Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tu Tập Đúng) – P15

Chính kinh:

“Lại nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát tu tập đúng tánh không, tự tướng không, chư pháp không, vô sở đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, bảy môn không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:       

♦ “Đại Bồ tát tu tập đúng tánh không”:

Tánh ở đây là nói về Pháp tánh là cái làm Tự tánh để tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, thường trụ trong các pháp. Nhưng khi soi chiếu thì thấy Tự tánh trong các pháp là Tự tánh của Như Lai tạng, như Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm chỉ rõ: “Tự tánh của Như Lai tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh, …”. Như vậy, Tự tánh trong chúng sanh, trong các pháp là của Như Lai tạng, chứ không phải Tự tánh của chúng sanh, của các pháp. Do đó, chúng sanh, các pháp không có Tự tánh hay Tự tánh rỗng không, gọi là Tánh không.

Đại Bồ tát phải tu tập đúng Tánh không, tức là Tánh rỗng không hay Tự tánh rỗng không thời mới thấy được Tánh trong các pháp là Tự tánh của Như Lai tạng, mà Tự tánh của Như Lai tạng là Bát nhã ba la mật. Do đó, Tánh trong các pháp hay Tự tánh trong các pháp tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Đại Bồ tát tu tập đúng tự tướng không”:

Tự tướng không có nghĩa là Tự tướng rỗng không, tức là các pháp không có Tự tướng. Tự tướng là giải thích về cái chủ thể tác động các hoạt động qua lại của các pháp. Ví dụ như: Sắc là các hoạt động đi, đứng, nằm, ngồi, …; Thọ là các cảm nhận của các giác quan; Tưởng là tướng rõ biết của trí tuệ; Hành là các hoạt động tác nghiệp; Thức là tính sáng tỏ của sự hiểu biết về ý thức.

Tự tướng là cái chúa tể, là cái ngã của các pháp, đó chính là cái ta từ đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, đắp y, … cho đến các hoạt động tác nghiệp, … Trong quan sát thấy được cái ngã trong các pháp là của Như Lai, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh, Đức Phật Thích Ca nói: “Ngã tức nghĩa của Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã, …”. Như vậy, ngã trong chúng sanh, trong các pháp là của Như Lai, còn chúng sanh, các pháp thì vô ngã, không có ta vì các pháp không có Tự tánh. Do các pháp không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp. Các pháp không tự sanh nên Tự tướng trong các pháp là rỗng không, gọi là Tự tướng không.

Đại Bồ tát phải tu tập đúng Tự tướng không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật bởi Đại Bồ tát tu tập thấy được Tự tướng của các pháp là rỗng không thì mới thấy được Tự tướng trong các pháp là do Tự tánh của Như Lai tạng (Bát nhã ba la mật) tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp. Do đó, Tự tướng trong các pháp là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Đại Bồ tát tu tập đúng chư pháp không”:

Chư pháp là nói về Ngũ ấm (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), Thập nhị nhập (6 Căn nhập 6 Trần), Thập bát giới (6 Căn, 6 Trần, 6 Thức).

Đại Bồ tát phải tu tập đúng chư pháp không nghĩa là Đại Bồ tát phải tu tập như thế nào để thấy được chư pháp đang hiện hữu nhưng lại rỗng không, không thật có.

Đại Bồ tát muốn tu tập đúng như vậy thì phải quan sát, chiếu kiến để soi thấy được chư pháp là rỗng không, như đã chiếu kiến đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ở phần trên để thấy được tất cả các pháp đều không có Tự tánh. Chư pháp cũng không có Tự tánh, tức là không có cỗ máy để tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra chư pháp, cho nên chư pháp là vô sanh, vô khởi. Vì vô sanh, vô khởi nên chư pháp là rỗng không.

Đại Bồ tát phải tu tập đúng chư pháp không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật bởi Đại Bồ tát phải tu tập đúng chư pháp rỗng không thời mới thấy được sự hiện hữu của chư pháp là do Tự tánh Như Lai tạng, Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, do đó, chư pháp tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Đại Bồ tát tu tập đúng vô sở đắc không”:

Vô sở đắc là không có chỗ đạt. Chỗ đạt ở đây nghĩa là người tu hành theo Phật sẽ đạt được các quả tu như: Quả tu chứng Tu đà hoàn, Tư đà hàm ở hàng Thanh văn; quả tu chứng A na hàm, A la hán ở hàng Duyên giác còn gọi là Bích chi độc giác; quả Bồ tát và quả Phật. Quả Phật là quả mà người tu hành thành Phật như Đức Phật Thích Ca gọi là chỗ đạt thành Phật.

Khi chiếu kiến các quả này thì thấy rằng, các quả tu chứng đó con người không thể tự tu và tự chứng cho mình được, mà dựa trên các quả tu để Bát nhã ba la mật (Pháp tánh) thường trụ trong người tu hành chứng các quả trên như Bát Nhã Tâm Kinh cũng nói: “Bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết bàn”, nghĩa là Bồ tát muốn đạt quả vị Bồ tát để được cứu cánh Niết bàn thì phải nương vào Bát nhã ba la mật mới thành tựu chỗ đạt. Bát Nhã Tâm Kinh chỉ rõ: “Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề”, nghĩa là ba đời chư Phật (đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai như Đức Phật Thích Ca) đều phải nương vào Bát nhã ba la mật mới đạt được Chánh đẳng, Chánh giác thành Phật, có quả Phật. Các quả tu chứng này cũng do Bát nhã ba la mật tính vào nhân quả để chứng các quả tu và chỗ đạt đúng với nhân và quả mà Bát nhã ba la mật đã quy định. Do đó, các quả tu chứng từ ba thừa: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Phật thừa đều vô sở đắc. Tất cả đều do Bát nhã ba la mật thể chứng chỗ đạt thì mới có các quả tu, nếu Bát nhã ba la mật không thể chứng chỗ đạt thì không có các quả tu: Không có quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, quả Bồ tát và quả Phật, do đó, vô sở đắc không, tất cả các chỗ đạt đều rỗng không, không có. Các chỗ đạt của các quả tu chứng này là do Bát nhã ba la mật chứng đạt kết quả cho người tu.

Như vậy, Đại Bồ tát tu tập đúng vô sở đắc không (vô sở đắc rỗng không) thời mới thấy được chỗ đạt của các quả tu chứng là do Bát nhã ba la mật nên tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Đại Bồ tát tu tập đúng vô pháp không”:

Vô pháp là vô vi pháp như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Vấn Thừa, Đức Phật Thích Ca nói: “Vô pháp nơi đây là nói vô vi pháp”.

Đại Bồ tát phải tu tập đúng vô pháp không nghĩa là tu tập đúng vô vi pháp không. Vô vi pháp chính là Pháp tánh, Phật tánh, là Tự tánh Như Lai tạng, là cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra pháp hữu vi và thường trụ trong pháp hữu vi.

Đại Bồ tát phải tu tập như thế nào để vô vi pháp hiện hữu nghĩa là đang tạo tác, thường trụ trong pháp hữu vi, nhưng phải thấy được vô vi pháp là rỗng không, không thật có bởi vô vi pháp không có Tự tánh, tức là không có cái tạo tác, cấu tạo, khởi sanh ra vô vi pháp, vô vi pháp là vô sanh, vô khởi nên vô vi pháp là rỗng không.

Vô vi pháp chính là Phật tánh, Pháp tánh, là Pháp thân của Như Lai do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra mới có, nếu không phân thân sẽ không có.

Đại Bồ tát phải tu tập đúng vô pháp không tức là vô vi pháp không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật bởi vì Đại Bồ tát phải tu tập để thấy được vô pháp rỗng không, tức là vô vi pháp rỗng không thời mới thấy được vô vi pháp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân. Vì vậy, vô vi pháp hay vô pháp tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Đại Bồ tát tu tập đúng hữu pháp không”:

Hữu pháp là các pháp hòa hiệp có Tự tánh, Tự tướng, cũng chính là pháp hữu vi.

Đại Bồ tát tu tập đúng hữu pháp không nghĩa là Đại Bồ tát tu tập như thế nào để thấy được hữu pháp đang hiện hữu nhưng hữu pháp là rỗng không, không thật có.

Đại Bồ tát muốn tu tập đúng hữu pháp không thời phải quán sát, chiếu kiến để thấy được hữu pháp là rỗng không, như đã chiếu kiến đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ở phần trên để thấy được các pháp không có Tự tánh. Do đó, hữu pháp cũng không có Tự tánh, tức là không có cỗ máy tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra hữu pháp cho nên hữu pháp là rỗng không.

Đại Bồ tát phải tu tập đúng hữu pháp không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật bởi vì Đại Bồ tát phải tu tập để thấy được hữu pháp là rỗng không thời mới thấy được sự hiện hữu của hữu pháp là do Bát nhã ba la mật, cho nên hữu pháp tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Đại Bồ tát tu tập đúng vô pháp hữu pháp không”:

Vô pháp là pháp vô vi trong các pháp hiện hữu, hữu pháp là các pháp đã được sanh ra có Tự tánh tướng.

Đại Bồ tát phải tu tập như thế nào để thấy được vô vi pháp đang tạo tác ra các pháp hữu vi (hữu pháp), nhưng vô pháp, hữu pháp đều rỗng không, không thật có.

Đại Bồ tát muốn tu tập đúng vô pháp, hữu pháp không thời phải quan sát, chiếu kiến để thấy được vô pháp, hữu pháp đều rỗng không, như đã quan sát đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ở phần trên để thấy được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, tức là vô pháp, hữu pháp đều không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra vô pháp, hữu pháp. Các pháp là vô sanh, vô khởi nên các pháp là rỗng không, vô pháp rỗng không, hữu pháp rỗng không. Như vậy, vô pháp hữu pháp đều rỗng không.

Vô pháp là vô vi pháp, chính là Phật tánh, là Pháp thân Như Lai do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân mới có, nếu không phân thân sẽ không có. Do đó, vô pháp hay vô vi pháp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật sanh ra, còn hữu pháp là do vô pháp hay vô vi pháp tạo ra.

Đại Bồ tát tu tập đúng vô pháp hữu pháp không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật bởi vì Đại Bồ tát phải tu tập để thấy được vô pháp rỗng không, hữu pháp rỗng không thời mới thấy được vô pháp, hữu pháp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật sanh ra, cho nên vô pháp hữu pháp tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Bảy môn không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ tát tu tập đúng bảy môn không thời mới thấy được sự hiện hữu của bảy môn không là do Bát nhã ba la mật, nên bảy môn không tương ứng với Bát nhã ba la mật như đã giải thích ở phần trên.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc tu tập bảy môn không, đại Bồ tát chẳng thấy sắc hoặc tương ứng hay không tương ứng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc tương ứng hay không tương ứng, chẳng thấy sắc hoặc sanh tướng hay diệt tướng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc sanh tướng hay diệt tướng, chẳng thấy sắc hoặc cấu tướng hay tịnh tướng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc cấu tướng hay tịnh tướng, chẳng thấy sắc hiệp với thọ, chẳng thấy thọ hiệp với tưởng, chẳng thấy tưởng hiệp với hành, chẳng thấy hành hiệp với thức. Tại sao vậy? Vì tánh của các pháp vốn rỗng không nên không có pháp nào hiệp với pháp nào”.

Luận giải:

Lúc tu tập bảy môn không, Đại Bồ tát hiểu biết được Tánh của các pháp đều rỗng không, tức là các pháp không có Tánh hay không có Tự tánh để tự tạo tác, cấu tạo, khởi sanh nên các pháp là vô sanh, vô khởi. Vì các pháp vô sanh, vô khởi nên các pháp rỗng không, không có các pháp. Các pháp được hiện hữu trên thế gian là do Pháp tánh làm cái Tự tánh để tạo tác, sanh khởi ra các pháp, thường trụ trong các pháp. Pháp tánh này là Tự tánh của Như Lai tạng như Kinh Lăng Già chỉ rõ: “Tự tánh của Như Lai tạng vốn trong sạch, thường trụ, chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh, …”. Như vậy, Tự tánh của Như Lai tạng chính là Pháp tánh thường trụ trong các pháp, chính là Phật tánh, là Tánh của các pháp, nhưng Phật tánh cũng không có Tự tánh để tự sanh khởi ra được Phật tánh. Phật tánh là cái phân thân của Như Lai do Chánh thân Như Lai phân thân ra thời mới có, không phân thân sẽ không có.

♦ “Đại Bồ tát chẳng thấy sắc hoặc tương ứng hay không tương ứng”:

Bởi Đại Bồ tát hiểu biết được vốn thể của Sắc là không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc, Sắc là vô sanh, vô khởi. Vì Sắc vô sanh, vô khởi nên Sắc rỗng không, không có sắc. Sự hiện hữu của Sắc là do Pháp tánh làm Tự tánh để tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc, nhưng Pháp tánh cũng không có Tự tánh để sanh ra được Pháp tánh. Pháp tánh là rỗng không, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Xuất Đáo, Đức Phật Thích Ca nói: “Vì pháp tánh, pháp tướng rỗng không vậy”. Như vậy, Pháp tánh cũng rỗng không, không có nên không có Sắc. Do đó, Đại Bồ tát chẳng thấy Sắc tương ứng hoặc chẳng tương ứng.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thời mới có Pháp tánh. Khi có Pháp tánh thời Pháp tánh sanh khởi ra Sắc nên Sắc tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật không phân thân sẽ không có Pháp tánh nên không có Sắc, do đó, Sắc chẳng tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức tương ứng hoặc chẳng tương ứng”:

Cũng giống như đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng không có Tự tánh để tự sanh khởi nên Thọ, Tưởng, Hành, Thức là rỗng không, không có. Thọ, Tưởng, Hành, Thức là do Pháp tánh tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nhưng Pháp tánh cũng không có Tự tánh để tự sanh ra được Pháp tánh nên Pháp tánh là rỗng không, không có. Do đó, Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng không có nên Đại Bồ tát chẳng thấy Thọ, Tưởng, Hành, Thức hoặc tương ứng hay không tương ứng.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra thì mới có Pháp tánh. Có Pháp tánh thời Pháp tánh sanh ra Thọ, Tưởng, Hành, Thức nên Thọ, Tưởng, Hành, Thức tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật không phân thân thì sẽ không có Pháp tánh. Không có Pháp tánh nên không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, do đó, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chẳng tương ứng với Bát nhã ba la mật.

♦ “Chẳng thấy sắc sanh tướng hay diệt tướng”:

Sắc vốn thể là không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có, do đó, không có tướng sanh, không có tướng diệt. Sự hiện hữu của Sắc để có tướng sanh, tướng diệt là do Pháp tánh làm tướng sanh, tướng diệt của Sắc. Nhưng Pháp tánh cũng không có tướng sanh, tướng diệt vì Pháp tánh không có Tự tánh để tự sanh khởi nên Pháp tánh rỗng không, không có. Pháp tánh không có nên không có Sắc, do đó, Đại Bồ tát chẳng thấy Sắc hoặc sanh tướng hay diệt tướng.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thì có Pháp tánh. Có Pháp tánh thời Pháp tánh làm tướng sanh, tướng diệt của Sắc.

Nếu Như Lai không phân thân thì không có Pháp tánh, không có Pháp tánh thì không có Sắc nên chẳng thấy Sắc sanh tướng hay diệt tướng.

♦ “Chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức sanh tướng hay diệt tướng”:

Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng như Sắc.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thời có Pháp tánh. Pháp tánh làm tướng sanh, tướng diệt của Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Nếu Như Lai không phân thân sẽ không có Pháp tánh nên cũng không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, do đó, Đại Bồ tát chẳng thấy Thọ, Tưởng, Hành, Thức hoặc sanh tướng hay diệt tướng.

♦ “Chẳng thấy sắc hoặc cấu tướng hay tịnh tướng”:

Sắc vốn thể là không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có tướng nên chẳng thấy Sắc cấu tướng hay tịnh tướng.

Sự hiện hữu của Sắc để có cấu tướng là do Pháp tánh, nhưng Pháp tánh cũng không có Tự tánh để tự sanh ra được Pháp tánh. Pháp tánh cũng rỗng không, không có nên không có Sắc, do đó, Đại Bồ tát chẳng thấy Sắc hoặc cấu tướng hay tịnh tướng. Sự cấu tịnh của Sắc là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra Pháp tánh, Pháp tánh sanh ra Sắc nên Sắc là cấu tướng.

Nếu Như Lai không phân thân thì không có Pháp tánh nên cũng không có Sắc, do đó, Sắc chẳng cấu, chẳng tịnh.

♦ “Chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc cấu tướng hay tịnh tướng”:

Như đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức có cấu tướng là do Pháp tánh, nhưng Pháp tánh lại phụ thuộc vào Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân thời mới có Pháp tánh, Pháp tánh sanh ra Thọ, Tưởng, Hành, Thức nên Thọ, Tưởng, Hành, Thức là cấu tướng.

Nếu Như Lai không phân thân sẽ không có Pháp tánh nên không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, do đó, Đại Bồ tát chẳng thấy có Thọ, Tưởng, Hành, Thức là cấu tướng hay tịnh tướng.

♦ “Chẳng thấy sắc hiệp với thọ, chẳng thấy thọ hiệp với tưởng, chẳng thấy tưởng hiệp với hành, chẳng thấy hành hiệp với thức. Tại sao vậy? Vì tánh của các pháp vốn rỗng không nên không có pháp nào hiệp với pháp nào”:

Vì Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức Tánh vốn rỗng không, tức là không có Tự tánh nên không tự tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là rỗng không, không có nên chẳng có pháp nào hiệp với pháp nào. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức được hiện hữu là do Phật tánh tạo tác, sanh khởi ra và các pháp hiệp với nhau. Hiệp là do Phật tánh, nhưng Phật tánh cũng không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có Phật tánh nên không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, do đó, Đại Bồ tát chẳng thấy có pháp nào hiệp với pháp nào.

Phật tánh là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra mới có.

Nếu Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra Phật tánh thì Phật tánh sanh ra Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức và các pháp hiệp với nhau.

Nếu Chánh thân Như Lai không phân thân sẽ không có Phật tánh nên không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, do đó, chẳng có pháp nào hiệp với pháp nào.

Như vậy, lúc tu tập bảy môn không, Đại Bồ tát thấy rõ được tất cả các pháp kể cả Phật tánh (là cái tạo tác, khởi sanh ra các pháp) đều rỗng không do tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh nên không thấy có tất cả các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra mới có Pháp thân Như lai, Tự tánh Như Lai tạng, Phật tánh. Phật tánh được sanh ra thời mới có các pháp. Do đó, chỉ ghi nhận Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật là tất cả, là Đấng tạo tác duy nhất sanh khởi ra vũ trụ vạn vật trên thế gian này, còn Phật tánh chỉ là cái phân thân, không được ghi nhận.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Trong sắc không chẳng có sắc, trong thọ không, tưởng không, hành không, thức không chẳng có thọ, tưởng, hành, thức”.

Luận giải:

Thế nào là trong Sắc không chẳng có Sắc, trong Thọ không, Tưởng không, Hành không, Thức không chẳng có Thọ, Tưởng Hành Thức?

Sắc không là nói Sắc rỗng không, trong Sắc rỗng không chẳng có Sắc.

Thọ không là nói Thọ rỗng không, trong Thọ rỗng không chẳng có Thọ.

Tưởng không là nói Tưởng rỗng không, trong Tưởng rỗng không chẳng có Tưởng.

Hành không là nói Hành rỗng không, trong Hành rỗng không chẳng có Hành.

Thức không là nói Thức rỗng không, trong Thức rỗng không chẳng có Thức.

Để biết được thế nào là Sắc không, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không thì phải soi để thấy (chiếu kiến). Soi thấy có nghĩa là quan sát về con người để thấy được con người có năm uẩn đều rỗng không, không thật có.

Đại Bồ tát muốn soi để thấy năm uẩn đều không thì soi theo hình thức quan sát bằng mắt thường sẽ không thấy được năm uẩn đều không vì năm uẩn đang hiện hữu. Do đó, Đức Phật Thích Ca chỉ ra phương tiện cho Bồ tát là phương pháp chiếu kiến, tức là soi để thấy được năm uẩn đều không: Sắc không, Thọ không, Tưởng không, Hành không, Thức không.

Phương tiện mà Đức Phật chỉ ra là: “Bồ tát nầy y nơi sư tử phấn tấn tam muội mà nhập siêu việt tam muội” (Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Lục Độ Tương Nhiếp). Phương tiện ở đây là nương vào Pháp tánh để tìm thấy Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ở đâu sinh ra? Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức có tự sanh ra được Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hay không?

Nương vào Pháp tánh là nương vào cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, nghĩa là phải soi để thấy Tự tánh của các pháp là cái cai quản, sanh diệt các pháp: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đó là cái tạo tác, khởi sanh ra các pháp và cũng là cái tiêu diệt các pháp, còn sư tử là pháp dụ. Đức Phật Thích Ca chỉ Pháp tánh là cái cai quản sanh diệt, chứ không phải nương vào con sư tử thật.

Trong quá trình quan sát, soi thấy rằng, Tự tánh trong các pháp là Tự tánh Như Lai tạng ẩn trong thân chúng sanh (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), như Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm chỉ rõ: “Tự tánh của Như Lai tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh, vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất, nên bị cáu bẩn vọng phân biệt tham, sân, sỉ sở ô nhiễm, giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ”. Do đó, Tự tánh trong chúng sanh, các pháp là Tự tánh của Như Lai, chứ không phải Tự tánh của chúng sanh, các pháp, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Vô Tác, Đức Phật Thích Ca nói: “Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến Nhứt thiết chủng trí đây vốn không có tánh, …”. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nhẫn đến Nhất thiết chủng trí vốn không có Tánh tức là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nhẫn đến Nhất thiết chủng trí không có Tự tánh. Như vậy, các pháp không có Tự tánh nên không có cái tạo tác, cấu tạo, sản xuất, khởi sanh ra các pháp, do đó, các pháp không tự sanh: Sắc không tự sanh ra được Sắc; Thọ, Tưởng, Hành, Thức không tự sanh ra Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Vì các pháp không tự sanh nên rỗng không, Sắc không, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không, nghĩa là Sắc rỗng không, Thọ, Tưởng, Hành, Thức rỗng không. Vì các pháp rỗng không nên không có các pháp, không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Do đó, trong Sắc không (rỗng không) chẳng có Sắc, trong Thọ không (rỗng không), Tưởng không (rỗng không), Hành không (rỗng không), Thức không (rỗng không) chẳng có Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày  28 tháng 11 năm 2021

Phạm Thị Mý