Thanh Văn Thừa và Giáo lý Tứ Đế

Trong lịch sử nhân loại, con người đã tìm ra rất nhiều triết thuyết nhằm minh chứng và nhận thức về quá trình tồn tại của mình cũng như của thế giới tự nhiên để đưa đến một chân lý mà loài người sẽ phải nương vào đó để vận động phát triển và tồn tại. Con người trong mọi thời đại luôn mong muốn là tìm mọi cách để vượt thoát mọi khổ đau và mưu cầu hạnh phúc cho cuộc sống. Từ các nhà tư tưởng, các nhà khoa học cho đến giáo chủ các tôn giáo ở phương Tây cũng như phương Đông đã đưa ra nhiều triết thuyết khác nhau, từ duy tâm đến duy vật, để dẫn dắt con người đi đến mục tiêu đó.

Tuy xã hội loài người ngày càng văn minh, đời sống vật chất ngày càng phát triển và hạnh phúc hơn, nhưng buồn thay, hạnh phúc có được của người này nhiều khi lại là khổ đau của người khác. Vì để có được những thành tựu như vậy con người lại phải đấu tranh với nhau trong việc giành lấy đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên, giành lấy thị trường thương mại, v.v… nên các cuộc chiến tranh với sức hủy diệt tàn khốc trên thế giới liên tục xảy ra. Bên cạnh đó, lối sống đạo đức của con người ngày càng suy đồi: tham nhũng, lừa đảo, trộm cướp, v.v… ngày càng hoành hành; môi trường bị tàn phá gây ra nạn hạn hán, lũ lụt, dịch bịnh, đói kém diễn ra khắp nơi trên thế giới. Bởi vậy, con người đã và đang phải trả giá cho sự phát triển này.

“Đa dục nhi khổ”, khi con người còn nhiều ham muốn thì thường sẽ rất đau khổ vì họ luôn phải chạy theo cái gì đó và sẵn sàng làm bất cứ việc gì để thỏa mãn sự ham muốn đó. Từ việc mưu cầu hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình, cho giai cấp mình, cho đất nước mình, con người lại gây nhiều khổ đau cho nhau bằng nhiều thủ đoạn gian ác và tinh vi. Từ giai cấp bị áp bức đấu tranh bằng mọi hình thức để giành lấy chính quyền, đến khi thành công họ cũng lại trở thành giai cấp áp bức để bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình v.v.. Con người cứ luẩn quẩn như vậy nên mãi mãi trầm luân trong bể khổ, không tìm ra lối thoát.

Những triết thuyết phổ biến hiện nay mặc dù đã đem lại một số lợi ích nhất định cho xã hội loài người, nhưng không mang tính toàn diện và triệt để, chưa đưa ra được chân lý tuyệt đối để giúp mọi người ai cũng được đối xử bình đẳng, giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau, đưa đến một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn mà không phải gây đau khổ cho ai.

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật nói: “Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được” (câu 165).

Đức Phật không bao giờ tự coi mình là “Đấng cứu thế” có quyền năng cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rỗi của mình. Ngài dạy rằng, những ai tin và hoan hỷ bước theo dấu chân Ngài thì không nên ỷ lại nơi người khác mà phải tự mình giải thoát lấy mình, bởi vì trong sạch hay bợn nhơ cũng đều tùy thuộc nơi chính mình. Ta không thể trực tiếp làm cho ai trong sạch hay ô nhiễm.

Làm dữ thì sẽ gặp quả khổ đau, làm lành thì sẽ được báo quả sướng vui. Do vậy, đạo Phật chú trọng đến việc tự đấu tranh với chính bản thân của mỗi người để sửa đổi những hành vi của thân, khẩu, ý – gọi là “tu hành” – để đi đến giải thoát mọi khổ đau. Bởi vì, nếu ai cũng biết tự đấu tranh với chính bản thân mình, biết tiết chế lòng tham dục thì sẽ không gây đau khổ cho mình và cho người khác.

Đức Phật Thích Ca qua sự chứng ngộ của bản thân đã đưa ra được 2 chân lý xuyên suốt trong toàn bộ giáo lý của Ngài, đó là Luật nhân quả và Nghiệp báo ứng. Hai chân lý này chỉ ra nguyên nhân và phương pháp tu tập giúp con người có được cuộc sống sướng vui, hạnh phúc và hoàn toàn thoát khỏi mọi khổ đau.

Khi con người tin, hiểu luật nhân quả và nghiệp báo thì sẽ luôn làm việc thiện để được báo ứng quả an vui, hạnh phúc; tránh làm việc ác để bị báo ứng quả khổ đau ngay trong kiếp này và kiếp sau. Nếu tất cả mọi người ai cũng tin và làm theo như vậy thì thế giới sẽ yên bình, con người ai cũng được bình đẳng và có được một cuộc sống sướng vui hạnh phúc thật sự.

Mục đích của đạo Phật được tóm tắt đầy đủ trong bài kệ sau đây:

Chư ác mạc tác (không làm việc ác hại mình, hại người …)

Chúng thiện phụng hành (làm những việc lợi mình, lợi người …)

Tự tịnh kỳ ý (Phải tu tập cho ý của mình luôn được thanh tịnh)

Thị chư Phật giáo (đó chính là giáo lý của đạo Phật)

Cũng như nước biển chỉ có một vị “mặn”, giáo lý của đức Phật cũng chỉ có một vị, đó là “vị giải thoát”. Đạo Phật là đạo “cứu khổ” chứ không “cứu nghèo”, vì sự khổ đau có thể làm tổn hại đến thân, tâm của bất kỳ ai trong xã hội loài người. Do vậy, đạo Phật trước hết là con đường giải thoát bằng trí tuệ chứ không phải bằng đức tin mù quáng và sự cấm đoán về mặt đạo đức.

Giáo lý mà đức Phật Thích Ca chứng ngộ rất cao sâu, nhưng vì căn tánh của chúng sanh thấp kém và tánh dục không giống nhau nên Ngài phải dùng sức phương tiện ở nơi một Phật thừa mà phân biệt nói thành 3 thừa, để mọi người ai cũng có thể tu học được….

Xin vui lòng nhấn vào tệp sau để đọc tiếp: 

THANH VĂN THỪA & GIÁO LÝ TỨ ĐẾ

Ngày 13 tháng 09 năm 2019

NGUYỄN XUÂN MẠNH

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *