, pháp giới và ý thức giới chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với ý giới, pháp giới và ý thức giới. Tương ứng không như vậy gọi là tương ứng đệ nhứt”.

Luận giải:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật nên không chấp vào tất cả pháp vì tất cả các pháp đều không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không.

Nhãn giới đến Ý giới là sáu căn. Sắc giới đến Pháp giới là sáu trần. Nhãn thức giới đến Ý thức giới là sáu thức.

Từ Nhãn giới, Sắc giới, Nhãn thức giới đến Ý giới, Pháp giới, Ý thức giới chính là mười tám giới đều là những pháp hiện hữu, có tên gọi, đều do Bát nhã ba la mật tạo ra. Còn vốn thể mười tám giới không có Tự tánh, vô sanh nên rỗng không.

Còn Không là rỗng không. Mười tám giới chẳng hiệp với không (rỗng không), có nghĩa là mười tám giới là những pháp đã hiện hữu, mà đã hiện hữu thì không còn rỗng không nên chẳng hiệp với không (rỗng không).

Nếu mười tám giới không được Bát nhã ba la mật sanh ra thì mười tám giới rỗng không, không có. Vì không có nên chẳng hiệp.

Mười tám giới được hiện hữu là do Bát nhã ba la mật, Pháp tánh tạo tác, sanh khởi, nhưng Pháp tánh chỉ là cái phân thân của Như Lai, Bát nhã ba la mật. Do đó, mười tám giới tương ứng với Bát nhã ba la mật, Như Lai.

♦ “Tương ứng không như vậy gọi là tương ứng đệ nhứt”:

Không ở đây là Bát nhã ba la mật bởi tất cả các pháp kể trên đang hiện hữu là do Bát nhã ba la mật tạo ra, còn tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có. Các pháp hiện hữu đều do Bát nhã ba la mật nên tương ứng với Bát nhã ba la mật. Do đó, tương ứng Không như vậy được gọi là tương ứng bậc nhất (Đệ nhất) không có gì hơn.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Bồ Tát thật hành pháp không chẳng sa vào hàng Thanh văn, Bích chi Phật, có thể thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh, chóng được Vô thượng Bồ đề”.

Luận giải:

Đại Bồ tát thật hành Pháp không nghĩa là thật hành tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh thời chẳng sa vào hàng Thanh văn, Bích chi Phật bởi hàng Thanh văn, Bích chi Phật còn chấp trước các pháp, có các pháp nên khó được giải thoát, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Biến Học, Đức Phật nói: “Vừa có pháp liền có sanh tử. Vừa có sanh tử liền chẳng rời được những sanh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não”.

Còn Đại Bồ tát hiểu được các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh (Phá chấp), sự hiện hữu của các pháp là do Vô thượng Bồ đề nên Đại Bồ tát cầu Vô thượng Bồ đề để giúp chúng sanh thoát sanh tử, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật nói:“Nầy Tu bồ đề! Vì tất cả pháp không có tánh nên Bồ Tát vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ đề. Tại sao? Vì những ai có được, có chấp thì khó được giải thoát, … Người có được tướng thì không có đạo, không có quả, không có Vô thượng Bồ đề”.

Như vậy, hàng Thanh văn, Bích chi Phật còn chấp trước vào các pháp, cho rằng không có đạo, không có Vô thượng Bồ đề nên khó được giải thoát. Còn Đại Bồ tát thấy tất cả các pháp hiện hữu nhưng đều rỗng không, phá chấp nên mới biết được các pháp do Vô thượng Bồ đề sanh ra.

♦ “Có thể thanh tịnh Phật độ”:

Nghĩa là Đại Bồ tát hiểu được các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã Ba la mật (Phật tánh) tạo tác, sanh khởi ra mọi hiện hữu. Tất cả các pháp đều là Phật nên gọi là “Thanh tịnh Phật độ”.

♦ “Thành tựu chúng sanh”:

Đại Bồ tát biết được chúng sanh rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có chúng sanh. Chúng sanh và mọi thành tựu của chúng sanh là do Bát nhã ba la mật (Phật tánh) tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong chúng sanh để thực hiện khả đắc mọi hoạt động, vận động nên đạt được những thành tựu của chúng sanh.

Nếu Đại Bồ tát luôn luôn thật hành các pháp đều rỗng không, biết rõ chúng sanh và mọi thành tựu của chúng sanh là do Bát nhã ba la mật (Phật tánh) thời mau được Vô thượng Bồ đề.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Trong các môn tương ứng, thời tương ứng với Bát nhã Ba la mật là tối đệ nhứt, là tối tôn, tối thắng, tối diệu không có gì trên. Tại sao vậy? Vì đại Bồ tát nầy thật hành tương ứng với Bát nhã ba la mật, chính đó là không, vô tướng, vô tác. Phải biết rằng Bồ Tát nầy như đã được thọ ký hoặc đã gần được thọ ký”.

Luận giải:

♦ “Nầy Xá Lợi Phất! Trong các môn tương ứng, thời tương ứng với Bát nhã ba la mật là tối đệ nhứt, tối tôn, tối thắng, tối diệu không có gì trên”:

Nghĩa là tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật tạo tác ra thế nào thì các pháp được như thế đó nên các pháp tương ứng với Bát nhã ba la mật. Tương ứng với Bát nhã ba la mật là bậc nhất, cao nhất, trên nhất, tuyệt nhất, không có gì trên.

♦ “Tại sao vậy? Vì Đại Bồ tát nầy thật hành tương ứng với Bát nhã ba la mật, chính đó là không, vô tướng, vô tác. Phải biết rằng Bồ Tát nầy như đã được thọ ký hoặc đã gần được thọ ký”:

Trong quan sát, Đại Bồ tát thấy được tất cả các pháp đều không sanh, không diệt, tướng như. Mọi sanh diệt và Tự tướng của các pháp đều do Bát nhã ba la mật, như Kinh Bát nhã ba la mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì tất cả các pháp chẳng sanh như vậy, nên Bát nhã ba la mật phải sanh”. Như vậy, các pháp được sanh ra là do Bát nhã ba la mật và các pháp cũng bị Bát nhã ba la mật tiêu diệt, như Kinh Bát nhã ba la mật, tập III, Phẩm Tam Huệ, Đức Phật nói: “Vì tướng duy nhất mà gọi là Nhất thiết chủng trí, đó là tất cả pháp tịch diệt tướng”. Do đó, tịch diệt tướng các pháp là do Nhất thiết chủng trí, mà Nhất thiết chủng trí là Bát nhã ba la mật. Trong quan sát sự hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp là do cái ngã trong các pháp, nhưng cái ngã này lại là của Như Lai, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh, Đức Phật nói: “Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã”. Ngã là chúa tể, chủ tể, là Tự tướng trong các pháp lại là của Như Lai, cũng chính là Bát nhã ba la mật, còn các pháp thì vô ngã.

Như vậy, mọi sanh diệt và hoạt động, vận động trong các pháp đều do Bát nhã ba la mật.

♦ “Phải biết rằng Bồ Tát nầy như đã được thọ ký hoặc đã gần được thọ ký”:

Nghĩa là Bồ tát được Đức Phật (Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật) ghi nhận Bồ tát này thông đạt tất cả pháp một cách đầy đủ và đúng đắn nhất.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát tương ứng như vậy có thể làm lợi ích cho vô lượng vô số chúng sanh. Đại Bồ tát nầy cũng chẳng nghĩ rằng ta tương ứng với Bát nhã ba la mật, chư Phật sẽ thọ ký cho ta, ta sẽ gần được thọ ký, ta sẽ thanh tịnh Phật độ, sẽ thành Phật chuyển pháp luân. Tại sao vậy? Vì đại Bồ tát nầy chẳng thấy có pháp nào ra ngoài pháp tánh, cũng chẳng thấy có pháp nào thật hành Bát nhã ba la mật, chẳng thấy có pháp nào được Phật thọ ký, chẳng thấy có pháp nào thành Phật chuyển pháp luân. Tại sao vậy? Vì lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng sanh tướng ngã, tướng chúng sanh nhẫn đến chẳng sanh tướng tri giả, tướng kiến giả. Tại sao vậy? Vì chúng sanh rốt ráo bất sanh bất diệt, chúng sanh không có sanh, không có diệt. Nếu các pháp đã không có tướng sanh diệt thời làm sao lại có pháp thật hành Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦ “Đại Bồ tát tương ứng như vậy có thể làm lợi ích cho vô lượng vô số chúng sanh”:

Nghĩa là Đại Bồ tát này hiểu được tất cả các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật, tức là thấy được tất cả các pháp đều do Phật sanh ra và báo ứng nhân quả, đọa sanh hành nghiệp chúng sanh vào biển khổ sanh tử theo nghiệp ác và vớt chúng sanh thoát khỏi vòng khổ ách, sanh tử luân hồi theo nghiệp thiện mà chúng sanh đã tạo ra. Do đó, Bồ tát này thuyết giảng cho chúng sanh hiểu được để tu hành, giải thoát nên làm lợi ích cho vô lượng vô số chúng sanh.

♦ “Đại Bồ tát nầy cũng chẳng nghĩ rằng ta tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ tát này tuy rằng chỉ ra con đường thoát khổ cho chúng sanh như đã nói ở trên, nhưng Bồ tát này cũng hiểu rõ được từ Bồ tát đến chúng sanh cũng chẳng tương ứng với Bát nhã ba la mật. Vì Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và đọa khổ hay cứu vớt chúng sanh là Pháp tánh chỉ là cái phân thân của Như Lai, chứ không phải là Chánh thân Như Lai. Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật không phân thân thì không có Bát nhã ba la mật, Pháp tánh để sanh khởi ra chúng sanh, đọa khổ hay cứu vớt chúng sanh. Do vậy, Đại Bồ tát chẳng nghĩ rằng, ta tương ứng với Bát nhã ba la mật, Pháp tánh.

♦ “Chư Phật sẽ thọ ký cho ta, ta sẽ gần được thọ ký, ta sẽ thanh tịnh Phật độ, sẽ thành Phật chuyển pháp luân”:

Nghĩa là chư Phật (Phật tánh) thường trụ trong các pháp, thường trụ trong Đại Bồ tát cũng rỗng không bởi không sanh, không diệt.

Chư Phật thọ ký cho ta chính là Phật tánh thường trụ trong Đại Bồ tát hoặc gần thọ ký cho Bồ Tát, mà Phật tánh là cái phân thân, cũng chính là Chánh thân Như Lai.

Ta sẽ thanh tịnh Phật độ nghĩa là Phật tánh trong Đại Bồ tát cho Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, các pháp được hiện hữu là do Bát nhã ba la mật (Phật tánh).

Như vậy, thanh tịnh Phật độ là trong tất cả quốc độ đều do Phật (Phật tánh) tạo tác, sanh khởi.

♦ “Ta sẽ thành Phật chuyển pháp luân”:

– Được thành Phật là do Phật tánh thường trụ trong Đại Bồ tát cho Tâm sở nhập toàn giác với Tâm Vương (Phật tánh) trong Đại Bồ tát.

– Chuyển pháp luân: là chuyển pháp Tứ đế, pháp Nhân duyên từ tượng pháp sang chánh pháp.

Phải được thành Phật mới chuyển được pháp luân, như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tán Thán Ba La Mật chỉ rõ: “Đức Thế tôn cũng vốn thực hành Bát nhã ba la mật này mà đầy đủ sáu ba la mật, được Vô đẳng đẳng pháp, được vô đẳng đẳng sắc thọ tưởng hành thức, thành Phật chuyển vô đẳng đẳng pháp luân”.  Đức Thế Tôn là Đức Phật Thích Ca cũng thực hành Bát nhã ba la mật mà được thành Phật, mới chuyển được pháp luân.

Như vậy, dù là Phật tại thế có hiện hữu nhưng vì Tự tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc chuyển pháp luân (Thuyết giảng) là bất khả đắc. Việc chuyển pháp luân của Phật tại thế là do Bát nhã ba la mật (Phật tánh) thường trụ trong Phật tại thế làm Tự tướng để chuyển pháp luân.

♦ “Tại sao vậy? Vì đại Bồ tát nầy chẳng thấy có pháp nào ra ngoài pháp tánh, cũng chẳng thấy có pháp nào thật hành Bát nhã ba la mật, chẳng thấy có pháp nào được Phật thọ ký, chẳng thấy có pháp nào thành Phật chuyển pháp luân”:

Nghĩa là Đại Bồ tát  biết được tất cả các pháp không sanh, không diệt, tướng như bất động. Các pháp được hiện hữu là do Pháp tánh nên tất cả các pháp đều là Pháp tánh. Như vậy, Pháp tánh là cái duy nhất để tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Có các pháp mới thực hành Bát nhã ba la mật. Do đó:

– Pháp tánh thường trụ trong Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật.

– Pháp tánh thường trụ trong Đại Bồ tát thọ ký cho Đại Bồ tát nhớ được tất cả các pháp đều rỗng không, mọi hiện hữu đều do Pháp tánh, Bát nhã ba la mật, Phật. Nhớ được tất cả các pháp đều là Phật.

– Pháp tánh thường trụ trong Đại Bồ tát cho Tâm Sở nhập toàn giác với Tâm Vương, được thành Phật.

– Pháp tánh thường trụ trong Đại Bồ tát chuyển pháp luân.

Nhưng Pháp tánh duy nhất này cũng không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Hành Tướng, Đức Phật nói: “Vì pháp tánh là vô sở hữu”, nghĩa là Pháp tánh không có Tự tánh, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tam Thứ Đệ Hành, Đức Phật nói: “Nếu pháp không có Tự tánh, đó là vô sở hữu”. Pháp tánh không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên Đại Bồ tát chẳng thấy có pháp nào thật hành Bát nhã ba la mật, chẳng thấy có pháp nào được Phật thọ ký, chẳng thấy có pháp nào thành Phật chuyển pháp luân.

♦ “Tại sao vậy? Vì lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng sanh tướng ngã, tướng chúng sanh nhẫn đến chẳng sanh tướng tri giả, tướng kiến giả”:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật là thật hành tất cả các pháp từ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nhẫn đến Nhất thiết chủng trí đều rỗng không bởi không có Tự tánh, không sanh. Vì thế nên Đại Bồ tát không thấy tướng ngã (Nhất thiết chủng trí), tướng chúng sanh nhẫn đến chẳng thấy tướng tri giả, tướng kiến giả.

♦ “Tại sao vậy? Vì chúng sanh rốt ráo bất sanh bất diệt, chúng sanh không có sanh, không có diệt. Nếu các pháp đã không có tướng sanh diệt thời làm sao lại có pháp thật hành Bát nhã ba la mật”:

Nghĩa là tất cả các pháp kể cả Nhất thiết chủng trí (Bát nhã ba la mật, Pháp tánh) đều là không sanh, không diệt, không có các pháp nên không có pháp thật hành Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Thế nên vì đại Bồ tát chẳng thấy chúng sanh đó chính là thật hành Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì chúng sanh là bất thọ, là không, là bất khả đắc, là ly, chính đây là thật hành Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Vì thật hành Bát nhã ba la mật là Đại Bồ tát hiểu rõ được tất cả các pháp đều  không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là vô sanh. Vì vô sanh nên các pháp rỗng không, chúng sanh cũng rỗng không, không có nên Đại Bồ tát chẳng thấy chúng sanh, như trong Đàn na ba la mật, pháp bố thí của Đại Bồ tát là không thấy người thí, người nhận và vật thí. Vì vậy, chúng sanh là vô thọ, là không (rỗng không), là bất khả đắc, là ly. Đây chính là thật hành Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Trong các môn tương ứng của đại Bồ tát, tương ứng với không là tối đệ nhứt. Tương ứng với không đây hơn tất cả các môn tương ứng”.

Luận giải:

Đại Bồ tát dù thấy các pháp hiện hữu nhưng nhận thức rõ các pháp đều không (rỗng không) bởi các pháp đều không sanh, không diệt nên rỗng không, các pháp đều tương ứng với không (rỗng không). Tương ứng với không (rỗng không) là đúng nhất, là bậc nhất, là hơn tất cả các môn tương ứng.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát tu tập pháp không như vậy có thể phát sanh đại từ, đại bi, chẳng sanh những tâm xan lẫn, phạm giới, sân hận, giải đãi, tán loạn, vô trí”.

Luận giải:

Đại Bồ tát tu tập pháp không nghĩa là tu tập tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không thì mới có thể phát sanh tâm từ làm cho chúng sanh được an lạc. Tâm bi là cứu khổ, cứu nạn, độ sanh cho chúng sanh và hiểu được đại từ đại bi.

♦ “Đại từ”: có nghĩa là rộng lớn, vui vẻ, làm cho tất cả chúng sanh được an lạc.

♦ “Đại bi”: nghĩa là đại cứu khổ nạn, cho dù khổ nạn lớn, hay khổ nạn nhỏ trong tất cả chúng sanh đều được cứu, nghĩa là cứu khổ, cứu nạn một cách hoàn toàn tất cả chúng sanh.

Chỉ có Đức Phật (Chánh thân Như Lai) mới đại từ, đại bi vì tất cả chúng sanh đều do Đức Phật (Như Lai) đọa vào đau khổ hay vớt chúng sanh ra khỏi đau khổ chiếu theo nhân quả, mà nhân quả là do Chánh thân Như Lai định ra và báo ứng theo nghiệp.

Đại Bồ tát thực hành pháp không là thực hành tất cả các pháp hiện hữu nhưng thấy đều rỗng không thời chẳng sanh những tâm xan lẫn, phạm giới, sân hận, giải đãi, tán loạn, vô trí, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Vãng Sanh, Đức Phật nói: “Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng thấy có thân, chẳng thấy có khẩu, chẳng thấy có ý. Nếu thấy có thân, khẩu, ý thì do vì thấy có nên thân, khẩu, ý có thể sanh những tâm niệm xan tham, phạm giới, sân khuể, giải đãi, tán loạn, ngu si”.

Như vậy, Đại Bồ tát thật hành pháp không thấy được tất cả các pháp đều không (rỗng không) nên chẳng chấp trước các pháp. Do vậy, Đại Bồ tát tu tập pháp không (rỗng không) có thể phát sanh tâm từ, tâm bi, chẳng sanh những tâm xan lẫn, phạm giới, sân hận, giải đãi, tán loạn, vô trí.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày  16 tháng 1 năm 2022

Phạm Thị Mý