Sự đồng nhất trong quan niệm về vũ trụ giữa Khoa học và Phật giáo

I. DẪN ĐỀ

Con người, một sinh vật tuy nhỏ bé trong Vũ trụ bao la, nhưng lại có trí tuệ tuyệt vời, biết tư duy, nhận thức về thế giới quanh mình. Trên cơ sở quan sát và đúc kết kinh nghiệm, hình thành các nhánh nhận thức khác nhau là Triết học, Tôn giáo và Khoa học. Trong đó, nhiều người cho rằng Khoa học và Tôn giáo là hoàn toàn đối lập nhau, không thể dung hòa được.

Khoa học và Tôn giáo có những khác biệt trong phương pháp nhận thức thế giới. Khoa học duy lý, thiên về thực nghiệm và chứng thực, trong khi Tôn giáo nặng về yếu tố tâm linh, siêu hình, siêu nhiên. Người ta thường cho rằng, Khoa học là duy vật như Triết học duy vật, thừa nhận vật chất có trước và đóng vai trò quyết định, còn Tôn giáo là duy tâm, coi tinh thần có trước. Chính vì thế, khi cùng nói về Vũ trụ vạn vật, bản thể và nguồn gốc của nó, dường như hai bên có tiếng nói khác nhau. Giữa các Tôn giáo cũng có sự khác biệt. Ở các nước phương Tây, với nền khoa học phát triển cao, song hành nhiều năm cùng Thiên Chúa giáo và có không ít lần đối đầu trong lịch sử, thì giữa Khoa học và Tôn giáo dường như rất khó tìm được tiếng nói chung. Hình ảnh một Thượng đế cá thể sáng tạo ra thế giới và điều hành nó theo ý mình bị các nhà khoa học phản đối kịch liệt. Còn đối với Phật giáo vốn ra đời ở phương Đông từ mấy ngàn năm trước, nhiều người cho rằng đạo Phật là vô thần, hoặc là duy vật, không hề nói đến Thượng đế như một Đấng Sáng tạo và Cứu rỗi, không bàn đến Vũ trụ cao siêu mà chỉ chú trọng tu tâm, nhằm trốn tránh những đau khổ của đời sống thực tại. Thực tế có đúng như vậy không? Ngày nay, những thành quả to lớn mà Khoa học đạt được, mang lại những lợi ích lớn lao cho con người là không thể phủ nhận, nhưng còn rất nhiều vấn đề mà Khoa học dường như không thể giải quyết được bằng phương pháp nhận thức của mình. Tư tưởng Phật giáo được các nhà khoa học hiện đại đánh giá rất cao (đặc biệt là các nhà vật lý, những người nghiên cứu về Vũ trụ như một tổng thể gồm không gian, thời gian và toàn thể vật chất trong đó bằng ngôn ngữ toán học chặt chẽ và dùng thực nghiệm kiểm chứng), bởi tính khoa học và vượt lên cả khoa học của Phật giáo trong cách nhìn nhận về Vũ trụ vạn vật.

Nhà vật lý vĩ đại nhất thời đại hiện nay, A. Einstein, nói về mối quan hệ giữa Khoa học và Tôn giáo như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo Vũ trụ. Nó cần vượt qua một Thượng đế cá thể, tránh những giáo điều và thần học. Bao gồm cả tự nhiên lẫn tinh thần, nó cần đặt căn bản trên ý niệm tôn giáo, phát xuất từ kinh nghiệm của mọi thứ, thiên nhiên và siêu nhiên và là một nhất thể có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được các điều đó. Nếu có thứ tôn giáo nào có thể đáp ứng được các đòi hỏi của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo” [Nguồn: Đạo Vũ trụ của A. Einstein, Trần Lăng, Tạp chí Khoa học xã hội số 1 (173)- 2003. Internet]. Như vậy, A. Einstein, người đề xuất Đạo Vũ trụ (Cosmic religion) cho tương lai, đã tìm thấy trong đạo Phật cái gì đó vừa khoa học, vừa vượt lên dẫn đường cho khoa học như một Tôn giáo thích hợp cho tương lai, đặc biệt là trong vấn đề nghiên cứu về Vũ trụ.

Trong bài viết này, tác giả sẽ vận dụng tư tưởng của Phật giáo Đại thừa qua các tập Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (MHBNBLM), Kinh Đại Bát Niết Bàn và Kinh Lăng Già, để soi rọi lại các thành tựu của Vật lý học, nhằm làm sáng tỏ sự đồng nhất trong quan niệm về Vũ trụ, về chân lý của Vũ trụ, nguồn gốc, sự phát triển của nó, giữa Phật giáo và Khoa học, đồng thời chỉ ra chỗ vượt khỏi Khoa học, sâu màu vi diệu của Phật học.

II. VŨ TRỤ LÀ GÌ?

Trước hết, ta tìm hiểu định nghĩa Vũ trụ là gì?

Sách cổ diễn nghĩa từ “Vũ trụ” là: “Thượng hạ đông tây viết VŨ, vãng cổ lai kim viết TRỤ”. Như vậy, Vũ trụ là không gian và thời gian mà vật chất vận hành trong đó. Đó cũng là các đại lượng chính mà Vật lý học nghiên cứu.

Ngày nay, ta có thể dễ dàng tìm thấy định nghĩa về Vũ trụ trên mạng Internet. Theo Wikipedia, Vũ trụ được định nghĩa như sau: “Vũ trụ là tất cả không gian thời gian và những gì chứa đựng trong nó, bao gồm các hành tinh, các sao, các thiên hà tất cả các dạng vật chất và năng lượng. Khi mà chiều kích của Vũ trụ còn chưa được xác định, thì điều trên là đúng với phần Vũ trụ quan sát được.

Trong đời thường, Vũ trụ được hiểu như tất cả những gì hiện hữu, đã, đang và sẽ tồn tại, có nghĩa là Vũ trụ vạn vật.

Trong thực tế, có thể các nhà triết học và khoa học có những định nghĩa khác hơn về Vũ trụ, có thể dưới dạng toán học hay logic học. Vũ trụ trong tiếng Anh có thể là các từ như Universe, Cosmos, World, Nature”.

Như vậy, có thể hiểu Vũ trụ là vạn pháp đang hiện hữu, bao gồm toàn thể không gian bao la và vạn vật tồn tại trong nó, kể cả con người, các sinh vật và những vật vô tri vô giác, từ các thiên hà, các sao, các hành tinh, đến Trái đất và sông, núi, đại dương và các hiện tượng tự nhiên trong nó… Nói tóm lại, Vũ trụ là cả toàn bộ thế giới tự nhiên đang tồn tại một cách khách quan quanh ta.

III. QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA VỀ VŨ TRỤ VẠN VẬT

Vũ trụ vạn vật được sinh ra từ đâu? Trong quan sát của Phật giáo Đại thừa thấy rằng, các pháp không có tự tánh. Tự tánh là cái tự nó tạo tác, sản xuất và cấu tạo lên đối tượng vật chất. Nhưng Vũ trụ vạn vật đều không có tự tánh nên không có cái tạo tác. Do không có cái tạo tác nên rỗng không, như trong Kinh đã nói: “Tất cả các pháp tự tánh rỗng không, tự tướng rỗng không” (Kinh MHBNBLM, Phẩm Quảng Thừa, tập I, trang 286), “tất cả đều bất khả đắc, vì tự tánh không, tự tánh ly, tự tánh vô sanh” (Kinh MHBNBLM, Phẩm Vãng Sanh, tập I, trang 96), hay “các pháp tướng như bất động” (Kinh MHBNBLM, Phẩm Đại Như, tập II, trang 300). Các pháp không sanh, không diệt, vì không có cái tạo tác. Cái tạo tác là điểm khởi đầu của các pháp, tức là điểm khởi đầu của Vũ trụ vạn vật. Do Vũ trụ vạn vật không có tự tánh, tức là không có cái tạo tác nên không có điểm khởi đầu. Bởi không có điểm khởi đầu nên không có điểm kết thúc, “Nếu các pháp đã vô sanh thì làm sao có tận” ((Kinh MHBNBLM, Phẩm Chúc Lụy, tập III, trang 79). Như vậy, Vũ trụ vạn vật là vô thỉ, vô chung!

Sự có mặt của Vũ trụ vạn vật là từ đâu? Các pháp không có tự tánh nên không có cái tạo tác, do đó vô sanh, vô khởi. Nhưng trong các pháp luôn có một “tạng” mà trong Kinh Lăng Già đã chỉ rõ “tự tánh của Như Lai tạng vốn trong sạch, thường trụ, chẳng đoạn chẳng biến đổi…nơi thân của tất cả chúng sanh…như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ” (Kinh Lăng Già, trang 65). Điều đó chứng tỏ rằng, tự tánh của các pháp là tự tánh của Như Lai, không phải của các pháp. Như Lai ở đây là nói về Đức Phật Tổ Như Lai (chứ không phải là Phật Thích Ca, là người tu thành Phật). Tự tánh của Như Lai nơi thân tất cả chúng sinh có khắp mọi nơi trong Vũ trụ vạn vật này, được thể hiện ở Kinh Đại Bát Niết Bàn: “Có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần, vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Quang Minh Biến Chiếu, tập II, trang 97). Như vậy, vi trần thân của Như Lai, còn được gọi là pháp thân, làm tự tánh tạo tác sinh khởi lên Vũ trụ vạn vật, nên vi trần thân Như Lai được gọi là tự tánh của Như Lai tạng. Vũ trụ vạn vật được sinh ra theo Đại Thừa Phật giáo quan sát là do pháp thân của Như Lai, tức phân thân hay hóa thân của Ngài, mà phân thân của Đức Phật Như Lai thị hiện ra đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Do đó, Vũ trụ vạn vật có mặt là do tự tánh của Như Lai, cũng là vi trần thân của Như Lai, chứ không phải chính do Như Lai, nên Phật giáo không có quan niệm về một Đấng Tạo hóa cá thể tạo ra tất cả. Bởi sự tạo hóa là do vi trần thân, còn Như Lai thì không phải vi trần, như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn có nói: “ Thân Như Lai thật chẳng phải vi trần…”. Có nghĩa, Như Lai không tạo mà phân thân của Ngài tạo. Thượng Đế, là Đệ Nhất Nghĩa Đế, không tạo, mà là cái thế đế, tức vi trần thân, mới tạo. Vũ trụ vạn vật được sinh ra là do thế đế, tức là vi trần thân, pháp thân của Như Lai. Nhưng xét đến tận cùng, nếu Như Lai không phân thân thì vi trần thân cũng không có. Vi trần thân cũng không tự sinh ra vi trần thân, nên vi trần thân không thật có. Do vi trần thân là điểm khởi đầu của Vũ trụ vạn vật, sinh ra Vũ trụ vạn vật, nhưng cũng không thật có nên điểm khởi đầu của Vũ trụ vạn vật không có. Vì không có điểm khởi đầu nên không có điểm kết thúc. Vậy nên khi quan sát đến tột cùng, Vũ trụ này vẫn là vô thỉ, vô chung.

Như vậy kết luận: theo Phật giáo Đại thừa thì Đấng Tạo hóa không phải là một đấng duy nhất, là Thượng đế, mà cái biến thể của Thượng đế mới tạo hóa, sinh khởi nên Vũ trụ vạn vật và quyết định sanh diệt trong phát triển và tồn tại. Còn Như Lai, tức Thượng đế, không làm công tác tạo hóa mà chỉ có thể biến hiện. Việc tạo tác sanh diệt trong quá trình tồn tại của Vũ trụ vạn vật là do biến thể vi trần, được ví như thế giới vô vi, tạo nên thế giới hữu vi. Cũng có nghĩa là thế giới siêu nhiên tạo ra thế giới tự nhiên. Thượng đế không phải là Đấng sáng tạo cá thể, mà là thế đế, tức là vi trần thân. Trong không gian này có một dạng năng lượng, tạm gọi là năng lực cho dễ hiểu, đó là thần lực của Như Lai, tạo thành vật chất, đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Các phân thân, hay các hóa thân của Phật tổ Như Lai này đều là trí tuệ, có thần lực của Như Lai. Trí tuệ là cái tư duy sáng tạo, thần lực là cái tạo tác, tạo hóa sự vật và hiện tượng. Như vậy, mỗi vi trần thân có hai yếu tố là Trí tuệ và Thần lực Như Lai nên vật chất sinh ra đều có tư duy và sáng tạo. Mà chỉ có Trí tuệ mới có tư duy, ở đây là Trí tuệ Phật, tức là Bát Nhã Ba La Mật (phiên âm tiếng Phạn, Bát nhã là Trí tuệ. Ba la mật là ở bờ kia). Trong Kinh MHBNBLM, phẩm Bình Đẳng, tập III, trang 468 nói: “tất cả các pháp ấy đều là pháp tạo tác Ức tưởng tư duy”. Vậy là không chỉ chính Như Lai là trí tuệ, mà bản thân các phân thân cũng có trí tuệ: “Đức Phật dùng thiệt tướng của các pháp làm phước điền cho Trời, người và tất cả chúng sanhHóa Phật cũng dùng thiệt tướng của các pháp làm phước điền cho Trời, người và tất cả chúng sanh (Kinh MHBNBLM, phẩm Tam Huệ, tập III, trang 158, 159).

Như vậy, chính các vi trần thân, hay hóa thân của Phật, với đầy đủ trí tuệ và thần lực Như Lai, là chủ thể sinh khởi nên Vũ trụ vạn vật. Đó là chân lý mà Khoa học đang cố công tìm kiếm nhưng chưa đạt tới.

IV. QUAN NIỆM VỀ VŨ TRỤ CỦA VẬT LÝ HỌC

Quan niệm về Vũ trụ có tiến triển theo lịch sử phát triển của Vật lý học. Khởi đầu, khoa học Vật lý không tách rời khỏi Triết học. Nhà triết học cổ đại Hy Lạp, Aristotle (384-322TCN), đã đặt cho phần triết học luận về Vũ trụ và vật chất là Physics – dịch là Vật lý học, khai sinh cho môn Vật lý. Ông đã đưa ra những quan niệm đầu tiên về Vũ trụ như một hệ Địa tâm sơ khai, với quan niệm Trái đất là tâm Vũ trụ. Sau đó, Ptolemy (87-165) hoàn chỉnh thuyết Vũ trụ Địa tâm và được giáo hội Thiên chúa giáo công nhận, nên nó tồn tại cả ngàn năm. Copernicus (1473-1543) đề xuất hệ Nhật tâm về Vũ trụ, với Mặt trời đứng yên tại tâm, các hành tinh quay xung quanh, trong đó có Trái đất, mà ngày nay ta gọi đó là Hệ Mặt trời. Kepler (1571-1630) đã đưa ra các tính toán về quỹ đạo chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời. G. Galilei (1564-1642) đã đưa Vật lý trở thành môn khoa học thực nghiệm khi đưa thiết bị và các thí nghiệm vào môn khoa học này, với các kính thiên văn đầu tiên quan sát được cả những vết lồi lõm trên Mặt trời, Mặt trăng vốn được coi là linh thiêng, từ đó cho thấy các qui luật vật lý có tính phổ quát toàn Vũ trụ. Nhưng đóng góp to lớn nhất cho Vật lý phải kể đến nhà bác học thiên tài I. Newton (1643-1727). Ông là người đã biến toán học thành công cụ hữu hiệu, ngôn ngữ chính của Vật lý. Lĩnh vực nghiên cứu của Newton rất rộng, từ cơ học đến quang học. Và người ta cũng lấy ông làm cột mốc đánh dấu bước phát triển của Vật lý, gọi là Cơ học cổ điển. Cho đến lúc này, Vũ trụ vẫn được hình dung là vô thỉ, vô chung, với các đại lượng vật lý như không gian và thời gian mang tính tuyệt đối (tuyệt đối không có nghĩa là hoàn thiện, mà chỉ có nghĩa là không mang tính so sánh và phụ thuộc).

Vật lý gần và trong thế kỷ XX đã có những biến chuyển nhanh chóng. Khởi đầu là sự phát hiện ra điện tử (e-), khiến người ta xem lại về định nghĩa “không thể phân chia được nữa” của nguyên tử do Aristotle đề xuất. Điện tử với các ứng dụng điện – từ đã làm phát sinh cuộc cách mạng công nghệ, mang lại nhiều tiện ích cho con người. Đồng thời, các nhà khoa học phải đụng chạm tới nhiều vấn đề liên quan đến bản chất của các quá trình vật lý mà điện tử tham gia. Từ đó, Cơ học lượng tử ra đời, sử dụng các công cụ toán học mô tả hành vi các hạt vi mô cấu tạo nên vật chất, với các đặc tính kỳ lạ là vừa mang tính chất sóng, vừa mang tính chất hạt và tính chừng mực, có định lượng (lượng tử) chặt chẽ. Các thuyết tương đối (hẹp và rộng) của Einstein đã đưa ra cách nhìn nhận hoàn toàn mới về không gian và thời gian. Theo đó, các đại lượng này mang tính tương đối, tức có tính so sánh trong tương quan với hệ đo. Chỉ có vận tốc của ánh sáng, một vật thể vừa mang tính chất sóng, vừa mang tính chất hạt, là mang tính tuyệt đối, không phụ thuộc hệ qui chiếu và là vận tốc lớn nhất trong tự nhiên. Eistein đã chỉ ra mối quan hệ giữa năng lượng và khối lượng bằng công thức nổi tiếng E = mc2, cho thấy mọi vật đều tiềm ẩn một khả năng sinh năng lượng. Với các công trình mang tính cách mạng về các đại lượng cấu thành Vũ trụ như không gian, thời gian, vật chất và năng lượng, các lý thuyết của Einstein đã khai sinh một ngành mới trong Vật lý học hiện đại: môn Vũ trụ học (Cosmology). Tuy vậy, quan điểm của Eintein về Vũ trụ vẫn là Vũ trụ vô thỉ, vô chung, không có sinh diệt và tiến hóa.

Gần giữa thế kỷ XX, mô hình về Vũ trụ đã rất rõ nét. Phần Vũ trụ con người quan sát được vô cùng rộng lớn, hàng tỷ tỷ ki lô met. Nó rất đông đúc, chẳng những có Hệ Mặt trời mà còn rất nhiều sao. Mặt trời chỉ là một ngôi sao trung bình, còn nhiều sao to, nhỏ, già trẻ khác nhau, hàng tỷ tỷ ngôi sao cùng tồn tại trong Vũ trụ, mỗi sao lại có thể là một Hệ Mặt trời với nhiều hành tinh quay xung quanh. Các sao kết lại thành các thiên hà, mà Ngân Hà là thiên hà chứa Mặt trời của chúng ta. Mặt trời không đứng yên mà quay quanh tâm Ngân Hà. Trái đất là một hành tinh trong hệ Mặt trời, nơi con người sinh sống và có khả năng nhận thức về Vũ trụ. Các thiên hà không đứng yên mà đang chạy rời xa nhau.

Cũng thời gian này, một loạt công trình nghiên cứu đi sâu vào cấu trúc vật chất cho thấy, Vũ trụ to lớn kia được hình thành từ các phần tử vật chất vô cùng nhỏ bé. Do đó, việc tìm hiểu Vũ trụ bên ngoài Trái đất được tiến hành song song với việc đi sâu vào thế giới vi mô, tìm các hạt nhỏ nhất cấu thành nên toàn bộ thế giới vật chất. Trong Vũ trụ, các sao có sinh có diệt, nó hình thành bởi sự co nén của đám bụi khí dưới tác dụng của lực hấp dẫn, sau đó sao sáng nhờ phản ứng tổng hợp hạt nhân trong lòng nó. Khi đốt hết nhiên liệu nó sẽ chết. Như vậy, các thành viên của Vũ trụ cũng có đời sống, cũng “già”, cũng “chết” như ai! Sau đó, các hạt bụi có được từ sau cái chết của các sao, lại tiếp tục tái hợp tạo thành những ngôi sao mới. Mặt trời của chúng ta là một ngôi sao thế hệ sau như vậy đó. Các sao thực sự có “luân hồi”. Còn Vũ trụ thì vô cùng to lớn và đang tiếp tục nở ra, thật là sôi động.

Từ duyên cớ là các sao có sinh có diệt và đang rời xa nhau, các nhà khoa học đặt vấn đề về một Vũ trụ cũng có sinh, có diệt, có nguồn gốc ban đầu là chỉ thu nhỏ vào một điểm…

Suy nghĩ này đã khiến người ta giải lại các phương trình Einstein. Một cách giải quyết gần như đồng thời được tìm thấy bởi một mục sư G. Lemaitre và nhà vũ trụ học A. Friedman (1927), cho thấy một Vũ trụ có tiến hóa, mà khởi điểm là một “kỳ dị toán học” (singularity), tức là cái gì đó mà toán học chưa giải được. Nhà vật lý F. Hoyle đã diễu cợt đặt tên cho đề xuất này là Big Bang, ý nói “thùng rỗng kêu to”, cho rằng thuyết này rỗng tuếch, không thực chất. Và thế là thuyết Big Bang ra đời, dân gian gọi đó là thuyết về nguồn gốc Vũ trụ, như thể Vũ trụ được sinh ra từ một Vụ Nổ Lớn, đánh bùm một tiếng, bắn ra tung tóe nào trăng, sao, Mặt trời, Trái đất và… tất cả chúng ta! Như vậy, trong đời thường người ta đã hiểu rất sai về nguồn gốc Vũ trụ, cho rằng đã tìm thấy khởi điểm của Vũ trụ, hay nguồn gốc Vũ trụ, gọi là thuyết Vụ Nổ Lớn (Big Bang). Thực tế, đây chỉ là một giả thuyết về tiến trình phát triển của Vũ trụ. Đối với Vật lý, cái thời điểm Vũ trụ được coi là sinh ra vẫn không xác định. Bởi lẽ, nếu xác định được chính xác thời điểm sinh của Vũ trụ, tức lúc 0 giờ, thì theo Hệ thức bất định Heisenberg trong Cơ học lượng tử, ta không thể đồng thời xác định được năng lượng Vũ trụ, tức xác định Vũ trụ nguyên thủy hàm chứa những gì, bởi hai đại lượng năng lượng và thời gian là không thể đồng thời xác định được chính xác. Hơn nữa, nếu Vũ trụ được ra đời vào một thời điểm cụ thể nào đó thì trước thời điểm này là cái gì? Nếu vẫn chỉ là Vũ trụ thì nói Vũ trụ có sinh, có diệt thật là vô nghĩa! Trong thực tế, Vật lý chỉ quan sát được những gì sau thời gian Plank, tức 10-43 giây sau cái gọi là Vụ nổ.

Sau khi thuyết Big Bang ra đời có rất nhiều tranh cãi, điều này giúp Vật lý đương đại phát triển vượt bậc. Các công nghệ mới cũng giúp người ta tiến hành các đo đạc, khảo nghiệm được sâu rộng hơn. Về thực nghiệm người ta đã tìm ra rất nhiều bằng chứng ủng hộ thuyết này. Các kịch bản về bức tranh Vũ trụ ở ba phút đầu tiên được vẽ lại tương đối rõ nét: dưới tác dụng của các lực tương tác vật chất đã được hình thành như thế nào, các sao được hình thành, tiến hóa ra sao… dường như không cần bàn cãi. Còn rất nhiều khám phá sau khi thuyết Big Bang ra đời, cũng như nhiều lý thuyết mới nhằm bổ sung cho thuyết này. Bức tranh nghiên cứu về Vũ trụ có tầm tổng quát hơn, bao gồm cả thế giới siêu vi mô, vi mô, vĩ mô và siêu vĩ mô. Người ta đang cố công đi tìm một lý thuyết Thống nhất lớn (mà trong đó là thống nhất được bốn tương tác vật lý chi phối vật chất là hấp dẫn, điện từ và mạnh, yếu). Các lý thuyết mới như Lý thuyết Dây (1968), Lý thuyết Siêu dây với các chiều không gian phụ trội, Thuyết M… tiếp tục dùng công cụ toán học để giải quyết các mô hình về Vũ trụ mà Vật lý đề ra. Như vậy, Vật lý ngày càng trở nên trừu tượng, khó hiểu với đại chúng, và Vật lý lý thuyết với các mô hình toán học có tính tiên đoán về tự nhiên ra đời trước, sau đó người ta dùng thực nghiệm để kiểm chứng. Một loạt các trung tâm đo đạc thực nghiệm hiện đại, khổng lồ ra đời như CERN, LIGO nhằm kiểm chứng các lý thuyết và thu được kết quả đáng thuyết phục. Ví dụ: do ngành vật lý vi mô tìm ra được quá nhiều hạt cơ bản, nên người ta đưa ra Mô hình chuẩn, trong đó có hạt “cơ bản”, chịu trách nhiệm về khối lượng mà người ta thấy rất khó tìm ra bằng thực nghiệm, nên gọi là “hạt bị Chúa nguyền rủa”. Hạt này do Higg đề xuất từ năm 1964 nên mang tên ông. Mãi đến 48 năm sau, năm 2012 mới tìm được hạt Higg bằng thực nghiệm tại trung tâm CERN. (Giới truyền thông đưa tin là đã tìm ra “hạt giống của Chúa”, khiến nhiều người lầm tưởng rằng Khoa học đã tìm ra bí mật của tạo hóa nằm trong hạt Higg). Gần đây, giới khoa học tập trung vào việc tìm hiểu về hạt neutrino, hạt sinh ra trong phản ứng tổng hợp hạt nhân trên Mặt trời, cũng như trên các sao khác trong Vũ trụ. Hạt này vốn được coi là không có khối lượng. Cho đến năm 2015, giải Nobel đã được trao cho nhà vật lý Nhật Kajita Takaaki về thực nghiệm tại Kamiokande (một trung tâm rất to lớn để đo đạc các dao động của neutrino), chứng tỏ neutrino có khối lượng. Nếu vậy thì rất nhiều vấn đề gốc rễ của Vật lý phải xem xét lại. Vì hạt neutrino có mặt trong phản ứng tổng hợp hạt nhân ở trong lòng các sao, nếu nó được hiểu theo cách khác thì có nghĩa là ta phải tìm hiểu về sự “sinh, tử” của các sao, hay toàn Vũ trụ theo cách khác. Và gần đây nhất, năm 2017 giải Nobel được trao cho ba nhà vật lý khi LIGO đã chứng tỏ được sự tồn tại của sóng hấp dẫn. Vì tương tác hấp dẫn là phổ biến nhất, liên quan đến toàn thể vật chất trong Vũ trụ, nên việc tìm ra bằng chứng về bản chất sóng của nó chắc chắn sẽ đem lại nhiều thay đổi trong Vật lý học.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu như vậy, nhưng Vật lý hiện đại vẫn còn rất ngổn ngang và người ta vẫn tin tưởng vào việc sử dụng các thiết bị máy móc tối tân là có thể tìm ra sự thật. Tuy nhiên, dường như cũng có những nhà vật lý có trực giác tâm linh sâu sắc như D. Bohm (1917-1992) khi coi Vũ trụ là toàn ký (Holographic Universe), hay toàn ảnh động (Holomovement). Năm 1980, ông đã viết cuốn sách “Tính tổng thể và trật tự ẩn giấu”, cho thấy một tư tưởng mới trong Vật lý, kết hợp nghiên cứu thực tại với ý thức, dường như cho thấy có mối quan hệ giữa thế giới hữu vi và vô vi. Đáng tiếc, lý thuyết của ông về Vũ trụ vẫn còn đang bị các nhà vật lý tranh cãi. Thêm vào đó, người ta đưa ra một loạt khái niệm mới về Vũ trụ như: đa Vũ trụ, nguyên Vũ trụ, toàn Vũ trụ… làm cho khái niệm về Vũ trụ ngày càng trở nên phức tạp.

Như vậy, cho đến nay, cuộc chinh phục tự nhiên của Khoa học vẫn còn chưa kết thúc, chưa có lý thuyết nào trong Vật lý khẳng định Vũ trụ “có thỉ, có chung”. Con đường tìm đến cái tối hậu còn dài vô tận và cần có sự dẫn đạo của một tinh thần nghiên cứu mới!

V. SO SÁNH VÀ KẾT LUẬN

Quan niệm về Vũ trụ trong Khoa học không phải được hình thành cố định một sớm, một chiều, mà nó chịu sự thay đổi trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Vật lý học. Ngày nay, những tiện ích của công nghệ hiện đại mang đến giúp con người có được cuộc sống tốt đẹp ngay trên cõi Ta bà này, đều dựa trên cơ sở nền tảng là nghiên cứu của Vật lý học. Những thành quả mà Khoa học mang đến cho loài người là vô cùng to lớn, đó là điều không ai phủ định được. Khoa học thực sự không có gì mâu thuẫn với Phật học trong quan điểm về Vũ trụ. Phật học được hình thành cách đây từ trên 2500 năm, những điều Phật Thích Ca chỉ dạy, tưởng chừng như chỉ giúp con người thoát khỏi cảnh khổ đau trong kiếp người ở cõi giới này, đã chỉ ra chân lý mà Khoa học dường như chỉ khẳng định lại mà thôi!

Trong kinh Phật như đã phân tích, chỉ ra rằng các pháp là “vô ngã, vô sở hữu, bất khả đắc”. Điều đó tưởng như chỉ đúng với con người, nhưng lại nghiệm đúng với tất cả các vật hiện hữu. Ví dụ như các vì sao trên trời, ngày nay Khoa học phát hiện ra chúng có đời sống, khối lượng, kích thước rất khác nhau. Giả sử chúng có “ngã” và “khả đắc”, tức có tự tánh, có khả năng cấu tạo nên chính chúng, thì đáng lẽ chúng phải chọn phương án tốt nhất, và đều bắt chước nhau để tốt hết. Vậy tại sao có cái to, cái nhỏ, cái tỏa sáng lâu, cái sớm lụi tàn ? Đời sống của vạn vật trong Vũ trụ đều chịu chung những qui luật vật lý như nhau. Nếu chúng “tự” điều khiển được thì đâu như thế. Vậy, ai đã áp đặt qui định (là các định luật vật lý) lên chúng? Ai làm cho chúng trở nên “khả đắc”, vận hành trong khuôn khổ các qui định như vậy? Điều này không thể là ngẫu nhiên, mà chắc hẳn có sự sắp đặt, tư duy của một trí tuệ lớn nào đó!

Vật lý học cũng không hề khẳng định Vũ trụ là có khởi điểm rõ ràng như số đông lầm hiểu. Các ngôi sao dường như có số phận, được sinh ra, chết đi… Nhưng vòng đời của chúng lại được tái tạo dưới dạng ngôi sao khác như một vòng luân hồi vĩnh cửu. Vậy Vũ trụ, bao gồm tất cả, có số phận không? Con đường tìm đến cái tận cùng còn rất cam go. Khi đi tìm câu trả lời về số phận của Vũ trụ to lớn, thì Vật lý lại phải quay về với thế giới các hạt siêu nhỏ. Cái khẳng định về sự “không thể phân chia được nữa” của nguyên tử, đã bị phủ định. Người ta vẫn chưa tìm ra được cái gọi là “nhỏ nhất, không thể phân chia được nữa, mang toàn bộ tính chất của vật chất và cấu tạo nên toàn bộ thế giới vật chất” (hay “hạt giống của Chúa”) như kỳ vọng. Khoa học vẫn tưởng như đang đứng rất gần cái gọi là Big Bang, cho rằng số phận của Vũ trụ đã được sáng tỏ: nó có nguồn gốc, có thời điểm sinh khởi. Song thực tế, vẫn chưa tường minh Big Bang là cái gì cả. Một Vũ trụ có đầu, có đuôi, có cái nguyên thủy, và cái kết thúc, dường như vẫn là một ẩn số. Điều đó không hề mâu thuẫn với Phật học, vốn khẳng định về sự vô thỉ, vô chung của Vũ trụ này. Vậy là Vật lý hiện đại vẫn chỉ xét được cái bề ngoài biến động của Vũ trụ, nên cho dù sử dụng nhiều thuật toán tinh vi đến đâu, thiết bị đo đạc, dò tìm hiện đại đến mấy đi nữa, cũng không thể đi đến cái kỳ cùng, cái bản thể của vạn vật được!

Cái gì thực sự là bản thể, là hằng thường, là khởi sinh và vận hành Vũ trụ? Khoa học hiện nay chưa thể tìm thấy. Ở đây, Phật học đã không còn đồng hành với Khoa học, mà vượt lên trước dẫn đường, soi sáng cho Khoa học! Nếu Khoa học cứ mò mẫm, tìm cách cân đong, đo đếm, nếu các nhà khoa học chỉ nghiên cứu trên cái sản phẩm của Tạo hóa thì không thể tìm thấy chính Tạo hóa, không bao giờ tìm được đến cái Siêu nhiên, cái vô vi cấu tạo nên hữu vi. Mặc dù vậy, các nhà vật lý đương đại vẫn luôn linh cảm rằng, có một cái gì đó đang điều hành Vũ trụ này. Vũ trụ tưởng như hỗn độn nhưng rất hài hòa, hợp lý, như được sinh khởi và điều hành bởi một Trí tuệ lớn. Tuy nhiên, vấn đề là trong thời đại ngày nay người ta vẫn quá sùng bái Khoa học, cho rằng Khoa học thuần túy có thể giải thích được tất cả mọi điều trong tự nhiên, và cũng cho rằng tất cả cái gì không kiểm chứng được bằng các thiết bị đo lường của Khoa học thì đều là nhảm nhí! Chính điều này cản trở các nhà khoa học có cái nhìn rộng mở hơn trong nghiên cứu Vũ trụ. Trong khi đó, Phật học đã chỉ rõ trong mỗi sự vật đều có một pháp tánh thường trụ, đó là tự tánh của Như Lai, có đầy đủ các phương diện về trí tuệ và thần lực, năng lực tạo tác. Do đó, mỗi vật thể được tạo ra đều có tư duy, sáng tạo nên Vũ trụ được sắp xếp một cách trật tự, hợp lý và mang đậm tính nghệ thuật.

Trở lại với phần viết đầu bài, ta càng hiểu thêm câu nói của Einstein. Khoa học, muốn phục vụ tốt hơn cho con người, cần phải thay đổi trong tư duy, trong phương pháp nghiên cứu của mình. Các lý thuyết mô tả bằng công cụ toán học, đã được thực nghiệm kiểm chứng, vẫn chưa đủ, bởi cái hữu vi là do cái vô vi tạo thành, mà cái vô vi thì không bao giờ có thể đo lường, đong đếm được bằng phương pháp thông thường. Nói như Einstein, Khoa học cần một Tôn giáo dẫn đường, đó là Phật giáo. Phật Thích Ca đã chỉ ra rằng, nguồn gốc của vạn vật là do Phật Tổ Như Lai phân thân thành các vi trần thân làm chủ thể cho vạn pháp hiện hữu và khả đắc. Còn bản thân các pháp không có tự tánh, bất khả đắc, không có sinh, có diệt, là vô thỉ, vô chung!

Các nhà khoa học nên học hỏi theo tinh thần của Phật học để có thể phục vụ tốt hơn nữa cho đời sống con người. Tuy nhiên, điều này không phải do con người muốn là được, mà phải tùy thời. Chính là Phật Tổ Như Lai, đang hé mở dần dần sự thật về Ngài cho ta thấy (đọc phần viết về Vật lý ta thấy rõ quan niệm về Vũ trụ tiến triển như thế nào). Nhưng chỉ khi biết có Ngài, biết đến sự phân thân của Ngài trong vạn vật, biết cái Siêu nhiên đang điều khiển vạn vật trong tự nhiên, Khoa học mới có thể đạt được những tiến bộ vượt bậc hơn nữa.

Khi tôi viết những dòng này thì được tin nhà vật lý học lừng danh Stephen Hawking qua đời. Ông đã từng nói trong cuốn sách Lược sử thời gian bất hủ của mình: “Nếu chúng ta tìm được câu trả lời (cho câu hỏi vì sao Vũ trụ và chúng ta tồn tại), thì đó là sự thắng lợi cuối cùng của trí tuệ con người – vì khi đó chúng ta sẽ biết được ý Chúa”. Tôi không biết có sự sắp đặt của bàn tay nào mà ngày ông ra đời là ngày mất của G.Galilei và ngày mất của ông là ngày sinh của Einstein.

Dường như Phật Tổ Như lai đã sắp đặt để các Bồ Tát xuất thế, vén màn bí mật về Vũ trụ cho thế gian này…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, tập I, II, III, dịch giả HT. Thích Trí Tịnh, NXB Hồng Đức, 2014
  2. Bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập I, II, dịch giả HT. Thích Trí Tịnh, NXB Tôn Giáo, 2012
  3. Bộ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, dịch giả HT Thích Trí Tịnh, NXB Tôn Giáo, 2012
  4. Kinh Lăng Già, dịch giả HT. Thích Duy Lực, NXB Tôn Giáo, 2006
  5. Nghi thức tụng niệm, chùa Động Hang, Hà Tĩnh
  6. Các bài giảng của Thầy Trần Văn Phú, chùa Động Hang, Hà Tĩnh, 2013-2018
  7. Giáo trình Thiên Văn học đại cương, Trần Quốc Hà, NXB ĐHQG, TP HCM, 2004
  8. Lược sử thời gian, Stephen Hawking, NXB Trẻ, 2005
  9. Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, Stephen Hawking, NXB Trẻ, 2010
  10. Vũ trụ trong một nguyên tử, Đạt Lai Lạt Ma, NXB Phương Đông, 2010
  11. Đạo của Vật Lý, Fritjof Capra, Nguyễn Tường Bách dịch, NXB Trẻ, 1999
  12. Giai điệu bí ẩn, Trịnh Xuân Thuận, NXB KH và KT, 2000
  13. Đối thoại giữa Khoa học và Phật giáo, Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, NXB Phương Đông, 2008
  14. Hỗn độn và hài hòa, Trịnh Xuân Thuận, NXB Trẻ, 2013
  15. Số phận của Vũ trụ – Big Bang và sau đó, Trịnh Xuân Thuận, NXB Kim Đồng, 2015
  16. Phật giáo và Khoa học, Phúc Lâm, NXB Tôn Giáo, 2009
  17. Vũ trụ quan thế kỷ XXI, Thích Duy Lực, NXB Tôn Giáo, 1999
  18. Ba phút đầu tiên, Steven Weinberg, NXB KH và KT, 1998
  19. Câu chuyện lịch sử hay nhất về Vũ trụ và con người, Hubert Reeves…, NXB KH và KT, 1997
  20. Sự tiến triển của vật lý học, A. Einstein…, NXB KH và KT, 2005
  21. Einstein với khoa học và công nghệ hiện đại, Hội Vật lý TP HCM, 2005
  22. Một số vấn đề vật lý hiện đại, Hội Vật lý Việt Nam, 2000
  23. Thuyết tương đối là gì?, L.D. Landau…, NXB Đồng Nai, 1987
  24. Bên ngoài khoa học, nhiều tác giả, NXB KH và KT, 2004
  25. Vũ trụ toàn ảnh, M. Talbot, NXB Trẻ, 2017
  26. Các tài liệu tải từ mạng Internet

Ngày 17 tháng 05 năm 2018

TS. TRẦN QUỐC HÀ

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *