Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tự) – P1

LỜI MỞ ĐẦU

Bộ kinh MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT là bộ kinh mô tả về một trí tuệ siêu việt trong vũ trụ ở bờ kia được thể hiện ở tên của bộ kinh là MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT.

MA HA:  Nghĩa là rộng lớn

BÁT NHÃ: Nghĩa là trí tuệ

BA LA MẬT: Nghĩa là từ bờ kia

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT tức là trí tuệ rộng lớn đến từ bờ kia.

Trí tuệ rộng lớn này không giới hạn ở tính hiểu biết và tư duy mà còn có đầy đủ thần lực, có sức biến hóa vô cùng với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tùy hình hảo: có thể biến hóa, tạo tác, sanh khởi ra bất kỳ vật chất nào trong ba mươi hai tướng và có thể biến hiện ra bất kỳ hình thù vật chất nào trong tám mươi tùy hình hảo. Như vậy, bộ kinh này mô tả về trí tuệ siêu việt đến từ vũ trụ, tạo tác và sanh khởi ra thế giới này, được thể hiện qua các phép biện chứng về vật chất, tinh thần đối với con người cũng như mọi sự vật, đặc biệt là quan sát trực tiếp con người trong thực tại.

Khi quan sát, Đức Phật Thích Ca chia con người làm hai phần là vật chất và tinh thần. Con người được tập hợp bởi năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; trong đó Sắc thuộc về thực thể vật chất; Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc về thực thể tinh thần.

Ngoài ra, con người còn được chia làm ba yếu tố: Căn, Trần, Thức. Mỗi yếu tố có sáu thành phần, được hòa hợp trở thành con người hoàn thiện, bao gồm sáu căn, sáu trần, sáu thức.

Như vậy, khi quan sát về sự hiện hữu của con người trong thực tại, Đức Phật Thích Ca quan sát kỹ từng thành phần của mỗi bộ phận cơ thể con người, tìm nguồn gốc con người từ đâu sinh ra, đồng thời chỉ ra phương pháp quan sát cho loài người, để loài người nương vào phương pháp này mà quan sát, để tìm thấy nguồn gốc sinh hóa của con người và tìm thấy sự giả hợp giữa vật chất và tinh thần, được thể hiện qua lục nhập với sáu thức. Đồng thời, thấy được sự vận động, tác động qua lại của con người cũng như muôn loài trong mưu cầu sự sống được thể hiện rõ khi quan sát trong ba môn tam muội: Không Tam Muội, Vô Tướng Tam Muội, Vô Tác Tam Muội.

Đức Phật Thích Ca chỉ cho loài người nương vào Pháp Tánh là cái cai quản sanh diệt đối với con người cũng như mọi sự vật. Từ đó, thấy được con người và thế giới vật chất này không tự nó sinh ra mà do trí tuệ rộng lớn siêu việt trong vũ trụ đến sinh ra thế giới này.

Tóm lại, bộ Kinh MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT mô tả về Như Lai là Đấng tối cao duy nhất có trí tuệ siêu việt và thần lực, thần thông, biến hóa sinh ra thế giới vật chất, sinh ra không gian vũ trụ này. Còn vũ trụ vật chất không tự nó sinh ra, cũng không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu. Vật chất được sinh ra từ trong vũ trụ, bị tiêu diệt cũng từ trong vũ trụ do trí tuệ siêu việt có đủ ba mươi hai tướng và tám mươi tùy hình hảo tạo tác, sanh khởi. Còn vũ trụ vật chất chỉ là cái sản phẩm được sinh ra từ trí tuệ siêu việt trong vũ trụ.

Chúng tôi luận giải bộ Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật trọn bộ 3 tập thông dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập, Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh và Hội đồng phiên dịch giản lược, ấn tống năm 2014 tại Nhà xuất bản Hồng Đức.

Dưới sự hướng dẫn trực tiếp tận tình của Thầy Trần Văn Phú (Chùa Động Hang, Thị xã Hồng Lĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh), chúng con xin thành kính tri ân Thầy, đồng thời kính mong các bậc chân tu, các quý vị Phật tử và bạn đọc gần xa chỉ giáo thêm. Xin trân trọng cảm ơn!

QUYỂN THỨ NHẤT

PHẨM TỰ (THỨ NHẤT)

Phẩm tự gồm 2 phần:

Phần 1: Đức Phật Thích Ca mô tả về hình ảnh của Bát Nhã Ba La Mật, là Trí tuệ siêu việt đến từ bờ kia, cũng là Đức Phật Như Lai, là Đấng tạo hóa tối cao, duy nhất thị hiện ra tướng thế gian: đó là phân thân biến hóa ra các pháp thân (còn gọi là phóng quang minh, hoa sen ngàn cánh); từ những hoa sen ngàn cánh này mới trực tiếp tạo tác sinh khởi ra tướng thế gian (các pháp, chư Phật, Bồ Tát, chúng sanh cùng vũ trụ vạn vật trong hằng sa thế giới ở mười phương).

Phần 2: Tu tập Bát Nhã Ba La Mật là hướng tất cả chúng sanh về hoa sen ngàn cánh, cũng là Pháp thân Như Lai, Phật Tánh, Pháp Tánh, Vô Thượng Bồ Đề, Bát Nhã Ba La Mật, Nhất Thiết Chủng Trí, Trí tuệ Phật, … mặc dù tên gọi khác nhau nhưng đều chỉ về cái Phân thân của Như Lai. Đây là cái chúa tể, chủ tể để sanh khởi ra con người cùng tất cả chúng sanh và các pháp, bắt con người và chúng sanh phải khổ đau (đọa sanh hành nghiệp) theo những việc làm không lành (ác, bất thiện) của chính những chúng sanh ấy. Chỉ rõ cho chúng sanh thấy được nguồn gốc của chúng sanh được sanh ra từ đâu? Những khổ đau mà chúng sanh phải chịu từ đâu mà có? Do đó, muốn thoát khỏi mọi khổ đau thì cần phải làm gì?

Phải tu tập như thế nào để thấy được tất cả các pháp hiện hữu đều do Bát Nhã Ba La Mật đang tạo tác, cai quản sanh diệt, thường trụ trong các pháp, làm Tự Tướng (cái ngã, chủ thể, chúa tể) của các pháp để các pháp vận động, tác động qua lại như con người chúng ta đang nhìn thấy trong thực tại.

Chính kinh:

“Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ Đức Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật tại thành Vương Xá cùng với đại Tỳ kheo Tăng trên năm ngàn người, đều là những bậc A la hán đã hết hữu lậu dứt phiền não, tâm được giải thoát, huệ được giải thoát, tâm ý điều nhu; là bậc đại long tượng, chỗ làm đã xong, lợi mình đã được, sạch hết kiết sử, bỏ gánh hoặc nghiệp, kham gánh chánh pháp, do chánh trí mà được giải thoát. Riêng ngài A Nan là còn ở bậc Hữu học, chứng quả Tu đà hoàn”.

Luận giải:

Đoạn kinh trên chỉ rõ Đại Tỳ Kheo Tăng được nghe Đức Phật Thích Ca thuyết giảng về Bát Nhã Ba La Mật ở một thời đã qua và bây giờ biên chép lại. Trong đạo tràng mà Đức Phật thuyết giảng có đầy đủ các thành phần trong đại chúng.

“A la hán”: là quả tu chứng ở tiểu thừa Duyên Giác (tiểu thừa thứ hai). Ở hàng tiểu thừa này có hai quả tu chứng là A na hàm và A la hán, sau A la hán gọi là Bích chi độc giác.

Ở hàng A la hán này được chứng quả Vô Sanh Pháp Nhẫn vì đã sạch lậu, hết kiết sử, không còn tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý nên được gọi là “bậc vô lậu” hay đã hết “hữu lậu, dứt mọi phiền não”.

Hàng tiểu thừa này là hàng vẫn còn chấp trước, vẫn còn phân biệt sự sai khác của các pháp.

“Tâm được giải thoát”: tâm ở đây là Tâm Sở, tức là ý thức của con người. Tâm được giải thoát nghĩa là ý thức đã diệt được hết phiền não, không còn phiền não nên thanh thoát (vắng lặng). Khi dứt được hết phiền não thì không còn khổ đau, hoàn toàn sạch lậu nên tâm được thanh thoát gọi là giải thoát mọi khổ đau.

“Huệ được giải thoát”: huệ tức là Tâm Vương, là Trí Tuệ Phật, chính là Bát Nhã Ba La Mật thường trụ ở trong những người đạt quả vị A la hán được thanh tịnh trong sáng, không bị cấu nhiễm bởi Tâm Sở do Tâm Sở đã hết phiền não. Tâm Vương trong sạch, thanh tịnh gọi là “huệ được giải thoát”.

“Tâm ý điều nhu”: tâm là Tâm Vương, còn ý là Ý Thức (tức Tâm Sở). Điều nhu tức là không còn sân hận, luôn được hiền hòa.

“Là bậc đại long tượng”: nghĩa là vượt lên tất cả vì đã sạch lậu, đã lìa bỏ hết nghiệp (thân, khẩu, ý) bất thiện, nghiệp ác, hay nói cách khác là bỏ hết những nghiệp hoặc phiền não.

“Chỗ làm đã xong”: là chỗ tu hành mà những nghiệp lực phiền não đã dứt bỏ được hết, đã hết hữu lậu.

“Lợi mình đã được”: đã diệt hết được mọi phiền não nên giải thoát mọi khổ đau, chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn (nghĩa là khi bị đánh đập, chửi mắng,… cố gắng không để ý thức khởi lên sân hận dù chỉ là một niệm).

“Sạch hết kiết sử”: đã dứt bỏ hết mọi tà kiến, không chấp kể (ở hàng A la hán đã xả niệm thanh tịnh).

“Bỏ gánh hoặc nghiệp”: “hoặc nghiệp” là những nghiệp phiền não xảy ra trong cuộc sống hàng ngày (chẳng hạn khi nghe lời khen thì vui thích, khi nghe lời chê thì phiền não, khó chịu). Đối với bậc A la hán thì dù bị đánh chửi cũng không khởi lên sân hận do đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

“Kham gánh chánh pháp”: “Chánh pháp” là Phật pháp. Ở bậc A la hán đang tu vào Thuyết Duyên Khởi và Mười Hai Nhân Duyên, chỉ hiểu được tất cả các pháp đều do Nhân Duyên sanh mà không biết được rằng, Nhân Duyên chỉ là cơ sở để Nhân Duyên Pháp (Phật Tánh, Bát Nhã Ba La Mật) sanh khởi, như Kinh Duyên Sinh đã chỉ rõ: “Nhân duyên pháp này vì hai thứ mà nó sanh khởi được. Hai thứ ấy là gì? Là nhân tương ứng và duyên tướng ứng”.

Ở đây, Nhân Duyên Pháp chính là Phật Tánh (vì Tự Tánh Như Lai Tạng cũng gọi là Phật). Như vậy, Phật muốn sanh thì phải có Nhân, có Duyên là những yếu tố đã có sẵn và phải tương ứng. Nếu không có Nhân, Duyên là những yếu tố đã có sẵn, tương ứng thì Phật không sanh, nghĩa là Phật sanh khởi dựa trên quy luật Nhân Duyên. Phật ở đây là chỉ Như Lai, Thượng Đế chứ không phải là Phật Thích Ca.

Như vậy, “Chánh pháp” là phải thấu hiểu tất cả các pháp do Phật sanh, chứ không phải Nhân Duyên sanh ra các pháp.

Ở hàng A la hán bắt đầu đi vào tìm hiểu về chánh pháp, do đó gọi là kham gánh chánh pháp.

“Do chánh trí mà được giải thoát”: Chánh Trí là Nhất Thiết Trí, là Trí Tuệ Phật, cũng gọi là Niết Bàn. Bậc A la hán được “Vô Dư Y Niết Bàn”, tức là “Niết Bàn thanh tịnh”, nghĩa là do Chánh Trí hay Bát Nhã Ba La Mật, Phật Tánh thường trụ trong thân những người đạt quả vị A la hán cho Tâm Sở thì Tâm Sở mới được vắng lặng, thanh tịnh. Do đó, Tâm Sở được giải thoát nên gọi là “do chánh trí mà được giải thoát”.

“Riêng ngài A Nan còn ở bậc hữu học chứng quả tu đà hoàn”: Ngài A Nan ở hàng Thanh Văn, đang là tiểu thừa thứ nhất, gọi là tiểu thừa Thanh Văn. Ở hàng tiểu thừa này có hai quả tu chứng là Tu Đà Hoàn và Tư Đà Hàm. Ở hàng này đang còn lậu hoặc, nghĩa là vẫn còn tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý, chưa dứt được hoàn toàn những nghiệp ác, bất thiện nên gọi là hàng hữu lậu, vẫn còn phải tu học để diệt nghiệp hoặc phiền não nên gọi là hàng hữu học.

“Lại có năm trăm Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di thấy được Thánh Đế”: nghĩa là năm trăm Tỳ kheo nữ, phật tử nam, phật tử nữ thấy được Thánh Đế, tức là thấy được Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đó là thấy được bốn sự thật của cuộc sống con người. Con người được sinh ra là phải chịu khổ đau. Nguyên nhân của khổ là do tập.

Tập là tập hợp những nghiệp lực hư ngụy từ vô thỉ, tức là tập hợp những việc làm ác, bất thiện từ những kiếp trước để bắt con người phải chịu khổ trong kiếp hiện tại, như Kinh Nhân Quả Ba Đời, Đức Phật Thích Ca chỉ rõ: “Muốn biết nhân kiếp trước, xem sự hưởng đời nay. Muốn biết quả đời sau, xem việc làm kiếp này”. Như vậy, do những việc làm không lành từ kiếp trước mà con người kiếp này phải chịu khổ đau.

Muốn hết khổ thì phải diệt tập, tức là diệt những nghiệp ác, bất thiện. Khi không còn tạo những nghiệp ác, bất thiện thì sẽ hết khổ gọi là diệt.

Muốn diệt được những nghiệp ác, bất thiện thì phải biết những việc làm nào bị quả báo khổ đau, do đó, phải có đạo (con đường tu sửa) để diệt nghiệp ác, bất thiện. Đó chính là Thập Thiện Đạo, Ba Bảy Pháp Trợ Đạo, Bát Thánh Đạo,…

Những Tỳ kheo ny, Ưu bà tắc, Ưu bà di biết được bốn chân lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo trong cuộc sống của con người nên gọi là “thấy được Thánh Đế”.

Chính kinh:

“Lại có hàng đại Bồ tát đều được những môn đà la ni và những môn tam muội, thật hành không, vô tướng, vô tác; đã được đẳng nhẫn và vô ngại tổng trì. Đây đều là bậc ngũ thần thông, không còn giải đãi, đã rời bỏ danh lợi, thuyết pháp không cầu báo, lời nói ra tất được mọi người kính tin, chứng thâm pháp nhẫn, được sức vô úy, giải thoát tất cả ma hạnh nghiệp chướng, khéo tuyên nói pháp nhơn duyên. Từ vô số kiếp đến nay, các Ngài phát thệ nguyện lớn, nhan sắc hòa vui thường thưa hỏi trước, lời nói dịu dàng, ở giữa đại chúng tự tại không sợ. Trong vô số ức kiếp từng khéo thuyết pháp, biết rõ các pháp như ảo, như diệm, như bóng trăng trong nước, như hư không, như vang, như bóng, như mộng, như thành càn thát bà, như tượng trong gương, như biến hóa, đã được vô ngại vô úy. Biết rõ tâm hành của chúng sanh dùng trí huệ vi diệu mà cứu độ chúng. Các Ngài đã thành tựu đại nhẫn vô ngại như thật, nguyện lãnh thọ vô lượng thế giới của chư Phật tưởng niệm đến vô lượng thế giới, chư Phật chánh định thường hiện tiền, có thể thỉnh vô lượng chư Phật, có thể dứt những kiến chấp và các phiền não, xuất sanh và du hí trăm ngàn muôn tam muội. Hàng đại Bồ tát đây thành tựu vô lượng công đức như vậy.”

Luận giải:

“Những môn đà la ni”: là sức tăng thượng của tuệ niệm (là độ nghĩ, độ nhớ được nhiều).

“Và những môn tam muội”: những môn tam muội gồm có 3 môn, đó là: Không Tam Muội, Vô Tướng Tam Muội và Vô Tác Tam Muội.

Trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật Thích Ca­ đã chỉ: “Không tam muội là nói đối với các pháp tự tướng rỗng không. Đây gọi là không giải thoát môn. Vô tướng tam muội là nói diệt hoại các pháp tướng, không nghĩ, không nhớ. Đây gọi là vô tướng giải thoát môn.  Vô tác tam muội là nói đối với các pháp không mong cầu tạo tác. Đây gọi là Vô tác giải thoát môn”.

Đây là ba môn tam muội mà Đại Bồ Tát đã có được.

“Thật hành không, vô tướng, vô tác”:

– “Thật hành không”: tức là thật hành Không Tam Muội. Trong quan sát các pháp đang hiện hữu, Đại Bồ Tát thấy được mọi vận động, hoạt động, tác động qua lại của tất cả các pháp là không phải tự các pháp, bởi vì các pháp Tự Tướng rỗng không, tức là các pháp Vô Ngã không có chủ tể, không có chúa tể nên mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp là bất khả đắc, nghĩa là các pháp đều tướng như bất động. Như vậy, “thật hành không tam muội” là Đại Bồ Tát thấy được tất cả các pháp đều Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động, tất cả vũ trụ vạn vật trong đại thiên thế giới đều Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động.

– “Thật hành vô tướng”: tức là thật hành Vô Tướng Tam Muội. Trong quan sát, Đại Bồ Tát thấy được các pháp đang hiện hữu nhưng không có tướng tự tịch diệt bởi vì “Diệt hoại các pháp tướng không nghĩ không nhớ”, nghĩa là các pháp không có tướng diệt, hay sự diệt hoại tướng các pháp không phải tự các pháp. Do đó, “thật hành vô tướng tam muội” là thấy được các pháp không có tướng tự tịch diệt, vũ trụ vạn vật trong đại thiên thế giới không có tướng tự tịch diệt (không tự diệt hoại được).

–  “Thật hành vô tác”: tức là thật hành Vô Tác Tam Muội. Trong quan sát, Đại Bồ Tát thấy được dù các pháp đang hiện hữu nhưng các pháp không có tướng sanh (các pháp không tự sanh ra các pháp) vì các pháp không có cỗ máy tạo tác, cấu tạo, sản xuất ra các pháp. Đây chính là Tự Tánh để tạo tác, sanh khởi ra các pháp. Do các pháp không có Tự Tánh để tự tạo tác, sanh khởi ra các pháp nên “các pháp không mong cầu tạo tác”, nghĩa là các pháp không có tướng sanh. Như vậy, Đại Bồ Tát quan sát vũ trụ vạn vật trong đại thiên thế giới tuy đang hiện hữu nhưng tất cả đều không có tướng sanh.

Như vậy, “thật hành không, vô tướng, vô tác” là trong khi quan sát các pháp đang hiện hữu, Đại Bồ Tát thấy được tất cả các pháp đều không có tướng sanh, không có tướng diệt, tất cả là tướng như bất động, nghĩa là thấy được tất cả vũ trụ vạn vật trong đại thiên thế giới là rỗng không bởi không sanh, không diệt, tướng như.

“Đã được đẳng nhẫn, vô ngại tổng trì”:

– “Đẳng nhẫn”: là vượt qua tất cả các pháp chấp trước. Khi thật hành Không Tam Muội, Vô Tướng Tam Muội, Vô Tác Tam Muội, Đại Bồ Tát thấy được các pháp đều không có tướng sanh, không có tướng diệt và tướng như bất động. Do đó, không chấp trước các pháp là có thật nên cũng không phải nhẫn (không phải cố gắng chịu đựng mọi sự đánh đập, chửi mắng,… của người khác đối với mình), bởi vì những người đánh chửi mình Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động, việc họ đánh chửi mình là bất khả đắc, nghĩa là họ không đánh chửi mình được mà Tự Tướng trong người họ đánh chửi mình chính là Đức Phật (Phật Tánh) tác động theo nhân quả.

– “Vô ngại tổng trì”: là biết hết tất thảy các pháp không có chướng ngại, hoàn toàn là sự thật nên không còn ngại (vô ngại), bởi vì khi đi trong 3 môn tam muội, Đại Bồ Tát biết rõ tất cả các pháp không có tướng sanh, không có tướng diệt và Tự Tướng rỗng không nên tướng như bất động. Sự hiện hữu của các pháp là do Đức Phật tạo tác sanh khởi theo nhân quả. Đây hoàn toàn là sự thật, biết rõ được tất cả các pháp là do Phật tạo ra (tất cả các pháp đều là Phật pháp) nên được “vô ngại tổng trì”.

“Đây đều là bậc ngũ thần thông không còn giải đãi”: những Đại Bồ Tát này có năm thần thông là: Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, Lậu Tận Thông.

– Thiên Nhãn Thông: là Đại Bồ Tát có trí huệ biết được các pháp đều rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp đều do chư Phật (các Phật Tánh) đang tạo tác, sanh diệt ra mọi sự vật, hiện tượng ở khắp mười phương trong hằng sa quốc độ, như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Quyết Định, Đức Phật Thích Ca chỉ rõ: “Bồ Tát ấy dùng thiên nhãn thấy hằng sa quốc độ, cũng thấy chúng sanh trong quốc độ ấy,…”.

– Thiên Nhĩ Thông: là Đại Bồ Tát nghe được tiếng nói của chư Thiên ở trong đầu và hành thâm được Bát Nhã Ba La Mật (Phật Tánh) nên dung thông với các Phật Tánh bên ngoài, như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật chỉ rõ: “Bồ Tát dùng thiên nhĩ thanh tịnh hơn hẳn tai thường, nghe chư Phật mười phương thuyết pháp”.

– Tha Tâm Thông: là Đại Bồ Tát biết rõ tâm của tất cả chúng sanh, như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật nói: “Bồ tát này dùng tha tâm trí biết tâm của chư Phật mười phương và biết tâm của tất cả chúng sanh”.

– Túc Mạng Thông: là biết rõ thân mạng của mình và thân mạng của những chúng sanh khác trong vô lượng kiếp, như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Quyết Định, Đức Phật nói: “Bồ tát này dùng túc mạng trí nhớ biết những đời trước của mình và nhớ biết những đời trước của người khác. Dùng túc mạng trí nhớ biết danh tự (tên gọi) của chư Phật và Thánh chúng thuở quá khứ,…”.

– Lậu Tận Thông: là Đại Bồ Tát biết được chỗ tạo nghiệp (những nghiệp ác, bất thiện của chúng sanh) vào thời gian nào, tạo ra những nghiệp gì và chỉ cho chúng sanh con đường tu hành để giải thoát mọi khổ đau, như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật chỉ rõ: “Dùng lậu tận trí, Bồ tát này làm cho chúng sanh được quả Tu đà hoàn đến A la hán, Bích chi Phật. Chỗ nào, nơi nào cũng đều có thể làm cho chúng sanh vào các pháp lành.” hay “Dùng lậu tận thần thông, Bồ Tát này giáo hóa chúng sanh cho họ được Thánh quả tam thừa,…”.

“Không còn giải đãi”: những Đại Bồ Tát đã có năm thần thông thì luôn luôn siêng năng, tinh tấn, không còn giải đãi (lười biếng).

“Đã rời khỏi danh lợi, thuyết pháp không cầu báo”: Những Đại Bồ Tát đã có năm thần thông biết rõ chúng sanh đang bị đọa sanh hành khổ, trong khi chúng sanh không biết được nguyên nhân do đâu mà khổ, nên muốn cứu vớt chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau. Những Đại Bồ Tát này thuyết pháp cho chúng sanh, chỉ cho họ con đường để thoát khổ nhưng không đòi hỏi lợi dưỡng của chúng sanh báo đáp, cũng không cần danh tiếng.

“Lời nói ra tất được mọi người kính tin”: Những Đại Bồ Tát đã có năm thần thông nên biết rõ mong muốn, tâm niệm của chúng sanh, rồi tùy theo chỗ thích ứng mà thuyết pháp. Do đó, lời nói ra đều đúng với mong muốn của chúng sanh nên được mọi người kính tin.

“Chứng thâm pháp nhẫn được sức vô úy”: “Chứng thâm pháp nhẫn” là biết sâu về pháp nhẫn, nghĩa là biết được mọi khổ đau trong mỗi con người đều do Tự Tướng ở trong con người tác động. Mà Tự Tướng này không phải của con người, bởi con người Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động do vô ngã, không có chủ tể, không có chúa tể; mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của con người là bất khả đắc. Tự Tướng trong con người là cái ngã, mà cái ngã này lại là của Như Lai, như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh chỉ rõ: “Ngã tức nghĩa của Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có phật tánh tức là nghĩa của ngã…”. Như vậy, ngã tức là Tự Tánh Như Lai Tạng, là phân thân của Như Lai (Thượng Đế), cũng còn gọi là Phật Tánh. Phật Tánh này thường trụ trong chúng sanh, trong các pháp nên ngã trong chúng sanh chính là Phật Tánh tạo tác, sanh khởi ra chúng sanh và làm Tự Tướng trong chúng sanh. Đó chính là chúa tể, chủ tể để chúng sanh hoạt động, vận động, tác động qua lại được. Do đó, Tự Tướng trong chúng sanh là của Như Lai, chứ không phải của chúng sanh. Nếu hiểu biết được như vậy thì gọi là “chứng thâm pháp nhẫn”, tức là không phải chúng sanh đó đang đánh chửi Bồ Tát, mà là Phật ở trong chúng sanh đó đang đánh chửi theo nhân quả. Khi đã được “chứng thâm pháp nhẫn”, biết được các pháp đều không có tướng sanh, sự hiện hữu của các pháp là do Như Lai chứ không phải tự các pháp tạo ra thì không còn sợ hãi vì biết tất cả các pháp là do Như Lai (Phật) sanh. Mọi hoạt động trong các pháp cũng đều do Như Lai (Phật) thì không còn sợ hãi nên gọi là “được sức vô úy”.

“Giải thoát tất cả ma hạnh nghiệp chướng”: nghĩa là dứt bỏ được tất cả các việc không lành và tu vào hạnh Bồ Tát thoát khỏi được các nghiệp ma hạnh. “Ma hạnh” là các hạnh nghiệp tà vạy (tà vạy là không ngay thẳng, xấu xa) cho nên trừ bỏ được hạnh nghiệp tà vạy thì gọi là giải thoát ma hạnh nghiệp chướng, tức là thật hành thập thiện đạo, ngũ giới, ba bảy pháp trợ đạo, bát thánh đạo,… và trừ bỏ thập bất thiện đạo,… thì gọi là trừ bỏ được nghiệp chướng.

Hạnh là đi theo hạnh thiện (hạnh Bồ Tát). Đi theo hạnh bất thiện là hạnh của ma.

“Khéo tuyên nói pháp nhân duyên”: nghĩa là giảng nói về pháp nhân duyên, không phải tất cả pháp đều do nhân duyên sanh, như trong Kinh Duyên Sinh chỉ rõ: Hỏi: Tại sao gọi là nhân duyên? – Đáp: Có nhân có duyên gọi là nhân duyên. Không phải là không có nhân, không có duyên nên gọi là nhân duyên pháp. Đức Thế Tôn nói qua về hành tướng của nhân duyên rằng: Do duyên kia sinh ra quả nên dù Như Lai có xuất hiện ra đời hay không xuất hiện ra đời đi nữa, tính của mọi pháp (sự vật) vẫn thường trụ, cho đến pháp tánh (nhân duyên tính, pháp tính), pháp trụ tính (tính trong pháp của nhân duyên vẫn thường trụ)…”.

Ở đây, Nhân, Duyên là những yếu tố đã có sẵn, còn Nhân Duyên Pháp chính là Pháp Trụ Tính, là Pháp Tánh thường trụ trong Nhân Duyên, thường trụ trong các pháp, là Phật Tánh, Trí Tuệ Phật, tức Bát Nhã Ba La Mật. Nhân Duyên Tính là tánh trong nhân duyên, là yếu tố cơ bản để quyết định sanh khởi.

Trong quan sát, đối với cây, nhân là hạt giống, duyên là gồm 6 giới: địa, thủy, hỏa, phong, không, thời. Tất cả nhân, duyên đều đã có sẵn.

Đối với con người, nhân là nghiệp, duyên là tùy vào nhân (nghiệp mà con người đã tạo ra). Nhân nào quả ấy. Nếu nghiệp ác, bất thiện thì phải chịu khổ đau, mang thân trong tam đồ khổ (địa ngục, ngã quỷ, súc sanh), phải chịu những khổ đau lớn lao, thuần nhất, cùng cực. Nếu nghiệp thiện thì được hưởng quả báo sướng vui, an lạc.

Như vậy, Nhân, Duyên đều là những pháp đã hiện hữu mà pháp đã hiện hữu thì đều vô tác, không có tướng sanh do không có Tự Tánh nên rỗng không. Vì vậy, Nhân Duyên không thể sanh ra các pháp.

Kinh Duyên sinh chỉ rõ: “Nhân duyên pháp này vì hai thứ mà nó sanh khởi được. Hai thứ ấy là gì? Là nhân tương ứng và duyên tương ứng”.

Do đó, cái sanh khởi ra các pháp phải là Nhân Duyên Pháp, tức là Pháp Trụ Tính (đây là Pháp tánh thường trụ trong các pháp), còn được gọi là Phật Tánh hay Tự Tánh Như Lai Tạng, ẩn trong thân chúng sinh như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ, nhưng để sanh khởi được thì Nhân Duyên Pháp (hay Phật Tánh, Đức Phật) phải có đầy đủ hai yếu tố là Nhân tương ứng và Duyên tương ứng. Nếu không đầy đủ hai yếu tố trên thì Đức Phật không sanh.

Đức Phật chỉ sanh khi có đủ các yếu tố tương ứng của Nhân và Duyên. Trong “Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Bất Khả Tận, Đức Phật Thích Ca cũng chỉ rõ: Này Tu Bồ Đề, đại bồ tát lúc quán mười hai nhân duyên, chẳng thấy có pháp nào không do nhân duyên mà sanh, …”.

Như vậy, Đại Bồ Tát thuyết giảng cho chúng sanh để hiểu biết về Nhân Duyên Pháp. Nhân Duyên Pháp (Đức Phật) chỉ sanh khởi ra các pháp khi có đủ các yếu tố tương ứng của Nhân và Duyên, nghĩa là Đức Phật sanh ra các pháp là dựa theo quy luật của Nhân Duyên, chứ không phải tự Nhân Duyên sanh ra các pháp. Các pháp bị diệt cũng là do Phật, chứ không phải tự Nhân Duyên diệt các pháp. Đây gọi là khéo tuyên nói Pháp Nhân Duyên.

“Các ngài phát thệ nguyện lớn”: “Thệ nguyện” là những lời thề để làm được những việc lớn, chẳng hạn là tu hành thành tựu để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi khổ đau.

