Pháp tu Bát Chánh đạo và Bát Thánh đạo

LỜI MỞ ĐẦU

Bát chánh đạo trong Ba bảy pháp trợ đạo là pháp tu căn bản trong Đạo đế, xuyên suốt các pháp tu trong ba thừa Thanh văn, Duyên giác và đại thừa Bồ tát. Nói đến con đường giải thoát là nói đến đạo thì không thể không nói đến Bát chánh đạo, đây là con đường đi đến giải thoát lậu hoặc phiền não. Bát chánh đạo Đức Phật chỉ thẳng pháp tu hiện hữu, thực hiện việc sửa đổi các hoạt động từ tư duy, suy nghĩ đến hành động, việc làm, lời nói của con người trong hàng ngày, tức nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý. Bát chánh đạo là tám phương tiện diệu dụng trong tu hành sửa đổi.

Con đường tu tập giải thoát có thể nhập vào bằng nhiều ngõ nhánh như Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Bảy giác chi,… nhưng tất cả đều bao hàm trong Bát chánh đạo. Bát chánh đạo được Đức Phật chia thành hai thứ lớp là Bát chánh đạo và Bát thánh đạo thuộc hai phạm trù thực hiện và nhận thức khác nhau.

Đối với các căn cơ Tiểu thừa thì Bát chánh đạo là pháp tu thuộc phạm trù thực hiện, chấp trước các pháp là thật có, hiện hữu như thấy được, nghe được, biết được, thiện có, ác có, chánh có, tà có,… Nương vào tu tập Bát chánh đạo giúp người tu hành nhận thức phân biệt đúng giữa chánh và tà, thiện và ác, đúng và sai. Đồng thời chỉ thẳng việc thực hiện tu hành sửa đổi để diệt trừ tam nghiệp thân, khẩu, ý, đem lại kết quả ở đời hiện tại thân tâm được thanh tịnh, an lạc, không tạo nhân đau khổ cho đời sau. Bát chánh đạo giúp người tu hành chọn đúng đắn pháp tu, không bị lầm đường lạc đạo đưa đến hậu quả xấu, đồng thời thực hiện sửa đổi thành tựu tam nghiệp ngay trong đời hiện tại.

Bát chánh đạo bao gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Đối với căn cơ đại thừa Bồ tát thì Bát thánh đạo thuộc phạm trù nhận thức. Nương vào Bát thánh đạo để tu tập giúp người tu hành nhận thức đúng đắn chân lý tuyệt đối của các pháp, tìm đến nguồn gốc chân thật của mọi sự vật, hiện tượng. Bồ tát thấy rõ trong việc thực hiện Bát chánh đạo của chúng sanh có một Thánh trí hay Chánh trí đang chứng đạo trong đó. Thánh trí là trí tuệ Phật tức là Phật cũng là Như Lai nên Bồ tát thấy rõ Bát chánh đạo là Bát thánh đạo. Như vậy, Bát thánh đạo tìm đến chân lý tột cùng của tất cả pháp hiện hữu chính là sự hiện hữu của Đức Phật Như Lai trong tất cả pháp, nghĩa là “Tất cả pháp đều là Phật Pháp” (Kinh Phạm Võng).

Đức Phật Thích Ca nói: “Tất cả pháp vô ngã” (Kinh Lăng Già, Phẩm A Bạt Đa La Bửu Kinh).

Ngã là cái ta, cái tôi, là cái chủ thể, chúa tể cai quản sanh ra các pháp, tiêu diệt các pháp, là năng lực vận động trong tất cả pháp. Chúng sanh vô ngã nghĩa là chúng sanh không có cái ta cái tôi, không có chủ thể, chúa tể tức là không có cái cai quản sanh diệt, không có năng lực tự vận động trong các pháp.

Đức Phật nói: “Ngã là nghĩa của Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của Ngã. Nghĩa của Ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Như Lai Tánh).

Như Lai tạng là biến thể phân thân của Đức Phật Như Lai còn gọi là pháp thân của Như Lai hay tự tánh của Như Lai tạng do Đức Phật Như Lai phân thân thị hiện mà có. Ngã là nghĩa của Như Lai tạng có nghĩa ngã chính là tự tánh của Như Lai tạng, là pháp thân của Đức Phật Như Lai. Như vậy, ngã là của Như Lai không phải của chúng sanh nên chúng sanh không có ngã. Phật tánh là nghĩa của ngã tức là Phật tánh chính là ngã, là pháp thân của Như Lai hay tự tánh của Như Lai tạng cũng chính là Như Lai.

Đức Phật nói: “Phật tánh tức là Như Lai” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Thánh Hạnh).

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nghĩa là tất cả chúng sanh đều có một Pháp thân của Như Lai hay tự tánh của Như Lai tạng thường trụ trong thân của chúng sanh nhưng không phải của chúng sanh mà của Như Lai.

Đức Phật nói: “Tự tánh của Như Lai tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất nên bị cáu bẩn vọng phân biệt, tham, sân, si sở ô nhiễm, giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ” (Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm).

Pháp thân của Như Lai còn được gọi là vi trần thân của Như Lai được Đức Phật Như Lai phân thân thị hiện ở hình thức biến hóa vô lượng, vô biên, không phải là hình thức phân chia, phân hoại được thể hiện trong kinh.

“Có tám điều tự tạiMột là có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân.” (Kinh Đại Bát Niết Bàn – Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát).

Như vậy, vi trần thân là phân thân của Đức Phật Như Lai được Đức Phật Như Lai dùng sức đại tự tại để thị hiện đầy khắp cả mười phương vô lượng thế giới thường trụ pháp thế gian để tạo tác lên pháp thế gian. Đức Phật Như Lai là chánh thân, là Đệ nhất nghĩa đế, là đấng tạo hóa tối cao không phải là Đức Phật Thích Ca. Tùy vào từng tôn giáo có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau như Đức Phật Như Lai đối với đạo Phật, Đức Chúa Trời hay Thiên Chúa đối với đạo Thiên Chúa Giáo, Ông Trời đối với đạo Nho Gia, Thánh A La đối với đạo Hồi,… tất cả những tên đó chỉ là cách gọi khác nhau nhưng đều chỉ về một đấng tạo hóa tối cao.

Đức Phật Thích Ca là người trần gian tu hành thành Phật được chứng quả Phật khi ý thức của Ngài nhập được hoàn toàn với pháp thân của Ngài tức là nhập Phật tri kiến. Vì vậy, Đức Phật Thích Ca cũng được gọi là Phật và cũng được gọi là Như Lai nhưng không phải là đấng tạo hóa tối cao. Ngài cũng là một pháp thân của Đức Phật Như Lai.

Như vậy, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nghĩa là tất cả chúng sanh đều có một Pháp thân của Đức Phật Như Lai ẩn thường trụ trong thân chúng sanh nên Như Lai chứng biết và tập hợp được tất cả mọi suy nghĩ, việc làm, lời nói của chúng sanh là ác hay thiện, vì vậy mới có tam nghiệp thân, khẩu, ý. Tam nghiệp là cơ sở để Như Lai đọa sanh hành khổ chúng sanh và cứu vớt chúng sanh giải thoát ra khỏi bể khổ sanh tử theo nhân quả báo ứng, đây là Thánh đạo. Tu tập thành tựu Bát thánh đạo có thể đạt đến cảnh giới thanh tịnh, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết bàn.

Bát Thánh Đạo bao gồm: Thánh kiến, Thánh tư duy, Thánh ngữ, Thánh nghiệp, Thánh mạng, Thánh tinh tấn, Thánh niệm, Thánh định.

NỘI DUNG BÁT CHÁNH ĐẠO VÀ BÁT THÁNH ĐẠO

1. Chánh kiến và Thánh kiến

Chánh kiến: Là thấy đúng, cái thấy ở đây không phải thấy bằng con mắt thường mà thấy bằng sự nhận thức. Từ sự thấy biết các sự vật, hiện tượng hiện hữu trong thế gian con người có thể nhận biết phân biệt được đúng, sai, chánh, tà, thiện, ác, thật, giả,… Nếu thấy đúng, nhận thức đúng tức chánh kiến, nếu thấy sai, nhận thức sai tức tà kiến. Đây là chánh kiến.

Kinh Tương Ưng Bộ, Thiên Đại Phẩm, Đức Phật nói: “Thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỳ Kheo chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỳ Kheo đây gọi là chánh tri kiến.”

Như vậy, chánh kiến là thấy đúng quy luật nhân quả báo ứng, thấy đúng triết lý nhân sinh về cuộc đời của con người ở thế gian được thể hiện qua giáo lý Tứ diệu đế khổ, tập, diệt, đạo.

Đức Phật nói: “Muốn biết nhân đời trước, xem sự hưởng đời nay, muốn biết quả đời sau, xem việc làm kiếp này” (Kinh Nhân Quả Ba Đời).

Dựa trên nguyên tắc của luật nhân quả báo ứng theo nghiệp thấy rằng gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Nếu gieo nhân ác, bất thiện tức nghiệp ác thì báo ứng quả báo khổ đau. Nếu gieo nhân thiện tức nghiệp thiện thì báo ứng quả báo sướng vui. Con người phải chịu vô lượng sự khổ đau là do đã tạo nghiệp không lành nơi thân, khẩu, ý từ vô thỉ (từ kiếp trước) tức tam nghiệp, nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý.

Con người ở thế gian phải chịu vô lượng sự khổ đau được Đức Phật gom lại gồm tam khổ và bát khổ. Tam khổ gồm hành khổ, hoại khổ và khổ khổ. Bát khổ gồm sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ.

Nguyên nhân của mọi sự khổ đau là do nghiệp, nghiệp là tập. Tập là tập hợp những việc làm xấu ác của con người đã tạo ra để báo ứng theo nhân quả vào quả báo khổ đau. Như vậy, diệt đế là diệt khổ, diệt khổ là diệt nguyên nhân gây ra đau khổ, đó là diệt nghiệp. Diệt nghiệp là diệt tam nghiệp thân, khẩu, ý tức là diệt những việc làm, lời nói và ý nghĩ xấu ác. Muốn diệt nghiệp phải đi vào con đường tu hành sửa đổi đó là đạo đế do Đức Phật Thích Ca chỉ ra như Thập thiện đạo, Thập bất thiện đạo, Ba bảy pháp trợ đạo,… Khi tu hành sửa đổi thực hiện Thập thiện đạo, diệt trừ thập bất thiện đạo,nghiệp xấu ác được diệt trừ thì không bị nhân quả báo ứng vào quả báo khổ đau. Đây là chánh kiến.

Thánh kiến: Là thấy đúng bản chất chân thật của quy luật nhân quả, thấy đúng bản chất chân thật triết lý nhân sinh về cuộc sống của con người trần gian được thể hiện qua chân lý Tứ thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.

Quan sát trong cuộc sống hiện tại của con người thấy rằng, mọi sự khổ đau mà con người phải gánh chịu là do nghiệp. Nghiệp là ý nghĩ, việc làm và lời nói không lành do con người tạo ra, đây là nghiệp ác, bất thiện. Theo nguyên tắc của luật nhân quả, nhân nào quả ấy nếu tạo nghiệp ác thì báo ứng quả báo khổ đau, nếu tạo nghiệp thiện thì báo ứng quả báo sướng vui. Luật nhân quả là do Đức Phật Như Lai quy định, áp đặt để cai quản loài người một cách công bằng, bình đẳng. Con người bị ràng buộc chặt chẽ bởi luật nhân quả nên không thể thoát ra ngoài quy luật này. Vì vậy, mọi sự khổ đau của loài người là do Đức Phật Như Lai dựa trên cơ sở nghiệp mà con người đã tạo ra để báo ứng quả báo khổ đau theo nguyên tắc của luật nhân quả. Do đó, con người phải trôi lăn trong năm đường sanh tử, sáu nẻo luân hồi, phải chìm đắm trong bể khổ vì đã tạo nghiệp xấu ác từ vô thỉ.

Đức Phật nói: “Vì nhơn duyên chúng sanh điên đảo tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý, theo nghiệp trước mà thọ sanh sáu đạo thân địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, nhơn và thiên.” (Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Phẩm Tùy Hỷ)

Như vậy, nguyên nhân của mọi sự khổ đau là do nghiệp, nghiệp là do con người tạo ra. Nghiệp tức là tập, tập là tập hợp những nghiệp lực phiền não, đây là những nghiệp lực hư ngụy, là những việc làm độc ác, không lành trong tam nghiệp thân, khẩu, ý của con người từ vô thỉ. Trong quán sát thấy rằng, nghiệp không tự tập hợp được nghiệp, con người cũng không tự tập hợp được nghiệp mà nghiệp là do Đức Phật Như Lai huân tập những suy nghĩ, việc làm, lời nói hàng ngày của con người. Bởi Đức Phật Như Lai chính là Phật tánh trong thân chúng sanh nên chứng biết được tất cả mọi suy nghĩ, việc làm, lời nói hàng ngày của con người (đã giải thích ở phần mở đầu). Đức Phật Như Lai dựa trên cơ sở tập để báo ứng quả báo theo nguyên tắc của luật nhân quả công bằng giữa cái thiện và cái ác; nhân thiện báo quả vui, nhân ác báo quả khổ. Tập là tập hợp những việc làm ác, bất thiện mới khởi sinh lên các sự khổ của con người. Như vậy, chúng sanh đau khổ là do Đức Phật Như Lai báo ứng quả khổ dựa trên cơ sở nghiệp mà con người đã tạo ra theo nguyên tắc nhân quả chứ khổ không phải do nghiệp tự báo ứng quả khổ.

Con người muốn thoát khổ thì phải diệt khổ. Diệt khổ là diệt nguyên nhân sinh ra đau khổ tức là diệt nghiệp. Diệt nghiệp là diệt những ý nghĩ, việc làm và lời nói xấu ác, bất thiện. Khi con người không còn suy nghĩ và tạo những việc làm, lời nói xấu ác, bất thiện thì nghiệp ác được diệt. Nghiệp ác diệt tức tập diệt thì Đức Phật Như Lai không báo ứng quả báo khổ đau, không bị đọa sanh hành khổ thì con người sẽ được giải thoát, được an vui, hạnh phúc. Đây là khổ diệt.

Con đường diệt khổ tức diệt nghiệp đó là đạo đế. Đạo đế được Đức Phật Thích Ca chỉ ra bao gồm Thập thiện đạo, Thập bất thiện đạo, Ba bảy pháp trợ đạo trong đó có Bát chánh đạo,… Đức Phật chỉ ra chi tiết sửa đổi về ý nghĩ, việc làm, lời nói hàng ngày trong tam nghiệp thân, khẩu, ý. Diệt nghiệp là diệt Thập bất thiện đạo, thực hiện Thập thiện đạo, Ba bảy pháp trợ đạo,… Khi con người đi vào thực hiện các pháp thiện đạo, diệt các pháp bất thiện đạo tức là diệt nghiệp ác, bất thiện thì Đức Phật Như Lai sẽ chứng đạo và không báo ứng quả báo khổ đau theo nhân quả. Con người được giải thoát khổ đau, thoát khỏi khổ ách sanh tử luân hồi, đi đến giải thoát hoàn toàn. Đây là đạo đế.

Như vậy, Thánh kiến là nhận thức đúng về luật nhân quả do Đức Phật Như Lai quy định, áp đặt cho sự phát triển và tồn tại của thế giới ta bà. Chúng sanh đau khổ là do Đức Phật Như Lai hành khổ theo nhân quả báo ứng, thấy đúng sự hiện hữu của con người trên thế gian là sự đọa sanh hành nghiệp nên phải tái sinh luân hồi. Do đó, con người hoàn toàn thụ động với mọi sự khổ đau của chính mình trong chư hành vô thường và không tự mình quyết định làm chủ được cuộc sống của chính mình. Đây là Thánh kiến.

2. Chánh tư duy và Thánh tư duy

Chánh tư duy: Là tư duy đúng. Tư duy đúng là suy nghĩ đúng, suy nghĩ thuộc về ý thức, đây là nghiệp ý. Nghiệp ý là tác nhân của nghiệp thân và nghiệp khẩu. Nếu tư duy đúng, suy nghĩ đúng thì hành động đúng, tư duy sai, suy nghĩ sai thì hành động sai. Chánh tư duy là tư duy đúng về nhân quả, tư duy đúng về sự khổ đau của con người là do nghiệp; con đường giải thoát khổ đau của loài người là diệt nghiệp. Chánh tư duy là suy nghĩ đúng về các thiện pháp, không suy nghĩ về các ác, bất thiện pháp để sửa đổi tam nghiệp thân, khẩu, ý tức là thực hiện chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm. Đây là chánh tư duy.

Thánh tư duy: Nghĩa là tư duy đúng bản chất chân thật của mọi sự vật, hiện tượng. Tư duy đúng về cuộc sống nhân sinh, về luật nhân quả báo ứng là do Đức Phật Như Lai áp đặt để cai quản loài người. Con người khổ đau là do Đức Phật Như Lai đọa sanh hành khổ. Con người thoát khổ cũng do Đức Phật Như Lai cứu vớt ra khỏi đau khổ khi đã diệt nghiệp. Chân lý này được thể hiện qua chân lý tứ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Do đó, tất cả cuộc sống sanh tử của con người đều do Đức Phật Như Lai là chủ thể cai quản và quyết định cho từng cá thể sai khác. Như Lai dựa trên cơ sở nghiệp do con người đã tạo ra để quyết định cuộc sống cho con người nên loài người hoàn toàn thụ động với cuộc sống vô thường của chính mình do đã tạo nghiệp xấu ác từ vô thỉ. Vì vậy, muốn thoát khổ con người phải sửa đổi tam nghiệp thân, khẩu, ý tức diệt nghiệp. Khi tư duy về các thiện pháp, không tư duy các ác, bất thiện pháp thì thân, khẩu sẽ hành động thiện, không hành động ác. Khi đi vào thực hiện Thánh ngữ, Thánh nghiệp, Thánh tinh tấn và Thánh niệm thì Đức Phật Như Lai sẽ chứng đạo, chứng tâm bởi tâm xuất Phật biết theo sóng A lại gia thức. Vì Phật tánh trong chúng sanh chính là Pháp thân của Đức Phật Như Lai, cũng chính là Như Lai nên Như Lai rõ biết tất cả những suy nghĩ, việc làm, lời nói của chúng sanh. Đây là Thánh tư duy.

3. Chánh ngữ và Thánh ngữ

Chánh ngữ: Ngữ là ngôn ngữ, lời nói; đây là khẩu nghiệp. Lời nói có chánh, tà, thiện, ác, thật, giả. Chánh ngữ là nói lời chân thật như không nói dối, không nói lời hai chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời thô ác. Tà ngữ là lời nói dối, lời nói hai chiều, lời nói thêu dệt, lời nói thô ác. Theo quy luật nhân quả nếu thực hiện chánh ngữ thì báo ứng quả báo sướng vui, tà ngữ thì báo ứng quả báo khổ đau. Đây là chánh ngữ.

Thánh ngữ: Là khi con người nói lời tà ngữ như nói dối, nói lời hai chiều, nói lời thêu dệt, nói lời thô ác. Đây là những lời nói xấu ác, không lành tức là nghiệp khẩu xấu ác thì Đức Phật Như Lai chứng biết và tập hợp nghiệp khẩu xấu ác này làm cơ sở báo ứng quả báo khổ đau theo nhân quả. Khi con người biết tu hành sửa đổi thực hiện chánh ngữ từ bỏ lời nói dối, từ bỏ lời nói hai chiều, từ bỏ lời nói thêu dệt, từ bỏ lời nói thô ác thì Đức Phật Như Lai chứng biết và không báo ứng quả báo khổ đau theo nhân quả. Đây là Thánh ngữ.

4. Chánh nghiệp và Thánh nghiệp

Chánh nghiệp: Nghiệp là hành động việc làm của thân, đây là thân nghiệp. Thân nghiệp là hành động việc làm của thân thì có chánh, tà, đúng, sai, thiện, ác,… Chánh nghiệp là những việc làm đúng, việc làm thiện đem lại lợi ích cho chúng sanh như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Tà nghiệp là những việc làm ác, bất thiện đem lại sự đau khổ cho chúng sanh như sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Theo luật nhân quả thực hiện chánh nghiệp thì không bị báo ứng quả báo khổ đau, tà nghiệp thì báo ứng quả báo khổ đau. Đây là chánh nghiệp.

Thánh nghiệp: Là khi con người hành động những việc làm thuộc vào tà nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm,… Đây là những nghiệp ác, bất thiện thì Đức Phật Như Lai sẽ chứng biết và huân tập lại để làm cơ sở báo ứng quả báo khổ đau theo nhân quả. Khi con người biết tu hành sửa đổi thực hiện chánh nghiệp từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm thì Đức Phật Như Lai chứng đạo và không báo ứng quả báo khổ đau theo nhân quả. Đây là Thánh nghiệp.

