Pháp tu Tứ Như ý Túc

LỜI MỞ ĐẦU

Sau khi tu hành thành tựu pháp Quán tứ niệm xứ biết rõ chân tướng của các pháp, chân tướng mọi sự khổ đau của loài người trên thế gian. Con người được sinh ra trên cõi đời này là do sự đọa sanh hành nghiệp của Đức Phật Như Lai. Vì vậy, phải trôi lăn trong sinh tử luân hồi và phải chịu vô lượng sự đau khổ do đã tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý từ vô thỉ. Pháp tu Tứ chánh cần chỉ thẳng việc thực hiện tu tập các thiện pháp, lìa các ác, bất thiện pháp, chủ trương diệt tận tam nghiệp thân, khẩu, ý đi đến giải thoát khổ đau, giải thoát sinh tử luân hồi.

Để đi xa hơn trên con đường giải thoát khổ đau, giải thoát sinh tử luân hồi, Đức Phật chỉ tiếp pháp tu Tứ như ý túc, phù hợp với Bát chánh đạo và hiện thực hóa pháp tu Tứ chánh cần. Tứ như ý túc nghĩa là có bốn điều ước nguyện tốt đẹp, thiện lành phải tu tập đạt được kết quả đầy đủ, viên mãn như mong muốn mới thôi và là nơi nương tựa những thiện pháp. Tứ như ý túc là bốn pháp tu quán định, định ở đây là sự kiên định, vững vàng với pháp tu đã lựa chọn, kiên định, vững vàng với mong muốn, không thối chuyển, không thay đổi. Do sự kiên định, vững vàng, quyết tâm thực hiện pháp tu nên người tu hành đã đạt được mong muốn như ý, thành tựu, sung mãn trên con đường giải thoát khổ đau. Từ sự thành tựu, sung mãn này mà đã phát khởi thần lực và trí tuệ nên được gọi là Tứ thần túc hay Thánh lãnh đạo.

Đức Phật thuyết Kinh Tứ Như Ý Túc như sau:

“KINH TỨ NHƯ Ý TÚC

1) Một thời Tôn giả Ànanda trú ở Vương xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

3.III. THÁNH (S.v, 255)

1)…

2) – Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dắt dẫn những ai thực hiện, đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tâm định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỳ Kheo, là bốn như ý túc, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ này đến bờ kia.

4) Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dắt dẫn những ai thực hiện đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau“.

NỘI DUNG PHÁP TU TỨ NHƯ Ý TÚC

1. Tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành: Tức là dục như ý túc

Túc có nghĩa là chân thật, tốt đẹp, đầy đủ, viên mãn. Tu tập như ý túc nghĩa là tu tập chân thật, đầy đủ, viên mãn những điều tốt đẹp, thiện lành đạt được mong muốn như ý của mình. Câu hữu có nghĩa là đi kèm, là gắn kết, là đính liền. Dục có nghĩa là ý muốn, mong muốn, ước nguyện, … Dục định nghĩa là kiên định với mong muốn của mình và khát khao thực hiện cho đến thành công mong muốn đó mới thôi. Tinh cần hành nghĩa là siêng năng, chuyên cần trong tu tập. Câu hữu với dục định tinh cần hành nghĩa là đi kèm với những mong muốn là sự siêng năng, chăm chỉ tu hành để đạt được đầy đủ mong muốn như ý mới thôi.

Trong quan sát thấy rằng, đối với đời sống hàng ngày con người đòi hỏi rất nhiều nhu cầu thiết yếu, phục vụ cho cuộc sống sinh tồn như ăn, uống, ngủ, nghỉ, … Ngoài ra con người còn có những ước nguyện, ham muốn khác như muốn được làm việc, học hành, tu tập, muốn có danh vọng, vật chất, muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, … Tất cả những thứ đó đều được gọi là dục. Xét về dục, có sáu dục (lục dục) được khởi lên từ mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Dục được phân thành hai loại là chánh dục và tà dục.

Chánh dục là những mong muốn, ước nguyện hướng thượng, chân chánh hướng đến những điều tốt đẹp, thiện lành đem lại lợi ích cho con người. Đối với người Phật tử chân chính thì mong muốn lớn nhất là được tu hành, giác ngộ Phật Pháp, giải thoát mọi phiền não, khổ đau và sinh tử luân hồi. Đây là những mong muốn chính đáng, phù hợp với chân lý đạo đức và nguyên tắc nhân quả cần phải nỗ lực phát huy.

Tà dục là những dục vọng bất chính, thấp hèn, tội lỗi mang lại khổ đau cho con người, đối với tà dục thì cần phải buông bỏ, đoạn diệt. Nếu ham muốn tà dục thì con người có thể hành động bất chấp tội lỗi để đạt được mục đích, do đó sẽ tạo nên nghiệp tội là nguồn gốc của quả báo khổ đau.

Để tu hành đi đến giải thoát hoàn toàn, Đức Phật chủ trương buông bỏ, diệt dục, tức là đoạn diệt tà dục còn chánh dục thì phải tinh tấn thực hành. Hạnh nguyện của Bồ Tát là nguyện dục không diệt vì hóa độ chúng sinh, đó là chánh dục.

Dục như ý túc: Là chánh dục, đây là những mong muốn, ước nguyện chân chính, hướng đến những điều tốt đẹp, thiện lành có lợi ích cho con người. Sự khát khao, thiết tha, mong muốn đến tột cùng, chỉ khi đạt được kết quả trọn vẹn, đầy đủ, viên mãn như ý mới thôi. Khi khát khao, mong muốn đến tột cùng những điều tốt đẹp, thiện lành thì không còn một ước muốn ác, tà nào khác có thể thay thế. Sự khát khao càng mãnh liệt thì tinh thần nỗ lực vượt khó càng cao, sự quyết tâm, cố gắng để đạt được mong muốn càng quyết liệt.

Đối với mong muốn yếu ớt, không đủ mãnh liệt, khao khát đến tột cùng thì khi gặp khó khăn, trở ngại dễ bị thối chuyển, đổi thay. Đây không phải là dục như ý túc.

2. Tu tập như ý túc, câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành: Tức là tinh tấn như ý túc.

Tinh tấn như ý túc: Đây là chánh tinh tấn, nghĩa là thân, tâm tinh tấn, siêng năng, chăm chỉ tu hành, sửa đổi, thực hiện những thiện pháp như Thập thiện đạo, Tứ chánh cần, Bát chánh đạo, … thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ, làm cho sung mãn, quảng đại, thành tựu những điều mong muốn, ước nguyện, đó là dục như ý túc.

Tinh tấn như ý túc là sự bứt phá, dũng mạnh trong tu tập, chuyên cần, không ngừng nghỉ, không gián đoạn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đạt được mong muốn một cách đầy đủ, viên mãn. Sự dũng mạnh, bền bỉ, duy trì liên tục cho đến khi đạt được kết quả như mong muốn mới thôi, bởi sự nghiệp tu hành giải thoát không phải một sớm, một chiều hay một kiếp đời mà có thể thành tựu được. Khi gặp khó khăn, trở ngại trong tu tập thì vẫn kiên định, vững vàng với tinh thần nỗ lực cao hơn và không bao giờ thối chuyển. Tinh tấn càng dũng mạnh thì kết quả đạt được càng cao, thành tựu càng viên mãn, đầy đủ.

Nếu sự tinh tấn siêng năng, chăm chỉ ở mức độ đều đặn, bình thường chưa có sự bứt phá, dũng mạnh và quyết tâm cao trong tu tập, sự nỗ lực nhất thời, gián đoạn, chưa đạt được kết quả như mong muốn đã thối chí, ngưng nghỉ thì không phải là tinh tấn như ý túc.

Như vậy, dục như ý túc là mong muốn, là mục tiêu, phương hướng để phấn đấu. Tinh tấn như ý túc là phương tiện để đạt được mục tiêu, mong muốn đó. Nếu có mong muốn mà không có tinh tấn thì mong muốn không thành công, chỉ dừng lại ở mong muốn mà thôi. Nếu không có mong muốn thì tinh tấn cũng chỉ là tinh tấn suông, không có mục tiêu, phương hướng để phấn đấu. Tinh tấn như ý túc là thước đo kết quả thành tựu trong tu tập, nếu không có tinh tấn thì không đạt được thành tựu như mong muốn. Tinh tấn là cốt lõi xuyên suốt trong các pháp tu Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo. Vì vậy, không thể không tu pháp tinh tấn.

3. Tu tập như ý túc, câu hữu với tâm định tinh cần hành: Tức là nhất tâm như ý túc.

Tâm là nơi khởi lên những mong muốn, ước nguyện, hoài bão, dục vọng, …Những mong muốn, ước nguyện đó có thể là tốt đẹp, trong sáng, thiện lành có lợi ích cho nhân loại, cũng có thể là những mong muốn, dục vọng thấp hèn, đen tối đem lại sự khổ đau cho con người.

Nhất tâm như ý túc: Nghĩa là tâm chuyên nhất, kiện định, vững vàng với những điều mong muốn, ước nguyện, … hướng thượng, tốt đẹp, thiện lành có lợi ích cho nhân loại.

Đối với người Phật tử chân chính thì phải luôn giữ được tâm chuyên nhất, kiên định, vững vàng với lý tưởng cao đẹp, thiện lành, đó là mong muốn tu tập thành công trên con đường giải thoát phiền não, khổ đau, giải thoát mọi sự trói buộc của sinh tử luân hồi. Tâm chuyên nhất, kiên định thực hiện pháp tu đã lựa chọn, không thối chuyển, không thay đổi, để đạt được mong muốn viên mãn, đầy đủ. Đây là ước nguyện cao nhất, vượt ra ngoài sự cám dỗ đời thường, sự phồn hoa giả tạm, nhất thời gắn liền với tiền tài, danh vọng. Tâm chuyên nhất, kiên định, mang tính thiết tha mong cầu với lý tưởng cao đẹp, sự nhất tâm, kiên định này không phải trong ngày một, ngày hai mà là lẽ sống, là niềm tin, khát khao hành trình theo suốt cuộc đời. Tâm càng kiên định thì ý chí càng cao, nghị lực càng lớn, sức mạnh càng phi thường, đây là động lực thúc đẩy việc tu tập đạt đến kết quả viên mãn, tròn đầy như mong muốn.

Tâm giao động, chưa chuyên nhất với mong muốn cao đẹp, chưa chuyên nhất với pháp tu đã lựa chọn, khi thực hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn mà đã thối chuyển thì đây chưa phải là nhất tâm như ý túc.

4. Tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành: Tư duy như ý túc.

Tư duy như ý túc: Nghĩa là tư duy, suy nghiệm về những điều mong muốn tốt đẹp, thiện lành; tư duy, suy nghiệm về các thiện pháp đã lựa chọn để thực hiện tu tập đạt đến kết quả đầy đủ, đây là chánh tư duy. Đối với người Phật tử thì phải thường xuyên tư duy, quán sát về sự tái sinh luân hồi của loài người, về chân lý khổ đau mà loài người ở thế gian phải gánh chịu và con đường giải thoát khổ đau mà Đức Phật Thích Ca đã chỉ ra. Trong quá trình tư duy, quán sát đã thấy rõ được nguyên nhân tại sao loài người bị trói buộc, chìm đắm trong bể khổ tái sinh luân hồi mà không tự mình thoát ra được. Đó là vì loài người bị đọa sanh hành nghiệp theo nhân quả báo ứng, bởi đã tạo nghiệp xấu ác nơi thân, khẩu, ý từ vô thỉ. Khi thấy rõ được bản chất của sự khổ đau và tái sinh luân hồi thì người Phật tử có mong muốn, khát khao được giải thoát, từ đó lựa chọn cho mình pháp tu phù hợp, tìm ra phương hướng để tinh tấn tu hành, đi đến thành công trên con đường giải thoát hoàn toàn. Đối với người tu hành thì phải thường xuyên tư duy, quán sát thân, tâm của chính bản thân mình, kịp thời phát hiện những sai trái, lệch lạc, để sửa đổi, đem lại hiệu quả tốt nhất trong tu hành.

Sự tư duy, suy nghiệm, quán sát còn gọi là pháp quán định. Pháp quán định là trí tuệ xuyên suốt trong pháp tu Tứ như ý túc. Đối với dục như ý túc phải quán sát để phân biệt, lựa chọn chánh dục, từ bỏ tà dục. Đối với tinh tấn như ý túc phải quán sát để lựa chọn thân, tâm tinh tấn, từ bỏ lười biếng, thối chuyển. Đối với nhất tâm như ý túc phải quán sát để giữ tâm kiên định, vững vàng, xa rời tâm giao động, tán loạn …

KẾT LUẬN

Như vậy, Tứ như ý túc là bốn phương tiện ứng dụng thực tế ngay trong đời sống tu hành, đem lại lợi ích thiết thực ở hiện tại và trong tương lai, dẫn dắt người tu hành tiến xa hơn trên con đường đi đến giải thoát phiền não, khổ đau và tái sinh luân hồi. Tu tập Tứ như ý túc là cụ thể hóa pháp tu Tứ chánh cần và Bát chánh đạo, … làm cho sung mãn, quảng đại, là nơi nương tựa cho các thiện pháp làm phát khởi trí tuệ và năng lực, thần lực nên được gọi là Tứ thần túc hay Thánh lãnh đạo dẫn dắt người tu hành đi đúng đường lối giải thoát.

Tu hành thành tựu Tứ như ý túc sẽ phá tan được nhân hữu lậu, mê mờ, vô minh, hướng đến nhân vô lậu, giải thoát. Đầu tiên là tu tập thành tựu dục như ý túc, tức là tâm khát khao hằng mong muốn. Vì muốn thành tựu dục như ý túc mà dũng mạnh, quyết tâm tu tập đưa con người từ giãi đãi, lười biếng đến siêng năng, chăm chỉ, đây là tinh tấn như ý túc. Vì muốn tinh tấn như ý túc còn mãi sự kiên trì, bền bỉ, liên tục mà giữ tâm chuyên nhất, kiên định đưa con người từ tâm tán loạn, giao động đến tâm an định, vững vàng, đây là nhất tâm như ý túc. Vì muốn giữ được nhất tâm như ý túc mà dùng trí tuệ tư duy, quán sát các pháp chân thật, đưa con người từ hữu lậu, vô minh, mê mờ đến vô lậu, trí tuệ, giải thoát, đây là tư duy như ý túc. Như vậy, tu tập thành tựu Tứ như ý túc sẽ đoạn trừ được vô minh, trí tuệ được sáng suốt, thân tâm được an lạc, giải thoát, … Khi vô minh được đoạn diệt thì hành sẽ diệt, hành diệt thì tam nghiệp thân, khẩu, ý đoạn diệt, tam nghiệp đoạn diệt thì không còn quả báo phiền não, khổ đau nghĩa là tu tập thành công trên con đường giải thoát phiền não, khổ đau.

Đức Phật nói: Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dắt dẫn những ai thực hiện, đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

Tác giả:  PHẠM THỊ MÝ – PHẠM THỊ LINH

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *