Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tự) – P2

Chính kinh:

“Đức Thế Tôn lại phóng quang minh thường chiếu khắp cõi Đại thiên suốt đến hằng sa thế giới ở mười phương. Nếu chúng sanh nào gặp được quang minh nầy thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Luận giải:

Nghĩa là Đức Phật Như Lai tiếp tục phân thân ra các Vi trần thân. Ngài thường phân thân ra các Vi trần thân(phóng quang minh) đầy khắp hằng sa thế giới ở mười phương, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập II, Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát chỉ rõ: Một là có thể một thân phân làm nhiều thân số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần, vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân, tự tại như vậy gọi là đại ngã”, nghĩa là Chánh thân Như Lai phân thân ra các Vi trần thân, chính là phóng quang minh nhiều như biển bụi đầy khắp mười phương vô lượng thế giới, nhưng Chánh thân không phải là Vi trần thân. Vi trần thân này cũng chính là Pháp thân Như Lai, Tự Tánh Như Lai Tạng hay Phật Tánh còn gọi là Thứ Đệ, còn Chánh thân gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Đức Phật Thích Ca muốn chỉ rõ Đức Thế Tôn phóng quang minh là muốn nói khắp vũ trụ bao la đều là Vi trần (Pháp thân Như Lai hay Tự Tánh Như Lai Tạng). Nếu ai nhập được Pháp thân (Vi trần thân) này thì sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác (tức thành Phật).

Chính kinh:

“Đức Thế Tôn mỉm cười vui vẻ hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp Đại thiên thế giới, phóng ra vô lượng ngàn muôn ức quang minh. Mỗi quang minh nầy hóa thành hoa báu ngàn cánh màu hoàng kim. Trên hoa báu đều có Hóa Phật ngồi kiết già tuyên nói sáu phép ba la mật. Chúng sanh nào nghe được thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Quang minh nầy cũng chiếu đến hằng sa thế giới ở mười phương và cũng hiện hoa báu Hóa Phật thuyết pháp như vậy.”

Luận giải:

“Đức Thế Tôn mỉm cười vui vẻ hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp Đại thiên thế giới”: Đức Thế Tôn là Chánh thân Như Lai hiện tướng lưỡi là cách nói của Đức Phật Thích Ca muốn chỉ ra khắp mọi nơi đều do Như Lai phân thân thị hiện (“phóng quang minh”).

“Mỗi quang minh nầy hóa thành hoa báu ngàn cánh màu hoàng kim”: Đức Phật Thích Ca muốn nói mỗi quang minh chính là pháp bửu, được ví như bửu vật vô giá bởi vì quang minh hay bửu vật vô giá chính là Trí tuệ và Thần lực của Như Lai, có ba hai tướng và tám mươi tùy hình hảo để tạo tác, biến hóa ra vũ trụ vạn vật, biến thành hoa báu. Ở đây không phải là hoa, mà ý muốn nói biến hóa vô cùng (không phải là ngàn cánh), tùy hình để biến hóa, chức năng biến hóa vượt khỏi ngàn cánh.

“Màu hoàng kim”: là màu vàng nhưng quý hơn vàng bởi Vi trần thân (Pháp thân Như Lai) là bửu vật vô giá không có thứ gì có thể sánh được. Báu vật này biến hóa, tạo tác ra tất cả mọi thứ quý giá nhất ở cõi ta bà như châu ngọc, kim cương, vàng bạc, …

Trên hoa báu đều có Hóa Phật ngồi kiết già tuyên nói sáu phép ba la mật”: nghĩa là mỗi hoa báu này chính là một Phân thân (một Vi trần thân), chính là một Pháp thân của Như Lai, do Như Lai phân thân mà có.

“Ngồi kiết già tuyên nói sáu phép ba la mật”: tức là nói tất cả các pháp đều rỗng không. Sáu ba la mật gồm có: Đàn na ba la mật (tức là Bố thí ba la mật), Thi la ba la mật (tức là Trì giới ba la mật), Sằn đề ba la mật (tức là Nhẫn nhục ba la mật), Tỳ lê gia ba la mật (tức là Tinh tấn ba la mật), Thiền na ba la mật (tức là Thiền định ba la mật) và Bát nhã ba la mật (tức là Trí tuệ ba la mật).

– Đàn na ba la mật: Đại Bồ Tát phải thực hành đầy đủ pháp bố thí (thí pháp, thí tài vật), nhưng trong nhận thức phải thấy được tất cả các pháp vô tác, không có tướng sanh do không có Tự Tánh nên các pháp rỗng không, do đó người thí rỗng không, người nhận thí rỗng không, vật thí rỗng không. Vì vậy, trong quan sát không thấy người thí, người nhận thí và vật thí. Mọi sự hiện hữu của người thí, người nhận thí, vật thí đều do Pháp thân Như Lai từ bờ kia đến để tạo tác, sanh khởi ra mà có và làm Tự Tướng trong các pháp (trong người thí, người nhận thí) để thực hiện thành tựu pháp bố thí gọi là Bố thí ba la mật.

– Thi la ba la mật: Đại Bồ Tát phải thực hiện đầy đủ thập thiện đạo và cũng dạy người khác thực hành để tránh nhân quả báo ứng khổ đau. Về nhận thức thì Bồ Tát biết rõ chúng sanh Tự Tánh rỗng không, Tự Tướng rỗng không, Tướng như bất động, mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại tạo ra tội, hay không tạo ra tội của chúng sanhw là bất khả đắc. Sự thành tựu mọi hoạt động, vận động của chúng sanh là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tướng trong chúng sanh thực hiện nên đầy đủ Thi la ba la mật.

– Sằn đề ba la mật: Đại Bồ Tát phải tự thực hiện đầy đủ nhẫn nhục và cũng dạy người khác thực hiện. Về nhận thức, Đại Bồ Tát biết rõ các pháp vô sanh bởi không có Tự Tánh để tự sanh khởi nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại. Do đó, khi bị đánh đập, chửi mắng,… Đại Bồ Tát biết rõ không phải họ đánh, chửi mình,… bởi các pháp Tự Tướng rỗng không, Tướng như bất động, mọi hoạt động đi đứng, đánh chửi, tức giận,… đều bất khả đắc nên tâm Đại Bồ Tát chẳng động, do đó đầy đủ Sằn đề ba la mật.

– Tỳ lê gia ba la mật: Đại Bồ Tát thân tâm tinh tấn, siêng tu các pháp lành và cũng dạy người khác thực hiện các pháp lành, nhưng Đại Bồ Tát biết rõ tất cả các pháp đều không có Tự Tánh nên không có các pháp, không có thân tâm. Sự hiện hữu của các pháp, thân tâm con người là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại làm cho thân tâm tinh tấn chẳng giải đãi, siêng tu không thôi nghỉ các thiện pháp. Con người dù có được hiện hữu, nhưng Tự Tướng rỗng không, Tướng như bất động thì thân tâm tinh tấn hay giải đãi đều bất khả đắc nên đầy đủ Tỳ lê gia ba la mật.

– Thiền na ba la mật: Thiền ở đây là thiền quán để quan sát các pháp, tìm đến sự chân thật, đúng đắn của các pháp. Do đó, có thể đi thiền, đứng thiền, ngồi thiền, … ở bất kỳ trạng thái nào của cơ thể cũng có thể quan sát, tư duy, suy nghiệm về các pháp. Đại Bồ Tát biết các pháp không có Tự Tánh, không sanh, rỗng không nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, tác động qua lại. Con người cũng như tâm con người (Tâm Sở) dù được hiện hữu nhưng Tự Tướng rỗng không, Tướng như bất động nên chẳng tán loạn, chẳng say mê. Sự tán loạn, say mê của tâm là do Bát nhã ba la mật, do đó đầy đủ Thiền na ba la mật.

– Bát nhã ba la mật: Đại Bồ Tát chẳng chấp trước tất cả pháp và quán Pháp tánh, cũng dạy người khác chẳng chấp trước tất cả pháp và quán Pháp tánh. Nhưng Đại Bồ Tát biết, tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, vô sanh nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật (Pháp tánh) làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi ra các pháp, nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự Tánh, vô sanh, rỗng không, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Đại Phương Tiện, Đức Phật Thích Ca chỉ rõ: “Vì Bát nhã Ba la mật không sanh, không diệt, các pháp thường trụ vậy”, nghĩa là Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi ra các pháp, thường trụ trong các pháp, nhưng Bát nhã Ba la mật cũng không sanh, không diệt, rỗng không, không tự có, không có Bát nhã ba la mật, không có các pháp, nên chẳng chấp trước các pháp, do đó đầy đủ Bát nhã ba la mật.

Như vậy, sáu ba la mật đều Tự Tánh rỗng không, Tự Tướng rỗng không, mọi thành tựu của sáu ba la mật là do Bát nhã ba la mật.

“Chúng sanh nào nghe được thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác”: “được” ở đây có nghĩa là biết được các pháp đều rỗng không bởi các pháp đều vô tác, không có tướng sanh, do đó không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp đều do Pháp thân Như Lai đang tạo tác, sanh khởi ra các pháp và thường trụ trong các pháp, như Bát Nhã Tâm Kinh chỉ rõ: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc,…”.Không” ở đây chính là Phật Tánh, là Vi trần thân, là Pháp thân Như Lai, là hoa sen ngàn cánh,… bởi Phật Tánh không phải là Sắc, nên gọi là Không nhưng Không này là Không phi không. Phật Tánh tạo ra Sắc, nếu không có Phật Tánh thì Sắc rỗng không, không có Sắc, hiểu được như vậy gọi là “quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

“Quang minh nầy cũng chiếu đến hằng sa thế giới ở mười phương và cũng hiện hoa báu Hóa Phật thuyết pháp như vậy”: Đức Phật Thích Ca muốn chỉ rõ quang minh (Vi trần thân, Phật Tánh) không phải chỉ có ở cõi ta bà, mà có ở hằng sa thế giới ở mười phương. Tất cả quang minh có ba hai tướng tạo tác và tám mươi tùy hình hảo để biến hóa ở khắp hằng sa thế giới đều như nhau, là hoa báu hóa Phật thuyết pháp, chính là bửu vật vô giá đang tạo tác, sanh khởi ra hết thảy mọi pháp. Còn các pháp đều vô tác nên không có tướng sanh, do không có Tự Tánh, không có cái cấu tạo ra chính các pháp nên các pháp đều rỗng không, các pháp được hiện hữu đều do Phật Tánh (tức là hoa báu hóa Phật) tạo tác, sanh khởi ra mà có.

Chính kinh:

Bấy giờ đức Phật vẫn ngồi trên tòa sư tử mà nhập sư tử du hý tam muội. Do thần lực của Phật, cả Đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách, làm cho mọi loài đều hòa vui”.

Luận giải:

“Đức Phật Thích Ca vẫn ngồi trên tòa sư tử”: tức là ý thức của Ngài vẫn nhập với Phật Tánh thường trụ trong thân Ngài hay Tâm Sở vẫn nhập với Tâm Vương (Tâm Vương chính là Phật tri kiến, là Pháp tánh thường trụ trong Đức Phật Thích Ca).

“Du hý tam muội. Do thần lực của Phật, cả Đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách”: nghĩa là đi trong Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội thấy rõ được các pháp không sanh, không diệt, tướng như bất động, tức là thấy các pháp hiện hữu nhưng đều rỗng không bởi các pháp không có tướng sanh nên không có các pháp. Đức Phật Thích Ca thấy tất cả sự hiện hữu của các pháp đều do Pháp thân Như Lai (Phật Tánh) đang tác động trong sáu căn, sáu trần, sáu thức, gọi là chấn động sáu cách. Bởi con người khi Đức Phật Thích Ca chia ra làm năm uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), hoặc mười tám giới (Sáu căn, Sáu trần, Sáu thức) để quan sát thì thấy năm uẩn hay mười tám giới cũng đều rỗng không, không có, do không có Tự Tánh nên không sanh. Sáu căn gồm Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý; trong đó Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân là 5 bộ phận thuộc thực thể vật chất, còn Ý thuộc về thực thể tinh thần, mang tính đặc thù. Sáu trần gồm Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; trong đó Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc là hệ thống giác quan của con người, còn Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc nhập lại gọi là Pháp. Sáu thức gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân Thức và Ý thức.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tu Tập Đúng, Đức Phật Thích Ca chỉ rõ: Tướng rỗng không của các pháp vốn chẳng sanh chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại vì thế nên trong không pháp ấy không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp không có nhãn giới, nhẫn đến không có ý thức thức giới,…”.

“Làm cho mọi loài đều hòa vui”: bởi mọi loài được hiện hữu, hòa vui đều do Vi trần thân, Phật Tánh tạo tác sanh khởi ra mà có.

Chính kinh:

“Trong cõi Đại thiên này, hàng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và bát nạn liền được sanh lên cõi trời Tứ vương đến trời Tha Hóa Tự Tại. Các vị Thiên tử này tự biết túc mạng đều rất vui mừng đồng đến chỗ Đức Phật ngự, đảnh lễ chân Phật rồi ngồi qua một phía. Hằng sa thế giới ở mười phương cũng chấn động sáu cách, các loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và bát nạn đều được sanh lên sáu cõi trời Dục giới.”

Luận giải:

“Trong cõi Đại thiên này, hàng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và bát nạn liền được sanh lên cõi trời Tứ vương đến trời Tha Hóa Tự Tại. Các vị Thiên tử này tự biết túc mạng đều rất vui mừng đồng đến chỗ Đức Phật ngự, đảnh lễ chân Phật rồi ngồi qua một phía”: Trong cõi Đại thiên này, hàng Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh: đây là Tam đồ khổ. Bát nạn là tuy được mang thân người, nhưng có cuộc sống cơ cực, chịu vô lượng sự khổ. Hàng tam đồ khổ và Bát nạn là các đường chịu vô lượng khổ ách trong luân hồi sanh tử, bị đọa vào những khổ đau lớn lao, thuần nhất, cùng cực”, cũng sẽ được giải thoát lên các cõi trời khi biết diệt những nghiệp ác, bất thiện và hành vào những nghiệp thiện để tránh nhân quả báo ứng, bởi khi đã biết được “túc mạng” tức là biết được thân của mình hay của chúng sanh đều do Đức Phật (Pháp thân Như Lai) tạo tác, sanh khởi theo Luật nhân quả.

Hàng Tam đồ khổ và Bát nạn biết rõ được mạng mình và mạng chúng sanh như vậy thì sẽ tu hành diệt nghiệp để tránh nhân quả báo ứng, sẽ được về với các cõi trời bởi tất cả chúng sanh phải luân hồi trong Sáu đường sanh tử. Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tùy Hỷ chỉ rõ: “Vì nhân duyên chúng sanh điên đảo tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý theo nghiệp trước mà thọ thân sáu đạo: thân địa ngục, ngã quỷ, súc sanh, a tu la, nhơn, thiên”.

Khi đã biết được túc mạng của mình và của chúng sanh đều do Đức Phật (Phật Tánh) tạo tác ra theo những việc làm thiện, ác của chúng sanh đó thì họ sẽ không làm những nghiệp ác bất thiện, sau khi chết sẽ được về đường trời, trở thành các Thiên tử. Các Thiên tử này biết được túc mạng của mình là do Đức Phật Thích Ca thuyết giảng nên rất vui mừng, đồng đến chỗ Đức Phật Thích Ca ngự, đảnh lễ chân Phật rồi qua ngồi một phía.

“Hằng sa thế giới ở mười phương cũng chấn động sáu cách, các loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và bát nạn đều được sanh lên sáu cõi trời Dục giới”: Hằng sa thế giới ở mười phương tất cả đều chấn động sáu cách bởi tất cả thân tâm của chúng sanh đều do sự tạo tác, sanh khởi của Đức Phật (Phật Tánh) theo nguyên tắc nhân quả để đọa chúng sanh vào các đường khổ ách sanh tử, mang thân các đường trong Tam đồ khổ và Bát nạn.

Các cõi trời từ Tứ Vương đến Tha Hóa Tự Tại, cõi trời Dục Giới ở đây Đức Phật Thích Ca muốn nói, tất cả chúng sanh ở trong các cõi trên đều là Thiên Tử, kể cả Tam đồ khổ khi không hành vào những nghiệp ác, bất thiện thì sẽ được về đường trời trở thành Thiên Tử, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Vãng Sanh, Đức Phật Thích Ca thuyết: “cùng với sáu vạn Thiên Tử Dục Giới đồng phát tâm Vô thượng bồ đề, sẽ xuất gia tu hành Phật đạo trong chánh pháp của Đức Phật Di Lạc”.

Cõi trời Dục Giới gồm có Sáu dục là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, cũng đều là cõi sanh tử của chúng sanh. Đây chính là cõi ta bà, cũng là thế giới này.

Hằng sa thế giới là số thế giới ở trong vũ trụ này nhiều như cát sông Hằng ở Ấn Độ, cũng là do Đức Phật (Phật Tánh) tạo tác, sanh khởi ra như ở cõi ta bà này, cho dù thế giới có chúng sanh sanh tử hay không có chúng sanh sanh tử, nghĩa là thế giới có sự sống (có chúng sanh) hay không có sự sống (không có chúng sanh) cũng đều chấn động sáu cách, tức là cũng do Đức Phật tạo tác, sanh khởi, tác động ra mới có sự hiện hữu.

Chính kinh:

“Bấy giờ chúng sanh ở trong cõi Đại thiên nầy, kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ điên được tỉnh, kẻ loạn được định, kẻ bịnh được lành, kẻ tàn tật được hết tật nguyền, kẻ rách được mặc, kẻ đói khát được ăn uống”.

Luận giải:

Chúng sanh trong cõi đại thiên này khi hiểu biết được túc mạng như vậy sẽ biết được mù, điếc, câm, điên, loạn, bệnh, tàn tật, rách, đói khát là do đâu. Tại sao lại phải chịu những bệnh tật như vậy? Chúng sanh biết rõ những kẻ này được sáng tỏ, hết bệnh là do Đức Phật, nghĩa là hiểu biết được tất cả những khổ đau là do Đức Phật tạo ra theo nhân quả, gọi là sáng tỏ, chứ không phải là mù được sáng, điếc nghe được, bệnh tật được khỏi, …

Chính kinh:

“Tất cả mọi loài đều phát thiện tâm xem nhau như cha mẹ, anh em, chị em ruột thịt, đồng thật hành mười nghiệp đạo lành, tịnh tu phạm hạnh không phạm lỗi lầm, lòng họ điềm nhiên khoái lạc như Tỳ kheo nhập đệ tam thiền. Họ đều được trí huệ tốt giữ mình theo giới luật không làm tổn não kẻ khác”.

Luận giải:

Khi chúng sanh biết được thân mạng của mình cùng tất cả muôn loài chấn động sáu cách đều do Đức Phật (Phật Tánh) tạo tác, sanh khởi, tác động và hoạt động nên không còn phân biệt, chấp trước, xem nhau như anh em, chị em ruột thịt, cùng nhau tu hành diệt nghiệp, thật hành thập thiện đạo, giữ gìn các giới cấm, chỉ hành nghiệp thiện không phạm lỗi lầm, không làm tổn não đến kẻ khác bởi vì biết rõ mình cũng như muôn loài đều vô tác, không có tướng sanh, do không có Tự Tánh nên rỗng không. Sự hiện hữu của mình cùng muôn loài đều do Đức Phật tạo tác, sanh khởi, tác động theo những việc làm thiện, ác của chính mình đã tạo ra hay nói cách khác là sanh khởi, tạo tác theo nhân quả.

Chính kinh:

“Đức Thế Tôn ngự trên tòa sư tử, quang minh sắc tướng oai đức nguy nguy tôn nghiêm bực nhứt, hơn cả Đại thiên cùng hằng sa thế giới ở mười phương, như núi Tu Di cao sáng hơn tất cả núi non”.

Luận giải:

Đức Thế Tôn ngự trên tòa sư tử”: nghĩa là Đức Phật Thích Ca nhập với Pháp thân Như Lai, tức là Tâm Sở của Đức Phật Thích Ca nhập với Pháp thân Như Lai (là Pháp tánh thường trụ trong Đức Phật Thích Ca). Khi nhập được với Pháp thân Như Lai cũng được gọi là Như Lai bởi Pháp thân Như Lai (Phật Tánh) do Chánh thân Như Lai phân thân ra mà có. Pháp thân này còn được gọi là Thế Đế (Kế Đế, Thứ Đệ), còn Chánh thân Như Lai gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Như núi Tu Di: Núi Tu Di là ý muốn chỉ về Chánh thân Như Lai (Đệ Nhất Nghĩa Đế) đứng đầu tất cả các pháp. Từ núi Tu Di này mà sanh ra các Pháp thân (Phật Tánh), các Pháp thân này mới tạo ra tất cả pháp.

Như vậy, Đức Phật Thích Ca nhập được với Pháp thân Như Lai (Thế Đế) cũng được ví như Chánh thân (Đệ Nhất Nghĩa Đế), bởi vì Thế Đế cũng chính là Đệ Nhất Nghĩa Đế, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Đạo Thọ, Đức Phật Thích Ca nói: “Này Tu Bồ Đề; thế đế cùng đệ nhất nghĩa đế không khác”.

Chính kinh:

“Lúc đức Thế Tôn đem thân thường hiển thị cho chúng sanh trong cõi Đại thiên, nhơn chúng cùng hàng phi nhơn và chư Thiên ở Dục giới, Sắc giới đem những thiên hoa, thiên hương, thiên anh lạc đến rải trên đức Phật. Những hoa hương báu nầy dừng ở hư không hóa thành đài báu lớn thòng những chuỗi ngọc cùng lọng báu nhiều màu giăng trùm Đại thiên thế giới, do đây nên toàn cõi Đại thiên thành màu hoàng kim, đến hằng sa thế giới ở mười phương cũng như vậy.”

Luận giải:

Đoạn kinh này Đức Phật Thích Ca mô tả Đức Thế Tôn tức là Chánh thân Như Lai đem thân thường hiển thị nghĩa là phân thân ra các Pháp thân (gọi là Vi trần thân, Tự Tánh Như Lai Tạng). Các Vi trần thân này mới tạo tác, sanh khởi ra chúng sanh trong cõi Đại thiên thế giới. Tất cả nhơn (người) cùng hàng phi nhơn (không phải là người), chư thiên ở Dục giới, Sắc giới, tất cả thiên hương, thiên hoa, thiên anh lạc, Đức Phật Thích Ca và mọi chuỗi ngọc lọng báu, đài báu nhiều màu giăng trùm khắp Đại thiên thế giới, … đều do Vi trần thân (Tự Tánh Như Lai Tạng) tạo tác, sanh khởi ra mà có, bởi tất cả chúng sanh, chư thiên, các vật báu kể trên và Đức Phật Thích Ca đều vô tác, không tự sanh khởi do không có Tự Tánh, không sanh, rỗng không. Đại thiên thế giới tất cả đều rỗng không vì tất cả không có tướng sanh khởi. Sự hiện hữu tướng thế gian (chúng sanh, chư thiên, Đức Phật Thích Ca, các vật báu kể trên) đều do Đức Thế Tôn (Chánh thân Như Lai) thị hiện (phân thân) ra các Vi trần thân (Tự Tánh Như Lai Tạng). Tất cả các Vi trần thân trong toàn cõi Đại thiên đều cùng một màu hoàng kim. Từ các Vi trần thân này mới trực tiếp tạo tác, sanh khởi ra chúng sanh, chư thiên, Đức Phật Thích Ca, cùng các vật báu kể trên, có nhiều màu sắc khác nhau, cũng chính là tạo ra chuỗi ngọc lọng báu, đài báu nhiều màu giăng trùm khắp Đại thiên thế giới. Đến hằng sa thế giới ở mười phương cũng đều do Vi trần thân (Tự Tánh Như Lai Tạng) tạo tác, sanh khởi ra mà có.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày 15 tháng 05 năm 2021

Phạm Thị Mý