5. Chánh mạng và Thánh mạng

Chánh mạng: Tức chánh mệnh, định mệnh hay còn gọi là số phận theo nhân gian. Định mệnh là diễn biến cuộc đời của một con người diễn ra từ khi sanh đến khi tử trải qua những thăng, trầm, thịnh, suy, sướng, khổ, giàu, nghèo hay khỏe mạnh, ốm yếu,… đều đã được định đoạt, quyết định, ấn định từ trước khi được sinh ra theo nhân quả báo ứng. Mạng khác với thân, mạng không phải là thân mà mạng quyết định thân, thân phụ thuộc hoàn toàn vào mạng. Khi mạng thịnh thì thân khỏe mạnh, cường tráng, làm ăn, công danh thuận lợi,… Khi mạng suy thì thân bệnh tật, ốm yếu, làm ăn thất bại,… kể cả nghề nghiệp công ăn việc làm của một con người cũng đã được định trước, nghề được định theo nghiệp. Hiểu biết đúng như vậy là chánh mạng, không hiểu biết đúng như vậy là tà mạng. Đây là chánh mạng.

Thánh mạng: Nghĩa là mỗi một con người trước khi sinh ra trên thế gian đã được Đức Phật Như Lai quyết định cho một cuộc đời từ khi sinh đến khi tử. Sự diễn biến của cuộc đời thăng trầm, thịnh suy đã được Đức Phật Như Lai quyết định trước cho từng giai đoạn mà con người phải trải qua sự thăng trầm, thịnh suy trong quá trình phát triển và tồn tại. Cuộc đời của một con người sướng, khổ, giàu, nghèo, xấu, đẹp, thông minh hay đần độn,… được Đức Phật Như Lai ấn định cho từng cá thể khác nhau dựa theo nguyên tắc của luật nhân quả, tùy vào cơ sở nghiệp lực do người đó đã tạo ra nên gọi là định mệnh. Theo luật nhân quả áp đặt cho loài người thì nhân là nghiệp lực do con người tạo ra mà quả là mạng và thân. Mạng quyết định thân, thân phụ thuộc hoàn toàn vào mạng. Thân bao gồm cả thể chất và tinh thần. Mạng là diễn biến cuộc đời thăng, trầm theo từng giai đoạn. Nghiệp là tam nghiệp thân, khẩu, ý.

Đức Phật Như Lai dựa trên cơ sở nghiệp lực do chúng sanh tạo ra ở kiếp trước để lập định mệnh cho kiếp này và dựa trên cơ sở nghiệp ở kiếp này để lập định mệnh cho kiếp sau. Như vậy, nếu con người cứ tiếp tục tạo nghiệp không lành thì vòng đời mãi luân hồi cho những kiếp sau.

Đức Phật nói: “Muốn biết nhân đời trước, xem sự hưởng đời nay, muốn biết quả đời sau, xem việc làm kiếp này” (Kinh Nhân Quả Ba Đời)

Nếu con người ở kiếp trước tạo nhiều nghiệp ác, bất thiện thì định mệnh cuộc đời kiếp này phải chịu nhiều sự khổ đau. Nếu ở kiếp này tạo nhiều nghiệp ác, bất thiện thì định mệnh cuộc đời kiếp sau phải chịu nhiều sự khổ đau. Nếu kiếp trước hay kiếp này tạo quá nhiều việc độc ác thì định mệnh cuộc đời kiếp này hay kiếp sau phải mang thân ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục.

Ngược lại, nếu con người kiếp trước tạo nhiều việc thiện lành thì định mệnh cuộc đời kiếp này được hưởng sự sướng vui, hạnh phúc. Nếu kiếp này tạo nhiều việc thiện lành thì định mệnh cuộc đời kiếp sau sẽ được hưởng sướng vui, hạnh phúc.

Như vậy, định mạng của con người là do Đức Phật Như Lai quyết định theo nguyên tắc luật nhân quả dựa trên cơ sở nghiệp lực do con người đã tạo ra mà có cuộc đời sướng, khổ, giàu, nghèo,… tương ứng công bằng. Vì vậy, con người phải chịu cuộc đời có định mệnh là do sự đọa sanh hành nghiệp của Đức Phật Như Lai trong chư hành vô thường. Do đó, không ai có thể thay đổi được định mệnh cho mình và tự mình cũng không thể thay đổi định mệnh của chính mình để vượt lên số phận mà phải tự chấp nhận, tự thỏa mãn với những gì hiện có. Hiểu biết đúng như vậy là hiểu đúng về thánh mạng. Khi con người hiểu đúng và tin đúng vào thánh mạng đã được an bài, sắp đặt thì con người sẽ tự chấp nhận, thỏa mãn những gì hiện có, không cố chấp, phiền não trong cuộc sống vô thường. Muốn thay đổi cuộc đời kiếp sau và cải thiện quả báo tức thời cho kiếp đời hiện tại thì phải tinh tấn nỗ lực tu hành, cải tà quy chính, không tiêu cực, nhu nhược, ỷ lại vào số phận. Nếu không tin vào định mệnh tức là phủ nhận nguyên tắc nhân quả trái với quy luật nhân quả của vũ trụ. Như vậy, con người có định mệnh và định mệnh là do Đức Phật Như Lai quyết định. Quốc gia và thế giới cũng có định mệnh cho sự phát triển và tồn tại theo từng thời kỳ thịnh, suy được gọi là vận mệnh. Đây là Thánh mạng.

6. Chánh tinh tấn và Thánh tinh tấn

Chánh tinh tấn: Là thân tinh tấn, tâm tinh tấn siêng năng, chăm chỉ tu hành sửa đổi không thôi nghỉ, không thối chuyển. Thực hiện các thiện pháp như thập thiện đạo, ba bảy pháp trợ đạo trong đó có Bát chánh đạo,… với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi; các ác, bất thiện pháp đã sanh khởi được diệt trừ. Các thiện pháp từ trước chưa sanh khởi làm cho sanh khởi; các thiện pháp đã sanh khởi khiến cho tăng trưởng, quảng đại, làm cho sung mãn. Đây là pháp tu Tứ chánh cần. Khi tinh tấn tu hành các thiện pháp thì các ác, bất thiện pháp tiêu trừ, nghiệp ác, bất thiện tiêu trừ; nghiệp thiện tăng trưởng, quả phước tăng trưởng viên mãn, thân, tâm được thanh tịnh, an lạc. Chánh tinh tấn là pháp tu rất quan trọng xuyên suốt trong Ba bảy pháp trợ đạo từ Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác phần đến Bát chánh đạo đều có pháp tu tinh tấn. Vì vậy, tinh tấn là thước đo kết quả thành tựu của việc tu hành. Đây là chánh tinh tấn.

Thánh tinh tấn: Nghĩa là khi hiểu biết đúng về Thánh mạng đã được mặc định với cuộc đời sướng, khổ của chính mình nhưng không nhu nhược, không tiêu cực phó mặc ỷ lại vào số phận. Nhận thấy điều đó người tu hành càng tinh tấn hơn, siêng năng, chăm chỉ, không ngừng nghỉ, không thối chuyển việc tu hành sửa đổi diệt nghiệp với mục đích hướng đến giải thoát thay đổi cho cuộc đời kiếp sau và cải thiện quả báo tức thời cho kiếp đời hiện tại. Khi thân và tâm tinh tấn tu hành sửa đổi, không giãi đãi, biếng lười thì được Đức Phật Như Lai chứng đạo sự tu hành sửa đổi hướng thiện, bỏ tà. Bởi Phật tánh trong chúng sanh là Pháp thân của Đức Phật Như Lai nên rõ biết tất cả những việc làm của chúng sanh. Đây là Thánh tinh tấn.

7. Chánh niệm và Thánh niệm

Chánh niệm: Niệm là sự nghĩ nhớ, niệm thuộc nghiệp ý. Chánh niệm là sự nghĩ nhớ đúng. Nghĩ nhớ đúng là luôn luôn nghĩ nhớ về các thiện pháp để thực hiện tu hành sửa đổi. Nghĩ nhớ đúng về triết lý nhân quả và sự khổ đau của loài người để sống phù hợp với nguyên tắc nhân quả nhằm tránh quả báo khổ đau. Nghĩ nhớ về pháp quán thân, thọ, tâm, pháp trong Tứ niệm xứ,… nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục, chế ngự những tham ưu ở đời, tránh tạo nghiệp là nguyên nhân của quả báo khổ đau. Nếu nghĩ nhớ về các điều ác, bất thiện là tạp niệm. Đây là chánh niệm.

Thánh niệm: Nghĩa là khi chúng sanh luôn chánh niệm nghĩ nhớ hướng về các thiện pháp, không tạp niệm, nghĩ nhớ về các ác, bất thiện pháp thì Đức Phật Như Lai sẽ chứng đạo bởi niệm là nghiệp ý. Khi tâm con người suy nghĩ chánh niệm hay tạp niệm Đức Phật Như Lai đều chứng biết và huân tập làm cơ sở để báo ứng nhân quả. Vì Phật tánh trong chúng sanh tức là pháp thân của Như Lai cũng chính là  Đức Phật Như Lai nên rõ biết tất cả những suy nghĩ của chúng sanh theo sóng của A lại gia thức bởi tâm xuất Phật biết. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật Thích Ca cũng “Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm” tức là chỗ nghĩ nhớ tất cả pháp của Bồ tát là Đức Phật Như Lai. Khổ đau của chúng sanh cũng do Đức Phật Như Lai báo ứng theo nghiệp xấu ác, an lạc của chúng sanh cũng do Đức Phật Như Lai báo ứng theo nghiệp thiện lành. Đây không chỉ là chỗ nghĩ nhớ của Bồ tát mà còn là chỗ nghĩ nhớ của chúng sanh. Đây là Thánh niệm.

8. Chánh định và Thánh định

Chánh định: Định là lập trường kiên định, vững vàng. Chánh định là kiên định, vững vàng với những thiện pháp đã lựa chọn đúng để tu hành. Tin tưởng tuyệt đối vào nguyên tắc nhân quả và con đường giải thoát theo giáo lý Phật Pháp, không giao động, không thay đổi trước mọi nghịch cảnh. Nhất tâm, kiên định tu hành sửa đổi theo con đường giải thoát mà Đức Phật đã chỉ. Thực hiện Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm đạt kết quả cuối cùng là dứt diệt sạch nghiệp để giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau. Đây là Chánh định.

Thánh định: Nghĩa là khi đã tu hành, sửa đổi đạt được Chánh định tâm đã kiên định, vững vàng với con đường tu hành giải thoát, không thối chuyển, không giao động thì được Đức Phật Như Lai chứng đạo. Khi tâm còn tán loạn, giao động, chưa kiên định, vững vàng, chưa đặt niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả và con đường giải thoát khổ đau của Phật Pháp thì Đức Phật Như Lai chứng biết vì tâm xuất Phật biết theo sóng A lại gia thức. Đây là Thánh định.

KẾT LUẬN

Như vậy, Bát chánh đạo và Bát thánh đạo là pháp tu quan trọng, là cốt lõi trong các pháp tu đem lại lợi ích thiết thực ngay trong đời sống tu hành hiện tại và cải thiện cuộc sống cho tương lai. Người tu hành cần nhận thức phân biệt đúng giữa Bát chánh đạo và Bát thánh đạo. Bát chánh đạo là chỗ hiện hữu để thực hiện việc sửa đổi từ tư duy, suy nghĩ đến hành động việc làm và lời nói hàng ngày của con người, chuyển từ sai thành đúng, tà thành chánh, ác thành thiện. Bát thánh đạo là chỗ chứng quả, chứng đạo trong quá trình thực hiện tu hành sửa đổi của người tu hành, giúp nhận thức đúng bản chất mọi hoạt động từ tư duy, suy nghĩ đến hành động việc làm, lời nói của con người là có sự chứng đạo của Như Lai. Trong quan sát chúng ta thấy từ những hoạt động trong cuộc sống hàng ngày đến việc tu hành sửa đổi để giải thoát của con người đều chịu sự ràng buộc và cai quản của Đức Phật Như Lai. Con người không thể vượt ra khỏi quy luật này. Từ sự nhận thức đúng đắn này giúp cho con người có những hành động và lối sống phù hợp với các nguyên tắc, quy luật đời sống của loài người tránh được quả báo khổ đau.

Tu tập thành tựu Bát chánh đạo và Bát thánh đạo sẽ cải thiện được cuộc sống hiện tại với quả báo tức thời. Đồng thời gieo nhân tốt cho đời sau tránh được quả báo khổ đau, nhân được hạt giống Bồ Đề tâm là thước đo chứng đạt các quả vị tu hành giải thoát. Loài người nếu biết nương theo tu hành Bát chánh đạo và Bát thánh đạo thì sẽ có cuộc sống an lạc, hạnh phúc, có một thế giới hòa bình, có môi trường trong sáng. Con người biết thương yêu nhau hơn, không có chiến tranh chết chóc, không có tranh giành của cải đem lại đau khổ cho nhau.

Chùa Động Hang – TX. Hồng Lĩnh – T. Hà Tĩnh

Tác giả: Phật tử: Phạm Thị Mý – Phạm Thị Linh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *