Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tự) – P3

Chính kinh:

“Chúng sanh ở cõi nầy và chúng sanh ở thế giới mười phương đều tự cho là Đức Phật chỉ riêng thuyết pháp cho mình.”

Luận giải:

Đức Phật Thích Ca thuyết pháp về Chánh thân Như Lai thị hiện ra tướng thế gian. Tất cả mọi chúng sanh dù ở cõi đại thiên này hay ở thế giới mười phương được hiện hữu là do Pháp thân Như Lai (Phật Tánh) tạo tác, sanh khởi ra mà có và thường trụ trong các pháp. Đức Phật Thích Ca được hiện hữu và thuyết pháp cũng là do Pháp thân Như Lai (Phật Tánh) tạo tác, sanh khởi ra. Mà tất cả Pháp thân Như Lai đều là màu hoàng kim, nghĩa là như nhau, như trong kinh Đại Bát Niết bàn, Tập II, Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Do đó, khi Đức Phật Thích Ca thuyết pháp, tất cả Phật Tánh trong chúng sanh đều nhận được, nên chúng sanh nào dù ở đâu  nghe được (nghe ở trong đầu) Đức Phật Thích Ca thuyết pháp thì nghĩ rằng, Đức Phật Thích Ca chỉ thuyết pháp riêng cho mình.

Chính kinh:

“Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười, miệng Phật phóng quang minh chiếu khắp Đại thiên thế giới. Do quang minh nầy mà chúng sanh đồng thấy chư Phật và Tăng chúng trong hằng sa thế giới ở mười phương. Chúng sanh ở hằng sa thế giới ở mười phương kia cũng thấy Phật Thích Ca Mâu Ni và đại chúng ở cõi Đại thiên nầy.”

Luận giải:

“Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười, miệng Phật phóng quang minh chiếu khắp Đại thiên thế giới”: nghĩa là Đức Phật (Chánh thân Như Lai) đang phân thân (phóng quang minh) hiển thị tướng thế gian, tức là phân thân ra các pháp thân (Phật Tánh). Các Phật Tánh này mới trực tiếp tạo tác, sanh khởi ra chư Phật (các Phật tại thế), Tăng chúng. Như vậy, dù là Phật tại thế như Đức Phật Thích Ca, hay Tăng (những người xuất gia tu hành như Tỳ kheo, Tỳ kheo ni), chúng (tất cả chúng sanh) đều do Đức Thế Tôn phân thân ra mà có. Ở đâu cũng vậy, khắp Đại thiên thế giới, trong hằng sa thế giới ở mười phương tất cả cũng đều do Đức Thế Tôn hiển thị hóa ra mà có. Còn tất cả dù là Phật tại thế, Tăng, chúng đều vô tác, không có tướng sanh khởi vì không có Tự Tánh nên tất cả đều rỗng không, không có tướng thế gian. Tướng thế gian được hiện hữu cũng đều “do quang minh” này từ Như Lai (Chánh thân) phân thân ra mà có, nên chúng sanh thấy chư Phật, Tăng, chúng trong hằng sa thế giới. Chúng sanh ở hằng sa thế giới cũng thấy Phật Thích Ca Mâu Ni và đại chúng ở cõi Đại thiên này.

Chính kinh:

Phương Đông qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Đa Bửu của Phật Bửu Tích. Đức Phật đây hiện đương giảng Bát nhã ba la mật cho chư đại Bồ tát. Nơi đó có Bồ tát hiệu Phổ Minh thấy quang minh, thấy chấn động lại thấy thân Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài liền đến bạch hỏi duyên do với Phật Bửu Tích. Đức Phật Bửu Tích bảo đó là thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni ở cõi Ta Bà cách đây hằng sa thế giới về phương Tây. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp vì chúng đại Bồ Tát mà tuyên nói Bát nhã ba la mật. Phổ Minh Bồ tát bạch đức Phật Bửu Tích rằng; “Nay tôi muốn đến lễ bái cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni và gặp gỡ các vị đại Bồ tát “. Phật Bửu Tích thuận cho và trao hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim cho Phổ Minh Bồ tát mà dặn rằng: “Ông đem hoa này cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông nên nhứt tâm trân trọng đến cõi Ta Bà. Các vị Bồ tát sanh vào cõi đó thật là khó bằng khó hơn”.

Phổ Minh Bồ tát lãnh hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim từ tạ Phật Bửu Tích rồi cùng vô số đại chúng đem những hoa hương phan lọng đến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni đảnh lễ bạch rằng: “Đức Phật Bửu Tích gởi lời thăm và dâng hoa sen cúng dường””.

Luận giải:

Đoạn kinh trên muốn chỉ ở phương Đông qua khỏi hằng sa thế giới có Phật Bửu Tích đang giảng Bát Nhã Ba La Mật cho chư Đại Bồ Tát.

Nơi đây có Phổ Minh Bồ Tát thấy quang minh, thấy chấn động, lại thấy thân Phật Thích Ca Mâu Ni tức là Phổ Minh Bồ Tát thấy được tất cả mọi chấn động ở phương Đông và thấy được thân Đức Phật Thích Ca đều là do quang minh (Phật Tánh) tạo tác, sanh khởi.

Do đó, Phổ Minh Bồ Tát muốn đến cõi Ta Bà để cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni và gặp gỡ các vị Đại Bồ Tát ở cõi Ta Bà. Đức Phật Bửu Tích trao cho Phổ Minh Bồ Tát hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim (muốn chỉ là Pháp thân Như Lai do Chánh thân Như Lai phân thân ra còn gọi là hóa Phật) để tặng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có nghĩa là Đức Phật Bửu Tích biết được Đức Phật Thích Ca nhập được với Pháp thân Như Lai, tức nhập được với hóa Phật hay Phật tánh thường trụ trong thân Đức Phật Thích Ca nên được gọi là Phật.

Đức Phật Bửu Tích cũng đã nhập được với Pháp thân Như Lai (Pháp tánh thường trụ) ở trong thân Đức Phật Bửu Tích nên Đức Phật Bửu Tích cũng được gọi là Phật giống như Đức Phật Thích Ca.

Hoa sen ngàn cánh là biểu tượng của Pháp thân Như Lai (Tự Tánh Như Lai Tạng hay Phật Tánh). Đức Phật Bửu Tích gửi tặng hoa sen ngàn cánh cho Đức Phật Thích Ca là ý nói, Đức Phật Thích Ca nhập được với hoa sen ngàn cánh thì gọi là Phật, tức muốn nói là chỉ có Phật với Phật (người tu thành Phật) mới thấy được hoa sen ngàn cánh này, còn tất cả chúng sanh đều không thể biết được. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập II, Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca nói: “Thập trụ Bồ tát thấy Phật tánh như đêm tối thấy hình sắc. Đức Như Lai thấy Phật tánh như giữa ban ngày thấy hình sắc”. Đức Như Lai chính là Đức Phật Thích Ca do nhập được với Pháp thân Như Lai thường trụ ở trong Ngài nên cũng được gọi là Đức Như lai.

Chính kinh:

“Phật Thích Ca Mâu Ni nhận hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim rồi rải vụt qua phương Đông cúng dường hằng sa chư Phật. Hoa sen ấy hóa thành hằng sa đóa hoa khắp cả hằng sa thế giới ở phương Đông. Trên mỗi đóa hoa sen đều có hóa Bồ tát ngồi kiết già nói sáu pháp ba la mật, ai nghe được tiếng pháp nầy thời quyết định đến vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Luận giải:

“Phật Thích Ca Mâu Ni nhận hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim rồi rải vụt qua phương Đông cúng dường hằng sa chư Phật”: nghĩa là tất cả các Phật thập phương (Phật Tánh) trong mười phương nhiều như cát sông hằng đều có hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim, hay nói cách khác hoa sen ngàn cánh này tạo tác, sanh khởi ra hằng sa chư Phật thập phương.

Trên mỗi đóa hoa sen đều có hóa Bồ tát ngồi kiết già nói sáu pháp ba la mật, ai nghe được tiếng pháp này thời quyết định đến vô thượng chánh đẳng chánh giác”: hoa sen ngàn cánh ở đây là nói về Pháp thân Như Lai (Tự Tánh Như Lai Tạng), có ba mươi hai tướng và tám mươi tùy hình hảo biến hóa nên không chỉ hóa ra Phật mà còn hóa ra chúng Bồ Tát. Câu kinh này chỉ rõ: những người nghe hiểu được kinh này thời quyết định đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nghĩa là thấy được cái Vô thượng chánh đẳng chánh giác đó chính là Trí tuệ siêu việt của Phật (Bát Nhã Ba La Mật), là Pháp thân của Như Lai (Phật Tánh), cũng gọi là Đức Phật. Những hoa sen ngàn cánh này là tượng trưng cho tất cả Pháp thân Như Lai (hóa Phật), xuất sanh ra chư Phật thập phương nhiều như cát sông Hằng (hằng sa chư Phật), xuất sanh ra chúng Bồ Tát và tất cả chúng sanh cùng vũ trụ vạn vật trong khắp Đại thiên thế giới ở mười phương.

Chính kinh:

“Đại chúng theo Phổ Minh Bồ tát cũng đem hoa hương phan lọng của mình dâng cúng Phật Thích Ca Mâu Ni.”

Luận giải:

Đại chúng nhờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng chỉ bày mới biết được trong thân đại chúng cùng tất cả các pháp đều có hoa sen ngàn cánh nên họ theo Phổ Minh Bồ tát đến cúng dường và tạ ơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chính kinh:

Phương Nam qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Ly Nhứt Thiết Ưu của Phật Vô Ưu Đức. Nơi đó có Bồ tát hiệu Ly Ưu.

Phương Tây qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Diệt Ác của Phật Bửu Sơn. Nơi đó có Bồ tát hiệu Nghĩa Ý.

Phương Bắc qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Thắng Quốc của đức Phật Thắng Vương. Nơi đó có Bồ tát hiệu Đức Thắng.

Hạ phương qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Thiện Quốc của đức Phật Thiện Đức. Nơi đó có Bồ tát hiệu Hoa Thượng.

Thượng phương qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Hỷ Quốc của đức Phật Hỷ Đức. Nơi đó có Bồ tát hiệu Đức Hỷ.

Chư Bồ tát trên đây ở cõi mình thấy quang minh thấy chấn động, v.v… liền cùng đại chúng cầm hoa hương phan lọng đến Ta Bà thế giới kính lễ cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni đồng như Phổ Minh Bồ tát ở phương Đông.”

Luận giải:

Đoạn kinh trên có nghĩa là chư Bồ Tát cùng tất cả đại chúng ở chín phương đều về cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như Phổ Minh Bồ Tát ở phương Đông. Vì chư Bồ Tát ở trong vũ trụ mười phương (Đông, Tây, Nam, Bắc,…) đều được Đức Phật Thích Ca thuyết giảng nên thấy biết được từ chỗ quang minh, chấn động tạo tác, sanh khởi ra tất cả. Quang minh là ánh sáng do Đức Phật (Chánh thân Như Lai) phát ra. Đó là cái phân thân của Như Lai đầy khắp mười phương vô lượng thế giới, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát chỉ rõ: “Có thể thị hiện 1 thân thành nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thật chẳng phải vi trần vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân. Tự tại như vậy gọi là đại ngã”. Vi trần thân là Pháp thân của Như Lai, còn Chánh thân thì không phải là Vi trần. Như vậy, tất cả mười phương trong hằng sa thế giới đều do Bát Nhã Ba La Mật (Chánh thân Như Lai) tạo tác, sanh ra mà có. Nếu Chánh thân Như Lai không phân thân biến hóa thì tất cả đều rỗng không, không có thế gian vì tất cả các pháp hiện hữu đều vô tác, không có tướng sanh khởi do không có Tự Tánh.

Chính kinh:

Lúc bấy giờ Đại thiên thế giới thành trang nghiêm vi diệu như Hoa Tích thế giới cùng Phổ Hoa thế giới.”

Luận giải:

“Trang nghiêm” tức là trong cả Đại thiên thế giới không có gì sai khác, tất cả đều là Pháp thân Như Lai, chính là hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim.

Sự vi diệu của Đức Phật Như Lai là tạo tác, sanh khởi ra tướng thế gian, nhưng ở đây không phải là tạo tác trực tiếp mà chỉ biến hóa phân thân ra các pháp thân (các hoa sen ngàn cánh). Từ các hoa sen ngàn cánh này mới trực tiếp tạo tác, sanh khởi ra vạn vật hiện hữu trong thế gian và thường trụ trong tướng thế gian. Mỗi hoa sen ngàn cánh có ba mươi hai tướng tạo tác và tám mươi tùy hình hảo.

“Hoa Tích thế giới” là hoa sen ngàn cánh (hoa Bửu Tích) hay chính là hóa Phật, tạo ra Phật Bửu Tích cũng như vạn vật trong thế giới ở phương Đông.

“Phổ Hoa thế giới” là hoa sen ngàn cánh tạo ra Bồ Tát Phổ Minh cũng như hằng sa thế giới ở phương Đông.

Chính kinh:

“Đức Như Lai biết hàng đại Bồ tát cùng chư Nhơn, Thiên, Bát bộ ở hằng sa thế giới đều đã vân tập bèn gọi ngài Xá Lợi Phất mà dạy rằng: “Đại Bồ tát muốn dùng nhứt thiết chủng trí để biết tất cả pháp, thời phải tu tập Bát nhã ba la mật””.

Luận giải:

Đức Như Lai chính là Đức Phật Thích Ca, bởi khi Tâm Sở (Ý thức) của Ngài nhập được toàn giác với Pháp thân Như Lai thường trụ ở trong Ngài thì cũng được gọi là Đức Như Lai.

Đức Phật Thích Ca là người tu thành Phật nhờ có Bát Nhã Ba La Mật, nghĩa là nhờ Pháp thân Như Lai thì mới đạt vào Chánh đẳng Chánh giác thành Phật. Nếu không được Bát Nhã Ba La Mật nhập thì Phật cũng bất khả đắc, như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Tùy Hỷ chỉ rõ: “Vì trong Bát nhã ba La mật chư Phật bất khả đắc, …”. Chư Phật ở đây là các Phật tại thế như Đức Phật Thích Ca trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai là những người trần gian tu thành Phật. Do đó, dù là Phật cũng bất khả đắc.

Thành Phật được cũng là nhờ Bát Nhã Ba La Mật, hay Pháp thân Như Lai thường trụ ở trong thân những người tu hành (như Đức Phật Thích Ca) nhập vào Tâm Sở của họ thì mới được thành Phật. Nếu Bát Nhã Ba La Mật không nhập thì con người không thể tự nhập để thành Phật được. Vì vậy, Phật cũng bất khả đắc như trong Bát Nhã Tâm Kinh chỉ rõ: “Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề”, nghĩa là ba đời chư Phật (các Phật tại thế) quá khứ, hiện tại, vị lai đều phải nương vào Bát Nhã Ba La Mật thường trụ ở trong thân thì mới đạt được vào Chánh đẳng Chánh giác thành Phật.

“Đại Bồ tát muốn dùng nhứt thiết chủng trí để biết tất cả pháp, thời phải tu tập Bát nhã ba la mật”: Tại sao phải dùng Nhất thiết chủng trí để biết tất cả pháp? Nhất thiết chủng trí là gì?

Nhất thiết chủng trí là Trí tuệ Phật, không phải là trí tuệ của con người. Trí tuệ Phật chính là Bát nhã ba la mật. Bởi Bát nhã là trí tuệ. Ba la mật là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là “bỉ ngạn đáo”, dịch sang tiếng Việt là “đến từ bờ kia”. Do vậy, Bát nhã ba la mật là trí tuệ đến từ bờ kia, còn được gọi là Trí tuệ Phật. Bát nhã ba la mật cũng gọi là Nhất thiết chủng trí, như Kinh Bát Nhã Ba la Mật, Tập II, Phẩm Xu Hướng Nhất Thiết Trí, Đức Phật Thích Ca dạy: “Nhất thiết chủng trí là Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật là Nhất thiết chủng trí.”

Do đó, “Đại Bồ Tát muốn dùng Nhất thiết chủng trí để biết tất cả pháp, thời phải tu tập Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát muốn dùng Nhứt thiết chủng trí để biết tất cả pháp, thời phải tu tập Bát nhã ba la mật như thế nào?”.

Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất ! Đại Bồ Tát dùng phương pháp chẳng an trụ mà an trụ trong Bát nhã ba la mật.”

Bởi không có pháp để xả bỏ nên đầy đủ Đàn na ba la mật, vì người cho, kẻ nhận và tài vật đều bất khả đắc.

Vì tội và không tội đều bất khả đắc nên đầy đủ Thi la ba la mật.

Vì tâm chẳng động nên đầy đủ Sằn đề ba la mật.

Vì thân tâm tinh tấn chẳng giải đãi nên đầy đủ Tỳ lê gia ba la mật.

Vì chẳng tán loạn, chẳng say mê nên đầy đủ Thiền na ba la mật.

Vì chẳng chấp trước tất cả pháp nên đầy đủ Bát nhã ba la mật.”

Luận giải:

Thế nào là dùng phương pháp an trụ trong Bát nhã ba la mật: muốn an trụ trong Bát nhã ba la mật thì Đại Bồ tát phải tu tập sáu ba la mật mới thấy được Bát nhã ba la mật là cái tạo tác, sanh khởi ra tất cả pháp, nên phải an trụ trong Bát nhã ba la mật.

“Bởi không có pháp để xả bỏ nên đầy đủ Đàn na ba la mật, vì người cho, kẻ nhận và tài vật đều bất khả đắc”:

Tại sao lại không có pháp để xả bỏ? Vì các pháp không có Tự Tánh nên không có cái tạo tác. Tự Tánh là cỗ máy cấu tạo, tạo tác, khởi sanh lên các pháp, nhưng các pháp không có Tự Tánh nên các pháp không tự tạo tác để khởi sanh ra các pháp. Vì vậy, các pháp không sanh, bởi không sanh nên rỗng không, không có. Do đó, câu kinh này nói rằng: “Bởi không có pháp để xả bỏ nên đầy đủ Đàn na ba la mật”.

Như vậy, các pháp không sanh, rỗng không, không có nên Đàn na ba la mật là bố thí ba la mật, không thấy người thí, không thấy kẻ nhận, không thấy vật thí vì các pháp không sanh, rỗng không. Do đó, được gọi là “đầy đủ Đàn na ba la mật”, nghĩa là thấu hiểu tột cùng là không thấy người thí, không thấy kẻ nhận, không thấy vật thí, mà tất cả mọi hiện hữu là do Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật làm Pháp tánh thường trụ trong chúng sanh, trong mọi sự vật tạo tác, sanh khởi lên các pháp và làm Tự Tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại, thực hiện thành tựu trong pháp bố thí (tạo ra tài vật, trao và nhận tài vật). Còn chúng sanh dù có được hiện hữu nhưng vô ngã, Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động, vận động đều bất khả đắc. Do đó, câu kinh nói rằng: “Vì người cho, kẻ nhận và tài vật đều bất khả đắc”.

Pháp tánh thường trụ trong các pháp là Tự tánh của Như Lai, không phải là Tự Tánh của các pháp. Vì vậy, tất cả các pháp đều không có Tự Tánh. Tự Tánh của Như Lai chính là Phật Tánh, cũng là Bát nhã ba la mật, đó là Trí tuệ Phật đến từ bờ kia, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì tất cả pháp chẳng sanh như vậy, nên Bát nhã ba la mật phải sanh”. Đây gọi là an trụ trong Bát nhã ba la mật, có nghĩa là thấy rõ và chấp nhận Bát nhã ba la mật làm cái Tự Tánh thường trụ trong các pháp tạo tác, sanh khởi ra tất cả các pháp, mà Bát nhã ba la mật cũng chính là Nhất thiết chủng trí. Do vậy, “dùng Nhất thiết chủng trí để biết tất cả pháp”.

“Vì tội và không tội đều bất khả đắc nên đầy đủ Thi la ba la mật”:

Con người tạo ra tội (những việc ác, bất thiện) hay không tạo ra tội đều bất khả đắc, vì trong Kinh Bát nhã ba la mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, khi nói về Không tam muội Đức Phật Thích Ca đã chỉ rõ: “Không tam muội là nói đối với các pháp Tự Tướng rỗng không”. Vì các pháp Tự Tướng rỗng không, vô ngã, không có chúa tể, chủ tể, tướng như bất động nên mọi hoạt động tác nghiệp tạo ra tội hay không tạo ra tội đều bất khả đắc, do vậy câu kinh nói rằng: “Vì tội và không tội đều bất khả đắc nên đầy đủ Thi la ba la mật”.

Tất cả mọi hoạt động tác nghiệp, tạo nghiệp của chúng sanh đều do Pháp tánh thường trụ trong chúng sanh tạo tác, sanh khởi lên và làm Tự Tướng, làm cái ngã trong chúng sanh để chúng sanh hoạt động, tác động tạo nghiệp. Pháp tánh thường trụ đó là Tự Tánh của Như Lai chứ không phải của chúng sanh, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh chỉ rõ: “Ngã tức nghĩa Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã”. Do đó, cái ngã trong chúng sanh là của Như Lai, còn gọi là Tự Tánh Như Lai Tạng, chính là Trí tuệ Phật hay Bát nhã ba la mật. Vì vậy, Bát nhã ba la mật sanh khởi lên tất cả mọi hoạt động trong chúng sanh nên an trụ trong Bát nhã ba la mật thấy được tất cả các pháp đều là Phật pháp.

“Vì tâm chẳng động nên đầy đủ Sằn đề ba la mật”:

Tâm ở đây là Tâm Sở trong con người. Tâm Sở cũng tướng như bất động vì Tự Tướng rỗng không. Tâm Sở là tướng như bất động nên chẳng động. Do đó, câu kinh nói rằng: “Vì tâm chẳng động nên đầy đủ Sằn đề ba la mật”.

Tất cả mọi trạng thái hoạt động của tâm là do Pháp tánh thường trụ trong con người tạo tác, sanh khởi lên và làm Tự Tướng trong con người để Tâm Sở hoạt động, khởi lên sân hận hay không sân hận khi bị người khác đánh đập, chửi mắng. Pháp tánh thường trụ đó chính là Tự Tánh Như Lai Tạng, còn gọi là Bát nhã ba la mật. Vì vậy, an trụ trong Bát nhã ba la mật thấy được mọi trạng thái hoạt động của tâm đều là do Bát nhã ba la mật.

“Vì thân tâm tinh tấn chẳng giải đãi nên đầy đủ Tỳ lê gia ba la mật”:

Tinh tấn ba la mật là thấy được rằng, tất cả các pháp đều Tự Tướng rỗng không nên tướng như bất động. Chúng sanh thành tựu được pháp tu thân tâm tinh tấn, không giải đãi, làm được nhiều việc thiện, dứt trừ được các việc ác, bất thiện là nhờ Bát nhã ba la mật, tức là trí tuệ đến từ bờ kia thường trụ trong chúng sanh. Do đó, an trụ trong Bát nhã ba la mật thì thấy được tất cả mọi thành tựu của các pháp là do từ bờ kia đến thể chứng cho thành tựu. Nếu không có Bát nhã ba la mật thể chứng thì tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác, bất thiện cũng bằng không, vì nghiệp không tự chứng. Con người không thể tự tu, tự chứng, mà do Bát nhã ba la mật thể chứng theo nhân quả để báo ứng theo nghiệp.

“Vì chẳng tán loạn, chẳng say mê nên đầy đủ Thiền na ba la mật”:

Thiền ở đây là thiền quán, là quan sát để tìm thấy sự đúng đắn, chân thật của các pháp.

Thiền na ba la mật là thấy được rằng, tất cả các pháp đều Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động, nên Tâm Sở cũng Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động, do đó, chẳng tán loạn, chẳng say mê. Sự tán loạn, say mê của tâm là do Bát nhã ba la mật. Vì vậy, an trụ trong Bát nhã ba la mật thì thấy được mọi trạng thái của tâm chẳng tán loạn, chẳng say mê, tất cả đều do trí tuệ từ bờ kia đến tác động cho thành tựu.

“Vì chẳng chấp trước tất cả pháp nên đầy đủ Bát nhã ba la mật”:

Bát nhã ba la mật là nói về trí tuệ từ bờ kia, tức là Trí tuệ Phật. Trí tuệ này sanh ra tất cả, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tam Huệ, Đức Phật Thích Ca nói: Này Tu Bồ Đề! Bát nhã ba la mật này hay sanh tất cả pháp, tất cả biện tài, tất cả chiếu minh”. Bởi tất cả pháp không có Tự Tánh, không sanh, rỗng không, không có, nên chẳng chấp trước tất cả pháp, do đó, câu kinh nói: “Vì chẳng chấp trước tất cả pháp nên đầy đủ Bát nhã ba la mật”. Đức Phật Thích Ca khẳng định trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh là: “Vì tất cả pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”. Bát nhã ba la mật sanh ra tất cả pháp nên tất cả pháp đều là Phật pháp. Do đó, phải an trụ trong Bát nhã ba la mật thì mới thấy được các pháp vô sanh, các pháp là do Bát nhã ba la mật sanh.

Như vậy, tu tập sáu ba la mật là thấy được các pháp đều do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi ra các pháp, thường trụ trong các pháp, làm Tự Tướng để các pháp hoạt động, vận động được thành tựu, còn các pháp không có Tự Tánh, không sanh, rỗng không, không có nên phải an trụ trong Bát nhã ba la mật.

“Chẳng an trụ trong Bát nhã ba la mật”:

Pháp tánh thường trụ trong các pháp là Tự Tánh Như Lai Tạng hay Pháp thân Như Lai do Chánh thân Như Lai phân thân ra. Nếu Chánh thân Như Lai không phân thân thì pháp thân sẽ không có bởi Pháp thân Như Lai chính là Bát nhã ba la mật, không tự sinh ra được nên không có, do đó, chẳng an trụ trong Bát nhã ba la mật, mà chỉ an trụ vào cái sanh ra Pháp thân Như Lai. Đó chính là Chánh thân Như Lai, còn gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế, là Đấng tối cao duy nhất.

Do đó, trong quá trình quan sát và biện chứng về con người, tìm đến cái tột cùng của chân lý tồn tại của con người và mọi sự vật thì chỉ có duy nhất là Đấng tối cao, là Như Lai, cũng chính là Bát nhã ba la mật sanh ra tất cả. Đức Phật Thích Ca muốn hướng mọi người tìm đến Như Lai là Đấng tối cao duy nhất tạo ra tất cả pháp nên mới đưa ra phương tiện nói: “chẳng an trụ mà an trụ trong Bát nhã ba la mật”.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày 22 tháng 05 năm 2021

Phạm Thị Mý