“Ở giữa đại chúng tự tại không sợ”: những Đại Bồ Tát này biết rõ tất cả các pháp đều không có tướng sanh, không có tướng diệt, Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động. Mọi sự hiện hữu sanh diệt và vận động, hoạt động, tác động qua lại trong các pháp đều do Đức Phật (Tự Tánh Như Lai Tạng), nên ở giữa đại chúng tự tại không sợ vì biết rõ tất cả pháp là không thật có.

“Biết rõ các pháp như”:

– Ảo: Ảo có nghĩa là không thật, các pháp được sanh ra có hình, tướng là do Tự Tánh Như Lai Tạng, có ba hai tướng tạo tác và tám mươi tùy hình hảo biến hóa ra mà có. Nếu không biến hóa thì các pháp không thật có, do đó, các pháp chỉ là ảo chứ không phải là thật có.

– Như diệm: Diệm cũng có nghĩa là dương diệm. Dương diệm là ví như đám sương mù, nó chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc nhất định khi mặt trời chưa lên. Khi mặt trời đã lên rồi thì đám sương mù bị tan nhanh chóng. Các pháp cũng được ví như dương diệm bởi các pháp được sinh ra và tồn tại trong thế gian này không được lâu dài, thậm chí được ví như là sát na (một nháy mắt).

– Như bóng trăng trong nước: nghĩa là không có thật, chỉ là ảo vì chỉ thấy được cái bóng của trăng, chứ không phải là trăng. Các pháp đều không có hình, không có tướng bởi các pháp là vô tác (không có tướng sanh), sự xuất hiện hình tướng các pháp hiện hữu là theo ba hai tướng và tám mươi tùy hình hảo.

– Như hư không: nghĩa là các pháp rỗng không vì các pháp không có Tự Tánh hay nói cách khác các pháp đều vô tác, không tự sanh nên rỗng không giống như hư không.

– Như vang: Vang là âm thanh. Khi âm thanh phát ra mới xuất hiện tiếng vang rồi mất hẳn. Các pháp được sinh ra và mất đi cũng nhanh như tiếng vang theo thời gian.

– Như bóng: Bóng cũng chỉ xuất hiện khi có ánh sáng chiếu vào sự vật. Khi ánh sáng không chiếu vào sự vật thì bóng cũng mất ngay. Các pháp được tồn tại không lâu dài theo thời gian, nó cũng chỉ như bóng.

– Như mộng: Mộng là giấc mơ không thật, các pháp cũng không thật chỉ như là giấc mộng.

– Như thành càn thát bà: Khi mặt trời mới mọc nhìn về phương Đông thấy các tia bình minh, nhưng khi mặt trời mọc lên thì không còn các tia bình minh nữa, thời gian xuất hiện các tia bình minh rất ngắn. Đây chỉ là ảo ảnh. Các pháp cũng như vậy, nó tồn tại ở thế gian theo thời gian rất ngắn nên nó cũng không có thật.

– Như tượng trong gương: tức là hình ảnh ở trong gương cũng chỉ là ảo, không có thật, giống như bóng trăng trong nước. Các pháp cũng vậy, nó không thật có, cũng chỉ là ảo.

– Như biến hóa: các pháp do biến hóa mà sanh, mà diệt, do đó, sự xuất hiện và biến đi của các pháp nhanh như biến hóa, không còn tồn tại.

“Đã được vô ngại vô úy”: hàng Đại Bồ Tát này biết thiệt rõ các pháp đều không sanh không diệt, tướng như bất động. Sự hiện hữu của các pháp chỉ như là ảo, nhẫn đến như hóa, do đó, không có chướng ngại, không có sợ hãi, tức là vô ngại vô uý.

“Biết rõ tâm hành của chúng sanh dùng trí huệ vi diệu mà cứu độ chúng”: hàng Đại Bồ Tát này có ngũ thần thông (trong đó có tha tâm thông) nên biết rõ tâm hành (mong muốn) của tất cả chúng sanh như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật chỉ rõ: “Bồ tát này cũng biết tâm chư phật, biết tâm niệm của tất cả chúng sanh. Biết tâm niệm của tất cả chúng sanh rồi theo tâm của họ mà thuyết pháp”.

“Dùng trí huệ vi diệu mà cứu độ chúng”: nghĩa là thuyết pháp chỉ cho chúng sanh biết rõ trí tuệ vi diệu là Bát Nhã Ba La Mật, cũng là Tự Tánh Như Lai Tạng hay Phật Tánh đang tạo tác sanh khởi ra chúng sanh và thường trụ trong chúng sanh, ban sướng, đọa khổ chúng sanh theo những việc làm thiện ác của chúng sanh ở những kiếp trước để chúng sanh nương vào đó mà giải thoát gọi là “cứu độ chúng”.

“Các Ngài đã thành tựu đại nhẫn vô ngại như thật”:

– Đại nhẫn là pháp nhẫn toàn diện, hiểu rõ con người bị khởi lên mọi sân hận đều do Nhất Thiết Trí (Pháp Tánh thường trụ trong con người).

Đại nhẫn là nhẫn được tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống, không khởi lên sân hận, không chấp trước các pháp là có thật, như trong Bát Nhã ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm chỉ rõ: “Bồ tát vô sanh pháp nhẫn nếu lúc bị người đến mắng chửi, đánh đập. Bồ tát phải suy nghĩ như vầy: Mắng ta là ai ? Ai chửi, ai đánh, ai đập, ai nhận chịu? Bồ tát phải suy ngẫm thiệt tánh của các pháp, đó là rốt ráo không, không pháp, không chúng sanh. Các pháp còn là bất khả đắc huống gì chúng sanh mà có lúc quan sát như vậy. Bồ tát chẳng thấy người mắng, người chửi, người đánh. Lúc quan sát như vậy Bồ tát này liền được vô sanh pháp nhẫn”.

– Vô ngại như thật: là không có chướng ngại, đúng như sự thật bởi vì các pháp vô tác, không có tướng sanh, không có tướng diệt, rỗng không.

“Nguyện lãnh thọ vô lượng thế giới của chư Phật”: nghĩa là xuyên suốt vô lượng thế giới tất cả các pháp không tự nó sanh, không tự nó diệt, tất cả sự hiện hữu của các pháp là do chư Phật (các Phật Tánh) tạo tác ra vô lượng thế giới.

“Tưởng niệm đến vô lượng thế giới”: nghĩa là ghi nhớ vô lượng thế giới đều là Pháp Tánh thường trụ, còn gọi là vi trần thân của Như Lai đầy khắp mười phương. Vô lượng thế giới đang tạo tác sanh khởi ra mọi hiện hữu.

“Chư Phật chánh định thường hiện tiền”: Đại Bồ Tát này biết được Phật Tánh ở trong các pháp (thường trụ trong các pháp) gọi là “chánh định thường hiện tiền”, không có gì thay đổi vì tất cả các pháp không có Tự Tánh, không tự sanh, rỗng không.

“Có thể dứt những kiến chấp và các phiền não”: khi biết được tất cả các pháp đều vô tác, không có tướng sanh nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Tự Tánh Như Lai Tạng nên không còn chấp vào sự thấy các pháp là có thật thì dứt trừ được các phiền não.

“Xuất sanh và du hí trăm ngàn muôn tam muội”:

– Xuất sanh: không chấp vào sự sanh khởi của các pháp là có thật bởi các pháp đều vô tác, không có tướng sanh. Sự hiện hữu của các pháp chỉ là như ảo nhẫn đến như hóa.

– Du hí trăm ngàn muôn tam muội: là đi trong các pháp, thấy rõ được các pháp không có Tự Tánh nên không có cái tạo tác khởi sanh. Các pháp là vô tác nên các pháp không sanh. Các pháp là vô tướng tức là các pháp không có tướng diệt. Các pháp là tướng như bất động bởi tự tướng rỗng không.

Chính kinh:

“Hàng đại Bồ tát đây thành tựu vô lượng công đức như vậy. Danh hiệu của các Ngài là: Bạt Đà Bà La Bồ tát, Kế Na Dà Na La Bồ tát, Đạo Sư Bồ tát, Na La Đạt Bồ tát, Tinh Đắc Bồ tát, Thủy Thiên Bồ tát, Chủ Thiên Bồ tát, Đại Ý Bồ tát, Ích Ý Bồ tát, Tăng Ý Bồ tát, Bất Hư Kiến Bồ tát, Thiện Tấn Bồ tát, Thế Thắng Bồ tát, Thường Cần Bồ tát, Bất Xả Tinh Tấn Bồ tát, Nhựt Tạng Bồ tát, Bất Khuyết Ý Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Chấp  Bửu Ấn Bồ tát, Thường Cử Thủ Bồ tát, Từ Thị Bồ tát, có trăm ngàn muôn ức na do tha đại Bồ tát như vậy. Hàng đại Bồ tát nầy đều là bậc nhứt sanh bổ xứ nối ngôi Phật.”

Luận giải:

“Nhất sanh bổ xứ”: là những Bồ Tát từ những nơi khác sanh về cõi ta bà, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Vãng Sanh, Đức Phật chỉ rõ: “Nầy Xá Lợi Phất! Có bậc Bồ tát Nhứt sanh bổ xứ từ cung trời Đâu Suất sanh đến đây. Bồ tát nầy chẳng mất sáu môn Ba la mật, tùy sanh đến chỗ nào, tất cả môn đà la ni, tất cả môn tam muội mau hiện ra”.

Chính kinh:

“Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn tự trải tòa sư tử rồi ngồi kiết già ngay thẳng nhiếp niệm nhập tất cả môn vương tam muội. Sau đó Đức Phật an tường xuất định dùng Thiên nhãn nhìn xem thế giới trọn thân mỉm cười, từ tướng thiên bức luân dưới lòng bàn chân phóng ra sáu trăm muôn ức quang minh.Từ mười ngón chân, hai mắt cá, hai bắp chân, hai gối, hai vế, eo, lưng, rún, bụng, hông, ngực, chữ vạn, vai, cánh tay, mười ngón tay, cổ, miệng, bốn mươi răng, mũi, mắt, tai, bạch hào, nhục kế, mỗi chỗ trên thân Phật phóng ra sáu trăm muôn ức quang minh. Từ những quang minh nầy phát ra quang minh lớn chiếu khắp Đại thiên thế giới, rồi chiếu đến hằng sa thế giới của chư Phật ở mười phương, từ đây quang minh lại chiếu vượt qua hằng sa thế giới khắp mười phương. Nếu chúng sanh nào gặp được quang minh nầy thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Luận giải:

“Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn tự trải tòa sư tử”: Đức Phật Thích Ca tự trải tòa sư tử tức là ý thức (tức Tâm Sở) của Đức Phật Thích Ca nhập với Trí Tuệ Phật (Bát Nhã Ba La Mật), có nghĩa là nhập với Phật tri kiến, bởi vì Phật tri kiến (Bát Nhã Ba La Mật) cũng là Phật Tánh, là Pháp Tánh thường trụ trong các pháp, trong chúng sanh, trong Đức Phật Thích Ca. Đó là Tự Tánh Như Lai Tạng ẩn trong thân chúng sanh như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ. Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm đã chỉ rõ: “Tự tánh của Như Lai vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất nên bị cáu bẩn vọng phân biệt, tham, sân, si sở ô nhiễm, giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ”. Tự Tánh Như Lai Tạng cũng chính là cái ngã cai quản sanh diệt, là chúa tể của các pháp nên Đức Phật Thích Ca ví là sư tử, do đó gọi là “trải tòa sư tử”.

“Ngồi kiết già ngay thẳng nhiếp niệm nhập tất cả môn vương tam muội”: “Ngồi ngay thẳng nhiếp niệm” nghĩa là Đức Phật Thích Ca ngồi quan sát tất cả các pháp, thấy được tất cả các pháp đều không có Tự Tánh nên không có cỗ máy tạo tác cấu tạo sản xuất ra các pháp, do vậy, các pháp là vô tác tức tìm được Vô Tác Tam Muội. “Vô tác tam muội là nói đối với các pháp không mong cầu tạo tác”, nghĩa là tất cả các pháp đều không có tướng sanh.

Đức Phật tiếp tục quan sát các pháp. Do các pháp không có tướng sanh, không có tướng nên các pháp không có tướng diệt (Vô Tướng). Các pháp không có tướng diệt nghĩa là các pháp không có tướng tự tịch diệt, tức tìm được Vô Tướng Tam Muội. “Vô Tướng Tam Muội nói diệt hoại các pháp tướng không nghĩ không nhớ”. Như vậy, trong quan sát thấy được các pháp không có tướng tự tịch diệt (không có tướng diệt).

Đức Phật tiếp tục quan sát các hoạt động tác động qua lại của các pháp thì thấy rằng, các pháp tướng như bất động vì các pháp không có Tự Tướng hay Tự Tướng rỗng không nên các pháp vô ngã, không có chủ tể, không có chúa tể để điều khiển các hoạt động của các pháp. Do đó, mọi hoạt động tác động qua lại như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, đắp y, nói cười,… đều bất khả đắc. Các pháp là không vì không có tự tướng, là vô ngã, đây chính là Không Tam Muội. Như vậy, Không Tam Muội chỉ rõ các pháp tướng như bất động do Tự Tướng rỗng không.

Đức Phật Thích Ca quan sát thấy được Không Tam Muội, Vô Tướng Tam Muội, Vô Tác Tam Muội gọi là “nhập tất cả môn vương tam muội” (vương tức là vua).

Sau đó Đức Phật an tường xuất định dùng Thiên nhãn nhìn xem thế giới trọn thân mỉm cười”:

– An tường xuất định: nghĩa là lúc này Đức Phật Thích Ca không thiền để quan sát các pháp hiện hữu nữa, tức là đã rời khỏi tam muội (“xuất định”).

– Dùng Thiên nhãn: nghĩa là nhìn vào Pháp Tánh (Tự Tánh Như Lai Tạng) thấy rõ tất cả thế giới vạn vật, tất cả các pháp đều do Pháp thân của Như Lai (Tự Tánh Như Lai Tạng) đang tạo tác, vận động, tác động qua lại nên Đức Phật Thích Ca mỉm cười. Chỉ có những người thành Phật như Đức Phật Thích Ca (Ngài) mới thấy được như vậy, còn tất cả chúng sanh đều không thấy được, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh chỉ rõ: “Ngã tức nghĩa Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có phật tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã từ nào đến giờ bị vô lượng phiền não che đậy nên chúng sanh chẳng thể thấy biết được”.

Ngã tức là Phật Tánh, cũng là Tự Tánh Như Lai Tạng, là Pháp thân của Như Lai, chỉ có Đức Phật Thích Ca mới thấy rõ được.

“Từ tướng thiên bức luân dưới lòng bàn chân phóng ra sáu trăm muôn ức quang minh.Từ mười ngón chân hai mắt cá, hai bắp chân, hai gối, hai vế, eo, lưng, rún, bụng, hông, ngực, chữ vạn, vai, cánh tay, mười ngón tay, cổ, miệng, bốn mươi răng, mũi, mắt, tai, bạch hào, nhục kế, mỗi chỗ trên thân Phật phóng ra sáu trăm muôn ức quang minh. Từ những quang minh nầy phát ra quang minh lớn chiếu khắp Đại thiên thế giới, rồi chiếu đến hằng sa thế giới của chư Phật ở mười phương, từ đây quang minh lại chiếu vượt qua hằng sa thế giới khắp mười phương”:

Đức Phật Thích Ca rời khỏi tam muội (không còn quan sát các pháp) và thấy được toàn thân của Như Lai (Chánh thân còn gọi là Thượng Đế) phóng ra các quang minh (ánh sáng). Ánh sáng ở đây không phải là ánh sáng thông thường của mặt trời hay bóng đèn mà là biến hóa vô lượng vô biên ra các vi trần thân như trong Vãng sanh quyết định chơn ngôn chỉ rõ: “Quang trung hóa phật vô số ức, hóa bồ tát chúng diệc vô biên”. Quang trung là trong hào quang (quang minh) hóa ra vô số Phật (Phật tại thế), hóa ra Bồ Tát, hóa ra chúng sanh và vũ trụ vạn vật nhiều vô lượng, vô biên, …

Đức Phật Thích Ca muốn khẳng định, Chánh thân Như Lai  đang phân thân tạo ra tất cả chư Phật, Bồ Tát, chúng sanh và vũ trụ vạn vật trong hằng sa thế giới khắp mười phương bởi vì khi Đức Phật Thích Ca ngồi kiết già quan sát, nhập trong các tam muội thì thấy rõ tất cả các pháp trong vũ trụ vạn vật đều không có Tự Tánh, không sanh, không khởi, tất cả đều rỗng không, sự hiện hữu của chư Phật, Bồ Tát, của chúng sanh cùng vũ trụ vạn vật trong đại thiên thế giới đều do Pháp thân Như Lai (vi trần thân, quang minh) tạo ra mà có. Sự thấy biết này chỉ có Đức Phật Thích Ca và những người đã đạt được Phật quả mới thấy rõ được như vậy, còn tất cả chúng sanh không thể thấy biết được.

“Nếu chúng sanh nào gặp được quang minh nầy thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác”: chúng sanh nào gặp được quang minh này (“quang minh” là ánh sáng, là Phật tánh, Pháp thân Như lai), tức là người có Tâm Sở nhập được với Pháp thân của Như Lai thường trụ trong chính thân mình, thường trụ trong chính thân chúng sanh. Pháp thân Như Lai còn gọi là Phật tánh hay Trí Tuệ Phật, Bát Nhã Ba La Mật, Phật tri kiến,… cũng còn gọi là Tâm Vương. Khi Tâm Sở nhập được với Tâm Vương (tức nhập Phật tri kiến) thì sẽ được “vô thượng chánh đẳng chánh giác”, tức là “đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề”.

Chính kinh:

“Tất cả lỗ lông khắp thân của Phật cũng đều mỉm cười phóng quang minh chiếu khắp cõi Đại thiên suốt đến hằng sa thế giới ở mười phương. Nếu chúng sanh nào gặp được quang minh nầy thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Luận giải:

Đức Phật Thích Ca nhìn thấy từ lỗ lông của Đức Phật Như Lai (Thượng Đế) đều mỉm cười phóng quang minh, tức là Chánh thân Như Lai (Thượng Đế) phân thân ra các vi trần thân (phóng quang minh). Từ những lỗ lông của Ngài, các quang minh (các vi trần thân này) bay khắp cõi đại thiên, đến hằng sa thế giới (số lượng thế giới nhiều như cát sông Hằng ở Ấn Độ) trong khắp mười phương. Chúng sanh nào gặp được quang minh này, tức là chúng sanh nào có ý thức nhập được với vi trần thân (Tự Tánh Như Lai tạng hay Pháp thân Như Lai) thường trụ trong chính thân mình thì được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức là thành Phật như Đức Phật Thích Ca.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày 09 tháng 05 năm 2021

Phạm Thị Mý