Câu chuyện đầu năm – Ra khỏi hang và trở lại hang

Con đường thiên lý bắt đầu bằng một bước chân” (A journey of a thousand miles begins with a single step – Lao Tzu).

Tôi sinh ra trong một hang đá trên một quả núi thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 1947). Mỗi lần có dịp về thăm hang cũ, tôi thường lắng nghe để cảm nhận về tâm linh khi trở về cội nguồn (nơi “chôn nhau cắt rốn”). Về cá nhân, đó là thân phận của con người. Về lịch sử, đó là quá trình loài người thoát khỏi cuộc sống nguyên thủy, ra khỏi hang tối để nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Về triết học, theo Plato (The Republic, Plato, Basic books, 1991), con người phải “ra khỏi hang” để rồi “trở lại hang”. Sau khi con người “ra khỏi hang”, nhìn thấy ánh sáng mặt trời và dấn thân trải nghiệm cuộc sống (như nhập thế), thì đến một lúc nào đó con người sẽ “trở lại hang” (nhưng không phải để xuất thế). Về thăm Chùa Hang lần này, tôi cũng muốn chiêm nghiệm thực tế “trở lại hang”…

Tòa nhà “Trường Thiên” (nhà Pháp) tại Chùa Hang

Hàng năm vào dịp sau Tết, người ta thường đua nhau đi dự các lễ hội truyền thống. Theo thống kê, mỗi năm có gần 8000 lễ hội các loại, chủ yếu vào đầu năm, trong đó có những lễ hội đã trở thành tai tiếng do cách tổ chức và ứng xử vô minh và vô cảm (như lễ khai ấn Đền Trần). Về thăm Chùa Hang vào dịp Tết Nguyên Tiêu, tôi muốn tìm sự khác biệt. Qua lắng nghe và tiếp xúc với thầy Trần Văn Phú và các phật tử, tôi đã bước đầu nhận thấy sự khác biệt. Chùa Hang được kiến tạo như một không gian tâm linh giúp phật tử học tập và rèn luyện để hòa hợp “ý phật lòng dân”. Ngoài việc giúp phật tử và cộng đồng cải thiện sức khỏe và đời sống qua chữa bệnh bằng năng lượng, thầy Phú còn muốn qua nghiên cứu tâm linh, khoa học và triết học để khai minh trí tuệ, góp phần nâng cao dân trí. Đó là sự kết nối đời thường với tâm linh, cũng như với khoa học & triết học thực chứng (logical positivism/empiricism).

Lý giải về sự khác biệt của Chùa Hang và…   

Trong mấy năm qua (từ 2012), Chùa Hang đã chuyển biến có tính đột phá, vừa có chính danh vừa có cơ sở vật chất và tinh thần bền vững. Điều làm người ngoài dễ nhận thấy nhất là sự chuyển mình như lột xác của hệ thống nhà cửa và cảnh quan (là “hạ tầng cứng”). Từ hai bàn tay trắng, thầy trò và phật tử Chùa Hang đã làm được như vậy là nhờ sức mạnh tiềm ẩn, như những giá trị cốt lõi xuyên suốt (là “hạ tầng mềm”). Đó là sự khác biệt căn bản của Chùa Hang, bao gồm phương pháp và cách thức, đối tượng tham gia và hiệu quả…

* Về phương pháp, cách thức tu tập không cần đọc kinh gõ mõ, mà cần luyện tâm tĩnh lặng,  hướng vào nội tâm để tự giác ngộ. Dùng trí tuệ Phật như Kinh Bát Nhã để hiểu về con người, vạn vật và vũ trụ. Bằng thiền định và thực chứng để khai mở tâm linh, nhằm thoát khỏi vô minh và khổ đau. Dùng minh triết để lý giải cuộc sống theo thuyết nhân quả…

* Có thể ứng dụng ngay phương pháp hữu hiệu có giá trị thực tiễn (như chữa bệnh bằng năng lượng) để phục hồi và tái tạo sức khỏe, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống…

* Không cần chú trọng các nghi lễ rườm rà nặng tính hình thức (như sắc phục, đầu tóc) nhưng chú trọng tính tự giác và nghiêm túc khi tham gia sinh hoạt cộng đồng…

* Vì vậy Chùa Hang đã quy tụ được nhiều người có nguồn gốc và hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung chí hướng vì lợi ích cộng đồng, qua học tâm linh và chữa bệnh…

Thầy Trần Văn Phú (bên trái) tại lễ khởi công xây tòa nhà Tăng (2017)

…Sự khác biệt của cộng đồng phật tử 

Khách thập phương đến thăm chùa thường có thành phần đa dạng, đó là chuyện thường tình. Nhưng cộng đồng phật tử gắn bó với chùa nhiều năm có thành phần và nguồn gốc đa dạng lại là chuyện khác. Điều đó nói lên sự khác biệt của chùa và sự cam kết gắn bó với chùa (và với thầy Trần Văn Phú). Tôi đã có dịp tiếp xúc với một số cộng đồng phật giáo (trong nước và ngoài nước) nhưng cộng đồng phật tử Chùa Hang có những nét khác biệt.

Thầy Trần Văn Phú không giống một vị sư chủ trì (như những chùa khác), cũng không phải là một thầy thuốc gia truyền chữa bệnh theo phương pháp phi truyền thống, mà giống một đạo sỹ khoa học tâm linh. Giáo sư Đào Vọng Đức cũng không giống một giáo sư vật lý thuần túy, mà lại giống một đạo sỹ khoa học tâm linh. Đó là một ví dụ sống động về sự hòa hợp giữa khoa học tâm linh và khoa học thực chứng. Trong số các phật tử Chùa Hang, nhiều người là nhà khoa học, chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, quan chức, quân nhân, doanh nhân, cũng như những người lao động… Họ đến với Chùa Hang với nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, nhiều người ban đầu vì lý do sức khỏe, một số khác vì muốn nghiên cứu về một hiện tượng khác biệt. Nhưng hầu như tất cả đều vì thiện chí muốn phục vụ cộng đồng.

Giáo sư vật lý Đào Vọng Đức (nguyên viện trưởng viện vật lý, nay là phật tử của Chùa Hang) tại lễ cầu an tại chùa (3/3/2018)

Điều đó có sức thuyết phục đối với những người mới đến như bản thân tôi (một nhà báo độc lập và chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế), câu chuyện về Chùa Hang có nhiều ý nghĩa và đầy ẩn số. Tuy tôi đã đọc cuốn kỷ yếu của hội thảo khoa học về đề tài Chùa Hang, nhưng câu chuyện về Chùa Hang chắc sẽ được nghiên cứu tiếp thấu đáo hơn. Theo lời thầy Trần Văn Phú, nay Chùa Hang không chỉ là đối tượng nghiên cứu khoa học, mà còn là chủ thể tổ chức nghiên cứu, không chỉ về tâm linh mà còn về khoa học và triết học.

Hiện tại và tương lai

Trong một thời gian tương đối ngắn, thầy Trần Văn Phú và cộng đồng phật tử đã kiến tạo nên Chùa Hang như ngày nay (từ hai bàn tay trắng). Đó là một bước tiến lớn về cơ sở vật chất cũng như kết nối tâm linh, nhờ công sức đóng góp không mệt mỏi của cộng đồng phật tử, cả nam và nữ, từ Bắc vào Nam, hội tụ tại Hồng Lĩnh. Sự đóng góp của phật tử là do tự nguyện, với tấm lòng thiện nguyện, tùy theo cơ duyên và thuận theo nhân quả.

Về hạ tầng cứng (như nhà cửa, khuôn viên), trong mấy năm qua, Chùa Hang đã xây dựng được nhiều hạng mục làm thay đổi hẳn bộ mặt và hình ảnh của Chùa, với tinh thần “kiến tạo” (từ không đến có). Tòa nhà “Trường Thiên” (nhà Pháp) là một bằng chứng về sự đóng góp đa dạng về nhân lực và tài lực của cộng đồng phật tử. Tòa nhà Tăng (đang hoàn thiện ) và quảng trường (đang hình thành) là một ví dụ khác về sự phát triển “hạ tầng cứng”.

Song song với sự phát triển vượt bậc về “hạ tầng cứng” là sự phát triển lặng lẽ về bề sâu của “hạ tầng mềm”, để kết nối lòng người từ Bắc Vào Nam, quy tụ về Chùa Hang. Hàng ngàn người đã tham gia các lớp học tập tâm linh và vận dụng phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng, và hàng trăm người đã trở thành phật tử của Chùa Hang. Để phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu về các lĩnh vực như tâm linh, đời sống, khoa học, và triết học, thầy Trần Văn Phú đã lập ra bốn nhóm nghiên cứu chuyên sâu, do một số giáo sư và chuyên gia phụ trách. Hoạt động học tập và nghiên cứu để nâng cao dân trí và khai minh trí tuệ cần thêm thời gian và nguồn lực như kinh phí, thư viện, cơ sở dữ liệu (database), và công tác truyền thông.

Thầy Trần Văn Phú trao đổi với một phật tử Hà Nội

Hiện nay, cộng đồng phật tử của Chùa Hang tại Hồng Lĩnh cũng như tại các nơi khác trên toàn quốc (đặc biệt là tại Hà Nội và t/p HCM) đang phát triển mạnh về số lượng nên thành phần càng đa dạng. Khách thập phương đến thăm chùa ngày càng đông, nhất là vào dịp đầu năm. Vì vậy, công tác tổ chức và quản trị đang được cải tiến để thích ứng với thực tế mới, nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả. Công tác truyền thông và quan hệ công chúng (PR) đang được chú trọng, để cung cấp những thông tin chính thức về Chùa Hang, nhằm khẳng định chính danh, tránh sai lạc thông tin, và tăng cường sức lan tỏa trong cộng đồng.

Hiện nay trang mạng (website: chuahanghatinh.org ) đã hoạt động để cung cấp thông tin cập nhật cho cộng đồng. Đây là một công cụ truyền thông trực tuyến hữu hiệu để giao lưu và kết nối cộng đồng, không chỉ đáp ứng nhu cầu truyền thông, mà còn phục vụ công tác học tập và nghiên cứu. Chùa Hang chắc không so sánh được với các chùa khác về quy mô “hạ tầng cứng”, nhưng chắc sẽ ưu việt hơn về “hạ tầng mềm”. Tuy con đường thiên lý còn dài và đầy thách thức, nhưng những bước đi ban đầu đã đặt nền móng vững chắc cho tương lai.

Ngày 06 tháng 03 năm 2018

Nguyễn Quang Dy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *