Phật tánh trong Phật giáo Đại thừa

Phật Tánh là gì?

Trong tất cả kinh điển đại thừa của Phật giáo, những từ liên quan đến thuật ngữ “Tánh” như Pháp Tánh, Pháp Tánh thường trụ, Tự Tánh, Tự Tánh của Như Lai, Như Lai Tánh, Phật Tánh, Tánh không, v.v… là được dùng để chỉ về cái Tánh, cái tạo tác sinh ra tất cả. Cái Tánh sinh ra mọi sự vật chính là cái chúa tể, cái chủ thể tạo tác sinh diệt vũ trụ vạn vật, cũng chính là cái Ngã, cái sinh ra mọi sự vật và con người, gọi chung là các pháp, là cái ta cũng là cái tôi trong các pháp. Cái Tánh đó, cái chủ thể đó được gọi chung là Pháp Tánh của các pháp.

Pháp Tánh là cái tạo tác cỗ máy cấu tạo, sản xuất ra mọi sự vật hiện tượng, tức là điểm khởi đầu nguồn gốc của mọi sự vật hiện tượng trong không gian vũ trụ bao la, cũng như trên thế giới này. Pháp Tánh này thường trụ và ẩn trong các pháp để tạo tác sinh ra các pháp, nếu không có Pháp Tánh thì các pháp không có cái tạo tác để khởi sinh. Pháp Tánh này chính là cái Tự Tánh của sự vật, cái tự nó tạo tác sinh ra chính nó, là cái quyết định sinh diệt mọi sự vật.

Đối với con người trần gian khi quan sát sự vật thì không thấy được cái Tự Tánh này, chỉ có Đức Phật Thích Ca khi Ngài đã chứng ngộ và phát khởi thần thông thì Ngài thấy rõ Tự Tánh thường trụ trong các pháp là Tự Tánh của Đức Phật Như Lai, chứ không phải Tự Tánh của các pháp, “Vì tất cả pháp đều không Tự tánh” (Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Quang minh Biến chiếu cao quý Đức vương Bồ tát).

Các pháp không có Tự Tánh nên “Tất cả pháp đều không có ngã” (Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Sư tử hống Bồ tát), nghĩa là các pháp vô ngã, không có cái chúa tể, chủ thể, không có cái tôi, cái ta vì các pháp không tự sinh ra; còn cái Ngã là cái tạo sanh ra các pháp, là cái Tự Tánh của các pháp thì không phải của các pháp mà là của Đức Phật Như lai.

Vì không có Tự Tánh nên các pháp không có cái tạo tác để tự sinh ra. Đối với nhân duyên cũng vậy, bởi không có Tự Tánh nên nhân duyên cũng không tự sinh ra được nhân duyên. Vì vậy, mọi sự vật trong vũ trụ này không tự nó mà sinh ra và cũng không phải do nhân duyên làm chủ thể tạo tác sinh ra, như trong Pháp Vô tác Tam Muội đã chỉ rõ: “Vô tác tam muội nói đối với các pháp không mong cầu tạo tác” (Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật, Phẩm Quảng Thừa). Do đó, tính chân thật của mọi sự vật là các pháp không tự sinh ra được, nên các pháp không sinh, không diệt vì tất cả các pháp đều không có Tự Tánh, tất cả các pháp Tự Tánh rỗng không, Tự Tướng rỗng không. Trong Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất thiết Phật Ngữ Tâm, Phần 2, Quyển Thứ nhì, Đức Phật Thích Ca chỉ rõ: “Tự tánh của Như Lai Tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ 32 tướng nơi thân của tất cả chúng sanh”. Như vậy, Pháp Tánh thường trụ tức là Tự Tánh trong thân chúng sinh và mọi sự vật chính là Tự Tánh của Như Lai, Tự Tánh Như Lai cũng chính là Đức Phật Như Lai nên gọi Tự Tánh của Như Lai là Phật Tánh. Do đó, Phật Tánh có trong tất cả chúng sinh, như Đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” (Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Như Lai Tánh).

Để thấy được như vậy, Đại Bồ tát phải dùng sức phương tiện mà Đức Phật chỉ ra trong giáo lý Đại thừa để luận giải kinh trong quá trình soi chiếu quan sát sự vật. Nếu xa rời phương tiện thì sẽ đọa ngôn từ, chấp trước các pháp, không đúng với chân lý và nghĩa lý của kinh vượt ngôn từ. Phương tiện đó là cái tạo tác sinh ra các pháp, chính là cái Tự Tánh, Tự Tướng của các pháp. Khi quan sát thấy rằng các pháp Tự Tánh rỗng không, Tự Tướng rỗng không nên các pháp không có Tự Tánh. Sức phương tiện của Đại Bồ tát được Đức Phật chỉ ra rằng: “Bồ tát này y nơi sư tử phấn tấn tam muội mà nhập siêu việt tam muội, nhập sơ thiền” (Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật, Phẩm Lục độ Tương nhiếp). Nhập Sơ thiền nghĩa là nhập vào sự vật, quan sát sự vật để tìm ra nguyên nhân sự có mặt của mọi sự vật trên thế giới cũng như trong vũ trụ. Khi quan sát sự vật phải y nơi sư tử tức là phải nương vào chúa tể, chủ thể, đó là nương vào cái tạo tác sinh ra các pháp và tiêu diệt các pháp, là cỗ máy cấu tạo sản xuất ra mọi sự vật, tức là cái Tự Tánh được ví như sư tử, Tự Tánh đó là của Như Lai chứ không phải của các pháp. Vì vậy, khi nhập Sơ thiền quan sát về mọi sự vật tức là quan sát về Sắc thấy rõ Sắc Tự Tánh rỗng không vì Tự Tánh này là của Như Lai, Tự Tướng rỗng không vì cái Ngã này cũng chính là Tự Tánh của Như Lai. Tự Tướng chính là cái chúa tể trong thân chúng sinh, chúa tể đó cũng gọi là cái Ngã tác động cho quá trình vận động thân thể của con người cũng như các pháp. Vì Tự Tánh rỗng không nên Sắc không tự sanh ra Sắc và khi Sắc đã hiện hữu thì Tự Tướng rỗng không nên tướng như bất động. Do Sắc không tự sinh ra Sắc và không tự tịch diệt nên Sắc không sanh, không diệt như Đức Phật nói: “sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng do hòa hiệp mà có, đều là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói…” (Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật, Phẩm Tam Giả).

Bởi Tự Tánh rỗng không nên Sắc không có cái tạo tác, do đó mọi sự vật đều không tự sinh ra và cũng không tự diệt hoại. Do không sinh, không diệt nên tính chân thật của mọi sự vật là rỗng không, vũ trụ vạn vật đều rỗng không, không có. Sự hiện hữu của vũ trụ vạn vật như trong thực tại chúng ta đang nhìn thấy chỉ là sản phẩm được tạo ra bởi Phật Tánh, hay nói cách khác là Tánh không. Phật Tánh vì chẳng phải là Sắc nên gọi là Không, Không này là phi không, không phải là không có. Không này cũng chính là Sắc như trong Ma ha Bát nhã Ba la mật Đa Tâm kinh có nói: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”, nghĩa là Sắc không khác với Không, Không không khác với Sắc, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc.

Vì vậy, các thuật ngữ Phật Tánh hay Tánh không tuy khác nhau nhưng cũng đều là một, bởi Đức Phật dùng nhiều ngôn từ sai khác như Pháp Tánh, Pháp Tánh thường trụ, Tự Tánh, Tự Tánh của Như Lai, Như Lai Tánh, Phật Tánh, Tánh không, v.v… làm phương tiện để chỉ bày theo cách luận giải vượt ngôn từ, mà chỉ có các bậc thượng căn ở hàng Đại thừa Bồ tát mới thấy được tính chân thật của các thuật ngữ trên và ứng dụng luận giải các câu kinh vượt ngôn từ để tìm ra nghĩa lý chân thật.

 Như vậy, khi quan sát về mọi sự vật thì thấy rằng mọi sự vật là do Phật Tánh sinh ra, nếu Phật Tánh không sinh thì không có. Phật Tánh là cái tạo tác khởi sinh ra các pháp tức là mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ, như vậy Phật Tánh là điểm khởi đầu của vũ trụ vạn vật. Nhưng xét đến tột cùng thì thấy rằng Phật Tánh vốn thể cũng rỗng không, không có, bởi Phật Tánh cũng không tự sinh ra được Phật Tánh, vì Phật Tánh cũng không có Tự Tánh. Nếu không được Như Lai thị hiện phân thân thì Phật Tánh cũng không có, nên Phật Tánh không sinh, bởi không sinh nên không diệt và không có. Do đó, vũ trụ vạn vật này không có điểm khởi đầu, cũng không có điểm kết thúc. Vì vậy, theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa, vũ trụ vạn vật là vô thỉ, vô chung, không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc bởi tất cả mọi sự vật đều không có Tự Tánh. Vũ trụ vạn vật được các Phật Tánh sinh ra và Phật Tánh tiêu diệt, mà Phật Tánh thì do Như Lai dùng sức tự tại thị hiện vi trần thân mới có, còn thân Như Lai thì không phải vi trần. Do đó, điểm khởi đầu của vũ trụ vạn vật cũng chính là Như Lai và điểm kết thúc của vũ trụ vạn vật cũng chính là Như Lai. Trong Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Quang minh Biến chiếu cao quý Đức vương Bồ tát, Đức Phật nói: Một là có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân.”

Mỗi vi trần thân của Như Lai đều được gọi là Pháp thân của Như Lai, cũng được gọi là Tự Tánh của Như Lai, đó là Phật Tánh. Pháp thân của Như Lai chính là Thần lực của Như Lai như trong Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật, Phẩm Phật Mẫu nói rõ: “Thần chính là thân” nên có đầy đủ những năng lực biến hóa tạo tác. Trong Kinh Lăng Già nói: “Tự Tánh của Như Lai đầy đủ 32 tướng nơi thân của tất cả chúng sinh”. 32 tướng là nói sự biến hóa tạo tác ra vô lượng các hình thức của vật chất, ví dụ như con người, muôn loài chúng sinh cũng như mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ này, nên gọi là 32 tướng tốt và 80 tùy hình hảo. Tùy hình hảo nghĩa là tùy ý của Như Lai muốn tạo ra hình tướng nào cũng đều tốt đẹp, bởi Ngài dùng Thần lực để biến hóa, do đó Phật Tánh cũng chính là Thần lực của Như Lai, cũng gọi là Thần lực của Đức Phật.

Phật Tánh chính là Trí tuệ Phật như Đức Phật chỉ ra: “Phật tánh đã gọi là đệ nhứt nghĩa không, đệ nhứt nghĩa không gọi là trí huệ” (Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Sư tử hống Bồ tát). Trí tuệ là Tư duy, nên Phật Tánh là cái Tư duy tạo tác như Đức Phật nói: “Tất cả pháp ấy đều là pháp tạo tác ức tưởng tư duy” (Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật, Phẩm Bình đẳng). Trí tuệ Phật dịch theo tiếng Phạn là Bát nhã Ba la mật nên “Bát nhã ba la mật này hay sanh tất cả pháp, tất cả biện tài, tất cả chiếu minh” (Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật, Phẩm Tam Huệ), nghĩa là Trí tuệ này tạo tác sinh ra tất cả các pháp. Đây là Trí tuệ có Tư duy và Thần lực của Đức Phật Như Lai. Do trong tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh nên cũng có nghĩa là trong thân chúng sinh có Trí tuệ và Thần lực của Đức Phật Như Lai.

Như vậy, khi quan sát về vũ trụ vạn vật Đức Phật Thích Ca đã chỉ ra một phép biện chứng sâu màu để luận giải các pháp vượt ngôn từ, các thuật ngữ được ẩn giấu nghĩa lý sau ngôn từ, không đọa ngôn từ và tìm đến chân lý tuyệt đối của vũ trụ vạn vật, đó là Đức Phật Như Lai. Đức Phật Như Lai ở đây không phải là Đức Phật Thích Ca, mà Đức Phật Thích Ca cũng chỉ là một Pháp thân của Như Lai, tức là một thực thể phân thân biến thể của Như Lai, được ví như vi trần. Đây chính là Tự Tánh của Như Lai tạo tác sinh ra Đức Phật Thích Ca cũng như tất cả chúng sinh. Khi ý thức của Đức Phật Thích Ca nhập hoàn toàn được với Trí tuệ Phật thì được gọi là nhập Phật tri kiến và được gọi là thành Phật. Khi đã thành Phật thì cũng được gọi là Đức Phật, bởi Pháp thân của Đức Phật Như Lai cũng chính là Đức Phật Như Lai, nên Đức Phật Thích Ca cũng còn được gọi là Như Lai. Do đó, Đức Phật Thích Ca đã nói rằng: “Các người là Phật sẽ thành, Ta đây là Phật đã thành” (Kinh Phạm Võng, Phẩm Bồ Tát Tâm địa), nghĩa là tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, nếu chúng sanh tinh tấn nỗ lực tu hành thì cũng sẽ thành Phật như Đức Phật Thích Ca.

Như vậy, vũ trụ vạn vật cũng như con người và thế giới tự nhiên này được sinh ra bởi Phật Tánh. Phật Tánh được ví như vi trần do Đức Phật Như Lai phân thân thị hiện biến thể ra các phân thể, còn được gọi là Pháp thân của Như Lai làm Tự Tánh tạo tác khởi sinh lên vũ trụ vạn vật. Mỗi thực thể phân thân chính là một Phật Tánh tạo tác sinh ra một sự vật. Vì vậy, Phật Tánh được ví “nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới”, tạo sinh ra mười phương vô lượng thế giới, sinh ra vũ trụ vạn vật mà chúng ta nhìn thấy được ngày nay.

Do Phật Tánh là phân thân biến thể của Đức Phật Như Lai, là Tự Tánh của Như Lai, là Trí tuệ của Đức Phật Như Lai nên gọi là Trí tuệ Phật. Trí tuệ Phật tạo tác khởi sinh lên mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ bằng Thần lực, còn gọi là Thần lực của Như Lai. Do đó, Phật Tánh là Trí tuệ có Tư duy và Thần lực. Bởi tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh nên trong tất cả chúng sinh đều có Tư duy và Thần lực. Vì thế, chân lý của vũ trụ vạn vật là Tư duy và Thần lực, chính là Pháp thân của Như Lai, còn chân lý tuyệt đối của vũ trụ vạn vật là Đức Phật Như Lai.

Như vậy, trong tất cả chúng sinh cũng như con người chúng ta có nhiều khả năng siêu nhiên được xem là vô tận, bởi Trí tuệ và năng lực của Đức Phật là vô biên, ẩn trong thân chúng sinh đầy đủ 32 tướng, nên trong loài người thi thoảng vẫn có xuất hiện khả năng siêu nhiên. Còn các khả năng thông thường của con người trong thế gian thì chỉ được diễn ra có hạn định theo mức nhân quả dựa trên cơ sở nghiệp mà phát khởi. Như vậy, Phật Tánh chính là siêu nhiên và vũ trụ này được sinh ra bởi Đức Phật Như Lai, là Đấng siêu nhiên.

Tại sao chúng sinh không thấy được Phật Tánh?

Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh. Phật Tánh thanh tịnh thường trụ chẳng biến đổi nhưng chỉ có Phật mới thấy được, còn Bồ tát thì thấy lờ mờ và chúng sinh thì không thể thấy được, như trong Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Sư tử hống Bồ tát, Đức Phật Thích Ca chỉ ra: “Tất cả chúng sanh dầu chẳng được thấy, nhưng Thập trụ Bồ tát thấy được một ít phần, Đức Như Lai thời thấy rõ hoàn toàn. Thập trụ Bồ tát thấy Phật Tánh như đêm tối thấy hình sắc, Đức Như Lai thấy Phật Tánh như giữa ban ngày thấy hình sắc”. Đức Như Lai ở đây là nói về Đức Phật Thích Ca. Những người thành Phật trong thế giới như Đức Phật Thích Ca thì thấy được Phật Tánh rất rõ, như giữa ban ngày thấy hình sắc, vì Đức Phật Thích Ca không còn tà kiến, kiến hoặc, không bị sở ô nhiễm bởi tham, sân, si nên Phật Tánh của Ngài có đầy đủ 7 điều trong sạch như trong Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Ca Diếp Bồ tát có nói: “Phật Tánh này có bảy điều: Thường, lạc, ngã, tịnh, chơn, thật và thiện”. Thường có nghĩa là bất biến, là thường định, thường còn, thường hằng; Lạc có nghĩa là vui; Ngã có nghĩa là cái tôi, cái ta của mọi người, tức là cái chủ thể tạo ra chính mình, cái chúa tể tạo ra tất cả chúng sinh; Tịnh có nghĩa là sạch, trong sạch; Chơn có nghĩa là chân như, là chân lý của tất cả, là gốc của tất cả; Thật có nghĩa là cái chân thật; Thiện có nghĩa là các việc tốt lành, lợi ích chúng sinh. Vì vậy, ý thức của Đức Phật Thích Ca hoàn toàn sáng tỏ Phật Tánh, tức là nhập được với Phật Tánh không còn ngăn ngại nên thấy được Phật Tánh rõ hoàn toàn như thấy hình sắc giữa ban ngày.

Đại Bồ tát Thập trụ địa đang còn sở ô nhiễm bởi thiểu kiến của tà kiến nên bị che lấp ngăn ngại, do đó chỉ thấy Phật Tánh lờ mờ. Các Bồ tát từ Cửu trụ địa trở xuống còn sở ô nhiễm bởi khả kiến và thiện bất thiện nên không thấy rõ được Phật Tánh, như trong Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Ca Diếp Bồ tát có nói: “Phật Tánh của Cửu Trụ Bồ tát có sáu điều: Thường, tịnh, chơn, thật, thiện, khả kiến”. “Bát Trụ Bồ tát xuống đến bực Lục Trụ, Phật Tánh có năm điều: Chơn, thật, tịnh, thiện và khả kiến”. “Ngũ Trụ Bồ tát xuống đến bực Sơ Trụ, Phật Tánh có năm điều: Chơn, thật, tịnh, khả kiến và thiện bất thiện”. Khả kiến tức là cấu nhiễm những tà kiến; thiện bất thiện tức là các Bồ tát này hay sanh các pháp chẳng lành, đây được ví như Bồ tát sanh, Bồ tát đảnh tức là thối Bồ tát, là những Bồ tát tu hành thoái chuyển. Do đó, các Bồ tát này không thấy rõ được Phật Tánh.

 Chúng sinh không thể thấy được Phật Tánh bởi chúng sinh đang bị sở ô nhiễm của tà kiến, của tham, sân, si, vọng tưởng nên bị che lấp hoàn toàn không thể thấy được Phật Tánh, như trong Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất thiết Phật Ngữ Tâm, Phần 2, Quyển Thứ nhì có nói: “Tự Tánh của Như Lai Tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh, vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất, nên bị cấu bẩn vọng phân biệt tham, sân, si sở ô nhiễm, giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ”, nghĩa là Phật Tánh có trong chúng sinh nhưng bị áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất và bị cấu bẩn vọng phân biệt tham, sân, si sở ô nhiễm che lấp, do đó chúng sinh không thấy được Phật Tánh. Ấm là ngũ ấm, tức sắc, thọ tưởng, hành, thức; giới là 6 thức từ nhãn giới đến ý thức giới; nhập là lục nhập, là 6 căn nhập với 6 trần, tức là thập nhị xứ.

Để thấy được Phật Tánh, Bồ tát và chúng sinh phải siêng năng tu tập dứt trừ phiền não và trì giới tu hành tinh tấn để không còn sở ô nhiễm ngăn ngại. Khi ý thức sáng tỏ, không bị che lấp thì mới thấy rõ được Phật Tánh, như trong Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Tà Chánh, Đức Phật chỉ ra: “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, vì phiền não che ngăn nên không thấy không biết. Vì thế nên phải siêng năng tu tập để dứt trừ phiền não” và “Dầu tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, nhưng phải do nơi trì giới rồi sau mới được thấy. Do thấy Phật Tánh mà được thành Vô thượng Chánh giác”. Như vậy, khi thấy được Phật Tánh một cách sáng tỏ là thành Phật, còn gọi là thành Vô thượng Chánh giác./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:

1. Kinh Đại bát Niết bàn; Dịch Từ Hán Sang Việt: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh; Tịnh Xá Minh Đăng Quang, Hoa Kỳ Xuất Bản 1990

2. Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật; Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập; Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh; Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập); Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995

3. Kinh Lăng Già; Pháp Sư Tam Tạng Ấn Độ Cầu Na Bạt Đà La dịch từ Phạn sang Hán đời nhà Tống; Việt dịch : Tỳ Kheo Thích Duy Lực; Thành Hội Phật Giáo HCM Xuất Bản 1994

4. Kinh Phạm Võng; Dịch giả: HT. Thích Trí Tịnh

5. Ma ha Bát nhã Ba la mật Đa Tâm kinh

Ngày 26 tháng 03 năm 2018

Mạnh Hà

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *