Pháp tu Ngũ Căn, Ngũ Lực

LỜI MỞ ĐẦU

Ngũ căn và Ngũ lực là hai phẩm hành quan trọng trong Ba bảy pháp trợ đạo. Hai pháp tu này có mối liên hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau, kết quả của pháp tu này là tiền đề, là nền tảng của pháp tu kia.

Ngũ căn là nguồn gốc, là nền tảng căn bản làm khởi sinh tất cả các pháp thiện lành đồng thời làm diệt trừ các ác bất thiện pháp. Nếu tu hành thành tựu Ngũ căn thì sẽ làm phát khởi Ngũ lực đồng thời là năng lực duy trì và tăng trưởng viên mãn Ngũ lực. Ngũ căn gồm: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn.

Ngũ lực là năm năng lực hay năm thần lực được phát khởi từ kết quả tu hành thành tựu Ngũ căn, là năng lực duy trì và làm tăng trưởng viên mãn các pháp thiện lành. Ngũ lực có công năng phá tan những thiên ma, ngoại đạo, tà tín, mê tín, dị đoan, vô minh, phiền não, … Ngũ lực bao gồm: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực.

Nếu tu hành thành tựu pháp Ngũ căn và Ngũ lực thì sẽ giúp cho người tu không còn bị thối đọa, diệt trừ được lậu hoặc và kiết sử, phiền não, đoạn tận được khổ đau, gánh nặng đã được đặt xuống, phạm hạnh đã thành, chứng ngộ Chánh trí, thành công trên con đường giác ngộ giải thoát.

PHÁP TU NGŨ CĂN

Đức Phật thuyết Kinh Ngũ Căn như sau:

“KINH NGŨ CĂN

I. PHẨM THANH TỊNH

1.I. THANH TỊNH (Tạp 26,3, Đại 2,182c) (S.v, 193)

1-2) Tại Sàvatthi… Thế Tôn thuyết:       

3) – Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm căn.

2.II. DỰ LƯU (1) (Tạp 26,3, Đại 2,182b) (S.v, 193)

1-2)…

3) – Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

4) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của năm căn này; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

4.IV. A-LA-HÁN (1) (Tạp 26,4, Đại 2,182b) (S.v, 194)

1)…

2) – Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị A-la-hán, lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát”.

NỘI DUNG PHÁP TU NGŨ CĂN

1.  Tín Căn:

Tín tức là đức tin, niềm tin, là sự tin tưởng, … Đức tin là căn bản đầu tiên phải có, đức tin phải dựa trên cơ sở hiểu biết, có hiểu biết rồi mới đặt niềm tin, đức tin. Trước khi đặt đức tin vào một vấn đề gì đó thì phải hiểu biết đúng bản chất chân thật của vấn đề đó bằng trí tuệ sáng suốt. Khi đã hiểu biết rõ bản chất của vấn đề thì mới đặt niềm tin, khi đã đặt niềm tin thì niềm tin đó rất mạnh mẽ và sâu sắc. Nếu không hiểu biết rõ bản chất của vấn đề mà đã đặt niềm tin thì đó là niềm tin mù quáng, mê mờ dễ dẫn đến cuồng tín, mê tín, dị đoan. Tín căn ở đây là chánh tín, là niềm tin hướng thượng, chân chánh, thiện lành, tin vào Phật Pháp, tin vào chân lý giải thoát.

Đối với người Phật tử chân chính, đức tin mạnh mẽ nhất là tin tưởng tuyệt đối, sâu sắc vào ba ngôi Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Như vậy, phải hiểu được thế nào là Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng? Phật, Pháp, Tăng được coi là ba ngôi quý báu nhất nên được gọi là Tam Bảo.

Tín Phật: Phật có ba ngôi

– Đức Phật Như Lai là đấng tạo hóa tối cao duy nhất, là Đệ nhất nghĩa đế, đây là chánh thân, còn gọi là pháp vô lượng nghĩa tức là pháp không thể nghĩ bàn.

– Phật thập phương là phân thân, tức là Pháp thân của Đức Phật Như Lai (thứ đệ) cũng chính là Như Lai. Pháp thân của Như Lai chính là Phật tánh có trong thân của tất cả chúng sinh và mọi sự vật hiện tượng, làm vai trò tạo hóa lên vũ trụ vạn vật, loài người và tất cả chúng sinh.

– Người trần gian tu hành chứng được quả Phật, thành Phật. Đức Phật Thích Ca là người trần gian tu hành chứng được quả Phật, thành Phật, khi ý thức của Ngài nhập được hoàn toàn với pháp thân của Đức Phật Như Lai thường trụ trong thân Ngài, gọi là nhập Phật tri kiến nên đã chứng quả Phật, thành Phật, vì vậy được gọi là Đức Phật và cũng được gọi là Như Lai. Ngài là Đấng giác ngộ toàn năng, đã giải thoát hoàn toàn những trói buộc của mọi sự khổ đau, phiền não và vô minh, có năng lực và trí tuệ siêu việt không thể nghĩ bàn, vượt ra ngoài năng lực và sự hiểu biết tầm thường của con người trần gian. Ngài đã giác ngộ giải thoát và chỉ ra cho loài người con đường tu hành để giải thoát mọi sự khổ đau, phiền não và vô minh. Vì vậy, là người Phật tử thì phải đặt niềm tin mạnh mẽ vào Phật, quy hướng về Phật, tu hành theo Phật để mong muốn được giác ngộ giải thoát mọi khổ đau, phiền não và vô minh giống như Đức Phật.

Tín Pháp: Pháp là nền tảng giáo lý Phật pháp do Đức Phật Thích Ca chỉ ra, đó là con đường tu hành đưa chúng sanh đi đến giải thoát khổ ách sinh tử luân hồi. Chúng sinh nương theo giáo pháp này để thực hành tu tập sửa đổi những việc làm, lời nói, suy nghĩ của chính mình để đi đến giải thoát mọi khổ ách trong biển khổ sanh tử. Đức Phật Thích Ca đã truyền dạy cho loài người một nền tảng giáo lý Phật Pháp căn bản mà Ngài đã từng chứng ngộ và từng giải thoát bằng con đường này, đây được coi là con đường cứu khổ cho nhân loại. Là người Phật tử thì phải tin tưởng sâu sắc, quy hướng vào giáo pháp này và nương theo tu tập thì sẽ giải thoát được mọi sự vô minh, phiền não, thoát khỏi khổ ách sinh tử luân hồi như Đức Phật.

Tín Tăng: Tăng là người tu hành chân chính tiếp tục hành trình thực hành giáo lý Phật Pháp của Đức Phật để giác ngộ và giải thoát cho chính mình. Tăng là người Thầy thay thế Đức Phật lưu truyền chánh pháp, tiếp tục hoằng pháp, soi đường dẫn dắt cho chúng sanh thực hành giáo pháp trên con đường đi đến giải thoát khổ đau, phiền não và vô minh. Vì vậy, người Phật Tử phải tin tưởng, quy hướng và nương tựa vào Tăng.

2. Tấn căn:

Tấn là sự tinh tấn trong tu hành, thân tinh tấn, tâm tinh tấn, tấn ở đây là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn là sự dũng mạnh, siêng năng, chuyên cần trong tu tập, không ngừng nghỉ, không gián đoạn, không thối lui theo đức tin đã lựa chọn. Tấn căn là một pháp tu căn bản quan trọng làm hiện thực hóa tín căn tức là đức tin. Nếu có đức tin tuyệt đối mà không có sự tinh tấn tu hành thì đức tin không trở thành hiện thực. Nếu có tinh tấn mà không có đức tin thì việc tu hành không có phương hướng. Người Phật tử đặt niềm tin mãnh liệt vào Phật, Pháp, Tăng thì phải tinh tấn nỗ lực không ngừng nghỉ, nương theo giáo pháp của Phật để tu tập đạt được kết quả cao nhất là giải thoát mọi khổ đau, giải thoát sinh tử luân hồi.

Tinh tấn có ba thứ:

– Bị giáp tinh tấn: Tức là áo giáp tinh tấn. Trên bước đường tu tập đi đến giải thoát khổ đau, người tu hành thường gặp phải rất nhiều trở ngại, nghịch cảnh, chướng duyên như ma sự, phiền não, vô minh không hiểu biết, … Vì vậy, người Phật tử phải hàng phục và chiến thắng được những nghịch cảnh, chướng duyên này thì mới đi đến thành tựu trên con đường giải thoát. Muốn chiến thắng, vượt trên những trở ngại thì người Phật tử phải sáng suốt, dũng mạnh, siêng năng, chuyên cần, tu tập không ngừng nghỉ, không thối lui, đó chính là áo giáp tinh tấn. Áo giáp tinh tấn là năng lực bảo vệ bản thân, ngăn chặn sự xâm hại của các loại ác ma, chiến thắng giặc phiền não và các chướng ngại cản trở bước đường tu hành, đi đến giải thoát khổ đau.

– Gia hạnh tinh tấn: Là sự nỗ lực hết mình không ngừng nghỉ, không gián đoạn, không thối lui làm gia tăng thêm sức mạnh, tạo động lực thúc đẩy việc tu hành càng thêm hăng say, quyết tâm đối đầu với mọi khó khăn, nghịch cảnh đi đến thành tựu cuối cùng.

– Vô hỷ túc tinh tấn: Nghĩa là không thỏa mãn, không cho là vừa, là đủ, không tự bằng lòng, vui sướng với những thành quả mới đạt được trong tu tập mà phải tiếp tục phấn đấu, bền bỉ để đạt được những kết quả cao nhất. Vì nếu tự bằng lòng, thỏa mãn với những kết quả ở hiện tại thì sẽ không bao giờ đạt đến kết quả cao nhất trong tương lai. Là người Phật tử khi tu hành chưa đạt được quả vị cao nhất là quả Phật thì còn phải dũng mạnh, nỗ lực, quyết tâm tiến bước, lấy thành quả đạt được làm tiền đề và động lực thúc đẩy tiếp tục phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt được quả vị cao nhất.

3. Niệm căn:

Niệm tức là tâm niệm, tâm niệm là sự nghĩ nhớ, ở đây niệm căn là chánh niệm. Chánh niệm tức là luôn nghĩ nhớ về các thiện pháp, không nghĩ nhớ về các ác, bất thiện pháp.

Là người Phật tử tu hành cần phải ghi nhớ những thứ niệm sau:

– Niệm thí: Nghĩa là người Phật tử phải luôn nghĩ nhớ về việc tu hành pháp bố thí để tăng trưởng các hạnh lành, đức từ bi, …

Bố thí có hai thứ là tài thí và pháp thí. Tài thí là bố thí chia sẻ tiền tài, vật chất giúp đỡ cho người nghèo khổ, thiếu thốn để giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Pháp thí là chia sẻ, giảng giải giáo lý Phật Pháp giúp đỡ cho người còn mê mờ chưa hiểu biết Phật Pháp được hiểu biết giác ngộ Phật Pháp để nương theo tu hành giải thoát.

– Niệm giới: Nghĩa là luôn nghĩ nhớ về các giới điều mà Đức Phật đã chỉ ra cho người tu hành thực hiện với mục đích ngăn chặn những ác, bất thiện pháp, đoạn trừ nghiệp chướng, làm tăng trưởng hạnh lành, vượt khỏi sầu bi, khổ, ưu não.

Niệm giới có ba thứ:

+ Nhiếp luật nghi giới: Là những giới điều nhằm ngăn chặn những nghiệp thô ác để đoạn diệt tam nghiệp thân, khẩu, ý.

+ Nhiếp thiện pháp giới: Là những giới điều được đặt ra đúng với chánh pháp, nếu thực hiện đầy đủ có thể thành tựu tất cả thiện pháp.

+ Nhiêu ích hữu tình giới: Là những giới điều đưa đến lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh.

– Niệm thiên: Nghĩa là luôn luôn nghĩ nhớ về đường Thiên, tức đường Trời. Đường Trời là con đường duy nhất giải thoát hoàn toàn mọi khổ ách sinh tử luân hồi. Con người được sinh ra trên thế gian này là do bị đọa sanh hành nghiệp vì đã tạo nghiệp không lành từ vô thỉ, vì vậy phải trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Trong lục đạo luân hồi có năm đường sanh tử là năm đường khổ đau, đó là đường người, a tu la, địa ngục, ngã quỷ và súc sinh; duy nhất chỉ có một con đường giải thoát hoàn toàn mọi khổ ách sinh tử, đó là đường Trời tức là đường Thiên. Do đó, người Phật tử phải luôn luôn nghĩ nhớ về đường Thiên, tức niệm Thiên để tu hành giải thoát, không nghĩ nhớ về năm đường sinh tử.

4. Định căn:

Định ở đây là định tâm, tức chánh định. Định tâm là sự nhất tâm, kiên định, chuyên nhất vào chánh pháp, an định nơi đức tin và pháp tu đã lựa chọn, kiên định với con đường giải thoát đang đi, không giao động, không thối chuyển. Giữ tâm yên tịnh, không tán loạn, vọng động để quán sát các pháp một cách chân thật, đúng đắn.

Định được chia thành ba bậc.

– An trụ định: Nghĩa là giữ tâm an trụ, tĩnh lặng không tán loạn, an định trong mọi hoàn cảnh, từ đó phiền não được đoạn trừ.

– Dẫn phát định: Nghĩa là do phiền não được đoạn trừ nên phát sinh trí tuệ sáng suốt và các món thần thông tạo nên công đức thiện lành, thù thắng.

– Thành sở tác sự định: Nghĩa là từ chỗ phát khởi công đức thiện lành và các món thần thông vi diệu nên thường làm lợi ích cho chúng sanh, cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ ách đi đến giải thoát sướng vui.

5. Huệ căn:

Huệ tức là trí huệ sáng suốt, trí huệ sáng suốt là sự giác ngộ, hiểu biết về các pháp một cách thông suốt, không có chướng ngại. Khi tu hành thành tựu pháp định căn thì trí huệ sẽ được phát khởi, đó là huệ căn. Trí huệ sáng suốt phát khởi thì sẽ quán sát thật tướng sanh, tướng diệt của tất cả pháp một cách thông đạt, không có chướng ngại, không có phân biệt. Thật tướng của các pháp là bình đẳng, nếu khởi tâm phân biệt là vọng tưởng, mê lầm. Quán sát các pháp đạt đến chân lý chân thật tột cùng tức là tu tập thành tựu pháp huệ căn. Khi trí huệ sáng suốt, thông đạt thì các thứ phiền não, vô minh sẽ tự bị tiêu trừ, từ đó phát sinh các công đức thiện lành, thành tựu đầy đủ các năng lực, thần lực, thần thông, …

Trí huệ có ba thứ:

– Vô phân biệt gia hành huệ: Tức là trí huệ phát khởi đã được giác ngộ, sáng suốt không còn có sự phân biệt giữa các pháp, nhưng đang cần phải dụng công tu hành thêm nữa để đạt được trí huệ vô phân biệt hoàn toàn, đầy đủ.

– Vô phân biệt huệ: Tức là trí huệ này đã đạt đến giác ngộ hoàn toàn, tuyệt đối không còn có sự phân biệt giữa các pháp nữa nên không cần phải dụng công tu hành thêm nữa, vì đã được đầy đủ, thuần phục. Do không còn phân biệt nên hết mê lầm, vô minh, hết vọng tưởng, thân tâm được an lạc, tự tại, thể chứng được tính chân thật đầy đủ của các pháp.

– Vô phân biệt hậu đắc huệ: Tức là trí huệ này thông đạt được sau khi đã chứng ngộ hoàn toàn, đó là chứng ngộ được tính chân thật của tất cả pháp một cách thông tỏ, đầy đủ, hiểu rõ thật nghĩa, thật tướng của tất cả pháp không còn chướng ngại. Nhờ trí tuệ này mà đoạn trừ được hoàn toàn vô minh, vọng tưởng, phân biệt, phiền não, cấu uế. Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ hoàn toàn đạt đến hậu đắc trí huệ, nhờ hậu đắc trí huệ này mà thành tựu vô lượng công đức, chứng đắc các món thần thông là nền tảng năng lực vĩ đại độ thoát, dẫn dắt chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử, luân hồi.

PHÁP TU NGŨ LỰC

Đức Phật thuyết Kinh Ngũ Lực như sau:

“KINH NGŨ LỰC

I. PHẨM SÔNG HẰNG RỘNG THUYẾT

1.I. VIỄN LY (S.v, 249)

1)…

2) – Có năm lực này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm lực.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Đông, hướng về phương Đông, xuôi về phương Đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập năm lực, làm cho sung mãn năm lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn”.

NỘI DUNG PHÁP TU NGŨ LỰC

1. Tín lực: Là sức mạnh đạt được do tu tập thành tựu tín căn sanh ra, tín lực có công năng phá tan những tà tín, mê tín, dị đoan, … là năng lực giữ cho niềm tin thêm vững chắc. Mê tín, dị đoan là sự tin nhầm, tin sai nên dễ dẫn đến hậu quả xấu và tu hành không đem lại kết quả.

2. Tấn lực: Là sức mạnh đạt được do tu tập thành tựu tấn căn sinh ra, tấn lực là công năng công phá sự giãi đãi, lười biếng của thân, tâm, là động lực thúc đẩy sự siêng năng, chuyên cần tu tập các thiện pháp, lìa bỏ các ác, bất thiện pháp.

3. Niệm lực: Là sức mạnh đạt được do tu tập thành tựu niệm căn sinh ra, là công năng công phá những tà niệm, ác, bất thiện niệm, là năng lực giữ cho sự duy trì chánh niệm, thiện niệm bền vững.

4. Định lực: Là sức mạnh đạt được do tu tập thành tựu định căn sinh ra, là công năng công phá sự tán loạn, điên đảo của tâm, … là năng lực giữ cho tâm kiên định, vững vàng không thối chuyển, chuyên tâm thiền định phá tan phiền não, vô minh, làm phát khởi trí huệ giải thoát.

5. Huệ lực: Là sức mạnh đạt được do tu tập thành tựu huệ căn sinh ra, là công năng phá tan sự vô minh, mê mờ, phiền não, … làm phát khởi trí tuệ giác ngộ giải thoát vô biên.

KẾT LUẬN

Như vậy, pháp tu Ngũ căn và Ngũ lực là hai pháp tu hành có mối liên hệ mật thiết với nhau, kết quả tu tập thành tựu của pháp này là tiền đề, nền tảng của pháp kia. Kết quả tu hành thành tựu pháp Ngũ căn là tiền đề, nền tảng của Ngũ lực, kết quả tu tập thành tựu pháp Ngũ lực là sức mạnh duy trì kết quả thành tựu của Ngũ căn. Ngũ lực là sức mạnh đạt được từ sự nỗ lực tinh tấn tu hành thành tựu Ngũ căn. Ngũ căn tu tập càng thành tựu thì sức mạnh Ngũ lực đạt được càng lớn lao. Sức mạnh Ngũ lực càng lớn thì công năng duy trì và làm tăng trưởng, đầy đủ, viên mãn Ngũ căn càng vững chắc.

Người tu hành lấy sự hiểu biết, sáng suốt làm nền tảng căn bản để phân biệt, lựa chọn niềm tin, đó là tín. Khi đã có niềm tin sâu sắc thì sự nỗ lực thực hành chánh pháp càng dũng mạnh, quyết liệt, đó là tấn. Luôn luôn nghĩ nhớ chánh pháp, thiện pháp và pháp tu đã lựa chọn để tu hành, đó là niệm. Trước mọi chướng ngại tâm không dao động mà vẫn giữ vững niềm tin quyết tâm tu hành đi đến giải thoát, diệt trừ phiền não và vô minh, đó là định. Đem sự hiểu biết, quán sát thấu đáo tính chân thật của các pháp một cách tường tận, không có chướng ngại đó là trí huệ vi diệu, tu hành thành tựu đạt đến trí huệ vi diệu, đây là giải thoát. Tu tập thành tựu Ngũ căn và Ngũ lực làm cho sung mãn, đó chính là sức mạnh, là thần lực, là phương tiện nhiệm mầu để vượt qua mọi chướng ngại trong tu hành. Công cuộc tu hành phải đạt đến mục đích cuối cùng là không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ, hữu kiết sử phải được đoạn tận, thành tựu được Chánh trí, tức là giải thoát, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

Ngày 04 tháng 09 năm 2020

PHẠM THỊ MÝ – PHẠM THỊ LINH

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *