Chuyển luân Pháp Vương

Từ ngàn đời xưa đến nay, loài người luôn luôn đặt câu hỏi: Vũ trụ vạn vật và con người từ đâu sinh ra? Các tôn giáo và các triết thuyết trên thế giới đều chỉ ra rằng, đó là do một Đấng tối thượng nào đó sinh ra mà không có biện thuyết rõ ràng (Về vấn đề này ta sẽ nêu lại sau). Riêng chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là chỉ dẫn một cách tường tận với các biện chứng lôgic hết sức rõ ràng. Để hiểu sâu sắc vấn đề này, chúng ta phải nắm chắc một số điều mà Đức Phật đã chỉ ra. Thứ nhất là đứng trong Tam muội này (Pháp đã hiện hữu) nhìn sang Tam muội kia thấy chúng đều giống nhau. Thứ hai là phải hiểu rõ và nắm chắc ba môn giải thoát Tam muội, đây là chìa khóa vạn năng không thể thiếu để thuyết giải kinh của Đức Phật khi nghĩa lý của từ ngữ không phơi bày trực tiếp qua ngôn từ mà phải biện thuyết vượt ngôn từ nhưng không xa rời ngôn từ ấy, bởi nếu thuyết giải theo ngôn từ thì sẽ đọa ngôn từ, không rõ nghĩa lý của ngôn từ ẩn sau câu kinh đó.

Pháp tam muội giải thoát môn gồm Không tam muội, Vô tác tam muội, Vô tướng tam muội. Không tam muội chỉ rõ rằng, các pháp không có Tự tướng, tức là các pháp vô ngã, các pháp không có cái “Tôi” trong đó. Các pháp không có cái chủ thể, cái chúa tể để điều khiển cho các pháp vận động tương tác qua lại và phát triển. Các pháp không có Tự tướng nên các pháp tướng như bất động, thí dụ: con người không có Tự tướng thì đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, đắp y đều bất khả đắc do tướng như bất động. Vô tác tam muội là các pháp không có cỗ máy thi vị tạo tác để tự sản xuất ra chính mình hay tự sinh ra chính mình, các pháp không có nhu cầu tạo tác, các pháp vô sinh, không thật có. Vô tướng tam muội là “tịch diệt tướng các pháp không nghĩ không nhớ” bởi các pháp không có tướng tự tịch diệt. Tịch diệt tướng các pháp là Nhất thiết chủng trí, hay là Bát nhã Bala mật, hay là Đức Phật.

Hiện nay, dân số thế giới ước tính đạt gần 8 tỷ người, rất nhiều cho nên chúng ta có thể lấy con người làm pháp hiện hữu thay cho vạn pháp trên thế gian (các pháp đều như nhau như đã trình bày ở trên) và dùng Tam muội giải thoát môn soi chiếu để tìm câu trả lời. Như chúng ta đã biết, con người là giả hợp từ ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc là thực thể vật chất của con người, Sắc được tạo thành từ Tứ đại chủng: Địa, Thủy, Hỏa, Phong. Địa chủng bao gồm tất cả mọi thứ thuộc thể rắn như xương, thịt, râu, tóc, móng chân, móng tay… Thủy chủng gồm các loại chất lỏng, máu trong cơ thể. Hỏa chủng là nhiệt độ trong cơ thể. Phong là hơi thở của con người. Còn Thọ, Tưởng, Hành, Thức là thực thể tinh thần của con người. Trước hết, ta soi chiếu Uẩn Sắc, tức thực thể vật chất của con người. Trong quá trình soi chiếu ta thấy rằng: Sắc không tự nó sinh ra nó được, bởi Sắc không có Tự tánh; vì không có Tự tánh nên Sắc không có cỗ máy tự nó sản xuất ra nó, hay nó không có cỗ máy thi vị tạo tác để sinh ra nó, nó không có nhu cầu tạo tác nó, nó chỉ là giả hợp, không thật có, nó vô sanh cho nên nó rỗng không. Đồng thời Sắc cũng không có Tự tướng, không có cái chủ thể, chúa tể vận động. Có nghĩa là Sắc Tự tánh rỗng không, Tự tướng rỗng không cho nên Sắc không tồn tại. Câu hỏi đặt ra là tại sao Sắc rỗng không mà lại có tên là Sắc, có Sắc hiện hữu? Sở dĩ có Sắc hiện hữu là vì “Có một Như Lai tạng ẩn trong thân chúng sinh như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ” (Trích Kinh Lăng Già). Như Lai tạng đó là một phân thân của Đức Phật trong thân chúng sinh còn gọi là Phật tánh, Tánh không hay Pháp tánh thường trụ làm Tự tánh mà tùy duyên sinh khởi. Đối với con người, duyên đó là báo ứng đọa sinh hành nghiệp theo Luật nhân quả dựa trên cơ sở nghiệp từ kiếp trước. Phật tánh, Pháp tánh thường trụ, phân thân của Đức Phật chẳng phải Sắc cũng chẳng phải Không cho nên tạm gọi là Tánh không. Như vậy, Tánh không hay Pháp tánh thường trụ sinh ra Sắc cho nên rời Không chẳng có Sắc, rời Sắc chẳng có Không, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng y như vậy, nghĩa là Phật pháp chẳng rời pháp thế gian.

Qua quá trình soi chiếu và biện chứng ở trên ta thấy rằng, các pháp đều như nhau và bao gồm hai phạm trù: Phạm trù thứ nhất là phạm trù về hiểu biết, nhận thức; đó là các pháp đều do Đức Phật sinh ra, nếu các pháp không có Phật sinh thì không có các pháp, hay nói cách khác nếu Phật pháp mà ly pháp thế gian thì pháp thế gian sẽ sụp đổ, không còn tồn tại. Phạm trù thứ hai đó là vật chất hiện hữu đang tồn tại, còn sở dĩ các vật chất hiện hữu dị biệt khác nhau chính là do nghiệp kiếp trước bị báo ứng đọa sinh theo Luật nhân quả mà có các dị biệt về hình tướng bên ngoài của các pháp. Vì các pháp không có Tự tánh, Tự tướng nên vũ trụ vạn vật đều do các phân thân của Đức Phật hay Như Lai tạng làm Tự tánh, Tự tướng cho vạn vật tùy duyên sinh khởi. Nếu không có phân thân của Đức Phật làm Tự tánh sinh khởi thì các pháp cũng không được sinh ra, nghĩa là các pháp không có cái bắt đầu, các pháp là vô thỉ. Trong ba môn giải thoát, Vô tướng tam muội chỉ ra rằng, các pháp không có tướng tự tịch diệt. Tịch diệt tướng các pháp là Nhất thiết chủng trí hay là Bát nhã bala mật và cũng chính là Đức Phật, cho nên các pháp là vô chung. Như vậy, xét đến tận cùng thì các pháp là vô thỉ, vô chung (không có cái bắt đầu và không có cái kết thúc), các pháp cũng chẳng từ đâu đến và chẳng đi về đâu nếu không được Phật sinh ra. Các pháp vô lai, vô khứ, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm,… không có Đức Phật thì các pháp cũng vô tướng, không ngũ uẩn, không thập nhị nhập, không thập bát giới, không có Tứ đế, không có Mười hai nhân duyên,… vì tất cả đều bất khả đắc.

Qua quá trình phân tích trên ta thấy, các pháp đều được một phân thân của Đức Phật còn gọi là Như Lai tạng hay là Pháp tánh thường trụ làm chủ thể sinh khởi hay làm Tự tướng, Tự tánh cho các pháp sinh khởi và phát triển trong vận động. Như vậy có nghĩa là Đức Phật sinh ra các pháp bằng cách phân thân, trong Kinh Đại bát niết bàn Đức Phật nói rằng, “Như Lai dùng sức tự tại thị hiện vi trần thân đầy khắp thập phương đầy rẫy hư không”, hay “Như Lai dùng sức tự tại thị hiện phân thân như cát sông Hằng và sông Hằng nhiều như cát sông Hằng”. Vi trần ở đây là hạt bụi, số lượng vi trần thân hay cát sông Hằng mà Đức Như Lai phân thân ra là vô lượng, vô biên, vô tận, không thể tính đếm, không thể nghĩ bàn. Mỗi một thực thể phân thân này lại tùy duyên sinh ra một vật, vì thế số lượng vũ trụ vạn vật được sinh ra là nhiều vô kể, không thể nghĩ bàn. Vũ trụ vạn vật được sinh ra nhiều, nhưng sinh  không tùy tiện vô nguyên tắc, mà là do một Ức tưởng tư duy tạo tác phân thân biến hóa tạo ra dựa trên các quy luật vũ trụ hết sức chặt chẽ, logic. Ức tưởng tư duy tối thượng vĩ đại đó chính là Đấng tối cao tạo thế, là trí tuệ vĩ đại toàn năng của Đức Phật Tổ Như Lai, chính Ngài tạo ra thế giới, dưỡng nuôi cho nó tồn tại trong các quy định chặt chẽ của Luật vũ trụ do Ngài đặt ra. Qua các biện luận trên ta đã tìm ra được ông Vua, Đấng Đế Vương tối cao sinh ra và cai quản vũ trụ vạn vật, trong đó có con người và tất cả chúng sinh, đó là Phật Tổ Như Lai – Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Mặt khác trong Thuyết duyên khởi, Mười hai nhân duyên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ ra rõ ràng là Tăng Thượng Duyên là Đấng tối cao duy nhất, đứng đầu trong vũ trụ, là Đệ Nhất Nghĩa Đế, đã dùng phép phân thân biến hóa sinh ra các Thứ Đệ (hay Thế Đệ) và Duyên Duyên. Các Thứ Đệ, Duyên Duyên này tùy duyên mà sinh khởi ra tầng tầng lớp lớp, trùng trùng điệp điệp các nhân duyên và sinh ra vũ trụ vạn vật. Được sinh khởi từ vô lượng các mối nhân duyên nhưng vũ trụ vạn vật vẫn phải tùy duyên để sinh theo đúng luật của vũ trụ, của trời đất, đó là Luật nhân quả luân hồi báo ứng đọa sinh trong bể khổ sanh tử; có nghĩa là vũ trụ vạn vật được sinh ra, được nuôi dưỡng và bị cai quản bởi một Đấng Đế Vương tối thượng toàn năng vĩ đại, đó không phải ai khác mà chính là Phật Tổ Như Lai toàn năng.

Bây giờ chúng ta cùng tìm ngược về quá khứ xa xưa để xem Đạo Phật đã xuất hiện trên đời như thế nào. Trong phẩm Hóa thành dụ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo:

 “…Thuở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghị A tăng kỳ kiếp đã qua, lúc bấy giờ có Đức Phật hiệu Đại Thông Trí Thắng Như Lai Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế gian giải, Vô thượng sỹ, Điều nghị trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật thế tôn.

Nước đó tên Hảo Thành, kiếp tên Đại Tướng. Các Tỳ Kheo! Từ khi Đức Phật đó diệt độ nhẫn đến nay rất là lâu xa, thí như địa chủng  trong cõi Tam thiên Đại thiên, giả sử có người đem mài làm mực rồi đi khỏi một nghìn cõi nước ở Phương Đông bèn chấm một điểm chừng bằng bụi nhỏ, lại qua một nghìn cõi nước nữa cũng chấm một điểm, cứ như thế lần lượt chấm hết mực mài bằng địa chủng ở trên. Ý các ông nghĩ sao? Các cõi nước đó hoặc thầy toán hoặc đệ tử của thầy toán có thể biết đặng ngần mé số đó chăng?

Thưa Thế Tôn! Không thể biết!

Các Tỳ Kheo! Những cõi nước của người đó đi qua hoặc có chấm mực hoặc không chấm mực đều nghiền nát cả ra làm bụi, một hạt bụi là một kiếp, từ Đức Phật đó diệt độ đến nay lại lâu hơn số đó vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức A tăng kỳ kiếp. Ta dùng sức tri kiến của Như Lai xem thuở lâu xa đó dường như hiện ngày nay…

….Đức Phật bảo các Tỳ kheo: Đức Đại Thông Trí Thắng Phật thọ năm trăm bốn mươi vạn ức na do tha kiếp, Đức Phật đó khi trước lúc ngồi đạo tràng phá quân ma rồi, sắp đặng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Phật pháp chẳng hiện ra trước, như thế một tiểu kiếp cho đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng thân và tâm đều không động mà các Phật pháp còn chẳng hiện ra trước.

Thuở đó, các vị Trời Đao Lợi ở dưới cội cây Bồ đề đã trước vì Đức Phật đó mà trải tòa sư tử cao một do tuần, Phật ngồi nơi tòa này sẽ đặng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Khi Phật vừa ngồi trên tòa đó các trời Phạm thiên vương rưới những hoa trời… mãi như thế không ngớt mãn mười tiểu kiếp để cúng dường Đức Phật, nhẫn đến khi Phật diệt độ thường rưới hoa này…

…Các Tỳ Kheo! Đức Đại Thông Trí Thắng Phật quá mười tiểu kiếp các Phật pháp hiện ra trước thành đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Lúc Phật chưa xuất gia có mười sáu người con trai, người con cả tên Trí Tích … Bấy giờ mười sáu vị vương tử nói kệ khen Đức Phật rồi liền khuyến thỉnh Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, đều thưa rằng: “Đức Thế Tôn nói pháp được an ổn, thương xót làm lợi ích cho các trời và nhân dân.”… Khi đó, năm trăm muôn ức các vị Phạm Thiên Vương nói kệ khen Đức Phật rồi, đều bạch Phật rằng: “Cúi mong Đức Thế Tôn chuyển Pháp luân, nhiều chỗ an ủi, nhiều chỗ độ thoát”… Lúc bấy giờ, Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai nhận lời thỉnh của các vị Phạm Thiên Vương và mười sáu vị vương tử tức thời ba phen chuyển pháp luân mười hai hành hoặc là Sa môn, Bà la môn, hoặc là Trời, Ma, Phạm và các thế gian khác đều không thể chuyển được, nói: đây là Khổ, đây là khổ Tập, đây là khổ Diệt, đây là Đạo diệt khổ. Và rộng nói pháp Mười hai nhân duyên … Lúc nói pháp lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, có nghìn muôn ức hằng hà sa na do tha chúng sinh cũng bởi không thọ tất cả pháp mà nơi các lậu tâm được giải thoát. Từ đây nhẫn sau các chúng Thanh Văn nhiều vô lượng vô biên, không thể tính kể được…

… Bấy giờ, mười sáu vị vương tử đều là đồng tử mà xuất gia làm Sa di,… mười sáu vị Sa di đệ tử của Đức Phật kia nay đều chứng đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác,… Vị thứ mười sáu, chính Ta là Thích ca Mâu ni Phật ở cõi nước Ta Bà thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác…”

Đọc kỹ trích đoạn trên đây của phẩm Hóa thành dụ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ta thấy sáng tỏ thêm nhiều vấn đề: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể lại chuyện từ thuở quá khứ xa xưa của một Đức Phật tên là Đại Thông Trí Thắng cho các Tỳ Kheo nghe. Từ khi Đức Phật đó diệt độ đến nay rất là lâu xa, cách nay vô số kiếp, không thể nghĩ bàn, không thể nào mô tả bằng toán số. Nước đó tên Hảo Thành, kiếp tên Đại Tướng có Vua cha là Vua Chuyển Luân Thánh Vương và mười sáu người con trai, con cả tên Trí Tích, con út là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Phật chưa xuất gia. Qua lời kinh ta thấy rằng hồi đó Thiên, Địa rất lẫn lộn, người, ma quỉ và các bậc chúa trời ở gần nhau, xã hội vô cùng hỗn loạn trong cuộc chiến giữa người và ma quỉ. Đại Vương Đại Thông Trí Thắng sau khi dẹp hết quân ma thì xuất gia cầu Phật đạo. Tuy Ngài sống rất lâu nhưng Phật Đạo vẫn không hiện ra. Mười tiểu kiếp cuối đời Ngài ngồi thiền tĩnh lặng dưới cội cây Bồ Đề mà Phật pháp cũng chẳng hiện ra trước. Mười tiểu kiếp tiếp sau (cỡ 167.980.000 năm) Ngài ngồi trên tòa sư tử do chúa trời Đao Lợi trải cạnh cây Bồ Đề tiếp tục thiền cầu Phật pháp. Hàng ngày, các chúa trời Phạm Thiên Vương rải những hoa trời, trỗi kỹ nhạc trời gia hộ để Ngài cầu Phật đạo mà cho đến khi Ngài nhập tịch, Phật pháp vẫn chẳng hiện ra trước. Quá mười tiểu kiếp sau Ngài mới đặng đắc đạo Vô thượng Bồ Đề Chánh đẳng Chánh giác. Sau đó, Ngài mới dùng ba thừa gồm Thanh Văn Thừa, Duyên Giác thừa và Phật thừa để cứu độ chúng sinh. Như vậy, có thể khẳng định rằng từ đời Vua Đại Thông Trí Thắng về trước chưa có bất cứ một tôn giáo nào tồn tại trong thế gian, trong vũ trụ này mặc dù vũ trụ vạn vật đã được sinh ra và đã hiện hữu các quy luật vũ trụ như Luật nhân quả, Luật luân hồi, đọa sanh hành nghiệp theo báo ứng nhân quả trên cơ sở nghiệp của tiền kiếp đã được ban hành và bắt vũ trụ vạn vật phải tuân theo (cho nên cả trời người đều cầu Đức Phật Đại Thông Trí Thắng chuyển pháp luân để cứu vớt chúng sinh ra khỏi bể khổ trầm luân). Vậy, thời cổ đại xa xưa đó ai là người bắt chúng sinh đã làm việc ác thì phải trả nghiệp ác, chúng sinh làm việc thiện thì được hưởng phước báu? Ai là người huân tập các nghiệp này sau khi chúng sinh chết để rồi đọa sinh hành nghiệp theo báo ứng nhân quả theo nghiệp từ kiếp trước? Ai bắt chúng sinh phải đem thân trả nghiệp kiếp trước trong kiếp này? Ai chứng cho chúng sinh đã sạch hết nghiệp, thoát ra ngoài bánh xe luân hồi sinh tử để lên trời? Nếu không phải là Như Lai tạng hay phân thân Đức Phật hay Pháp tánh thường trụ, Phật tánh trong tâm của mỗi chúng sinh thì không thể làm việc đó. Điều đó chứng tỏ, các phân thân của Đức Phật hay các Thế Đế đang thực hiện việc làm của Đệ Nhất Nghĩa Đế cai quản chúng sinh và vũ trụ vạn vật.

Trong thời đại ngày nay, tất cả các tôn giáo trên thế giới đều chỉ đến một vị tối cao của tôn giáo mình cai quản tất cả như Thiên chúa giáo thì chỉ đến Chúa Cha, Đạo Gia và Nho giáo thì chỉ ông Trời, Đạo Phật thì chỉ Phật Tổ Như Lai, Đạo tin lành thì chỉ Thượng Đế v.v… Thế nhưng, trừ Đạo Phật ra, các tôn giáo khác không đưa ra được biện chứng chứng minh cho lý do mình chỉ đến vị này là xác thực, chặt chẽ và đúng đắn. Khoa học hiện đại cũng đưa ra được một số giả thuyết như tiến hóa của Đác Uyn, nhưng cũng không lý giải được ADN của con người rất khác ADN của các loài vật khác, hay thuyết Vụ Nổ Big Bang ở đây cũng không tìm ra câu trả lời là ngôi sao gây ra vụ nổ này từ đâu sinh ra. Năng lượng vụ nổ sẽ mau chóng hết đi sau khi nổ, vậy tại sao ngày nay hàng ngàn Thiên Hà vẫn đang chuyển động rất nhanh trong vũ trụ, mỗi một Thiên Hà lại có hướng chuyển động khác nhau, các nhóm vì sao hay các vì sao Thiên Hà cùng di chuyển và quay theo các quỹ đạo không đổi hàng tỷ năm nay, vậy năng lượng ấy lấy từ đâu ra trong vũ trụ. Nếu không duy trì năng lượng vô tận này cho các chuyển động của các Thiên Hà các vì tinh tú đã ngưng hoạt động, các quĩ đạo sụp đổ, các vì sao, các Thiên Hà lao vào nhau gây ra những vụ nổ lớn hủy diệt vũ trụ vạn vật…

Từ đó ta có thể đi đến kết luận là có một Ức tưởng tư duy với công năng siêu việt, vĩ đại hay còn gọi là Trí tuệ Phật, Đệ Nhất Nghĩa Đế, Như Lai Phật tổ tối thượng, toàn năng đã sinh ra vũ trụ vạn vật, nuôi dưỡng cho sự tồn tại và phát triển của vũ trụ vạn vật, cai quản chúng bằng những Luật vũ trụ rất công bằng, công minh, logic và chặt chẽ. Đó là ông Vua Tối Thượng đã và đang cai quản vũ trụ vạn vật, trong đó có chúng ta.

Tác giả: Nguyễn Văn Tuyến

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *