Tọa đàm khoa học – Phật giáo và Khoa học: Phật giáo có Thượng Đế

PHẬT GIÁO CÓ THƯỢNG ĐẾ

Trích dẫn buổi tọa đàm khoa học, trong đó Hòa Thượng Thích Thông Tuệ hỏi và Thầy Trần Văn Phú trả lời:

Hỏi: Thưa Thầy, Phật giáo rất gần gũi với khoa học, giải thích về nguồn gốc của vũ trụ vạn vật dường như không có Thượng Đế hay Thần thánh hóa mà tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh ra không có tạo hóa. Khi đến với Chùa Hang – Thị  Xã Hồng Lĩnh – Tỉnh Hà Tĩnh thì thấy là trong Phật giáo có tạo hóa.

Vậy, phải chăng Phật giáo có Thượng Đế và nếu có thì Đức Phật phán ở kinh nào, pháp nào?

Trả lời: Vâng, xin cảm ơn Hòa Thượng.

Trong cuộc đời thuyết pháp độ sanh của Đức Phật, Ngài đã dành cơ bản thời gian để thuyết giảng về Thượng Đế ở các bộ kinh Đại Thừa vượt ngôn từ, đặc biệt là Đức Phật có 22 năm thuyết 600 bộ Bát Nhã – Bộ kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Bộ kinh này mô tả một Trí tuệ siêu việt rộng lớn đến từ bờ kia đang tạo hóa sanh ra con người và các pháp, được thể hiện qua sự quan sát tìm xét về thể chất và tinh thần con người cũng như mọi sự vật và thấy được các pháp đều rỗng không, không thật có vì vô sanh vô khởi. Do đó, “bởi các pháp không sanh nên Bát Nhã Ba La Mật Phải sanh”.

Thuật ngữ “Ma Ha” nghĩa là rộng lớn, “Bát Nhã” nghĩa là Trí tuệ, “Ba La Mật” Hán dịch là bỉ ngạn đáo, nghĩa là bờ kia đến hay đến từ bờ kia, đến từ bờ kia cũng có nghĩa là đến từ không gian khác, từ trong không gian vũ trụ đến tạo hóa khởi sinh ra các pháp ở bờ sanh tử này. (“các pháp” có nghĩa là vạn vật, vạn sự).

Tướng Bát Nhã Ba La Mật được mô tả là “Bát Nhã Ba La Mật này không sắc, không hình, không đối, một tướng duy nhất, tức là vô tướng”. Được hiểu là “không sắc” nghĩa là không có sắc tướng, Bát Nhã là Trí tuệ không phải bằng vật chất thông thường, “không hình” nghĩa là không có khung hình định hình mà có thể biến hóa đa dạng ở hình thức này hay hình thức khác về hình tướng, “không đối” nghĩa là không có pháp đối đãi như không phải âm, dương, không phải nam, nữ, không phải động, tĩnh, không phải sáng, tối, v.v… mà chỉ có duy nhất một tướng đó là “vô tướng”. Vô tướng có nghĩa là không tướng, từ không tướng này mà tạo khởi ra tất cả các hình tướng, từ sắc tướng, vô sắc tướng và các pháp đối đãi trong vũ trụ vạn vật, v.v… Trí tuệ này gọi là Trí tuệ Phật và cũng gọi là Như Lai.

Dùng bằng cách nói vượt ngôn từ, ngôn từ sai khác nhưng nghĩa lý không sai khác, Đức Phật Thích Ca chỉ về Thượng đế có hai yếu tố trong một vai trò quyết định. Đó là Đệ Nhất Nghĩa Đế và Thế ĐếĐệ Nhất Nghĩa Đế là ông vua cao nhất có nghĩa là Thượng Đế (Đấng Tối Cao), còn Thế Đế là những ông vua kế thế, kế cận.

Trong hệ thống nhân duyên sinh cũng được mô tả ở hình ảnh này bao gồm Tăng Thượng DuyênThứ Đệ Duyên và Duyên Duyên. Tăng Thượng Duyên là chỉ về Thượng ĐếThứ Đệ Duyên là chỉ về Thế Đế, các Thứ Đệ kế cận, kế thế. Còn Duyên Duyên là nói về mọi sự vật, hiện tượng được sinh khởi trong vũ trụ, vạn vật, vạn sự cũng vừa là Nhân, cũng vừa là Duyên được sinh khởi trong vũ trụ và thế giới này trùng trùng duyên khởi, (“bởi vi trần thân của Như Lai đầy khắp mười phương vô lượng thế giới). Thuyết Duyên Khởi là học thuyết tồn tại, nói về con người và mọi sự vật trong thế giới này được sinh mới trong bảo tồn tự nhiên thì phải có Nhân có Duyên mới sinh.

Cho dù cách nói sai khác về Thượng Đế như Đệ Nhất Nghĩa Đế và Thế Đế hay Tăng Thượng DuyênThứ Đệ Duyên, v.v… thì cũng là Chánh Thân Như Lai và Pháp Thân Như LaiChánh Thân là Thân Như Lai, còn Pháp Thân là các Vi trần thân được Như Lai phân thân ra. Như vậy, đồng nghĩa với Như Lai là Thượng Đế còn Pháp Thân là Thế Đế.

Để biết được Thượng Đế tạo hóa như thế nào, Phật giáo đã đi sâu vào quan sát các đối tượng vật chất, tinh thần của con người và vạn hữu trên thế giới và chỉ ra phép biện chứng dùng phương tiện đi sâu vào phương pháp luận trong cách nói vượt ngôn từ để tìm thấy hình thức tạo hóa của Thượng Đế trong thực tại của mọi hiện hữu. Phương tiện đó là dùng bằng cách quan sát thấy được các pháp mà Đức Phật chỉ ra là các pháp Tự Tánh rỗng không, Tự Tướng rỗng không, “vì tất cả pháp đều không có Tự Tánh” mà Tự Tánh trong các pháp là Tự Tánh của Như Lai. Trong Kinh Lăng Già nói rằng “Tự Tánh của Như Lai Tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh … giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ”.

Tự Tánh của Như Lai Tạng tức là Vi trần thân của Như Lai do Như Lai phân thân ra mà có. Vi trần thân này còn được gọi là Pháp Thân của Như Lai mà Như Lai cũng được gọi là Phật, do đó Tự Tánh của Như Lai cũng được gọi là Phật Tánh hay còn gọi là Tánh Không. Tại sao Phật Tánh lại gọi là Tánh Không vì Phật Tánh chẳng phải Sắc nên gọi là Không nhưng không này là phi không “chẳng không chẳng phải chẳng không”.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn nói về Phật Tánh không phải ai cũng thấy được biết được mà chỉ có “Thập trụ Bồ tát thấy được một ít phần, Đức Như Lai thời thấy rõ hoàn toàn. Thập trụ Bồ tát thấy Phật Tánh như đêm tối thấy hình sắc, Đức Như Lai thấy Phật Tánh như giữa ban ngày thấy hình sắc. Như vậy, thấy được Tánh Như Lai “Minh Tâm Kiến Tánh” tức tâm sáng thì thấy được Tánh Như Lai nhưng không phải chúng sinh minh tâm mà thấy được Tánh Như Lai mà phải tâm sáng của Đại Bồ Tát hay Phật mới thấy được Tánh Như Lai. “Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh tức là nghĩa của ngã”. Khi thấy rõ Phật Tánh trong chúng sinh, Đức Phật Thích Ca chỉ cho chúng sinh biết chúng sinh không có Tự Tánh mà có Phật Tánh. Phật Tánh cũng là Tự Tánh của Như Lai Tạng, cũng là Pháp Thân của Như Lai. Đây là cái tạo vật, tạo tác cấu tạo sinh khởi lên mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ này, do đó vũ trụ này là sản phẩm của Phật Tánh.

Như vậy, việc sinh khởi ra vũ trụ vạn vật là Pháp Thân thực hiện tạo hóa còn Như Lai không trực tiếp tạo hóa mà chỉ phân thân ra các Pháp Thân, do đó Phật giáo không có quan điểm Nhất Thể hay giáo điều. Thượng Đế không trực tiếp tạo hóa mà công việc tạo hóa thuộc về Thế Đế, có nghĩa là Như Lai không làm công việc tạo hóa mà những Phân Thân làm công việc tạo hóa. Đức Phật Như Lai ở đây không phải là Đức Phật Thích Ca mà khi Đức Phật Thích Ca nhập được với Pháp Thân Như Lai thành Phật còn gọi là “Nhập Phật tri kiến” nên cũng được gọi là Đức Phật hay Như Lai.

Tôn giáo nào cũng có Thượng Đế nếu Tôn giáo mà không thấy có Thượng Đế thì Tôn giáo đó không đúng với chân lý của vũ trụ vạn vật. Bởi vũ trụ vạn vật được sinh ra, phát triển và tồn tại chính là do Thượng Đế đang tạo hóa và đang trực tiếp ban thưởng hay trừng phạt loài người theo việc làm Thiện hay Ác của con người. Do đó, con người cần phải bỏ Ác làm Thiện để được cứu rỗi. Việc Cầu Nguyện là điều tất yếu, chỉ có những người sáng lập ra các tôn giáo thấy được điều đó, còn người trần mắt thịt chúng ta thì không thể thấy và biết được. Do đó, ai tin hay không tin thì tùy vào tín ngưỡng mà thực hiện.

Tôn giáo vượt khỏi Khoa học vì những hiện thực này của vũ trụ Khoa học không thể khám phá được và không thể chứng minh được  bằng thực nghiệm .

Tất cả các tôn giáo đều xuất phát từ một điểm là Đấng Tối Cao duy nhất trong vũ trụ. Đấng Tối Cao đó có thể gọi là Thượng Đế, Thiên Chúa, Ông Trời, Đức Phật Như Lai hay Thánh Ala, v.v… theo cách gọi của các Giáo Chủ để lập ra tôn giáo cứu độ loài người, tránh mọi sự trừng phạt của Đấng Tối Cao theo việc làm ác của bản thân mình.

Mỗi tôn giáo đều có cách nói khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, cách giảng thuyết và biện chứng khác nhau theo giáo lý kinh sách của tôn giáo mình nên chúng ta thấy là sai khác và phân biệt các tôn giáo.

Đối với Đức Phật Thích Ca, Ngài cũng không phân biệt tôn giáo mà tất cả các pháp đều bình đẳng, bởi tất cả các pháp đều là Phật pháp. Trong Kinh Lăng Già cũng nói: “Hoặc có chúng sanh biết Ta là Như Lai,…, hoặc biết là Phật,…, hoặc biết là Trời,…. hoặc biết là tất cả đạo,…, hoặc biết là Chúa Tể,… Nếu có ai nói Như Lai thuyết pháp đọa văn tự, ấy là vọng ngữ, vì pháp lìa văn tự”.

Xin cảm ơn Hòa Thượng và quý vị đã quan tâm./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *