Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Phụng Bát) – P12

PHẨM TU TẬP ĐÚNG

THỨ BA

Chính kinh:

“Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát phải suy nghĩ như thế nầy:

Bồ tát chỉ có danh tự, Phật cũng chỉ có danh tự, Bát nhã ba la mật cũng chỉ có danh tự, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chỉ có danh tự”.

Luận giải:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật là không chấp vào tất cả pháp, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Vô Tác, Đức Phật nói:

“Muốn thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng hành nơi sắc, chẳng hành nơi thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến chẳng hành Nhứt thiết chủng trí, …

Tại sao vậy? Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến Nhứt thiết chủng trí đây vốn không có tánh”.

“Sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến Nhứt thiết chủng trí đây vốn không có tánh” nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến Nhất thiết chủng trí không có Tự tánh.

Như vậy, lúc thật hành Bát nhã ba la mật Đại Bồ tát thật hành tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có Bồ tát, không có Phật, không có Nhất thiết chủng trí, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì tất cả các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.

Do đó, sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật sanh ra, có các pháp thời có danh tự của các pháp.

Bồ tát chỉ có danh tự nghĩa là Bồ tát đã được sanh ra, có danh tự tức là có tên gọi Bồ tát, nhưng bản thân Bồ tát là vô tác do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Bồ tát rỗng không, vì rỗng không nên Bồ tát chỉ có danh tự, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tu Tập Đúng, Đức Phật nói: “Vì rỗng không nên chỉ dùng danh tự để tuyên nói”.

Phật cũng chỉ có danh tự, nghĩa là Phật tại thế đã được sanh ra, hiện hữu, có danh tự như Đức Phật Thích Ca, nhưng dù là Phật tại thế thì cũng không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không. Vì rỗng không nên Phật chỉ có danh tự.

Bát nhã ba la mật cũng chỉ có danh tự, nghĩa là Bát nhã ba la mật là Pháp tánh, là cái đang hiện hữu để tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Hành Tướng chỉ rõ: “Vì không có tánh, chính đó là Bát nhã ba la mật”, nghĩa là Bát nhã ba la mật cũng không có tánh tức là không có Tự tánh, không tự sanh khởi, do đó, Bát nhã ba la mật cũng rỗng không. Vì rỗng không nên Bát nhã ba la mật cũng chỉ có danh tự.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chỉ có danh tự, nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức đã hiện hữu. Nhưng sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô tác do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không như Bát Nhã Tâm Kinh chỉ rõ: Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, tức là soi thấy năm uẩn đều không (rỗng không). Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức rỗng không nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức chỉ có danh tự.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Như ngã, chúng sanh, thọ giả, mạng giả, sanh giả, dưỡng dục giả, tác giả, sử tác giả, khởi giả, sử khởi giả, thọ giả, sử thọ giả, tri giả, kiến giả đều là bất khả đắc tất cả. Vì là bất khả đắc nên rỗng không. Vì rỗng không nên chỉ dùng danh tự để tuyên nói”.

* Trong đoạn kinh này: “Như ngã, chúng sanh, thọ giả, mạng giả…”, thọ giả ở đây là “thân giả” bởi vì ở câu dưới đã có thọ giả mà thiếu thân giả.

Luận giải:

Ngã: là chúa tể, chủ tể, là Tự tướng trong các pháp nhưng không phải của các pháp mà là của Như Lai (Tự tánh Như Lai tạng), như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh, Đức Phật Thích Ca nói: “Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã”.

Như vậy, ngã là Tự tánh Như Lai tạng, là Phật tánh thường trụ trong các pháp, trong chúng sanh, nhưng Tự tánh Như Lai tạng cũng bất khả đắc do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Vì rỗng không nên ngã, Tự tánh Như Lai tạng chỉ có danh tự.

Chúng sanh: chúng sanh đã được hiện hữu, nhưng bất khả đắc do không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không. Vì rỗng không nên chỉ có danh tự “chúng sanh”.

Thân giả: đây là thân sắc của chúng sanh đã được hiện hữu, nhưng bất khả đắc do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Vì rỗng không nên thân là giả, chỉ có danh tự “thân”.

Mạng giả: mạng là mệnh, là số phận của mỗi chúng sanh được sanh ra trong cuộc đời. Mạng bất khả đắc do không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không. Vì rỗng không nên mạng là giả, chỉ có danh tự “mạng”.

Sanh giả: chúng sanh đã được sanh ra hiện hữu, nhưng sanh cũng bất khả đắc do không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không. Vì rỗng không nên sanh là giả, chỉ có danh tự “sanh”.

Dưỡng dục giả: sự nuôi dưỡng cũng bất khả đắc do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Vì rỗng không nên dưỡng dục là giả, chỉ có danh tự “dưỡng dục”.

Tác giả: “tác” là mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp, của chúng sanh. Nhưng chúng sanh vô ngã, không có chúa tể, chủ tể nên Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp, của chúng sanh là bất khả đắc do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên tác là giả, chỉ có danh tự “tác”.

Sử tác giả: mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của chúng sanh là do ngã, mà ngã là Tự tánh của Như Lai tạng, là Phật tánh. Nhưng Phật tánh cũng bất khả đắc do không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên sử tác là giả, chỉ có danh tự “sử tác”.

Khởi giả: là cái tạo tác, sanh khởi lên sự hiện hữu của chúng sanh. Nhưng khởi bất khả đắc do không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không nên khởi cũng là giả, do đó chỉ có danh tự “khởi”.

Sử khởi giả: là cái tạo tác, sanh khởi ra các pháp, là Phật tánh (Bát nhã ba la mật). Nhưng Phật tánh cũng bất khả đắc do không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên sử khởi là giả, chỉ có danh tự “sử khởi”.

Thọ giả: là những cảm thọ vui, buồn, … của chúng sanh, nhưng thọ bất khả đắc do không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên thọ là giả, chỉ có danh tự “thọ”.

Sử thọ giả: là cái tạo tác cho chúng sanh có cảm thọ vui, buồn, … Đó là do cái ngã, Phật tánh trong chúng sanh tạo ra, nhưng Phật tánh cũng bất khả đắc bởi không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên sử thọ là giả, chỉ có danh tự “sử thọ”.

Tri giả: là hiểu biết của chúng sanh, nhưng đều bất khả đắc do không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên tri là giả, chỉ có danh tự “tri”.

Kiến giả: cái thấy của chúng sanh cũng bất khả đắc bởi không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, do đó kiến là giả, chỉ có danh tự “kiến”.

Như vậy, tất cả các pháp đều bất khả đắc do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Vì rỗng không nên chỉ dùng danh tự để tuyên nói.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát cũng thật hành Bát nhã Ba la mật như vầy: Chẳng thấy ngã, chẳng thấy chúng sanh, nhẫn đến chẳng thấy tri giả, kiến giả. Những danh tự tuyên nói đó cũng chẳng thấy”.

Luận giải:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật như phần trên đã biện chứng, nghĩa là thấy được tất cả các pháp đều vô tác do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp để có danh tự là do Bát nhã ba la mật chính là Phật tánh, là cái ngã trong các pháp sanh khởi lên, nhưng ngã cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Do ngã rỗng không, không có ngã thì không có chúng sanh, nhẫn đến không có tri giả, kiến giả. Vì không có nên chẳng thấy ngã, chẳng thấy chúng sanh, nhẫn đến chẳng thấy tri giả, kiến giả. Vì không thấy tất cả pháp nên cũng không thấy danh tự của tất cả pháp, do đó, những danh tự tuyên nói đó cũng chẳng thấy.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật như vậy thì hơn trên tất cả hàng Thanh văn, Bích chi Phật, trừ trí huệ của Phật, do vì tánh không, tác dụng bất khả đắc”.

Luận giải:

Hàng Thanh văn, Bích chi Phật chấp trước vào các pháp, phân biệt sự sai khác của các pháp, chấp vào mọi tác dụng của các pháp là tự các pháp.

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật thấy được các pháp chỉ có danh tự. Các pháp được hiện hữu nhưng đều bất khả đắc, vô tác vì không có Tự tánh, không sanh, do đó, các pháp là rỗng không. Trí huệ của Đại Bồ tát hiểu biết được như vậy thì hơn hàng Thanh văn, Bích chi Phật, nhưng không thể bằng trí huệ của Phật tại thế. Bởi tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên không có Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ tát, Phật tại thế, do đó, không có trí huệ của hàng Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ tát và Phật tại thế. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật, chính là Phật tánh còn gọi là Tánh không tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp để làm tác dụng trong các pháp và tạo ra các trí huệ sai khác theo Nhân quả, còn các pháp dù được hiện hữu nhưng đều Tự tánh rỗng không, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi tác dụng đều bất khả đắc.

Do đó, “Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật như vậy thì hơn trên tất cả hàng Thanh văn, Bích chi Phật, trừ trí huệ của Phật, do vì tánh không, tác dụng bất khả đắc”.

Chính kinh:

“Tại sao vậy? Vì Đại Bồ tát nầy đối với những pháp danh tự cùng chỗ mà danh tự dính đến, tất cả đều bất khả đắc”.

* Đoạn kinh này đúng nghĩa phải là: “Tại sao vậy? Vì Đại Bồ tát nầy đối với những pháp danh tự cùng chỗ và danh tự dính đến, tất cả đều bất khả đắc”.

Luận giải:

Danh tự cùng chỗ: là danh tự riêng của con người, của mọi sự vật (người nào tên ấy).

Danh tự dính đến: là chưa có danh tự, chưa có chỗ để gọi. Ví dụ: ngày mai làm một công việc nào đó, nhưng đôi khi lại bị thay đổi. Lẽ ra phải làm công việc này (công việc đã có kế hoạch từ trước, đã có danh tự), nhưng lại phải chuyển sang làm công việc khác, do đó, tên gọi công việc không cố định. Khi làm xong thì công việc ấy không còn nữa, danh tự cũng không còn nữa. Tên công việc ấy được gọi là danh tự dính đến.

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật hiểu được tất cả các pháp dù là danh tự cùng chỗ hay danh tự dính đến thì đều bất khả đắc nên rỗng không. Bởi các pháp không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có các pháp nên cũng không có danh tự cùng chỗ và danh tự dính đến.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát có thể thật hành như vậy đó là thật hành Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Nghĩa là Đại Bồ tát không thấy có danh tự dù là danh tự cùng chỗ hay danh tự dính đến, cũng chẳng thấy các pháp có tác dụng vì các pháp không có Tự tánh, không tự sanh nên vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động. Như vậy, Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật phải thấy được tất cả các pháp đều không sanh, không diệt, tướng như bất động. Do đó, “Đại Bồ tát có thể thật hành như vậy đó là thật hành Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Ví như số Tỳ kheo nhiều bằng số tre, lau, mía, mè, lúa, đậu, lùm rừng đầy cả cõi Diêm Phù Đề, tất cả đều có trí huệ như Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, đem tất cả trí huệ ấy muốn so sánh với trí huệ của Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn ức, nhẫn đến không bằng một phần ví dụ”.

Luận giải:

Đức Phật Thích Ca dùng pháp dụ muốn so sánh trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật với trí huệ hiểu biết của hàng Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật.

Trí huệ hiểu biết của Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên đang ở hàng Thanh văn, Bích chi Phật thì đang còn chấp trước vào các pháp, không dùng được phương tiện quán chiếu các pháp để thấy được tất cả các pháp đều là Phật pháp. Do đó, dù hàng Tỳ kheo nhiều như số tre, lau, mía, mè, lúa, đậu, lùm rừng đầy cả cõi Diêm Phù Đề thì trí huệ của tất cả cũng đang là vọng phân biệt, chấp trước vào các pháp, chấp vào Nhân duyên sanh ra các pháp, mọi tác dụng của các pháp là tự các pháp chứ không phải Phật sanh ra và làm tác dụng của các pháp.

Hàng Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật dùng sức phương tiện nương vào Pháp tánh thường trụ tìm đến tam muội, du hý tam muội, có nghĩa là đi trong tam muội, Bồ tát thấy được tất cả các pháp không sanh, không diệt, tướng như bất động. Bồ tát hiểu biết rõ các pháp rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp. Các pháp được hiện hữu là do Bát nhã ba la mật tức là Phật (Phật tánh) sanh ra, chứ không phải tự các pháp sanh hay Nhân duyên sanh ra các pháp. Phật tánh thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại như đi, đứng, nằm, ngồi, thở ra, thở vào, … khả đắc theo Nhân quả. Còn các pháp dù được hiện hữu nhưng vô ngã, không có chúa tể, chủ tể, không có vai trò làm chủ nên không có tôi, không có ta. Mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại như đi, đứng, nằm, ngồi, thở ra, thở vào, … đều bất khả đắc.

Vì vậy, Đức Phật Thích Ca so sánh trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật với trí huệ hiểu biết của hàng Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật là không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn ức, nhẫn đến không bằng một phần ví dụ.

Chính kinh:

“Tại sao vậy? Vì dùng trí huệ nầy mà Bồ tát độ thoát tất cả chúng sanh”.

Luận giải:

Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật dùng sự hiểu biết thông đạt của Bồ tát biết rõ tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên độ thoát được cho tất cả chúng sanh. Bồ tát thuyết giảng, chỉ ra cho chúng sanh thấy được tất cả các pháp, chúng sanh đều rỗng không vì vô tác do không có Tự tánh, vô sanh nên không có các pháp, không có chúng sanh.

Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì tất cả các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”. Do đó, sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ trong các pháp, trong chúng sanh ban sướng, đọa khổ theo những việc làm thiện, ác mà chúng sanh ở những kiếp trước đã tạo ra. Chúng sanh được nghe Bồ tát thuyết giảng tin, hiểu biết được trong chính thân mình cũng như trong các pháp có Bát nhã ba la mật là trí tuệ đến từ bờ kia, còn gọi là Phật đang cai quản sự sanh diệt, ban sướng, đọa khổ theo những việc làm thiện, ác nên chúng sanh chỉ thực hiện các pháp thiện, dứt trừ các pháp ác, bất thiện thì sẽ được Phật giải thoát mọi khổ đau.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Không nói đến như Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên đầy cõi Diêm Phù Đề, mà ví như đầy cõi Đại Thiên, hoặc nhẫn đến đầy cả hằng sa thế giới ở mười phương, đem tất cả trí huệ ấy muốn so sánh với trí huệ của Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật cũng không bằng một phân trăm, nhẫn đến không bằng một phần ví dụ”.

Luận giải:

Đức Phật Thích Ca dùng pháp dụ muốn so sánh trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật với trí huệ hiểu biết của hàng Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật.

Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật có phương tiện nên không chấp trước vào các pháp vì Bồ tát hiểu được tất cả các pháp không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi theo Nhân quả, chứ không phải tự các pháp sanh ra được các pháp, hay Nhân duyên sanh ra các pháp.

Sự khác biệt giữa chấp trước vào các pháp và không chấp vào các pháp (tức là phá chấp) được Đức Phật Thích Ca ví cách biệt nhau lớn như vậy bởi vì khi chấp trước vào các pháp thì thấy có được tướng, có các pháp sẽ không có giải thoát, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Biến Học, Đức Phật nói:

“Vừa có pháp liền có sanh tử.

Vừa có sanh tử liền chẳng rời được những sanh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não”, nghĩa là còn chấp trước vào các pháp là có, phân biệt sự sai khác của các pháp thì không thể thoát khỏi năm đường sanh tử: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Atula, người.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật nói:

“Vì những ai có được, có chấp thì khó được giải thoát.

Người có được tướng thì không có đạo, không có quả, không có Vô thượng Bồ đề”.

Như vậy, trí huệ hiểu biết của Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên đang ở hàng Thanh văn, Bích chi Phật thì đang còn chấp trước vào các pháp là có, do đó, khó được giải thoát khỏi sanh tử.

Bồ tát biết rõ các pháp, chúng sanh đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp, trong chúng sanh, cai quản sự sanh diệt cũng như cai quản mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp. Đối với chúng sanh, Bát nhã ba la mật cai quản theo Luật nhân quả, bắt chúng sanh phải chịu khổ đau hay cứu vớt chúng sanh khỏi khổ đau, tất cả là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh tạo ra theo những việc làm ác, bất thiện của chúng sanh ở những kiếp trước. Đại Bồ tát chỉ cho chúng sanh biết như vậy, do đó, trí huệ hiểu biết của Đại Bồ tát hơn hẳn trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật còn chấp trước vào các pháp, phân biệt sự sai khác của các pháp như Đức Phật Thích Ca đã dùng pháp dụ so sánh ở trên.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh văn, Bích chi Phật”.

Luận giải:

“Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh văn, Bích chi Phật”: vì Đại Bồ tát tu tập Bát nhã ba la mật dùng sức phương tiện, nương vào Pháp tánh nên trong một ngày Đại Bồ tát thấy rõ Pháp tánh thường trụ trong chúng sanh là Phật tánh, tức là Tự tánh của Như Lai tạng, còn chúng sanh không có cái tạo tác, không sanh, do đó, tất cả các pháp đều rỗng không. Tự tánh Như Lai tạng ẩn trong thân chúng sanh làm Pháp tánh tạo tác, sanh khởi lên chúng sanh và đưa ra Luật Nhân quả tính theo nghiệp thiện, ác để báo ứng khổ vui cho chúng sanh theo nghiệp. Tự tánh Như Lai tạng tức là Tự tánh của Phật, là trí tuệ Phật, Bát nhã ba la mật còn được gọi là Nhất thiết chủng trí. Vì vậy, khi dùng sức phương tiện, Đại Bồ tát thấy rằng, Nhất thiết chủng trí chính là trí tuệ Phật, là nơi làm phước điền cho Trời, người và tất cả chúng sanh, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tam Huệ, Đức Phật nói:

“Đức Phật dùng thiệt tướng của các pháp mà làm phước điền cho Trời, người và tất cả chúng sanh. Hóa Phật cũng dùng thiệt tướng của các pháp mà làm phước điền cho Trời, người và tất cả chúng sanh”.

Ở đây, Đức Phật chính là Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật.

Hóa Phật là Pháp thân Như Lai, Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật do Chánh thân Như Lai phân thân.

Thiệt tướng của các pháp: các pháp vô tác do không có Tự tánh, không sanh nên không có tướng. Thiệt tướng của các pháp chính là Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật, Nhất thiết chủng trí thường trụ tướng chúng sanh, thường trụ tướng thế gian.

Vì vậy, Đại Bồ tát chỉ cho chúng sanh phải nương vào Bát nhã ba la mật, Nhất thiết chủng trí để độ thoát, giải thoát mọi khổ ách sanh tử.

Do đó, “Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh văn, Bích chi Phật”.

Chính kinh:

“Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Trí huệ của hàng Thanh Văn, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, trí huệ của hàng Bích chi Phật, trí huệ của Phật, những trí huệ này không sai biệt, không chống trái nhau, đều là vô sanh tánh không. Nếu đã là pháp vô sanh tánh không, chẳng trái nhau thời là không sai khác nhau. Cớ sao đức Thế Tôn lại dạy rằng Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật?”.

Luận giải:

Trí huệ của hàng Thanh Văn, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, trí huệ của hàng Bích chi Phật, trí huệ của Bồ tát, trí huệ của Phật tại thế: đây là các trí huệ hiện hữu có sai khác, chính là tất cả pháp hiện hữu có sai khác, có phân biệt. Khi đi trong vô tác tam muội thấy rõ được các pháp hiện hữu đều vô tác do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Do đó, tất cả các pháp hiện hữu đều là vô sanh tánh không nghĩa là các pháp đều không sanh, các pháp Tự tánh rỗng không. Các trí huệ kể trên từ trí huệ của Thanh văn, nhẫn đến trí huệ của Phật tại thế đều không tự sanh do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có gì sai khác.

“Cớ sao đức Thế tôn lại dạy rằng Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật một ngày tu tập trí huệ hơn Thanh văn, Bích chi Phật”: nghĩa là trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn nhẫn đến trí huệ của Phật tại thế đều vô sanh nên không có, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì tất cả các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”. Do đó, sự hiện hữu của các trí huệ hiểu biết trên có sự sai khác là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ trong con người tạo ra theo nhân quả của mỗi người, nghĩa là tùy theo thiện căn thành tựu của mỗi người mà có trí huệ hiểu biết khác nhau, tức là có căn cơ, thứ lớp khác nhau. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tứ Nhiếp, Đức Phật nói: “Sức trí biết đúng thiệt căn tánh thượng, trung hay hạ của tất cả chúng sanh”, nghĩa là Đức Phật Thích Ca biết rõ chúng sanh có các căn tánh sai khác thượng, trung, hạ. Sự sai khác này là do Bát nhã ba la mật tạo ra theo nhân quả.

Chính kinh:

Phật nói: “Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật một ngày tu tập trí huệ, tâm niệm rằng: Ta hành đạo trí huệ lợi ích tất cả chúng sanh, ta sẽ dùng Nhứt thiết chủng trí biết rõ tất cả pháp, độ thoát tất cả chúng sanh”.

Luận giải:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật là không chấp vào tất cả pháp.

Đại Bồ tát nghĩ rằng, ta dùng đạo trí huệ mới làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, nghĩa là Đại Bồ tát dùng trí huệ hiểu biết của mình về các pháp để thuyết giảng cho chúng sanh. Đại Bồ tát hiểu biết rõ tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có các pháp. Các pháp hiện hữu là do Bát nhã ba la mật, Nhất thiết chủng trí tạo tác, sanh khởi, thường trụ, làm Tự tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại khả đắc. Đại Bồ tát thuyết giảng, chỉ cho chúng sanh biết tất cả các pháp đều không có cỗ máy để tạo tác, cấu tạo, sản xuất ra các pháp, các pháp là không sanh. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tức là Nhất thiết chủng trí tạo tác, sanh khởi.

Đại Bồ tát biết Nhất thiết chủng trí cai quản chúng sanh theo Luật nhân quả, ban sướng, đọa khổ chúng sanh theo những việc làm thiện, ác mà chúng sanh đã tạo ra ở những kiếp trước. Nhưng chúng sanh không hiểu biết được như vậy mà lại nghĩ rằng, khổ là do nghiệp nên phải tu để diệt nghiệp.

Đại Bồ tát chỉ cho chúng sanh biết, dù chúng sanh có hiện hữu nhưng Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động vận động, tác động qua lại, tu hành để diệt nghiệp là bất khả đắc. Tất cả việc tu hành diệt nghiệp, mọi sướng vui, an lạc, khổ đau là do Nhất thiết chủng trí thường trụ trong chúng sanh tạo ra. Chỉ có Nhất thiết chủng trí mới độ thoát cho tất cả chúng sanh khi chúng sanh không còn hành vào những nghiệp ác, bất thiện nữa.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày 17 tháng 08 năm 2021

Phạm Thị Mý