Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Phụng Bát) – P11

PHẨM PHỤNG BÁT

THỨ HAI

Chính kinh:

“Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: “Nếu Đại Bồ tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật có thể làm những công đức ấy thì bốn vị Thiên Vương đều rất vui mừng mà nghĩ rằng chúng ta phải đem bốn cái bát dâng lên Bồ tát như những bát mà chư Thiên Vương thuở trước đã dâng cho Phật thuở trước””.

Luận giải:

Đoạn kinh này Đức Phật Thích Ca dùng pháp dụ nói với Xá Lợi Phất: nếu Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật thì đó là thật hành tất cả pháp không có Tự tánh, không sanh, rỗng không như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Vô Tác, Đức Phật nói:

“Muốn thật hành Bát nhã ba la mật Đại Bồ tát chẳng hành nơi sắc, chẳng hành nơi thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến chẳng hành nơi Nhất thiết chủng trí … Tại sao vậy? Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến Nhất thiết chủng trí đây đều không có tánh…”.

“Sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến Nhất thiết chủng trí không có tánh”: tức là không có Tự tánh nên không tự sanh khởi, rỗng không. Do đó, Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật là không chấp trước các pháp. Nếu Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật có thể làm được những công đức thì đó là Đại Bồ tát muốn cứu khổ, độ sanh cho tất cả chúng sanh. Đại Bồ tát thuyết giảng chỉ ra cho chúng sanh biết Bát nhã ba la mật là Trí tuệ đến từ bờ kia, làm cái Tự tánh tạo tác, sanh khởi ra tất cả pháp. Nếu chúng sanh tin và hiểu được trong chính thân mình, trong các pháp có Bát nhã ba la mật đang thường trụ làm chúa tể, chủ tể cai quản sanh diệt và điều hành mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp theo Quy luật Nhân quả thì tất cả chúng sanh, mọi người phải nương vào Bát nhã ba la mật mới giải thoát được mọi khổ đau, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Bửu Pháp Đại Minh, Đức Phật nói:

“Vì Bát nhã ba la mật nhẫn đến Nhứt thiết chủng trí là chỗ mà chư Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ tát, chư Phật và tất cả thế gian, Trời, Người, A tu la đều đáng y chỉ ở nơi đó”.

Vì nghiệp là nguyên nhân của mọi khổ đau theo quy định của nhân và quả, sự báo ứng khổ đau theo nghiệp là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong mỗi chúng sanh báo ứng, cho nên khi con người không còn tạo ra những nghiệp ác, bất thiện thì Bát nhã ba la mật không tạo ra khổ đau nữa, con người sẽ được giải thoát. Bát nhã ba la mật đưa ra Luật Nhân quả để đảm bảo sự công bằng giữa cái ác và cái thiện của con người. Đại Bồ tát thuyết giảng chỉ ra cho chúng sanh biết được như vậy thì Đại Bồ tát này cũng được tôn trọng cung kính như Đức Phật tại thế.

Bốn vị Thiên Vương mỗi người một cái bát nên bốn vị là bốn cái bát. Bát này là “y bát”, có nghĩa là đi vào tu hành sửa đổi như y bát của Đức Phật Thích Ca. “Một y một bát tùy thân” muốn nói không mong cầu những tham vọng của thế gian mà hướng về Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật để tu hành, do vậy gọi là “Dâng bát”.

“Bốn vị bốn cái bát” là muốn nói đại diện cho bốn phương “Đông, Tây, Nam, Bắc” đều phải y về con đường sửa đổi tu hành như Đại Bồ tát thật hành Bát nhã Ba la mật để giải thoát mọi khổ đau. Cũng giống như chư Thiên Vương thuở trước y theo chư Phật tại thế thuở trước mà tu hành mới mong được giải thoát nhẫn đến được giải thoát hoàn toàn.

Chính kinh:

“Lúc đó trời Đao Lợi nhẫn đến trời Tha Hóa Tự Tại cũng rất hoan hỷ mà nghĩ rằng chúng ta phải hầu hạ cúng dường Bồ tát để hàng Thiên chúng được thêm đông và giảm bớt hàng A tu la”.

Luận giải:

Đoạn kinh này muốn chỉ rõ Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật là Đại Bồ tát làm được nhiều lợi ích cho chúng sanh, thuyết giảng chỉ ra cho chúng sanh biết tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có. Các pháp được hiện hữu là do Bát nhã ba la mật, còn gọi là Đức Phật hay Phật tạo tác, sanh khởi. Do đó, tất cả các pháp đều bị Bát nhã ba la mật là Trí tuệ đến từ bờ kia cai quản sanh diệt và điều hành mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp, chỉ rõ Bát nhã ba la mật cai quản các pháp theo Luật Nhân quả. Mọi khổ đau, bệnh tật, hoạn nạn, đói khát, … của chúng sanh đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong mỗi chúng sanh tạo ra theo những việc làm ác, bất thiện mà chúng sanh đã tạo ra ở những kiếp trước nên muốn giải thoát mọi khổ đau thì chúng sanh phải dứt trừ những nghiệp ác, bất thiện mà phải thực hiện các thiện pháp nơi thân, khẩu, ý. Đại Bồ tát chỉ ra cho chúng sanh tu hành các thiện pháp để tránh báo ứng nhân quả khổ đau, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tu Tập Đúng, Đức Phật Thích Ca nói:

“Vì do có nhơn duyên của Đại Bồ tát nên những thiện pháp của thế gian phát sanh. Như những pháp thập thiện, ngũ giới, bát quan trai, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát thánh đạo phần, lục ba la mật, thập bát không, thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng, đại từ đại bi, nhất thiết chủng trí, do Nhân duyên của Bồ tát mà những pháp này hiện ra trên thế gian. Cũng do Nhân duyên của Bồ tát mà những đại tộc Sát đế lợi, Bà la môn, Cư sĩ, Tứ Thiên Vương nhẫn đến Phi Phi Tưởng Thiên, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật và Phật Đà đều xuất hiện trên thế gian”.

Như vậy, do có Đại Bồ tát xuất hiện ở thế gian chỉ cho chúng sanh tu hành các pháp thiện, rời bỏ các pháp ác bất thiện mà dứt được ba ác đạo, dứt được sự nghèo cùng của Trời, Người, dứt được những tai họa bệnh tật; chỉ rõ cho chúng sanh muốn thoát khỏi mọi khổ đau thì phải thật hành thập thiện, ngũ giới, bát quan trai, bát thánh đạo, ba bảy pháp trợ đạo. Thực hiện các pháp thiện này, xa rời các pháp ác, bất thiện thì khi chết sẽ được sanh lên các cõi trời, hàng Thiên chúng thêm đông, giảm bớt được hàng A tu la.

Đại Bồ tát chỉ rõ cho chúng sanh biết con người hoàn toàn tự quyết định vận mệnh của chính mình bởi những việc làm thiện hay ác, bất thiện của họ. Do đó, con người được sanh ra có sự khác nhau: người được sanh vào dòng tôn quý, kẻ thì nghèo cùng, hạ tiện, … Tất cả là do những việc làm thiện hay ác, bất thiện ở những kiếp trước mà họ đã tạo ra. Chư Thiên ở các cõi trời biết rõ chỉ có chư Đại Bồ tát mới đưa ra được những thiện pháp cho chúng sanh thực hiện tu hành để thoát khổ và có thể được chứng các quả từ Tu đà hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật và Chư Phật tại thế. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tam Thán, Đức Phật nói:

Nầy chư Thiên tử ! Do Đại Bồ tát Nhân duyên mà dứt ba ác đạo nhẫn đến có Tam bảo xuất hiện thế gian. Vì thế nên chư Thiên và mọi người cùng A tu la phải thường thủ hộ, cúng dường cung kính, tôn trọng tán thán Đại Bồ tát nầy.

Nầy chư Thiên tử! Cúng dường kính trọng Đại Bồ tát nầy thời là cúng dường Đức Phật”.

Do đó, “Trời Đao Lợi nhẫn đến trời Tha Hóa Tự Tại cũng rất hoan hỷ mà nghĩ rằng chúng ta phải hầu hạ cúng dường Bồ tát để hàng Thiên chúng được thêm đông và giảm bớt hàng A tu la”.

Chính kinh:

“Chư Thiên trong cõi Đại thiên, từ cõi Tứ Vương đến cõi Sắc Cứu Cánh đều rất vui mừng mà nghĩ rằng chúng ta phải cẩn thỉnh Bồ tát chuyển pháp luân”.

Luận giải:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật khi được đầy đủ các thiện căn công đức sẽ được Nhất thiết chủng trí và Chuyển pháp luân.

“Chuyển pháp luân”: là chuyển pháp Tứ đế, pháp Nhân duyên từ Tượng pháp sang Chánh pháp. Pháp Tứ đế và pháp Nhân duyên mà hàng Thanh văn, Bích Chi Phật tu hành chỉ là tượng pháp, chấp vào các pháp hiện hữu là có thật, tự các pháp sanh ra các pháp hoặc các pháp do Nhân duyên sanh.

Đại Bồ tát chuyển pháp luân là thuyết giảng, chỉ ra Chánh pháp cho tất cả chúng sanh để chúng sanh thấy được tất cả các pháp đều là Phật pháp, có nghĩa là tất cả các pháp đều do Phật sanh ra, còn các pháp thì vô sanh, vô khởi vì không có Tự tánh, tức là không có cỗ máy để tự tạo tác, cấu tạo, sản xuất ra các pháp. Mà Tự tánh đó là Tự tánh của Như Lai Tạng cũng là Phật tánh do Đức Phật Như Lai hay Bát nhã ba la mật phân thân ra, làm Tự tánh tạo tác, sanh khởi ra các pháp và thường trụ trong các pháp còn gọi là thường trụ tướng thế gian. Do đó, tất cả các pháp đều là Phật pháp, đều từ Phật sanh ra, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: Vì tất cả pháp chẳng sanh như vậy, nên Bát nhã ba la mật phải sanh”. Đức Phật Thích Ca khẳng định tất cả các pháp đều do Bát nhã ba la mật còn gọi là Phật sanh ra mà không phải là tự nhiên hay Nhân duyên sanh ra được các pháp.

Đại Bồ tát thuyết giảng cho chúng sanh biết mọi khổ đau của con người, sự đọa sanh hành nghiệp cho đến việc huân tập nghiệp trong Tứ đế, trong Nhân duyên tất cả đều là do Phật thường trụ trong mỗi chúng sanh tạo ra theo Luật Nhân quả mà Đức Phật Như Lai quy định.

Các pháp: chúng sanh, con người, … dù được Phật sanh ra hiện hữu nhưng vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động. Mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, đắp y, nói, cười, … đều bất khả đắc.

Nếu mọi người được nghe, biết và tin hiểu trong mỗi người, trong các pháp đều có Phật đang thường trụ và làm cái ngã, làm chúa tể, chủ tể trong con người, trong các pháp để chúng sanh, con người vận động, tác động qua lại theo ý thức (suy nghĩ) của mình thì mọi người chỉ thực hiện các pháp thiện, xa lìa các pháp ác, bất thiện sẽ được thoát khỏi mọi khổ đau, thoát ly được sanh tử, dẫn đến được giải thoát và giải thoát hoàn toàn.

Chư Thiên trong các cõi Đại Thiên đều mong muốn Bồ tát này chuyển pháp luân chỉ cho chúng sanh tu hành để tất cả chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau, phiền não.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc vị Đại Bồ tát này thật hành Bát nhã ba la mật, tăng ích sáu ba la mật, các thiện nam tử và thiện nữ nhơn đều vui mừng mà tự nghĩ rằng chúng ta phải làm cha mẹ, vợ con, thân tộc, họ hàng cho người này”.

Luận kinh:

Các thiện nam tử và thiện nữ nhơn là những người tu hành các pháp thiện, biết được Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật làm tăng ích sáu ba la mật bởi thật hành Bát nhã ba la mật là nhiếp tất cả các thiện pháp, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Vãng Sanh, Đức Phật Thích Ca nói:

Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có thiệt ngữ có thể nhiếp tất cả các thiện pháp, thời chính đó là Bát nhã ba la mật”.

Hay như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Bửu Pháp Đại Minh, Đức Phật Thích Ca chỉ rõ:

“Vì tất cả pháp lành đều nhập vào trong Bát nhã ba la mật”.

Do đó, các thiện nam tử, thiện nữ nhơn đều theo Đại Bồ tát này để tu hành và tất cả cùng Đại Bồ tát này xem nhau như cha mẹ, vợ con, thân tộc, họ hàng.

Chính kinh:

“Lúc đó trời Tứ Vương nhẫn đến trời Sắc Cứu Cánh đều rất vui mừng mà tự nghĩ rằng chúng ta phải tìm cách làm cho Bồ tát này xa lìa dâm dục, từ sơ phát tâm luôn là đồng chơn, chớ để vị này hội hiệp với sắc dục, nếu hưởng thọ ngũ dục thời sẽ chướng ngại sanh về Phạm Thiên huống là quả Vô thượng Bồ đề”.

Luận giải:

Chư Thiên các cõi trời từ Tứ Vương đến Sắc Cứu Cánh muốn giúp Bồ tát này không bị thối chuyển nơi Vô thượng Bồ đề nên suy nghĩ phải tìm cách làm cho Bồ tát này xa lìa dâm dục, chớ để vị này hội hiệp với sắc dục, không để hưởng thọ ngũ dục nên từ khi mới phát tâm phải là người đoạn dục xuất gia luôn là đồng chơn. Nếu hưởng thọ ngũ dục sẽ dễ tạo những nghiệp ác, bất thiện, khó được sanh về Phạm Thiên huống là được quả Vô thượng Bồ đề. Theo các chư Thiên thì Bồ tát này phải xuất gia, đoạn dục mới được Vô thượng Bồ đề.

Bồ tát này là Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật, tức là Bồ tát không chấp vào tất cả các pháp bởi đã hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên không có sắc dục, không có ngũ dục. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi. Nó cũng chỉ như mộng, ảo, hóa, không thật có. Do đó, Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật thì hiểu được sắc dục, ngũ dục là không thật có. Bồ tát mang thân sắc, thọ hưởng ngũ dục là để giáo hóa cho chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau, cho nên Bồ tát này vẫn có thể được Vô thượng Bồ đề mà không cần phải đoạn dục mới đáng được Vô thượng Bồ đề như suy nghĩ của chư Thiên ở các cõi Trời.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát cần phải là người đoạn dục xuất gia mới đáng được Vô thượng Bồ đề, chẳng phải là người không đoạn dục mà được”.

Luận giải:

Đức Phật Thích Ca hiểu được suy nghĩ của chư Thiên ở các cõi Trời là: muốn được Vô thượng Bồ đề thì Đại Bồ tát phải là người đoạn dục xuất gia mới đáng được Vô thượng Bồ đề nên Đức Phật Thích Ca hỏi Xá Lợi Phất như vậy.

Chính kinh:

“Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ tát cần phải có cha mẹ, vợ con, thân tộc, họ hàng chăng?”

Đức Phật nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có Bồ tát có cha mẹ, vợ con, thân tộc. Hoặc có Bồ tát từ khi sơ phát tâm đoạn dục tu hạnh đồng chơn mãi đến thành Vô thượng Bồ đề chẳng phạm sắc dục. Hoặc có Bồ tát dùng phương tiện lực hưởng thọ ngũ dục xong mới xuất gia thành Vô thượng Bồ đề”.

Luận giải:

Đức Phật Thích Ca chỉ rõ: để được Vô thượng Bồ đề thì Đại Bồ tát có thể tại gia tu hành, hoặc xuất gia tu hành, hoặc tại gia thọ hưởng ngũ dục sau đó mới xuất gia tu hành, chứ không nhất thiết từ khi sơ phát tâm đoạn dục tu hạnh đồng chơn mới đáng được Vô thượng Bồ đề.

Chính kinh:

“Ví như nhà ảo thuật giỏi khéo dùng phương ảo thuật hóa ra cảnh ngũ dục rồi vui đùa trong đó. Ý ông nghĩ thế nào, nhà ảo thuật có thiệt hưởng thọ cảnh ngũ dục ấy chăng ?”

“Bạch đức Thế Tôn! Không ạ”.

Luận giải:

Bởi cảnh ngũ dục là do nhà ảo thuật biến hóa ra, nó không có Tự tánh, tức là không có cỗ máy, sản xuất, cấu tạo ra cảnh ngũ dục, cho nên cảnh ngũ dục không tự sanh, rỗng không, không có thật. Do đó, nhà ảo thuật thiệt không hưởng thọ cảnh ngũ dục.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Cũng vậy, Đại Bồ tát dùng phương tiện lực hóa ra cảnh ngũ dục rồi ở trong đó hưởng thọ để độ chúng sanh”.

Luận giải:

“Đại Bồ tát dùng phương tiện lực hóa ra cảnh ngũ dục rồi ở trong đó thọ hưởng để độ chúng sanh”: đây là cách nói dụ muốn chỉ rõ Đại Bồ tát dùng sức phương tiện đi trong ba môn tam muội: Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội thấy được tất cả các pháp đều không sanh, không diệt, tướng như bất động nên biết được tất cả các pháp đều không sanh do không có Tự tánh, rỗng không, không có. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật chỉ rõ:

“Vì tất cả pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.

Do đó, sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, nó chỉ như mộng, ảo, hóa nên Đại Bồ tát biết rõ cảnh ngũ dục chính là thân sắc. Ngũ dục là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Đây là thực thể vật chất, là thân sắc của con người, cũng như thân sắc của muôn loài và vạn vật trong tự nhiên. Thân sắc của con người chính là thân tứ đại, nó không có thật chỉ như mộng, nhẫn đến như hóa. Đại Bồ tát dù mang thân sắc nhưng biết được thân tứ đại là không có thật. Do đó, dù mang thân sắc nhưng Đại Bồ tát không ái quí thân sắc, tất cả mọi cảnh ngũ dục ở thế gian là không có thật.

Đại Bồ tát chỉ ra cho chúng sanh biết tất cả các pháp ở thế gian rỗng không, không thật có, không chấp vào các pháp là có thật, tự các pháp sanh ra được các pháp bởi các pháp là do Bát nhã ba la mật sanh theo Nhân quả. Nếu chấp vào các pháp, chấp vào cảnh ngũ dục là có thật thì sẽ không thoát khỏi mọi khổ đau, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật nói:

“Nầy Tu bồ đề! Vì tất cả pháp không có tánh nên Đại Bồ tát vì chúng sanh cầu Vô thượng Bồ đề.

Tại sao? Vì những ai có được, có chấp thì khó được giải thoát”.

Do đó, nếu chấp vào các pháp vào ngũ dục là có thật thì sẽ không thể thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, sầu, não và quả khổ đời sau, …

Chính kinh:

“Đại Bồ tát nầy chẳng nhiễm ngũ dục, lại dùng nhiều cách quở trách ngũ dục: ngũ dục là lửa cháy, ngũ dục là nhơ nhớp xấu xa, ngũ dục là thứ phá hoại, ngũ dục như oán thù”.

Luận giải:

Đại Bồ tát biết rõ năm dục là rỗng không. Nó hiện hữu chỉ như mộng nhẫn đến như hóa, không thật nên dù mang thân sắc sống trong năm dục nhưng Đại Bồ tát không bị nhiễm tà dục và chỉ cho chúng sanh biết năm dục không thật có bởi nó không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Nếu chúng sanh chấp vào năm dục là có thật thì:

♦ “Năm dục là lửa cháy”: năm dục chính là thực thể vật chất của con người cũng như chúng sanh được Đức Phật Thích Ca ví là ngôi nhà lửa vô thường, như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển Thứ II, Phẩm Thí Dụ, Đức Phật nói :

Ngôi nhà rộng chỉ có một cửa ra vào, … lầu gác đã mục, vách phên sụp đỗ, chân cột hư nát, trính xuyên xiêu ngã, bốn phía đồng một lúc, lửa bỗng nổi lên đốt cháy nhà cửa”.

Đức Phật muốn chỉ thân tứ đại của con người: xương cốt thì vôi hóa, lục phủ ngũ tạng, tay chân chỗ nào cũng tê nhức, đau đớn, mệt mỏi, … Đây chính là ngôi nhà lửa vô thường bị cái vô thường thiêu đốt bất cứ lúc nào bởi nó có sanh, có diệt.

♦ “Năm dục là nhơ nhớp xấu xa”: Năm dục là thân tứ đại của con người nhơ nhớp xấu xa bởi chứa toàn những chất bất tịnh như xương, thịt, da, tóc, máu, mủ, đờm nhớt, phân, mồ hôi, nước tiểu, … Tất cả đều là những thứ xấu xa, nhơ nhớp.

♦ “Năm dục là phá hoại”: bởi thân sắc của con người là vô thường, có biến đổi, có sanh, có diệt như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Thứ Nhất, Đức Phật chỉ rõ:

Thân này như thân cây chuối, như ánh nắng, như bọt nước, như huyễn hóa, như thành càn thát bà, như đồ gốm chưa hầm, …”.

Do vậy, thân sắc có thể bị phá hoại bất cứ lúc nào.

♦ “Năm dục là oán thù”: năm dục là thân tứ đại, oán thù thân tứ đại vì phải mang thân trả nghiệp. Do đó, phải chịu vô lượng sự khổ nên oán thù cái thân này. Con người phải tu hành để giải thoát không còn phải mang thân tứ đại nữa.

Đại Bồ tát thọ thân sắc sống trong ngũ dục nhưng lại dùng nhiều cách để quở trách ngũ dục, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Thứ Nhất, Đức Phật Thích Ca chỉ rõ:

“Thân nầy là vật không bền chắc khác nào bọt nước, cây chuối, cọng lau. Thân này vô thường niệm niệm không dừng như làn chớp, nước dốc, như ảo thuật, ngọn lửa, lằn vẽ trên nước. Thân nầy dễ hư rã như cây bên bờ sông lở. Thân nầy không mấy chốc sẽ là thức ăn của sói, chồn, quạ, kền, chó đói. Có ai là người trí mà ưa thích thân nầy. Đem hết nước biển đựng trong dấu chân trâu còn không khó bằng kể cho đủ những vô thường, nhơ nhớp, hôi thúi của thân nầy. Vò quả địa cầu làm cho nhỏ lại bằng trái táo, bằng hạt đình lịch, bằng hạt bụi, là việc dễ hơn kể hết những tội lỗi tai hại của thân nầy. Thế nên phải nhàm bỏ thân nầy như nhàm bỏ đàm mũi”.

Đại Bồ tát chỉ cho chúng sanh biết nếu chấp vào ngũ dục là có thật và tham đắm tìm cầu thì sẽ bị đắm chìm trong biển khổ sanh tử, không thể tự mình thoát ra được.

Chính kinh:

“Do đây nên biết rằng vì độ chúng sanh mà Bồ tát hưởng thọ ngũ dục”.

Luận giải:

Bồ tát dù mang thân tứ đại hưởng thọ ngũ dục nhưng chỉ hưởng thọ chánh dục, không bị nhiễm tà dục, lại dùng nhiều cách để quở trách ngũ dục bởi Bồ tát biết rõ các pháp cũng như ngũ dục là rỗng không do không có Tự tánh, không tự sanh khởi nên không có các pháp, không có ngũ dục.

Sự hiện hữu của các pháp: ngũ dục, … là do Bát nhã ba la mật tạo tác theo Nhân quả. Nó chỉ như mộng nhẫn đến như hóa, không thật có nhưng chúng sanh lại chấp vào các pháp, chấp vào ngũ dục là có thật nên bị đắm chìm trong luân hồi sanh tử, không thể thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ não, … nên Bồ tát hưởng thọ ngũ dục để chỉ cho chúng sanh tu hành thoát khổ, cũng giống như Đức Phật Thích Ca xuất hiện ở thế gian. Vì lợi ích cho chúng sanh mà Đức Phật Thích Ca phải mang thân sắc để cứu giúp chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau, như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển Hai, Phẩm Thí Dụ Thứ Ba, Đức Phật Thích Ca nói:

“Hằng vì cầu việc lợi lành cho tất cả muôn loại mà sanh vào nhà lửa cũ mục này, để độ chúng sanh ra khỏi nạn lửa: sanh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, ngu si, tăm tối, tam độc, dạy bảo cho chúng sanh được Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Như vậy, Bồ tát cũng như Đức Phật xuất hiện ở thế gian hưởng thọ ngũ dục phải mang thân sắc là để cứu khổ độ sanh cho tất cả chúng sanh. “Do đây nên biết rằng vì độ chúng sanh mà Bồ tát hưởng thọ ngũ dục”.

Chính kinh:

“Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ tát phải thật hành Bát nhã ba la mật thế nào?”

“Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát chẳng thấy Bồ tát, chẳng thấy danh tự Bồ tát, chẳng thấy Bát nhã ba la mật, cũng chẳng thấy mình có thật hành Bát nhã ba la mật cùng không thật hành Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Thật hành Bát nhã ba la mật là Đại Bồ tát không chấp vào tất cả pháp từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến Nhất thiết chủng trí do tất cả các pháp đều không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có các pháp nên không có Đại Bồ tát. Bồ tát được sanh ra mới có danh tự (tên gọi), còn khi không được sanh ra, không có thì không có danh tự Bồ tát.

Sự hiện hữu của các pháp: Bồ tát, … là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi thì mới có Bồ tát và danh tự Bồ tát, nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên không có Bát nhã ba la mật. Không có Bát nhã ba la mật thì không có Bồ tát, không có danh tự Bồ tát, do đó, chẳng thấy Bát nhã ba la mật, chẳng thấy Bồ tát, chẳng thấy danh tự Bồ tát.

Việc thực hành Bát nhã ba la mật là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra Bồ tát, thường trụ và làm Tự tướng trong Bồ tát để thật hành. Đại Bồ tát dù có hiện hữu nhưng Tự tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc thật hành Bát nhã ba la mật là bất khả đắc. Bởi Bồ tát không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên chẳng thấy mình có thật hành cùng không thật hành Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Tại sao vậy? Vì Bồ tát và danh tự Bồ tát, tánh vốn rỗng không. Trong Tánh không chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, rời lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng có Tánh không. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức là Tánh không, Tánh không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức”.

Luận giải:

♦ “Vì Bồ tát và danh tự Bồ tát, tánh vốn rỗng không”: nghĩa là Bồ tát và danh tự Bồ tát không có tánh tức là không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không nên không có Bồ tát thì cũng không có danh tự (tên gọi) Bồ tát. Bồ tát được hiện hữu, có tên gọi là do Bát nhã ba la mật còn gọi là Tánh không hay Nhất thiết trí tạo ra, như Kinh Lăng Già, Quyển Thứ Tư, Đức Phật Thích Ca nói:

“Biết ta là Như Lai, là Nhất thiết trí, là Tánh không, là Trời, là Chúa tể, là Chơn đế, là Thực tế, là Pháp tánh, là Niết Bàn, … dù trăm ngàn danh hiệu như thế mà nghĩa vốn không sai biệt”.

Do đó, Tánh không, Nhất thiết trí, Pháp tánh chính là cái tạo tác, sanh khởi ra các pháp, sanh khởi ra Bồ tát. Bồ tát được giả hợp bởi năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vốn thể Bồ tát không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có nên không có danh tự.

♦ “Trong Tánh không chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức”: nghĩa là Tánh không, Pháp tánh sinh ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhưng trong Tánh không ấy không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức bởi vì Tánh không sanh ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức là súc sanh thì được hiện hữu là thân súc sanh, còn Tánh không sanh ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức là con người thì được hiện hữu là thân con người, … Do đó, sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có trong Tánh không. Ví dụ như bông hoa được sinh ra từ cây hoa nhưng trong cây hoa không có bông hoa mà hoa vẫn được sinh từ cây ra, …

♦ “Rời lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng có Tánh không”: bởi vì Tánh không là cái đang tạo tác, sanh ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức và thường trụ trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức nên khi không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì không có Tánh không. Do đó, rời lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng có Tánh không.

♦ “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức là Tánh không”: sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn thể là không có Tự tánh, tức là không có cỗ máy để tạo tác, cấu tạo ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức là rỗng không, không có, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật chỉ rõ:

“Vì sắc chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật sanh. Vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật sanh”.

Như vậy, sự hiện hữu của sắc, thọ, tưởng, hành, thức là do Bát nhã ba la mật chính là Tánh không tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nếu không có Tánh không thì không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức là Tánh không. Tánh không còn gọi là Phật tánh hay Phật nên tất cả các pháp đều do Phật tạo ra, vì vậy, tất cả các pháp đều là Phật pháp.

♦ “Tánh không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức”: nghĩa là giữa Tánh không và sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có gì sai khác vì Tánh không tạo ra thế nào thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức được hình thành như thế đó. Nếu Tánh không không tạo tác, sanh khởi thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có. Do đó, Tánh không là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nếu rời khỏi Tánh không thì cũng không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Chính kinh:

“Tại sao vậy? Vì chỉ có danh tự gọi là Bồ đề, chỉ có danh tự gọi là Bồ tát, chỉ có danh tự gọi là Tánh không”.

Luận giải:

Bồ đề chính là Nhất thiết trí như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tu Tập Đúng, Đức Phật nói:

“Phật chính là Nhất thiết trí, Bồ đề cũng chính là Nhất thiết trí, Nhất thiết trí chính là Phật cũng chính là Bồ đề”.

Mà Nhất thiết trí là Tánh không, do đó, Bồ đề cũng chính là Tánh không, là Pháp Tánh, còn gọi là Pháp thân Như Lai.

Bồ tát không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có Bồ tát. Sự hiện hữu của Bồ tát là do Tánh không tạo ra, do đó, Bồ tát chỉ có danh tự.

Tánh không là Pháp thân Như Lai cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có Tánh không. Sự hiện hữu của Tánh không là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra, vì vậy, Tánh không cũng chỉ có danh tự, Bồ đề cũng chỉ có danh tự.

Chính kinh:

“Tại sao vậy? Vì thật tánh của các pháp vốn là không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh”.

Luận giải:

Nghĩa là tất cả các pháp kể cả Tánh không (Pháp thân Như Lai) đều không có Tự tánh để tự sanh khởi, rỗng không, không có. Do đó, tất cả các pháp vốn không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật như vậy cũng chẳng thấy sanh, chẳng thấy diệt, cũng chẳng thấy cấu, chẳng thấy tịnh”.

Luận giải:

Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có nên chẳng thấy các pháp sanh, chẳng thấy các pháp diệt, cũng chẳng thấy cấu, chẳng thấy tịnh.

Chính kinh:

“Tại sao vậy? Vì danh tự là những pháp do Nhân duyên hòa hiệp làm thành, chỉ do nhớ tưởng phân biệt giả danh mà nói thôi”.

Luận giải:

Danh tự là tên gọi của các pháp hiện hữu, các pháp được sanh ra thì mới có danh tự.

Các pháp được sanh là do Nhân duyên hòa hiệp làm thành, nghĩa là các pháp tùy duyên để sanh như Kinh Duyên Sinh chỉ rõ:

“Nhân duyên pháp này vì hai thứ mà nó sanh khởi được. Hai thứ ấy là gì? Là nhân tương ứng và duyên tương ứng”.

Nhân duyên pháp là Tánh không, là Nhất thiết trí, là Pháp tánh, còn gọi là Đức Phật. Phải có nhân, có duyên tương ứng, hòa hợp thì Tánh không (Đức Phật) mới sanh. Nếu không có nhân tương ứng, duyên tương ứng thì Đức Phật không sanh. Vì vậy, Tánh không muốn sanh ra các pháp phải tùy vào nhân và duyên để sanh khởi. Đây gọi là sanh theo quy luật, đó là Luật Nhân quả chứ không phải sanh một cách tùy tiện, do đó, phải có Nhân duyên hòa hợp mới thành (phải có nhân tương ứng, duyên tương ứng). Nếu không tương ứng thì không hòa hiệp, không hòa hiệp thì không sanh.

Như vậy, xét đến tột cùng thì các pháp đều rỗng không, không sanh là do không có Tự tánh. Các pháp được sanh ra từ Tánh không thì phải có đủ các yếu tố Nhân duyên hòa hiệp. Đây gọi là những pháp do Nhân duyên hòa hiệp làm thành.

Nhưng Tánh không cũng không có Tự tánh, không tự sanh, dù nó hiện hữu có danh tự nhưng không phải tự nó sanh ra nên không thật có. Do đó, tất cả các pháp đều không thật có, còn nếu chấp trước vào các pháp thì có phân biệt, có nhớ tưởng.

Vì vậy, “chỉ do nhớ tưởng phân biệt giả danh mà nói thôi”.

Chính kinh:

“Vì thế nên Đại Bồ tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật chẳng thấy tất cả danh tự. Vì chẳng thấy nên chẳng chấp trước”.

Luận giải:

Lúc Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật thì không chấp vào các pháp từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến Nhất thiết chủng trí (Nhất thiết trí, Tánh không) bởi không có Tự tánh, không tự sanh, rỗng không, không có thì không có danh tự nên chẳng thấy tất cả danh tự.

“Vì chẳng thấy nên chẳng chấp trước”: nghĩa là Đại Bồ tát thật hành Bát nhã ba la mật không chấp vào các pháp và danh tự các pháp.

“Vì thế nên Đại Bồ tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật chẳng thấy tất cả danh tự. Vì chẳng thấy nên chẳng chấp trước”.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày 30 tháng 07 năm 2021

Phạm Thị Mý