Chính kinh:
“Đại Bồ Tát muốn dùng thiên nhãn thấy chư Phật trong hằng sa thế giới, muốn dùng Thiên nhĩ nghe pháp của chư Phật ở mười phương tuyên nói, muốn hiểu biết tâm của Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật.”
Luận giải:
Nếu không học Bát nhã ba la mật thì Đại Bồ Tát không biết thế nào là Thiên nhãn, Thiên nhĩ.
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều bất khả đắc nên rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có chư Phật, không có con người. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.
Sự hiện hữu của các pháp, chư Phật mười phương, con người là do Bát nhã ba la mật làm Tự tánh tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp.
Thiên nhãn: là Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều vô sanh. Sự hiện hữu của các pháp, sự hiện hữu của chư Phật trong hằng sa thế giới ở mười phương đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi. Do đó, Đại Bồ Tát có Thiên nhãn mới thấy được chư Phật trong hằng sa thế giới.
Thiên nhĩ: Đại Bồ Tát nghe được hai thứ tiếng, tiếng của loài người (nghe bằng tai) và tiếng của cõi trời (nghe ở trong đầu). Nghe ở trong đầu chính là được nghe từ Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát nói. Nếu không học Bát nhã ba la mật thì khi nghe tiếng nói ở trong đầu cứ nghĩ rằng, đó là tiếng của một vị thần nào đó hay của ma quỷ nhập vào mà không biết đó là tiếng nói của Bát nhã ba la mật thường trụ chính trong thân mình. Do đó, muốn dùng Thiên nhĩ nghe pháp của chư Phật mười phương tuyên nói thời Đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn hiểu biết tâm của Phật: tâm của Phật chính là Phật tánh thường trụ trong thân chúng sanh còn được gọi là Tâm Vương, tâm của chúng sanh gọi là Tâm sở. Tâm Vương là Trí tuệ Phật, cũng là Bát nhã ba la mật, là tâm của Phật trong chúng sanh, là Phật tánh, là cái phân thân của Đức Phật, còn gọi là Pháp thân Như Lai, chính là Pháp tánh thường trụ trong thân chúng sanh, như trong Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm chỉ rõ: “Tự tánh Như Lai tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh”. Như vậy, chúng sanh không có Tự tánh để tự sanh khởi ra chúng sanh nên phải học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được tâm của Phật.
Do đó, “Đại Bồ Tát muốn dùng thiên nhãn thấy chư Phật trong hằng sa thế giới, muốn dùng Thiên nhĩ nghe pháp của chư Phật ở mười phương tuyên nói, muốn hiểu biết tâm của Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Muốn nghe được pháp của chư Phật ở mười phương tuyên nói, nghe xong nhớ mãi đến khi thành Vô thượng Bồ đề vẫn không quên, thời phải học Bát nhã ba la mật.”
Luận giải:
Muốn nghe được pháp của chư Phật ở mười phương tuyên nói thì Đại Bồ Tát phải có Thiên nhĩ thông.
Muốn được Thiên nhĩ thông và hiểu rõ về Thiên nhĩ thông, Đại Bồ Tát phải thật hành Bát nhã ba la mật, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Vãng Sanh, Đức Phật nói: “Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Bồ Tát nầy được thiên nhĩ thần thông trí chứng như vậy”.
Muốn thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật.
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp nên không có chư Phật, không có con người, không có Thiên nhĩ. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.
Sự hiện hữu của các pháp, chư Phật mười phương, con người là do Bát nhã ba la mật làm Tự tánh tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp, trong chư Phật mười phương để chư Phật thuyết pháp.
Khi Đại Bồ Tát thật hành thành tựu Bát nhã ba la mật thì được Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát phát khởi Thiên nhĩ thông và Đại Bồ Tát sẽ nghe (ở trong đầu) được chư Phật mười phương thuyết pháp, nghe xong nhớ mãi đến khi thành Vô thượng Bồ đề vẫn không quên, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật nói: “Bồ Tát nầy dùng thiên nhĩ thanh tịnh hơn hẳn tai thường nghe chư Phật mười phương thuyết pháp, chỗ nghe không sai không quên”.
Muốn có Thiên nhĩ thông, Đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật.
Do đó, “muốn nghe được pháp của chư Phật ở mười phương tuyên nói, nghe xong nhớ mãi đến khi thành Vô thượng Bồ đề vẫn không quên, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Muốn thấy thế giới của chư Phật quá khứ, thấy thế giới của chư Phật vị lai và thế giới ở mười phương của chư Phật hiện tại, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Đại Bồ Tát không học Bát nhã ba la mật thì không thể thấy được thế giới của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.
Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp nên không có thế giới của chư Phật. Do đó, không có quá khứ, vị lai, hiện tại, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.
Sự hiện hữu của các pháp, thế giới của chư Phật mười phương là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra mà có. Có thế giới của chư Phật thời mới có quá khứ, vị lai, hiện tại. Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát thấy được thế giới của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi cho nên phải học Bát nhã ba la mật.
Vì vậy, “muốn thấy thế giới của chư Phật quá khứ, thấy thế giới của chư Phật vị lai và thế giới ở mười phương của chư Phật hiện tại, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Muốn nghe mười hai bộ kinh, từ khế kinh trường hàng đến luận nghị kinh mà hàng Thanh Văn nghe cùng chẳng nghe, nghe xong đều muốn đọc tụng, thọ trì trọn vẹn, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Muốn nghe mười hai bộ kinh mà Đại Bồ Tát không học Bát nhã ba la mật thì không hiểu và không luận giải được nghĩa lý của kinh. Do đó, muốn đọc tụng, luận, nghe được, hiểu thấu khế kinh thời Đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật.
Khế kinh: là tất cả những kinh Phật được truyền phán ở hai hình thức đọa ngôn từ và vượt ngôn từ.
Những câu kinh, bộ kinh mà nghĩa lý phơi bày ở ngôn từ thì gọi là kinh đọa ngôn từ.
Những câu kinh, bộ kinh mà nghĩa lý sâu màu không phơi bày ở ngôn từ (pháp lìa ngôn tự) thì phải dùng phương tiện để luận giải. Đây gọi là kinh vượt ngôn từ.
Như vậy, trong khế kinh gồm khế lý và khế cơ. Khế lý nằm ở vượt ngôn từ thì đòi hỏi những người thuộc thượng căn tìm ra phương tiện luận giải. Khế lý phơi bày ở ngôn từ thì những người thuộc hạ căn đọc cũng hiểu được. Do đó, kinh Phật muốn luận giải thì khế lý phải hợp khế cơ.
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có con người.
Sự hiện hữu của các pháp, con người là do Bát nhã ba la mật làm Tự tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự tướng để các pháp, con người hoạt động, vận động, tác động qua lại như đi, đứng, nằm, ngồi, nghe, đọc tụng, thọ trì, hiểu, … Tất cả là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát thực hiện thành tựu, còn Đại Bồ Tát dù có hiện hữu nhưng Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động như đi, đứng, nằm, ngồi, nghe, đọc tụng, thọ trì, hiểu, … đều bất khả đắc.
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy cho nên phải học Bát nhã ba la mật.
Do đó, “muốn nghe mười hai bộ kinh, từ khế kinh trường hàng đến luận nghị kinh mà hàng Thanh Văn nghe cùng chẳng nghe, nghe xong đều muốn đọc tụng, thọ trì trọn vẹn, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Chánh pháp của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai trong hằng sa thế giới đã tuyên nói, hiện nay nói và sẽ nói, được nghe xong đều muốn tin lãnh thọ trì, thật hành và giảng nói lại cho người khác, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Chánh pháp là gì mà phải học Bát nhã ba la mật thì mới hiểu được về Chánh pháp cho dù chư Phật tại thế ở quá khứ, hiện tại, vị lai nói ra Chánh pháp.
Đối với Chánh pháp này Đức Phật Thích Ca nói theo cách vượt ngôn từ, nghĩa lý của Chánh pháp không phơi bày ở ngôn từ mà ẩn dấu trong phương tiện do Đức Phật Thích Ca chỉ ra. Phương tiện đó chỉ ra cái tạo tác, sanh khởi ra các pháp, đó là Pháp tánh thường trụ trong các pháp; còn các pháp, mọi sự vật hiện tượng hiện hữu đều không có Tự tánh, vô sanh, vô khởi. Vì vô sanh, vô khởi nên rỗng không, không có mà việc tạo tác, sanh khởi ra các pháp là do Pháp tánh thường trụ. Pháp tánh thường trụ này chính là Tự tánh Như Lai tạng ẩn trong các pháp, ẩn trong thân chúng sanh, như Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm chỉ rõ: “Tự tánh Như Lai tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của chúng sanh”.
Tự tánh Như Lai tạng là Pháp thân Như Lai. Pháp thân Như Lai là cái tạo tác, sanh khởi ra tất cả pháp, nhưng Pháp thân Như Lai cũng không tự sanh ra được Pháp thân Như Lai nên xét đến tột cùng thì Pháp thân Như Lai cũng rỗng không. Pháp thân Như Lai được hiện hữu là do Chánh thân Như Lai hay Bát nhã ba la mật phân thân ra mới có, không phân thân sẽ không có.
Như vậy, Chánh pháp là Chánh thân Như Lai, mà Như Lai được mô tả trong kinh là bao gồm Trí tuệ và Thần lực, cũng được gọi là Trí tuệ Phật tức là Bát nhã ba la mật. Vì vậy, muốn biết về Chánh pháp thì phải học Bát nhã ba la mật, học về Trí tuệ Phật.
Tất cả chư Phật tại thế dù ở quá khứ, hiện tại, vị lai đã tuyên nói, hiện nay nói và sẽ nói Chánh pháp là chỉ ra Chánh thân Như Lai còn gọi là Bát nhã ba la mật, Đệ nhất nghĩa đế, là Đấng duy nhất trong vũ trụ tạo tác ra tất cả pháp.
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có nên không có các pháp, không có chư Phật, không có Đại Bồ Tát.
Sự hiện hữu của các pháp là do Pháp thân Như Lai, Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự tướng trong Đại Bồ Tát, trong chư Phật để chư Phật tuyên nói Chánh pháp để Đại Bồ Tát nghe, tin lãnh, thọ trì, thật hành, giảng nói lại cho người khác. Dù chư Phật tại thế, Đại Bồ Tát có hiện hữu nhưng Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, việc tuyên nói Chánh pháp của chư Phật cùng việc nghe, tin lãnh, thọ trì, thật hành, giảng nói lại cho người khác của Đại Bồ Tát đều bất khả đắc.
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy nên phải học Bát nhã ba la mật.
Do đó, “chánh pháp của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai trong hằng sa thế giới đã tuyên nói, hiện nay nói và sẽ nói, được nghe xong đều muốn tin lãnh thọ trì, thật hành và giảng nói lại cho người khác, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Muốn đem quang minh chiếu khắp những chỗ mà mặt nhựt mặt nguyệt chẳng chiếu đến trong hằng sa thế giới ở mười phương, thì phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có mặt trăng, mặt trời, quang minh.
Sự hiện hữu của các pháp, mặt trăng, mặt trời, quang minh (quang minh chính là Phật tánh) trong hằng sa thế giới ở mười phương đều do Bát nhã ba la mật, tức là Chánh thân Như Lai phân thân để tạo tác, sanh khởi ra tất cả, nhiều vô lượng vô biên, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập II, Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát, Đức Phật nói: “Một là có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần, vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân. Tự tại như vậy gọi là đại ngã”.
Thân Như Lai ở đây là Chánh thân, là Đệ nhất nghĩa đế hay Bát nhã ba la mật phân thân ra các Vi trần còn gọi là phóng quang minh. Vi trần là Pháp thân Như Lai hay Phật tánh đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Mặt trăng, mặt trời cũng do Vi trần (Phật tánh) tạo tác, sanh khởi ra. Những chỗ mà ánh sáng mặt trăng, mặt trời không chiếu đến vẫn có Vi trần hay Pháp thân Như Lai chính là quang minh vì quang minh đầy khắp mười phương vô lượng thế giới.
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được những chỗ không có ánh sáng của mặt trăng, mặt trời vẫn có Pháp thân Như Lai (Phật tánh) hay quang minh cho nên phải học Bát nhã ba la mật.
Do đó, “muốn đem quang minh chiếu khắp những chỗ mà mặt nhựt mặt nguyệt chẳng chiếu đến trong hằng sa thế giới ở mười phương, thì phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Muốn làm cho tất cả chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, những nơi không có danh hiệu Phật, Pháp, Tăng, đều được chánh kiến nghe danh hiệu Tam Bảo, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, không có Phật, Pháp, Tăng nên cũng không có các danh hiệu Phật, Pháp, Tăng.
Sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, Phật, Pháp, Tăng là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi. Khi có các pháp, có con người mới có danh hiệu Phật, Pháp, Tăng. Do đó, tất cả chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương được chánh kiến nghe danh hiệu Tam Bảo đều là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh thực hiện khả đắc. Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới hiểu được như vậy.
Vì vậy, “muốn làm cho tất cả chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, những nơi không có danh hiệu Phật, Pháp, Tăng, đều được chánh kiến nghe danh hiệu Tam Bảo thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ cuồng được tỉnh, kẻ rách được lành, kẻ đói khát được no đủ, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương.
Sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương là do Bát nhã ba la mật làm Tự tánh tạo tác, sanh khởi ra theo Luật Nhân quả và làm Tự tướng thường trụ trong chúng sanh, chính là làm cái ngã, chúa tể, chủ tể cai quản chúng sanh trong suốt cuộc đời kiếp này, vô lượng kiếp trước và vô lượng kiếp sau. Chúng sanh bị mù, điếc, cuồng, rách, đói khát đều do Bát nhã ba la mật, Pháp tánh thường trụ trong chúng sanh tạo tác theo những việc làm ác, bất thiện của chúng sanh ở những kiếp trước, bắt chúng sanh phải chịu trách nhiệm về những việc làm ác, bất thiện của chính mình.
Kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ cuồng được tỉnh, kẻ rách được lành, kẻ đói khát được no đủ tất cả đều do cái ngã, chúa tể, chủ tể cai quản trong mỗi chúng sanh, mà ngã chính là Tự Tánh của Như Lai tạng, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh, Đức Phật chỉ rõ: “Ngã tức nghĩa Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã.”
Như vậy, cái ngã chính là Phật tánh, là Bát nhã ba la mật, là Tự tánh Như Lai tạng, là cái tạo tác, sanh khởi ra chúng sanh. Do đó, “năng lực của ta” chính là năng lực của Bát nhã ba la mật tạo tác, thường trụ trong chúng sanh. Tự tánh Như lai tạng có ba mươi hai tướng tạo tác và tám mươi tùy hình hảo để biến hóa nên năng lực của ta (Bát nhã ba la mật) là vô lượng vô biên. Kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ cuồng được tỉnh, kẻ rách được lành, kẻ đói khát được no đủ tất cả là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh. Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được tất cả đều do Bát nhã ba la mật nên phải học Bát nhã ba la mật.
Do đó, “muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ cuồng được tỉnh, kẻ rách được lành, kẻ đói khát được no đủ, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà những loài trong ba ác đạo đều được thân người, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Nếu không học Bát nhã ba la mật thì Đại Bồ Tát không biết tại sao lại có những loài trong ba ác đạo? Làm thế nào để những loài trong ba ác đạo được mang thân người?
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh, không có các pháp, không có chúng sanh, không có các loài trong ba ác đạo.
Sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh là do Bát nhã ba la mật làm Tự tánh tạo tác, sanh khởi ra theo Luật Nhân Quả. Đối với con người nhân là nghiệp. Nếu hành vào những nghiệp ác, bất thiện sẽ bị sanh vào các loài trong ba ác đạo: địa ngục, ngã quỷ, súc sanh.
Như vậy, bị sanh vào các loài trong ba ác đạo hay được mang thân người cũng đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ trong chúng sanh. “Năng lực của ta” chính là năng lực của Tự tánh Như Lai tạng, tức là Bát nhã ba la mật, là cái cai quản sanh diệt các pháp, là chúa tể, chủ tể, là cái ngã trong các pháp. Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả đều do năng lực của Bát nhã ba la mật nên phải học Bát nhã ba la mật .
Do đó, “Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà những loài trong ba ác đạo đều được thân người, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà được đứng vững nơi giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, được quả Tu đà hoàn nhẫn đến quả Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có chúng sanh, không có Đại Bồ Tát.
Sự hiện hữu của các pháp, con người là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra và làm Tự tướng trong các pháp, trong con người để các pháp, con người hoạt động, vận động, tác động qua lại được thành tựu. Chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương dù được Bát nhã ba la mật sanh ra hiện hữu nhưng tất cả đều Tự tướng rỗng không, vô ngã, tướng như bất động. Do đó, việc chúng sanh đứng vững nơi giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, được quả Tu đà hoàn nhẫn đến quả Vô thượng Bồ đề là bất khả đắc.
Mọi sự mong muốn của Đại Bồ Tát để chúng sanh đứng vững nơi giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, được quả Tu đà hoàn nhẫn đến quả Vô thượng Bồ đề đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh làm cái ngã, làm chúa tể, chủ tể trong mỗi chúng sanh để chúng sanh thành tựu những mong muốn của Đại Bồ Tát. “Năng lực của ta” chính là năng lực của Bát nhã ba la mật thường trụ trong mỗi chúng sanh.
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được như vậy nên phải học Bát nhã ba la mật.
Do đó, “muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà được đứng vững nơi giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, được quả Tu đà hoàn nhẫn đến quả Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Chính kinh:
“Đại Bồ Tát muốn học oai nghi của chư Phật, muốn nhìn ngó như tượng vương, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
Luận giải:
Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có chư Phật, không có Đại Bồ Tát.
Sự hiện hữu của các pháp, chư Phật, Đại Bồ Tát đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm chúa tể, chủ tể, làm cái ngã trong chư Phật để tạo ra oai nghi; còn chư Phật dù có hiện hữu nhưng vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi oai nghi đều bất khả đắc.
Việc học oai nghi của chư Phật muốn nhìn ngó như tượng vương đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát làm Tự tướng thực hiện khả đắc những mong muốn của Đại Bồ Tát nên phải học Bát nhã ba la mật.
Do đó, “Đại Bồ Tát muốn học oai nghi của chư Phật, muốn nhìn ngó như tượng vương, thời phải học Bát nhã ba la mật”.
(Còn tiếp …)
Chùa Hang, ngày 15 tháng 07 năm 2021
Phạm Thị Mý