Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tự) – P6

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn lên địa vị Bồ Tát, muốn hơn bực Thanh Văn, Duyên Giác, muốn trụ bực bất thối chuyển, muốn có lục thần thông, muốn biết chí hướng của tất cả chúng sanh, muốn có trí huệ hơn trí huệ của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật, muốn được những môn đà la ni, những môn tam muội, đều phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦“Đại Bồ Tát muốn lên địa vị Bồ Tát thì phải học Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật là học tất cả các pháp đều bất khả đắc, tức là tất cả các pháp đều rỗng không, do đó, không có Tự Tánh, không sanh nên không có các pháp, không chấp trước vào các pháp. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Biến Học, Đức Phật nói:

“Này Tu Bồ Đề! Sắc tánh không, nhẫn đến Nhất thiết chủng trí tánh không. Nếu pháp tánh không tức là không hí luận, vì thế nên sắc nhẫn đến Nhất thiết chủng trí chẳng hí luận được.

Này Tu Bồ Đề! Nếu Đại Bồ Tát hay hành vô hí luận Bát nhã ba la mật như vậy thì liền nhập Bồ Tát vị”.

“Hí luận” là chấp trước các pháp, “vô hí luận” tức là không chấp trước các pháp bởi các pháp Tánh Không (không có Tự Tánh). Bồ Tát hay hành vô hí luận thì sẽ được nhập Bồ Tát vị tức là nhập vào địa vị Bồ Tát, sẽ hơn bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật. Đại Bồ Tát muốn biết được như vậy thời phải học Bát nhã ba la mật.

♦“Đại Bồ Tát muốn hơn bậc Thanh Văn, Duyên Giác thì phải học Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ Tát phải nhập Bồ Tát vị thì sẽ hơn bậc Thanh Văn, Duyên Giác, bởi bậc Thanh Văn, Duyên Giác chấp vào các pháp là có thật, các pháp là do Nhân Duyên sanh. Còn khi vào địa vị Bồ Tát thì không còn chấp trước các pháp bởi các pháp không sanh, rỗng không. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tu Tập Đúng, Đức Phật nói:

“Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát từ lúc sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật, an trụ nơi pháp không, vô tướng, vô tác, có thể vượt hơn bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật, mà đến bậc bất thối chuyển, thanh tịnh Phật đạo”.

Do đó, Đại Bồ Tát muốn hơn bậc Thanh Văn, Duyên Giác thì phải học Bát nhã ba la mật.

♦“Đại Bồ Tát muốn trụ bậc bất thối chuyển thì phải học Bát nhã ba la mật”:

Thế nào là Đại Bồ Tát trụ bậc bối chuyển? Đại Bồ Tát trụ bậc bất thối chuyển là những Bồ Tát nghe, học Bát nhã ba la mật tin hiểu. Tin hiểu và thực hành đúng như lời dạy của Đức Phật. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tùy Hỷ, Đức Phật nói:

“Chư Bồ Tát được nghe rộng Bát nhã ba la mật này cũng tin hiểu. Tin hiểu rồi hành đúng như lời Phật đã nói sẽ được trụ bậc Bồ Tát bất thối chuyển”.

– “Tin hiểu”: là tin các pháp không sanh bởi các pháp không có Tự Tánh, nên không có cỗ máy tạo tác, cấu tạo lên các pháp, các pháp là rỗng không, không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, khởi sanh lên các pháp và thường trụ trong các pháp.

– “Hành đúng như lời Phật đã nói”: Phật dạy con người cũng như vạn vật được hiện hữu là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi theo Quy luật Nhân Quả. Đối với con người, Nhân Quả được tính theo nghiệp thiện hay ác. Khi làm việc thiện thì được Bát nhã ba la mật thường trụ trong con người cho hưởng quả vui, khi làm việc ác thì bị Bát nhã ba la mật thường trụ trong con người bắt phải chịu quả khổ. Do đó, con người phải bỏ ác, làm thiện, thật hành thập thiện đạo, loại bỏ thấp bất thiện đạo.

Như vậy, Đại Bồ Tát phải tin hiểu Bát nhã ba la mật là cái sanh ra các pháp và hành đúng như lời Phật dạy thì sẽ được trụ bậc bất thối chuyển. Do đó, Đại Bồ muốn trụ bậc bất thối chuyển thời phải học Bát nhã ba la mật.

♦“Đại Bồ Tát muốn có lục thần thông thì phải học Bát nhã ba la mật”:

Lục thần thông là Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mạng thông, Tha tâm thông, Thần túc thông và Lậu tận thông. Học Bát nhã ba la mật Đại Bồ Tát hiểu được các thần thông cũng rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh, không có các thần thông.

Sự hiện hữu của lục thần thông là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát phát khởi. Đại Bồ Tát được lục thần thông cũng là do Bát nhã ba la mật nên Đại Bồ Tát muốn có lục thần thông thời phải học Bát nhã ba la mật.

♦“Đại Bồ Tát muốn biết chí hướng của tất cả chúng sanh thì phải học Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật hiểu biết được tất cả các pháp rỗng không, do không có Tự Tánh không sanh, không có các pháp, không có chúng sanh nên cũng không có chí hướng của chúng sanh.

Sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp, trong chúng sanh. Mọi chí hướng của chúng sanh là do Bát nhã ba la mật. Chúng sanh được hiện hữu nhưng Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động nên mọi chí hướng của chúng sanh đều bất khả đắc.

Khi Đại Bồ Tát có lục thần thông thì sẽ biết được chí hướng của tất cả chúng sanh.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát sẽ biết được chí hướng của tất cả chúng sanh đều là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh. Sự biết được chí hướng của chúng sanh trong Đại Bồ Tát cũng là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát nên phải học Bát nhã ba la mật.

♦“Đại Bồ Tát muốn có trí huệ hơn trí huệ của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật thì phải học Bát nhã ba la mật”:

Trí huệ của Thanh Văn, Bích Chi Phật là chấp trước vào các pháp là có thật, các pháp do Nhân Duyên sanh. Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật có trí huệ hiểu biết được tất cả các pháp đều rỗng không, do không có Tự Tánh, không sanh, không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật. Trí huệ của Bồ Tát hiểu được như vậy nên không chấp vào các pháp là có thật. Như Kinh Bát Nhã Ba Mật, Tập I, Phẩm Tu Tập Đúng, Đức Phật nói:

“Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật”.

Do đó, Đại Bồ Tát muốn có trí huệ hơn tất cả trí huệ của Thanh Văn, Bích Chi Phật thời phải học Bát nhã ba la mật.

♦“Đại Bồ Tát muốn được những môn đà la ni, những môn tam muội phải học Bát nhã ba la mật”:

Những môn đà la ni là sức tăng thượng của tuệ niệm, nghĩa là độ nghĩ nhớ các pháp được lâu, nhớ được nhiều pháp.

Những môn tam muội là Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội.

Học Bát nhã ba la mật Đại Bồ Tát biết được tất cả những môn đà la ni, những môn tam muội đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh, không có. Sự hiện hữu của những môn đà la ni, những môn tam muội đều là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi mà có. Đại Bồ Tát muốn được các môn đà la ni, các môn tam muội là do Bát nhã ba la mật nên phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “Đại Bồ Tát muốn lên địa vị Bồ Tát, muốn hơn bực Thanh Văn, Duyên Giác, muốn trụ bực bất thối chuyển, muốn có lục thần thông, muốn biết chí hướng của tất cả chúng sanh, muốn có trí huệ hơn trí huệ của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật, muốn được những môn đà la ni, những môn tam muội, đều phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ Tát muốn dùng tâm tùy hỷ để hơn trên những sự bố thí, trì giới, tam muội thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát tam muội của tất cả những người cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu biết được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh, không có các pháp, không có con người. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi ra các pháp, ra con người và làm Tự Tướng của các pháp, của con người để các pháp, con người hoạt động, vận động, tác động qua lại. Mọi sự bố thí, trì giới, tam muội thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát tam muội đều là do Bát nhã ba la mật. Con người dù được hiện hữu nhưng Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động. Những sự bố thí, trì giới, tam muội thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát tam muội đều bất khả đắc. Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy.

“Tâm tùy hỷ”: là biết được mọi hoạt động của các pháp đều do Bát nhã ba la mật tác động, còn các pháp tướng như bất động. Do đó, Đại Bồ Tát  dùng tâm tùy hỷ thuận theo pháp là Đại Bồ Tát biết rõ các pháp rỗng không, tướng như bất động vì vô sanh do không có Tự Tánh. Đại Bồ Tát tùy hỷ như vậy thì vượt hơn trên tất cả.

Những người cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật chấp vào những sự bố thí trì giới, tam muội thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát tam muội là có thật, là tự những người ấy thực hiện. Còn Đại Bồ Tát do học Bát nhã ba la mật biết rõ tất cả những sự bố thí trì giới, tam muội thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát tam muội đều do Bát nhã ba la mật làm Tự Tướng trong con người thực hiện khả đắc nên hồi hướng Vô thượng Bồ đề (Bát nhã ba la mật). Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Tùy Hỷ, Đức Phật chỉ rõ: “Nếu là phước đức rời Bát nhã ba la mật thời chẳng được hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Tại sao vậy? Vì trong Bát nhã ba la mật chư Phật bất khả đắc, các thiện căn bất khả đắc, tâm hồi hướng Vô thượng bồ đề cũng bất khả đắc”, nghĩa là dù là chư Phật (các Phật tại thế) thì Tự Tướng cũng rỗng không, tướng như bất động, mọi thiện căn tâm hồi hướng đều bất khả đắc, mà tất cả đều là do Bát nhã ba la mật thường trụ, làm Tự Tướng trong chư Phật tại thế thực hiện.

Đại Bồ Tát chỉ ra cho chúng sanh biết tất cả các pháp đều do Bát nhã ba la mật, mọi phước đức của sự bố thí, trì giới, tam muội thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát tam muội, tâm tùy hỷ đều là do Bát nhã ba la mật (Vô thượng Bồ đề) thường trụ trong con người thực hiện chứ không phải con người tự thực hiện được. Những mong muốn của Đại Bồ Tát được khả đắc là do Bát nhã ba la mật. Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật thì hiểu biết được như vậy.

Do đó, “Đại Bồ Tát muốn dùng tâm tùy hỷ để hơn trên những sự bố thí, trì giới, tam muội thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát tam muội của tất cả những người cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ Tát thật hành phần ít bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, mà muốn do sức phương tiện hồi hướng để được vô lượng vô biên công đức, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

“Đại Bồ Tát thật hành phần ít bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ” gọi là thật hành sáu độ. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Lục Độ Tương Nhiếp, Đức Phật nói về sức phương tiện là: “Bồ Tát này y nơi sư tử phấn tấn tam muội…”.

“Y nơi sư tử” là Đức Phật dùng pháp dụ, nghĩa là nương vào Pháp tánh. Pháp tánh là cái cai quản sanh diệt các pháp, là chúa tể, chủ tể của các pháp thường trụ trong các pháp. Vì vậy, các pháp không sanh, không diệt, tướng như bất động. Đại Bồ Tát muốn biết được như vậy thời phải học Bát nhã ba la mật.

Đại Bồ Tát khi biết được chúa tể, chủ tể cai quản trong các pháp là Pháp tánh thì thấy được việc thực hiện sáu độ đều bất khả đắc, vô sở hữu vì các pháp vô sanh, vô khởi, mọi thành tựu trong sáu độ đều do Bát nhã ba la mật. Bởi Bát nhã ba la mật chính là Pháp tánh thường trụ trong các pháp, là cái chúa tể tạo tác, sanh khởi lên sự hiện hữu của các pháp nên mọi phước đức đều do Bát nhã ba la mật tạo ra. Việc hồi hướng Vô thượng bồ đề cũng là do Bát nhã ba la mật tạo ra. Đại Bồ Tát hiểu biết được như vậy thời được vô lượng vô biên công đức nên phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “Đại Bồ Tát thật hành phần ít bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, mà muốn do sức phương tiện hồi hướng để được vô lượng vô biên công đức, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ Tát muốn thật hành Đàn na ba la mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật, Thiền na ba la mật, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦Nếu Đại Bồ Tát không học Bát nhã ba la mật thì chỉ thật hành Đàn na, Thi la, Sằn đề, Tỳ lê gia và Thiền na:

– Thật hành Đàn na: Đại Bồ Tát chấp vào bố thí là có thật, tôi cho họ nhận, tài vật là của tôi, tôi giảng pháp cho họ nghe.

– Thật hành Thi la: Đại Bồ Tát chấp vào tôi là người giữ giới (không tạo ra tội), còn họ là kẻ phá giới (tạo ra tội).

– Thật hành Sằn đề: khi bị đánh đập chửi mắng, tôi nhẫn nhục để không khởi lên sân hận, còn họ khi bị đánh đập thì sân hận nổi lên.

– Thật hành Tỳ lê gia: Đại Bồ Tát chấp vào tôi tinh tấn tu hành các thiện pháp, còn họ thì giải đãi, không chịu tu hành.

– Thật hành Thiền na: Đại Bồ Tát chấp vào tôi chẳng tán loạn, chẳng say đắm để quan sát các pháp, còn họ thì tán loạn, say đắm nên chẳng quan sát được các pháp.

♦Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không bởi không có Tự Tánh, không sanh, không có các pháp, không có chúng sanh, nên thật hành Đàn na ba la mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật, Thiền na ba la mật:

– Thật hành Đàn na ba la mật: Đại Bồ Tát không thấy người thí, không thấy kẻ nhận, không thấy tài vật.

– Thật hành Thi la ba la mật: Đại Bồ Tát biết được tội cùng chẳng tội đều bất khả đắc.

– Thật hành Sằn đề ba la mật: Đại Bồ Tát biết rõ tâm chẳng động.

– Thật hành Tỳ lê gia ba la mật: Đại Bồ Tát chẳng thấy tinh tấn cùng giải đãi.

– Thật hành Thiền na ba la mật: Đại Bồ Tát chẳng thấy tâm tán loạn, say đắm.

Sự hiện hữu của các pháp, con người là do Bát nhã ba mật sanh khởi, thường trụ và làm Tự Tướng trong các pháp, trong con người để thực hiện mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại. Còn các pháp, con người dù được Bát nhã ba la mật sanh ra nhưng Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động, nên mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại để thật hành năm ba la mật trên là bất khả đắc. Do đó, việc thật hành năm ba la mật trên đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát thực hiện. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Bất Khả Tận, Đức Phật nói:

“Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có bố thí bao nhiêu đều phải hồi hướng Nhất thiết trí, thế nên lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ Bố thí ba la mật.

Đại Bồ Tát có trì giới đều hồi hướng Nhất thiết trí, thế nên lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ Trì giới ba la mật.

Đại Bồ Tát có nhẫn nhục bao nhiêu đều hồi hướng Nhất thiết trí, thế nên lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ Nhẫn nhục ba la mật.

Đại Bồ Tát có tinh tấn bao nhiêu đều hồi hướng Nhất thiết trí, thế nên lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ Tinh tấn ba la mật.

Đại Bồ Tát có thiền định bao nhiêu đều hồi hướng Nhất thiết trí, thế nên lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ Thiền na ba la mật”.

Như vậy, để thật hành thành tựu năm ba la mật trên là do Nhất thiết trí, bởi Nhất thiết trí là cái tạo tác, cai quản sanh diệt mọi hoạt động, vận động của các pháp, của con người. Mà Nhất thiết trí chính là Bát nhã ba la mật, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Nhĩ Văn Trì, Đức Phật nói: “Nhất thiết trí là Bát nhã ba la mật”.

Do đó, “Đại Bồ Tát muốn thật hành Đàn na ba la mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật, Thiền na ba la mật, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ Tát muốn đời đời thân thể giống như thân Phật đủ ba mươi hai tướng đại nhơn, tám mươi tùy hình hảo, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát biết được tất cả các pháp đều không sanh, không diệt, tướng như bất động. Mọi sự sanh diệt, hoạt động, vận động của các pháp đều do Bát nhã ba la mật. Tất cả các pháp, chúng sanh, con người, Phật tại thế đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi. Thân của Phật tại thế do Bát nhã ba la mật (Phật Tánh) tạo ra còn được gọi là Tự Tánh Như Lai Tạng, tất cả thân của chúng sanh cũng do Tự Tánh Như Lai Tạng tạo ra. Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm, Đức Phật chỉ rõ: “Tự Tánh Như Lai Tạng vốn trong sạch, thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh…”.

Như vậy, Tự Tánh Như Lai Tạng chính là Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra các pháp, chúng sanh, thân Phật tại thế, mà tất cả Phật Tánh đều như nhau, đều có ba mươi hai tướng tạo tác và tám mươi tùy hình hảo để biến hóa. Do đó, trong thân chúng sanh, Đại Bồ Tát, thân Phật đều có Phật Tánh, đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tùy hình hảo. Như Kinh Phạm Võng, Đức Phật Thích Ca nói: “…ta đây là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành…”. Vì vậy, nếu chúng sanh tu hành thành tựu các thiện căn cũng sẽ được thành Phật như Đức Phật Thích Ca.

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật thời hiểu biết được như vậy.

Do đó, “Đại Bồ Tát muốn đời đời thân thể giống như thân Phật đủ ba mươi hai tướng đại nhơn, tám mươi tùy hình hảo, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn sanh nhà Bồ Tát, muốn được bực đồng chơn, muốn chẳng rời Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦“Muốn sanh nhà Bồ Tát thời phải học Bát nhã ba la mật”:

Thế nào là nhà Bồ Tát?

Học Bát nhã ba la mật hiểu biết được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh nên không có các pháp, không có chúng sanh, không có Bồ Tát. Sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh, Bồ Tát là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra các pháp và thường trụ trong các pháp. Biết các pháp là do Bát nhã ba la mật (Vô thượng Bồ đề) cai quản sanh diệt các pháp nên phát tâm cầu Vô thượng Bồ đề để giải thoát cho chính mình và chỉ ra cho chúng sanh biết để họ thoát khổ bởi chúng sanh còn chấp vào các pháp là có thật (khổ là do người này, người kia,…), nên bị đắm chìm vào luân hồi sanh tử vô lượng kiếp không thể tự thoát ra được. Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật hiểu biết được tất cả là do Bát nhã ba la mật và chỉ cho chúng sanh tu hành thoát khổ.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật nói: “Này Tu Bồ Đề, vì tất cả pháp không có tánh nên Bồ Tát vì chúng sanh cầu Vô thượng Bồ đề. Tại sao? Vì những ai có được, có chấp thì khó giải thoát”, nghĩa là nếu chấp vào các pháp là có thật, chấp trước các pháp thì không thể giải thoát mọi khổ đau, Bồ Tát hiểu biết chúng sanh và mọi khổ đau của chúng sanh đều do Vô thượng Bồ đề.

Nhà Bồ Tát chính là đạo tràng Vô thượng Bồ đề gồm những người (Bồ Tát) phát tâm cầu Vô thượng Bồ đề. Đại Bồ Tát muốn biết Vô thượng Bồ đề và phát tâm cầu Vô thượng Bồ thì phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “muốn sanh nhà Bồ Tát thời phải học Bát nhã ba la mật”.

♦“Muốn được bực đồng chơn thời phải học Bát nhã ba la mật”:

Bậc đồng chơn là những người cùng nhau học pháp chơn thật. Đại Bồ Tát muốn biết pháp chơn thật thời phải học Bát nhã ba la mật.

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật hiểu biết được tất cả các pháp rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Bởi tất cả các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.

Do đó, sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật sanh ra. Pháp chơn thật chính là Bát nhã ba la mật hay còn gọi là bản gốc của các pháp. Bát nhã ba la mật (Phật Tánh) tạo tác, sanh khởi ra các pháp thường trụ trong các pháp, cai quản sự sanh diệt và mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tứ Đế, Đức Phật nói: “có Phật hay không có Phật, pháp tánh vẫn thường trụ. Tại sao? Vì chẳng sai chẳng mất vậy”, nghĩa là dù có Phật tại thế hay không có Phật tại thế thì Pháp tánh, Bát nhã ba la mật vẫn thường trụ trong các pháp, không có gì sai khác.

Những người cùng nhau học về pháp chơn thật (Bát nhã ba la mật) gọi là bậc đồng chơn. Học Bát nhã ba la mật thời hiểu biết được như vậy.

Do đó, “muốn được bực đồng chơn thời phải học Bát nhã ba la mật”.

♦“Muốn chẳng rời Phật thời phải học Bát nhã ba la mật”:

Nếu không học Bát nhã ba la mật thì làm sao biết được Phật ở đâu để mà chẳng rời.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật (Phật tánh) tạo tác, sanh khởi ra các pháp, ra con người thường trụ trong các pháp, trong con người. Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật thì biết được Phật ở chính trong thân mình và trong chúng sanh cùng tất cả pháp.

Vì vậy, “muốn chẳng rời Phật thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Do đó, “muốn sanh nhà Bồ Tát, muốn được bực đồng chơn, muốn chẳng rời Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật.”

Chính kinh:

“Muốn đem những thiện căn cúng dường chư Phật và cung kính tôn trọng tán thán tùy ý thành tựu, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh nên không có các pháp.

Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi ra các pháp và làm Tự Tướng của các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại tạo ra các thiện căn. Chỉ có Bát nhã ba la mật mới tùy ý thành tựu được còn các pháp, con người dù có hiện hữu nhưng Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc tạo ra thiện căn, đem các thiện căn để cung kính, tôn trọng ca ngợi là bất khả đắc, mà tất cả là do Bát nhã ba la mật. Chỉ có Bát nhã ba la mật là cái tạo tác, sanh khởi ra các pháp thời mới tùy ý thành tựu được nên Đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “muốn đem những thiện căn cúng dường chư Phật và cung kính tôn trọng tán thán tùy ý thành tựu, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn làm cho chúng sanh thỏa nguyện về những thứ uống, ăn, y phục, giường nệm, đèn đuốc, phòng nhà, xe cộ, thuốc men, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật thời hiểu biết được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh nên không có các pháp, không có chúng sanh, không có các vật chất như những thứ uống, ăn, y phục, giường nệm, đèn đuốc, phòng nhà, xe cộ, thuốc men.

Sự hiện hữu của các pháp, con người là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp, trong con người để tạo ra các thứ vật chất: những thứ uống, ăn, y phục, giường nệm, đèn đuốc, phòng nhà, xe cộ, thuốc men. Tất cả đều là do Bát nhã ba la mật.

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật hiểu biết được tất cả các thứ cần dùng cho chúng sanh là do Bát nhã ba la mật nên phải học Bát nhã ba la mật.

Như vậy, “muốn làm cho chúng sanh thỏa nguyện về những thứ uống, ăn, y phục, giường nệm, đèn đuốc, phòng nhà, xe cộ, thuốc men, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Này Xá Lợi Phất ! Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh ở hằng sa thế giới đứng vững nơi sáu môn ba la mật, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu biết được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh nên không có các pháp, không có chúng sanh ở hằng sa thế giới, không có sáu môn ba la mật.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì tất cả các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.

Do đó, sự hiện hữu của chúng sanh ở hằng sa thế giới, sáu môn ba la mật tất cả đều do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong chúng sanh để chúng sanh đứng vững nơi sáu môn ba la mật, còn chúng sanh dù được Bát nhã ba la mật sanh ra nhưng Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động thì việc đứng vũng nơi sáu môn ba la mật là bất khả đắc. Học Bát nhã ba la mật Đại Bồ Tát hiểu biết như vậy.

Do đó, “Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh ở hằng sa thế giới đứng vững nơi sáu môn ba la mật, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn gieo một thiện căn ở trong phước điền của Phật còn mãi đến khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác vẫn không hết, thì phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu biết được tất cả các pháp đều không sanh, không diệt, tướng như bất động do không có Tự Tánh, rỗng không.

Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật, mọi thiện căn của Đại Bồ Tát tạo ra cũng là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tướng trong Đại Bồ Tát để thực hiện thành tựu các thiện căn, còn Đại Bồ Tát dù được Bát nhã ba la mật tạo ra, nhưng Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc tạo ra thiện căn là bất khả đắc. Như Kinh  Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tam Huệ, Đức Phật nói:“Này Tu Bồ Đề! Đức Phật dùng thiệt tướng của các pháp mà làm phước điền cho trời người và tất cả chúng sanh. Hóa Phật cũng dùng thiệt tướng của các pháp mà làm phước điền cho trời người và tất cả chúng sanh”.

“Đức Phật” ở đây là Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật.

“Hóa Phật” là Pháp thân Như Lai, chính là Pháp tánh, Bát nhã ba la mật thường trụ trong các pháp.

“Thiệt tướng của các pháp” chính là Bát nhã ba la mật hay Hóa Phật.

Như vậy, mọi công đức của con người là do Hóa Phật tạo tác, sanh khởi ra con người và làm Tự Tướng trong con người để thực hiện thành tựu các công đức. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tam Huệ, Đức Phật nói: “Này Tu Bồ Đề! Gieo căn lành trong phước điền Phật được phước đức vô lượng … nếu có người chỉ một lần xưng Nam mô Phật, người này mãi đến lúc giải thoát, phước đức ấy cũng chẳng cùng tận.”

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới  hiểu được tất cả thiện căn cho đến được Vô thượng chánh đẳng chánh giác đều là do Bát nhã ba la mật.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu biết được như vậy.

Do đó, “Muốn gieo một thiện căn ở trong phước điền của Phật còn mãi đến khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác vẫn không hết, thì phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn Chư Phật ở mười phương ca ngợi danh hiệu của mình, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu biết được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh nên không có chư Phật mười phương, cũng không có Đại Bồ Tát.

Sự hiện hữu của chư Phật mười phương, chúng sanh, Đại Bồ Tát là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp, trong chư Phật mười phương để ca ngợi danh hiệu của Bồ Tát. Chư Phật mười phương dù có hiện hữu nhưng Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc ca ngợi danh hiệu là bất khả đắc.

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật thời hiểu biết được như vậy.

Do đó, “muốn Chư Phật ở mười phương ca ngợi danh hiệu của mình, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn vừa phát ý thời thân liền đến hằng sa thế giới ở mười phương, muốn vừa phát âm thời tiếng vang đến hằng sa thế giới ở mười phương, đều phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật thì hiểu biết được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh, không có các pháp, không có hằng sa thế giới ở mười phương.

Sự hiện hữu của các pháp, hằng sa thế giới ở mười phương, Đại Bồ Tát đều do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp. Việc phát ý hay phát âm của Đại Bồ Tát đều do Bát nhã ba la mật thường trụ, làm Tự Tướng trong Đại Bồ Tát thực hiện, nên sẽ đến được hằng sa thế giới ở mười phương. Còn Đại Bồ Tát vì Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc phát ý hay phát âm đều bất khả đắc.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu biết được như vậy.

Do đó, “muốn vừa phát ý thời thân liền đến hằng sa thế giới ở mười phương, muốn vừa phát âm thời tiếng vang đến hằng sa thế giới ở mười phương, đều phải học Bát nhã ba la mật”.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày 24 tháng 06 năm 2021

Phạm Thị Mý