Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tu Tập Đúng) – P17

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật, vì tam tế là danh từ rỗng không, nên tiền tế chẳng hiệp với hậu tế, hậu tế chẳng hiệp với tiền tế, hiện tại chẳng hiệp với tiền tế, hậu tế, tiền tế với hậu tế cũng chẳng hiệp với hiện tại. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật. Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, nhứt thiết trí chẳng hiệp với đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Tại sao vậy? Vì đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại đều còn chẳng thể thấy huống là có hiệp. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦ “Đại Bồ tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật, vì tam tế là danh từ rỗng không, nên tiền tế chẳng hiệp với hậu tế, hậu tế chẳng hiệp với tiền tế, hiện tại chẳng hiệp với tiền tế, hậu tế, tiền tế với hậu tế cũng chẳng hiệp với hiện tại. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Quan sát các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hiện hữu nên có hiện tại thời cũng có tiền tế, hậu tế và có danh từ tam tế.

Nhưng lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Các pháp là vô sanh nên các pháp rỗng không, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức rỗng không. Không có các pháp thời không có hiện tại, không có tiền tế, hậu tế nên cũng không có danh từ tam tế.

Sự hiện hữu của các pháp là do Tự tánh Như Lai tạng làm Tự tánh để tạo tác, sanh khởi ra các pháp. Có các pháp thời có tiền tế, hậu tế, hiện tại và tiền tế hiệp với hậu tế, hậu tế hiệp với tiền tế, hiện tại hiệp với tiền tế, hậu tế, tiền tế, hậu tế hiệp với hiện tại.

Nhưng Tự tánh Như Lai tạng cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, do đó, các pháp cũng không được sanh ra. Khi không có các pháp thời không có danh từ tam tế cho nên tiền tế chẳng hiệp với hậu tế, hậu tế chẳng hiệp với tiền tế, hiện tại chẳng hiệp với tiền tế, hậu tế, tiền tế, hậu tế chẳng hiệp với hiện tại.

Tự tánh Như Lai tạng do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thời mới có, không phân thân sẽ không có:

– Nếu Như Lai phân thân thời có Tự tánh Như Lai tạng và các pháp được sanh ra nên có danh từ tam tế.

– Nếu Như Lai không phân thân sẽ không có Tự tánh Như Lai tạng nên không có các pháp thời cũng không có danh từ tam tế.

Đại Bồ tát tu tập thấy được danh từ tam tế rỗng không, tức là các pháp rỗng không nên mới thấy được có danh từ tam tế. Có các pháp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, vì vậy gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật, Chánh thân Như Lai.

♦ “Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, nhứt thiết trí chẳng hiệp với đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Tại sao vậy? Vì đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại đều còn chẳng thể thấy huống là có hiệp. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát không chấp vào tất cả pháp bởi Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh nên các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là vô sanh, rỗng không. Không có các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức (không có con người) thời cũng không có đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại.

Sự hiện hữu của các pháp là do Tự tánh của Như Lai tạng còn gọi là Nhất thiết trí tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Có các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thời có đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Do vậy, đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại đều hiệp với Nhất thiết trí.

Nếu Nhất thiết trí không tạo tác hay không có Nhất thiết trí thời không có các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nên cũng không có đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Do đó, Nhất thiết trí chẳng hiệp với đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại.

Trong năm uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức của con người thì uẩn Tưởng là tướng rõ biết, chính là Trí tuệ Phật, là Bát nhã ba la mật, là Nhất thiết trí, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Khiến Trừ Ma Ngoại, Đức Phật Thích Ca nói: “Bát nhã ba la mật chẳng khác nhứt thiết trí. Nhứt thiết trí chẳng khác Bát nhã ba la mật”. Còn uẩn Thức là tướng tri giác trong đó có ý thức của con người là tính hiểu biết, chứ không phải tính rõ biết. Do đó, uẩn Tưởng chính là Pháp tánh thường trụ trong các pháp, là Nhất thiết trí, nhưng Pháp tánh thường trụ này cũng không tự sanh ra được chính nó vì Tưởng cũng không có Tự tánh giống như Sắc, Thọ, Hành, Thức, như Bát Nhã Tâm Kinh chỉ rõ: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, nghĩa là soi thấy năm uẩn đều không. Vì vậy, Tưởng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không cho nên Tưởng không sanh, không diệt. Tưởng chính là Tự tánh của Như Lai tạng ẩn trong thân chúng sanh như đã nói ở trên.

Tự tánh của Như Lai tạng do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thì mới có, nếu không phân thân sẽ không có:

– Khi Chánh thân Như Lai phân thân thì sẽ có Tự tánh của Như Lai tạng hay Tưởng, Nhất thiết trí (vì Tự tánh của Như Lai tạng chỉ là cái phân thân của Như Lai) và cái phân thân này sẽ tạo ra Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức trong đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai. Do đó, Nhất thiết trí sẽ hiệp với đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai.

– Khi Như Lai không phân thân sẽ không có Tự tánh Như Lai tạng (không có Tưởng, không có Nhất thiết trí). Do đó, không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì cũng không có đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại nên đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại còn chẳng thể thấy huống là hiệp.

Như vậy, tất cả các pháp hiệp hay không hiệp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật, chứ không phải do Tự tánh Như Lai tạng, Tưởng, Nhất thiết trí.

Do đó, nếu Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật mà thấy được Nhất thiết trí chẳng hiệp với đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại thời là tương ứng với Bát nhã ba la mật bởi Đại Bồ tát thấy được tất cả các pháp kể cả Nhất thiết trí đều rỗng không thời mới thấy được sự hiện hữu của Nhất thiết trí. Các pháp hiệp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật cho nên tất cả các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể thấy, vì nhãn đến ý chẳng thể thấy, vì sắc nhẫn đến pháp chẳng thể thấy, vì nhãn thức đến ý thức chẳng thể thấy nên sắc, thọ đến ý thức đều chẳng hiệp với nhứt thiết trí. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng chấp trước vào tất cả pháp bởi tất cả các pháp đều không có Tự tánh nên các pháp năm uẩn, mười tám giới cũng không có Tự tánh, tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Do đó, các pháp là vô sanh, các pháp rỗng không, không có các pháp, không có năm uẩn, không có mười tám giới như Bát Nhã Tâm Kinh chỉ rõ: “Vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới …”.

Sự hiện hữu của các pháp là do Nhất thiết trí là Trí tuệ Phật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp nên Sắc, Thọ nhẫn đến Ý thức hiệp với Nhất thiết trí.

Nhất thiết trí cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có Nhất thiết trí thời cũng không có các pháp. Do đó, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chẳng thể thấy, Nhãn đến Ý chẳng thể thấy, Sắc nhẫn đến Pháp chẳng thể thấy, Nhãn thức đến Ý thức chẳng thể thấy nên Sắc, Thọ nhẫn đến Ý thức đều chẳng hiệp với Nhất thiết trí.

Nhất thiết trí là Pháp thân Như Lai, nếu Chánh thân Như Lai phân thân thời có, không phân thân sẽ không có:

– Nếu Chánh thân Như Lai phân thân thời có Nhất thiết trí. Nhất thiết trí tạo tác, sanh khởi ra các pháp và thường trụ trong các pháp nên các pháp năm uẩn, mười tám giới đều hiệp với Nhất thiết trí.

– Nếu Chánh thân Như Lai không phân thân thì sẽ không có Nhất thiết trí. Do đó, các pháp cũng không được sanh ra, không có các pháp nên Sắc, Thọ đến Ý thức đều chẳng hiệp với Nhất thiết trí.

Như vậy, Sắc, Thọ nhẫn đến Ý thức hiệp hay không hiệp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật.

Tu tập như vậy là tương ứng với Bát nhã ba la mật nghĩa là Đại Bồ tát tu tập thấy được các pháp Sắc, Thọ nhẫn đến Ý thức và Nhất thiết trí đều rỗng không (không hiệp) thì mới thấy được sự hiện hữu của các pháp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật nên các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, vì Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật đều chẳng thể thấy nên Đàn na đến Bát nhã ba la mật chẳng hiệp với nhứt thiết trí. Vì tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, nhẫn đến thập lực, thập bát bất cộng pháp đều chẳng thể thấy nên tất cả đều chẳng hiệp với nhứt thiết trí. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦ “Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, vì Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật đều chẳng thể thấy nên Đàn na đến Bát nhã ba la mật chẳng hiệp với nhứt thiết trí”:

Thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát không chấp vào tất cả pháp vì tất cả pháp đều không có Tự tánh. Do đó, từ Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là vô sanh, các pháp rỗng không nên từ Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật rỗng không, không có.

Sự hiện hữu của các pháp từ Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật là do Nhất thiết trí tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Do đó, Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật đều hiệp với Nhất thiết trí.

Nhất thiết trí cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có Nhất thiết trí cho nên các pháp từ Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật cũng không được sanh ra, không có Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật. Vì vậy, Đại Bồ tát chẳng thể thấy Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật. Do đó, Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật chẳng hiệp với Nhất thiết trí.

Nhất thiết trí là Pháp thân Như Lai do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra thời mới có, không phân thân sẽ không có:

– Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra Nhất thiết trí, Nhất thiết trí tạo tác, sanh khởi ra các pháp từ Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật. Do đó, Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật hiệp với Nhất thiết trí.

– Nếu Chánh thân Như Lai không phân thân thì sẽ không có Nhất thiết trí và các pháp cũng không được sanh ra nên các pháp chẳng hiệp với Nhất thiết trí.

Như vậy, từ Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật hiệp hay không hiệp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật.

♦ “Vì tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, nhẫn đến thập lực, thập bát bất cộng pháp đều chẳng thể thấy nên tất cả đều chẳng hiệp với nhứt thiết trí”:

Thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát không chấp vào tất cả pháp vì tất cả pháp đều không có Tự tánh. Do đó, Tứ niệm xứ đến Bát thánh đạo phần, nhẫn đến Thập lực, Thập bát bất cộng pháp cũng không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Các pháp là vô sanh, các pháp rỗng không nên Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng rỗng không, không có.

Sự hiện hữu của các pháp từ Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng là do Nhất thiết trí tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Do đó, Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng đều hiệp với Nhất thiết trí.

Nhất thiết trí cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có Nhất thiết trí cho nên các pháp từ Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng cũng không được sanh ra, do đó, không có Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng. Vì vậy, Đại Bồ tát chẳng thể thấy Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng nên Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng chẳng hiệp với Nhất thiết trí.

Nhất thiết trí là Pháp thân Như Lai do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra thời mới có, không phân thân sẽ không có:

– Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra Nhất thiết trí, Nhất thiết trí sẽ tạo tác, sanh khởi ra các pháp từ Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng. Do đó, Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng hiệp với Nhất thiết trí.

– Nếu Chánh thân Như Lai không phân thân sẽ không có Nhất thiết trí và các pháp cũng không được sanh ra nên các pháp chẳng hiệp với Nhất thiết trí.

Như vậy, Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng hiệp hay không hiệp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật.

♦ “Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ tát tu tập thấy được các pháp: Sáu ba la mật, Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng hiệp hay không hiệp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật thì gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật bởi Đại Bồ tát thấy được tất cả các pháp đều rỗng không, mà sự hiện hữu của các pháp để có hiệp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật nên tất cả đều tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, Phật và Bồ đề chẳng hiệp với nhứt thiết trí. Tại sao vậy? Vì Phật chính là nhứt thiết trí, Bồ đề cũng chính là nhứt thiết trí, nhứt thiết trí chính là Phật, cũng chính là Bồ đề. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Phật, Nhất thiết trí, Bồ đề là những tên gọi khác nhau nhưng đều là cái phân  thân của Như Lai. Đức Phật Thích Ca dùng danh từ sai khác làm phương tiện để thuyết giảng, còn nghĩa lý chỉ là một, đều chỉ về cái phân thân của Như Lai do Chánh thân Như Lai phân thân ra mới có, không phân thân sẽ không có.

Vì Nhất thiết trí, Phật, Bồ đề đều không có Tự tánh để tự tạo tác, sanh khởi nên đều rỗng không, do đó, cho dù là cái phân thân hay chánh thân đều như nhau như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tam Huệ, Đức Phật Thích Ca nói: “Vì thế nên biết rằng Đức Phật cùng hóa Phật không sai khác”. Ở đây, Đức Phật là Chánh thân Như Lai, hóa Phật là cái phân thân của Như Lai.

Như vậy, cái phân thân hay chánh thân cũng là một, là Như Lai, được gọi là Đức Phật. Còn Phật, Nhất thiết trí, Bồ đề đều là Như Lai (Không hai, không khác) nên Phật, Nhất thiết trí, Bồ đề tương ứng với Bát nhã ba la mật, Chánh thân Như Lai.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng tu tập sắc là hữu hay là vô, chẳng tu tập sắc là hữu thường hay là vô thường, chẳng tu tập sắc là khổ hay là lạc, chẳng tu tập sắc là ngã hay là phi ngã, chẳng tu tập sắc là tịch diệt hay là chẳng phải tịch diệt, chẳng tu tập sắc là rỗng không hay là chẳng phải rỗng không, chẳng tu tập sắc là hữu tướng hay là vô tướng, chẳng tu tập sắc là hữu tác hay vô tác; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Luận giải:

♦ “Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng tu tập sắc là hữu hay là vô”:

Đại Bồ tát quán sát vào Sắc hiện hữu nhưng thật hành Bát nhã ba la mật là thật hành tất cả các pháp đều không bởi các pháp không có Tự tánh, Sắc không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc nên không ghi nhận Sắc là hữu (có). Sắc là vô sanh, vô khởi, vì vô sanh, vô khởi nên Sắc không tự sanh ra được Sắc, Sắc là rỗng không, không có Sắc nên Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là hữu.

Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật Thích Ca nói: “Vì sắc chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật sanh”. Do đó, Đại Bồ tát không tu tập Sắc là vô (không có) bởi Sắc vẫn được hiện hữu là do Bát nhã ba la mật còn gọi là Tự tánh của Như Lai tạng làm Tự tánh tạo tác, khởi sanh ra Sắc. Bát nhã ba la mật tạo như thế nào thì Sắc được như thế đó cho nên Đại Bồ tát không tu tập Sắc là vô.

Như vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là hữu hay là vô.

♦ “Chẳng tu tập sắc là hữu thường hay là vô thường”:

– Sắc hữu thường là Sắc không có biến đổi, không có chuyển dịch.

– Sắc vô thường là Sắc có biến đổi, có bé, có lớn, có chuyển dịch, có sanh, có diệt.

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được Sắc không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc. Sắc không tự sanh, Sắc rỗng không, không có Sắc nên không có sự biến đổi chuyển dịch, vì vậy Sắc chẳng phải vô thường.

Sự hiện hữu của Sắc là do Bát nhã ba la mật, Tự tánh Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi ra Sắc theo nhân quả và thường trụ trong Sắc. Do đó, Sắc bị biến đổi vô thường chuyển dịch là do Bát nhã ba la mật cho nên Sắc chẳng phải thường.

Như vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là thường hay vô thường, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Vô Tác, Đức Phật Thích Ca nói: “Lúc Di Lặc Bồ tát chứng Vô thượng Bồ đề sẽ thuyết pháp như vầy: Sắc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường”.

♦ “Chẳng tu tập sắc là khổ hay là lạc”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được Sắc không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc. Sắc không tự sanh, Sắc rỗng không, không có Sắc nên không có khổ, lạc.

Sự hiện hữu của Sắc là do Bát nhã ba la mật, Nhất thiết trí tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong Sắc tạo ra khổ, lạc theo nhân quả cho nên khổ hay lạc của Sắc là do Bát nhã ba la mật.

Như vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là khổ hay là lạc. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Vô Tác, Đức Phật Thích Ca nói: “Lúc Di Lặc Bồ tát chứng Vô thượng Bồ đề sẽ thuyết pháp như vầy: Sắc chẳng phải khổ chẳng phải lạc”.

♦ “Chẳng tu tập sắc là ngã hay là phi ngã”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được Sắc không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc. Sắc không tự sanh, Sắc rỗng không nên Tự tướng rỗng không, do đó, không có chúa tể, chủ tể, Sắc là vô ngã.

Sắc được hiện hữu có ngã nhưng trong quan sát thấy rằng, ngã trong Sắc lại là của Như Lai, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh, Đức Phật Thích Ca nói: “Ngã tức nghĩa Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã”. Do đó, ngã trong chúng sanh là của Như Lai tạng do Như Lai phân thân mà có cho nên Sắc có ngã.

Như vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là ngã hay vô ngã. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Vô Tác, Đức Phật Thích Ca nói: “Lúc Di Lặc Bồ tát chứng Vô thượng Bồ đề sẽ thuyết pháp như vầy: Sắc chẳng phải ngã chẳng phải vô ngã”.

♦ “Chẳng tu tập sắc là tịch diệt hay chẳng phải tịch diệt”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được Sắc không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc. Sắc không tự sanh, Sắc rỗng không, không có Sắc nên không có tướng diệt hoại. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật Thích Ca nói: “Vô tướng tam muội là nói diệt hoại các pháp tướng không nghĩ, không nhớ”, nghĩa là các pháp không có tướng tịch diệt. Do đó, Sắc không có tướng tịch diệt, Sắc chẳng phải tịch diệt.

Nhưng sự hiện hữu của Sắc là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra Sắc và thường trụ trong Sắc nên Sắc bị Bát nhã ba la mật tịch diệt như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tam Huệ, Đức Phật Thích Ca nói: “Vì tướng duy nhất mà gọi là nhứt thiết chủng trí, đó là tất cả pháp tịch diệt tướng”. Như vậy, Nhất thiết chủng trí tịch diệt tướng các pháp nên Sắc cũng bị Nhất thiết chủng trí tịch diệt. Mà Nhất thiết chủng trí chính là Bát nhã ba la mật, do đó, Bát nhã ba la mật sanh ra Sắc và Bát nhã ba la mật cũng tịch diệt Sắc nên Sắc có bị tịch diệt (Sắc là tịch diệt).

Vì vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là tịch diệt hay chẳng phải tịch diệt.

♦ “Chẳng tu tập sắc là rỗng không hay là chẳng phải rỗng không”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được Sắc không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc, Sắc không tự sanh, Sắc rỗng không. Sự hiện hữu của Sắc là do Bát nhã ba la mật, là trí tuệ đến từ bờ kia tạo tác, sanh khởi ra Sắc, cho nên Sắc chẳng phải rỗng không.

Vì vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là rỗng không hay là chẳng phải rỗng không.

♦ “Chẳng tu tập sắc là hữu tướng hay là vô tướng”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được Sắc không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc. Sắc không tự sanh, Sắc rỗng không, không có tướng, Sắc là vô tướng. Sự hiện hữu của Sắc là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra hình tướng của Sắc và thường trụ trong tướng Sắc nên Sắc là hữu tướng (có tướng).

Do đó, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là hữu tướng hay là vô tướng.

♦ “Chẳng tu tập sắc là hữu tác hay vô tác”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được Sắc không có Tự tánh tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc. Sắc không tự sanh, Sắc rỗng không, Sắc là vô tác. Sự hiện hữu của Sắc là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra Sắc nên Sắc là hữu tác.

Như vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Sắc là hữu tác hay là vô tác.

♦ “Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy”:

Nghĩa là Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng như Sắc.

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật là thật hành tất cả các pháp không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Vì Thọ, Tưởng, Hành, Thức không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô sanh, rỗng không, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật Thích Ca nói: “Vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật sanh”.

Như vậy, sự hiện hữu của Thọ, Tưởng, Hành, Thức là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong Thọ, Tưởng, Hành, Thức nên lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng tu tập Thọ, Tưởng, Hành, Thức là hữu thường hay là vô thường, chẳng tu tập Thọ, Tưởng, Hành, Thức là lạc hay khổ, chẳng tu tập Thọ, Tưởng, Hành, Thức là ngã hay phi ngã, chẳng tu tập Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tịch diệt hay là chẳng phải tịch diệt, chẳng tu tập Thọ, Tưởng, Hành, Thức là rỗng không hay chẳng phải rỗng không, chẳng tu tập Thọ, Tưởng, Hành, Thức là hữu tướng hay vô tướng, chẳng tu tập Thọ, Tưởng, Hành, Thức là hữu tác hay vô tác.

♦ “Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Nghĩa là Đại Bồ tát tu tập thấy được tất cả pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh nên không có tất cả các pháp cùng các tướng là vô thường nhẫn đến hữu tác. Sự hiện hữu của các pháp và mọi biến đổi các pháp thường hay vô thường nhẫn đến hữu tác là do Bát nhã ba la mật (Chánh thân Như Lai) tạo tác như thế nào thì các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức được như vậy. Do đó, tất cả các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng có quan niệm là ta thật hành hay chẳng thật hành Bát nhã ba la mật; cũng chẳng có quan niệm chẳng phải thật hành cùng chẳng phải chẳng thật hành. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦ “Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng có quan niệm là ta thật hành hay chẳng thật hành Bát nhã ba la mật”:

Thật hành Bát nhã ba la mật là khi quan sát vào các pháp thì không có quan niệm về các pháp là có hay không có vì các pháp đều không có Tự tánh nên không tự sanh ra được các pháp, mà các pháp đã không sanh thì không có các pháp. Nhưng ngược lại, các pháp vẫn hiện hữu trong thế gian là do Bát nhã ba la mật, trí tuệ đến từ bờ kia làm Tự tánh, tức là làm cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra sự hiện hữu của các pháp. Do đó, các pháp không có là do Bát nhã ba la mật không sanh, còn các pháp hiện hữu là do Bát nhã ba la mật sanh. Hiểu được như vậy nên Đại Bồ tát chẳng có quan niệm là có các pháp hay không có các pháp.

Bát nhã ba la mật là Pháp tánh sanh ra các pháp nhưng cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp này cũng giống như các pháp, cũng đều không có Tự tánh để sanh ra được Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật là do Chánh thân Như Lai phân thân ra thì mới có để sanh ra được các pháp. Nếu Như Lai không phân thân thì trí tuệ đến từ bờ kia cũng không có, cho nên các pháp cũng không được sanh ra.

Do đó, Đại Bồ tát chẳng có quan niệm là ta thật hành hay chẳng thật hành Bát nhã ba la mật.

♦ “Cũng chẳng có quan niệm chẳng phải thật hành cùng chẳng phải chẳng thật hành”:

Chẳng phải chẳng thật hành tức là có thật hành. Ghi nhận vào Bát nhã ba la mật (Pháp thân Như Lai) sanh ra các pháp thời mới có, nếu không sanh sẽ không có các pháp nghĩa là chấp vào Bát nhã ba la mật sanh ra các pháp thời có, không sanh thời không có.

Chẳng phải thật hành tức là không thật hành có nghĩa là không chấp vào Bát nhã ba la mật (Pháp thân Như Lai) sanh ra các pháp thì các pháp mới có, nếu không sanh thì các pháp không có bởi vì Bát nhã ba la mật cũng như các pháp đều không có Tự tánh để tự sanh ra được Bát nhã ba la mật, có nghĩa là Bát nhã ba la mật không tự sanh ra được Bát nhã ba la mật. Do đó, chẳng phải thật hành tức là Đại Bồ tát không chấp vào Bát nhã ba la mật là trí tuệ đến từ bờ kia sanh ra được các pháp. Bát nhã ba la mật được hiện hữu là do Chánh thân Như Lai phân thân. Vì vậy, Như Lai mới là cái sanh ra tất cả, sanh ra trí tuệ đến từ bờ kia thì trí tuệ này mới có để sanh ra các pháp.

Nếu Như lai không phân thân sanh ra Bát nhã ba la mật thì Bát nhã ba la mật cũng không có và các pháp cũng không được sanh ra.

Do đó, khi Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật thì thấy được Như Lai là Đấng tối cao sanh ra tất cả pháp.

♦ “Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ tát không có quan niệm có các pháp hay không có các pháp. Nếu Chánh thân Như Lai sanh thì có các pháp, Như Lai không sanh thì không có các pháp nghĩa là thấy được tất cả các pháp và Bát nhã ba la mật đều rỗng không, không có thì mới thấy được sự hiện hữu của các pháp là do Như Lai, Bát nhã ba la mật nên tất cả các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật (Chánh thân Như Lai).

Chính kinh:

“Lại nầy Xá Lợi Phất! Chẳng vì Bát nhã ba la mật mà đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật. Cũng chẳng vì Đàn na, Thi la, Sằn đề, Tỳ lê gia, Thiền na ba la mật, cũng chẳng vì bậc bất thối chuyển thành tựu chúng sanh thanh tịnh Phật độ, cũng chẳng vì thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng pháp mà đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật. Cũng chẳng vì nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhứt nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, chư pháp không, tự tướng không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, cũng chẳng vì như pháp tánh, thiệt tế mà đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng phá hoại tướng của các pháp. Tu tập đúng như đây thời gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦ “Chẳng vì Bát nhã ba la mật mà đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật”:

Thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không. Bát nhã ba la mật là trí tuệ đến từ bờ kia để tạo tác, sanh khởi ra các pháp nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh để tự tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra được Bát nhã ba la mật, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Hành Tướng, Đức Phật Thích Ca nói: “Không có tánh, chính đó là Bát nhã ba la mật”.

Do đó, Bát nhã ba la mật không có tánh tức là không có Tự tánh để tự sanh khởi ra Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật là rỗng không. Đại Bồ tát hiểu được như vậy nên Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật chẳng vì Bát nhã ba la mật bởi vì Bát nhã ba la mật cũng rỗng không.

♦ “Cũng chẳng vì Đàn na, Thi la, Sằn đề, Tỳ lê gia, Thiền na ba la mật”:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật hiểu được từ Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật cũng đều không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Đàn na ba la mật nhẫn đến Thiền na ba la mật, do đó, Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật rỗng không, không có. Sự hiện hữu của các pháp Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật là do Bát nhã ba la mật nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật cũng rỗng không. Vì vậy, Đại Bồ tát chẳng vì Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật mà thật hành Bát nhã ba la mật.

♦ “Cũng chẳng vì bậc bất thối chuyển thành tựu chúng sanh thanh tịnh Phật độ”:

Bậc bất thối chuyển là bậc Bồ tát thật hành sáu ba la mật như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Bất Thối Chuyển, Đức Phật Thích Ca nói: “Vì lợi ích cho chúng sanh mà đại Bồ tát thật hành Đàn na ba la mật nhẫn đến Bát nhã ba la mật. Đây gọi là bậc bất thối chuyển”.

Nhưng lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được sáu ba la mật là rỗng không, bậc bất thối chuyển cũng rỗng không vì không có Tự tánh, không sanh.

♦ “Thành tựu chúng sanh”:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật hiểu được chúng sanh đều không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, chúng sanh được hiện hữu thành tựu là do Bát nhã ba la mật là trí tuệ đến từ bờ kia tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong chúng sanh để chúng sanh được thành tựu. Nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên Đại Bồ tát hiểu được thành tựu chúng sanh là rỗng không.

♦ “Thanh tịnh Phật độ”:

Nghĩa là Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp là do bát nhã ba la mật, còn gọi là Phật tánh sanh, hoàn toàn là Phật tánh nên gọi là “Thanh tịnh Phật độ”. Do đó, trong tất cả các pháp đều là Phật, là Phật tánh tức là Bát nhã ba la mật. Nhưng Bát nhã ba la mật cũng vô sanh do không có Tự tánh nên rỗng không, do đó, thanh tịnh Phật độ cũng rỗng không.

♦ “Cũng chẳng vì thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng pháp mà Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật”:

Thập lực là mười trí lực của Phật tại thế do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong Phật tại thế để Phật tại thế có mười trí lực.

Bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng: chỉ có Phật tại thế mới có, cũng là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong Phật tại thế để Phật có được bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng.

Nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng đều rỗng không.

Như vậy, Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật cũng chẳng vì Đàn na, Thi la, Sằn đề, Tỳ lê gia, Thiền na ba la mật; cũng chẳng vì bậc bất thối chuyển thành tựu chúng sanh thanh tịnh Phật độ; cũng chẳng vì thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng pháp mà Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật là bởi Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp kể trên đều rỗng không.

♦ “Cũng chẳng vì nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhứt nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, chư pháp không, tự tướng không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không”.

Từ Nội không nhẫn đến Vô pháp hữu pháp không gọi là mười tám pháp không. Mười tám pháp này hiện hữu có tên gọi nhưng bản thân mười tám pháp này đều không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp là vô sanh, rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp để có tên gọi là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong mười tám pháp không này. Nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên không sanh ra được mười tám pháp không, do đó, các pháp này đều rỗng không.

♦ “Cũng chẳng vì như pháp tánh, thiệt tế”:

Như, Pháp tánh, Thiệt tế tuy tên gọi khác nhau nhưng đều là cái phân thân của Như Lai, cũng chính là Bát nhã ba la mật. Mà Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên Như, Pháp tánh, Thiệt tế cũng rỗng không.

♦ “Mà đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật chẳng vì Nội không nhẫn đến Vô pháp hữu pháp không, chẳng vì Như, Pháp tánh, Thiệt tế bởi vì tất cả các pháp này đều rỗng không.

♦ “Tại sao vậy? Vì lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát chẳng phá hoại tướng của các pháp. Tu tập đúng như đây thời gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát không phá hoại tướng của các pháp do các pháp tướng không (rỗng không) như ở trên đã phân tích rõ tất cả các pháp đều Tự tánh rỗng không, Tự tướng rỗng không. Vì vậy, các pháp là rỗng không, các pháp đều vô tướng vì các pháp không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, các pháp vô sanh, vô khởi nên không sanh, không diệt. Còn Bát nhã ba la mật là trí tuệ đến từ bờ kia, chính là cái tạo tác, sanh khởi ra các pháp. Nhưng Bát nhã ba la mật cũng không sanh, không diệt như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Đại Phương Tiện, Đức Phật Thích Ca nói: “Vì Bát nhã ba la mật không sanh, không diệt, các pháp thường trụ vậy”, nghĩa là Bát nhã ba la mật là cái tạo tác, sanh khởi ra tất cả các pháp và thường trụ trong các pháp, nhưng Bát nhã ba la mật cũng không sanh, không diệt do không có Tự tánh để tự sanh khởi ra được Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật do Như Lai phân thân thì mới có, nếu Như Lai không phân thân thì Bát nhã ba la mật cũng rỗng không, không có.

Do đó, Đại Bồ tát tu tập Bát nhã ba la mật không phá hoại tướng các pháp nên không chấp vào các pháp là có thật.

♦ “Tu tập đúng như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ tát tu tập thấy đúng các pháp đều rỗng không, không phá hoại tướng các pháp bởi thiệt tướng các pháp là rỗng không thời mới thấy được sự hiện hữu tướng các pháp là do Như Lai sanh ra, duy nhất chỉ có Như Lai nên các pháp đều tương ứng với Bát nhã ba la mật (Như Lai).

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày  30 tháng 12 năm 2021

Phạm Thị Mý