Ngắm hoa ưu đàm tại Chùa Hang

Căn phòng của Giáo sư, Viện sỹ Đào Vọng Đức, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam tại Chùa Hang trên dãy núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chỉ khoảng 15m2, tựa lưng bên sườn núi.  Nhiều năm trước, Giáo sư cùng một số cộng sự đã về Chùa khi cảnh chùa còn đơn sơ để thực hiện một nghiên cứu khoa học về khả năng tác động và ứng dụng năng lượng phi truyền thống nhằm tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng phòng chống bệnh tật của người thầy chủ trì – Thầy Trần Văn Phú nơi đây.

Theo thời gian, ngôi Chùa dần được tôn tạo và xây dựng mở rộng nên diện mạo nay đã khác rất nhiều những tháng năm ngày cũ. Tuy nhiên, khu nhà Thầy ở cùng căn phòng làm việc của Giáo sư Đào Vọng Đức vẫn như vậy, tựa lưng vào núi, được che chở bởi mái lá đơn sơ, nhưng có tầm nhìn như bao quát cả núi rừng.

Trong quan điểm của Giáo sư Đào Vọng Đức, tình yêu thương cũng như môi trường giàu tình thương đều dẫn đến một dạng tương tác tâm linh tạo ra “năng lượng tình thương” có sức mạnh vô biên, giúp hóa giải bệnh tật và vượt qua mọi chướng ngại. Có lẽ vì quan điểm này mà từ khi biết đến Chùa Hang, Giáo sư thường xuyên về Chùa nghiên cứu, tu học, nhận năng lượng từ Đức Phật và trực tiếp cứu giúp rất nhiều người bệnh. Theo Giáo sư, ngoài 3 chiều tâm linh mà chúng ta đang sống và cảm nhận, vũ trụ còn có các chiều không gian khác, gọi là các chiều phụ trội. Không gian phụ trội liên quan đến thế giới tâm linh. Tương tác tâm linh được chuyển tải theo các chiều phụ trội và đồng thời tồn tại các dạng sóng năng lượng liên quan đến các hiện tượng siêu nhiên mà các giác quan thông thường của con người không thể nhìn thấy được. Thậm chí khoa học và kỹ thuật ngày nay vẫn chưa đủ sức khám phá ra.

Trong các bài giảng khai mở tâm linh tại Hà Nội, Giáo sư Đào Vọng Đức thường đọc cho các Phật tử nghe nhận xét khá đặc biệt của Nhà vật lý học thiên tài Albert Einstein (‎1879-1955) về Phật giáo: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.

Là nhà khoa học chân chính với tấm lòng từ tâm hiếm có, vượt qua trở ngại về không gian, về tuổi tác, theo sự hướng dẫn của Thầy, Giáo sư vẫn miệt mài nghiên cứu nhằm khám phá chiều không gian phụ trội, như đang cố gắng thắp lên một ngọn đuốc để mở ra cánh cửa trí tuệ Phật, nhằm góp sức cùng Thầy Trần Văn Phú dẫn dắt các Phật tử nhận ra thế giới siêu hình là một tồn tại chân thật trong vũ trụ này. Cùng với đó là dẫn dắt các nhà nghiên cứu khoa học hướng đến Đạo Phật để tiếp nhận trí tuệ của Phật, đưa loài người tiến bước vào kỷ nguyên mới hợp nhất giữa khoa học và tâm linh, giữa con người và vũ trụ.

Trong căn phòng đơn sơ của Giáo sư Đào Vọng Đức tại Chùa có sự hiện diện của ba bông hoa nhỏ xíu trắng muốt nở trên một cánh hoa lan đã cũ (xem hình). Nụ hoa nhỏ như đầu sợi chỉ (nhìn qua dễ bị lẫn với các đầu chỉ tua ra từ bông hoa lan dùng để trang trí cho căn phòng), còn cành hoa thì nhỏ như nửa sợi tóc mai em bé. Những bông hoa nghiêng nghiêng cùng một hướng đã có mặt nơi đây từ lâu lắm. Hoa không già, không cũ, cứ đẹp đẽ, an nhiên như một chỉ dẫn, một niềm động viên âm thầm và mãnh liệt cho nỗ lực khám phá khoa học, đưa khoa học tiếp cận gần hơn với chân lý tối hậu của sự sống.

Điều đặc biệt tại Chùa Hang, Hà Tĩnh là Hoa ưu đàm không chỉ xuất hiện tại một nơi. Loài hoa của Trời còn xuất hiện trên một số nhành cây ở Cung Tam Bảo, Cung Phật Mẫu và trong phòng tiếp khách của Thầy. Những đóa hoa nhỏ xíu xuất hiện từ năm 2015 với nhiều màu sắc trắng, xanh, tím, vàng đã được một số Phật tử chụp hình và một trong số những nhánh hoa ấy đang được nhóm các nhà khoa học đến từ TP. HCM lưu giữ trong khu nhà Tăng tại Chùa Hang.

Khoảnh khắc được ngắm nhìn và chụp hình những bông Hoa ưu đàm nhỏ xíu, tinh khiết ấy thật quá hạnh phúc, niềm hạnh phúc như muốn trào ra và lan tỏa cho mọi người cùng được thấy loài hoa đặc biệt này. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia, Hoa ưu đàm còn gọi là “Ưu Đàm Bà La” trong tiếng Phạn, có nghĩa là “một loài hoa mang đến điềm lành từ Thiên đàng”. Wikipedia dẫn Quyển 8 Kinh “Huệ Lâm Nghĩa” của nhà Phật viết: “Hoa Ưu Đàm do điềm lành linh dị sinh ra; đây là một loài hoa của Trời, trên thế gian không có. Nếu một đấng Như Lai hoặc Chuyển Luân Thánh Vương hạ xuống thế gian con người, loài hoa này sẽ xuất hiện nhờ đại ân và đại đức của Ngài”.

Nếu chưa đến Chùa Hang, sẽ thật khó để cảm nhận nét đẹp hùng vĩ và an nhiên nơi đây. Rừng thông cao vút như che chở cho khuôn viên ngôi Chùa với hàng nghìn loài cây, loài hoa cùng hội tụ trên dãy núi Hồng Lĩnh. Những bông hoa như quà tặng của tạo hóa, dâng hiến vẻ đẹp an nhiên mà con người chúng ta, dù có đi suốt chiều dài lịch sử tồn tại, cũng chưa có ai vẽ được trọn vẹn vẻ đẹp của hoa. Hoa của Trời, hoa của sức người vun trồng, chăm sóc đang góp sức tạo nên vẻ đẹp riêng có trong khuôn viên Chùa. Trên hành trình nghiên cứu khoa học và khám phá vũ trụ, nhà bác học thiên tài Einstein từng nói: “Khoa học, tôn giáo, nghệ thuật là những cành nhánh của cùng một cây và cái đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính”.

Hoa của Trời và vẻ đẹp bí ẩn không ở đâu xa nếu bạn có đủ duyên để về Chùa Hang, Hồng Lĩnh.

(*) Giáo sư Viện Sĩ Đào Vọng Đức sinh năm 1936, là nhận bằng tiến sỹ khoa học năm 1975, được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học các nước thế giới thứ 3 năm 1988. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực: Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản, lý thuyết thống nhất các tương tác các hạt cơ bản, lý thuyết dây và siêu thống nhất, máy tính lượng tử, thông tin lượng tử, chuyển vị lượng tử thuộc chuyên ngành vật lý lý thuyết.

Ngày 20 tháng 03 năm 2018

Tường Vi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *