Tính thống nhất trong vũ trụ quan giữa Khoa học, Triết học và Tôn giáo

Từ xưa đến nay, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, con người luôn nỗ lực tìm kiếm để mong khám phá bản chất thật có của Vũ trụ vạn vật. Nhiều thành tựu trên con đường khám phá và chinh phục Vũ trụ đã được xác lập, song vẫn còn nhiều bí ẩn của Vũ trụ vẫn chưa được giải mã. Do đó, sự tìm kiếm nguồn gốc của Vũ trụ vạn vật cũng như quá trình phát triển, tồn tại của chúng cho đến nay vẫn là vấn đề đặt ra cho các hình thái nhận thức cơ bản của loài người là: Khoa học, Triết học và Tôn giáo.

Sự tiếp cận với Vũ trụ vạn vật đã được trình bày trên nhiều diễn đàn, trong nhiều tác phẩm và nhiều học thuyết khác nhau để đi sâu vào quan sát sự vật và tìm đến sự có mặt trong thực tại cũng như quá trình phát triển, tồn tại của chúng. Do nhận thức và tính chất khám phá Vũ trụ, vạn vật với nền tảng tư tưởng khác nhau nên đã hình thành hai trường phái chính: Duy tâm và Duy vật.

Về Duy vật, bao gồm các nghiên cứu khoa học và triết học duy vật.

Khoa học đang liên tục phát triển cả về bề rộng và chiều sâu mà tiên phong là khoa học vật lí. Nó tạo thành một khối kiến thức có hệ thống, chính xác và liên kết về cấu trúc và diễn biến của các vật thể, vật chất. Nó tập trung nghiên cứu sự hình thành của Vũ trụ vạn vật, với đỉnh cao là Thuyết Vụ nổ lớn – Big Bang về khởi đầu hình thành Vũ trụ.

Khoa học cũng đang tập trung tìm kiếm vật chất nhỏ nhất cấu tạo lên Vũ trụ vạn vật với thành công lớn nhất là tìm ra hạt Higgs – hạt được cho là “mang tính Chúa”, là hạt nhỏ nhất cấu tạo lên Vũ trụ vạn vật.

Đây là những bước tiến lớn lao của khoa học trên con đường tìm kiếm bản thể của Vũ trụ vạn vật.

Triết học duy vật dựa vào nguyên lí: “Trong thế giới không có gì ngoài vật chất đang vận động và vật chất đang vận động không thể vận động như thế nào khác ngoài vận động trong không gian và thời gian”. Như vậy, trong quan hệ giữa vật chất và ý thức, vật chất là cái thứ nhất, cái quyết định và tồn tại hữu cơ với ý thức, còn ý thức là cái thứ hai, có sau.

Tuy nhiên, nhiều hiện tượng lạ đang diễn ra trong cuộc sống của loài người mà khoa học và triết học duy vật với những thành tựu và lí thuyết của mình không thể giải thích được. Và những hiện tượng lạ dường như đang thách thức cả khoa học và Triết học duy vật – Thách thức Thuyết Big Bang và vai trò của hạt Higgs với tư cách được cho là điểm khởi đầu hình thành Vũ trụ và hạt nhỏ nhất cấu tạo lên Vũ trụ vạn vật.

Nổi lên trong số những hiện tượng lạ là sự ứng nghiệm đáng kinh ngạc của nhiều tiên tri mà hiện nay loài người đang chứng kiến. Có thể kể đến những nhà tiên tri như: Morgan (1094 – 1148) người Ái nhĩ lan, Nostrdamus (1503 – 1566) người Pháp, Vanga (1911 – 1996) người Bungari,…

Các nhà tiên tri này nổi tiếng trên khắp thế giới với các dự báo về những biến động liên quan đến vận mệnh mang tầm quốc gia thậm chí là vận mệnh thế giới. Nhiều dự đoán của họ đã ứng nghiệm một cách lạ kì, mà nổi bật trong số đó là: Morgan đã hoàn toàn đúng khi tiên đoán về tên tuổi, xuất thân của 112 vị Giáo hoàng La mã từ Celestin II, năm 1143 tới nay; Nostrdamus đã cảnh báo trước về cái chết của Vua Henry Đệ nhị, về thất bại của Napoleon trên Chiến trường Nga và về vụ hoả hoạn thảm khốc ở London năm 1966; Vanga đã tiên đoán một cách thần kì về cái chết của Stalin, về vụ tấn công bằng máy bay vào Toà tháp đôi ở Mĩ và dường như Vanga đã nhìn thấy trước sự xuất hiện của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thế kỉ XXI.

Điều này chứng tỏ Định mệnh là có thực! Vì có định mệnh nên mới có tiên tri dự báo về những điều sẽ xảy ra trong tương lai, thậm chí trong vài trăm năm sau.

Vũ trụ có định mệnh của Vũ trụ, Thế giới có định mệnh của Thế giới, quốc gia có định mệnh của quốc gia, khu vực có định mệnh của khu vực, và mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có định mệnh riêng trong tồn tại của mình. Định mệnh chính là cơ sở cho các tiên tri. Không công nhận định mệnh thì không thể lí giải được những ứng nghiệm của các lời tiên tri như trên.

Câu hỏi lớn đặt ra: Nếu có, thì hữu thể nào có quyền năng định mệnh cho Vũ trụ, cho Thế giới, cho mỗi quốc gia và cho mỗi con người trong phát triển, tồn tại? Và câu hỏi tiếp theo được đặt ra: Vụ nổ lớn nếu có, liệu có phải là khởi đầu của sự hình thành Vũ trụ hay không?

Tiếp nữa còn vô số những hiện tượng khác như: Thần đồng, nhớ về kiếp trước, hiện tượng áp vong, … tất cả đều chứng tỏ về sự tồn tại của một thế giới khác song hành với thế giới thực mà chúng ta thường biết đến. Thế giới này chỉ có tinh thần mà không có vật chất, nhưng lại có năng lực tác động có ý nghĩa quyết định đối với thế giới của chúng ta đang sống.

Từ đó đặt ra câu hỏi về vai trò, đặc tính của hạt Higgs và câu hỏi về nguyên lí “vật chất quyết định ý thức” của triết học duy vật.

Ngoài ra, Vật lí hiện đại, từ Lý thuyết lượng tử của Max Planck cũng đã chứng minh giới hạn nhận thức của khoa học đến thời điểm sau vụ nổ lớn 10–43 giây: Các nhà vật lí có thể đi ngược lên tới 10–43 giây, nhưng quá điểm đó thì không. Ở thời điểm trước 10 -43 giây, khoa học không thể giải thích được ứng xử của các nguyên tử trong những điều kiện, trong đó lực hấp dẫn trở thành cực đại. Đó là giới hạn nhận thức cuối cùng của khoa học, là điểm cuối khoa học trở về với nguồn gốc. Điều đó ngăn cản khoa học biết về những gì đã xảy ra trước 10 -43 giây, sau vụ nổ lớn cách đây 13,7 tỷ năm (Sách “Bên ngoài khoa học”).

Bởi khoa học và triết học duy vật khi quan sát, nghiên cứu sự vật hiện tượng đều dừng lại ở vật chất, ở thế giới thực, do vậy không thể tìm đến được cái bản chất vốn ẩn sâu bên trong sự vật, hiện tượng và là cái gốc để chuyển hoá ra các hiện hữu.

Tuy nhiên, giữa các tôn giáo lớn, các dòng triết học duy tâm và nhiều nhà  khoa học đã đi đến một điểm có thể thống nhất trong Vũ trụ quan: Quá trình hình thành, phát triển và tồn tại của Vũ trụ vạn vật được tạo hoá bởi một Tư duy – Một Đấng Tối cao duy nhất. Đấng Tối cao duy nhất đó trong Đạo Phật là Phật Tổ Như Lai, trong Đạo Thiên Chúa là Thiên Chúa, trong Đạo Hồi là Thánh A la, trong Nho giáo là Ông Trời, … Đấng Tối cao đó cũng chính là “Tinh thần Tuyệt đối” trong Triết học Heghel, là “Vật tự nó” trong Triết học Kant, là “Trí tuệ Siêu việt” trong Triết học Jean Guitton, …

Trong lịch sử khám phá Vũ trụ vạn vật để tìm đến chân lí tuyệt đối, tôn giáo là hình thái nhận thức sớm nhất.

Trong cuốn “Lời Chúa cho mọi người” (trang 30), đã tường thuật chi tiết việc “Thiên Chúa sáng tạo trời, đất” trong sáu ngày: Thiên Chúa tạo tác ra ánh sáng, bóng tối, trời, đất, thảo mộc, sinh vật, … và con người. “Thiên Chúa là Đấng duy nhất khác với Vũ trụ mà Người đã sáng tạo. Thiên chúa có trước Vũ trụ”. Như vậy, có thể thấy, Kinh Thánh đã khẳng định một niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, Tối cao và duy nhất.

Cũng như với Đại Thừa Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đấng Allah của Hồi giáo là Đấng Toàn năng. Lời trong Kinh Qur’an 7:54:

“Thật vậy, sáng tạo và mệnh lệnh là của Người.

Phúc thay là Thượng đế

Chủ tể của muôn loài”.

Người Hồi giáo công nhận chỉ có một Thượng đế là Đấng Allah, hoàn chỉnh, vĩnh hằng và bất khả phân. Lời trong Kinh Qur’an 1:12:

“Này: Người là Thượng đế độc nhất,

Thượng đế, nơi nương tựa vĩnh hằng

Người không được sinh ra, đã không được sinh ra

Và không ai ngang bằng với Người”.

Vượt lên trên hết, cho tới nay duy nhất chỉ có Đại thừa Phật giáo, bằng phép biện chứng sâu màu, quan sát, đã chỉ ra một cách chi tiết về quá trình sinh khởi, vận động của vật chất và tinh thần của con người, của Vũ trụ vạn vật. Trên cơ sở đó, Đại thừa Phật giáo đã tìm đến chân lí tuyệt đối của Vũ trụ vạn vật, đã đồng nhất với các Tôn giáo khác và với Triết học duy tâm về sự tồn tại duy nhất của một Đấng Tối cao trong Vũ trụ, song Đại thừa Phật giáo đã chỉ rõ sự tạo hóa ra vạn vật không phải là Đấng Tối cao mà là các biến thể của Đấng Tối cao tạo tác sinh hóa.

Kinh pháp Đại Thừa đã chỉ rõ về sự tồn tại của Phật tánh trong tất cả sự vật, hiện tượng, gọi chung là các pháp. Phật tánh chính là phân thân, biến thể của Đức Phật, là Tự tánh của Như Lai, có đầy đủ trí tuệ và thần lực. Bởi tất cả sự vật, hiện tượng trong tự nhiên không có Tự tánh, nên không tự sinh ra. Tự nhiên không tự sinh ra được tự nhiên, Vũ trụ không sinh ra được Vũ trụ, chính Phật tánh làm cái Tự tánh tạo tác sinh khởi, cấu tạo lên mọi sự vật, hiện tượng trong Vũ trụ.

Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa, Vũ trụ vạn vật không tự nó sinh ra, bởi tất cả chúng đều không có tự tánh. Tự tánh là cái tạo tác, là điểm khởi đầu, nhưng do không có tự tánh nên Vũ trụ vạn vật không có điểm khởi đầu. Do không có điểm khởi đầu nên cũng không có điểm kết thúc, bởi vậy, Vũ trụ này là vô thỉ, vô chung. Vì các pháp không có Tự tánh, tức không có cái tạo tác nên các pháp không sanh, không diệt; các pháp không thật có; các pháp rỗng không. Vũ trụ này là rỗng không, không thật có.

Khi quan sát về con người cũng vậy. Thực thể vật chất trong con người được gọi là uẩn sắc, thực thể tinh thần được gọi là thọ, tưởng, hành và thức. Khi quan sát về sắc thấy sắc rỗng không, không có Tự tánh. Bởi không có Tự tánh nên sắc không sanh, không diệt. Quan sát về thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy – rỗng không, không sanh không diệt. Do đó, khi đi vào phép biện chứng sâu màu của Phật giáo Đại thừa thì thấy rằng, sự hiện hữu của Vũ trụ vạn vật là do Như Lai tạo tác, sanh diệt. “Tự tánh của Như Lai vốn trong sạch, thường trụ, chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ 32 tướng nơi thân chúng sanh” (Kinh Lăng Già). Tự tánh vốn là biến thể của Như Lai. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn có viết: “Như Lai có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới”. Biến thể phân thân của Như Lai được ví như những hạt bụi nhỏ được biến hiện ra từ thân Như Lai, đầy khắp mọi nơi. Mỗi vi trần thân là một Tự tánh, tạo tác sinh khởi lên sự vật, hiện tượng mà chúng ta thấy được. Đức Phật đã chỉ ra: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Như Lai tánh).

Kinh pháp của Phật giáo Đại thừa chỉ rõ toàn Vũ trụ vạn vật, bao gồm cả con người đều do Đức Như Lai phân thân, tạo tác mà có. Tức là, trong mỗi sự vật, hiện tượng đều có một pháp thân của Như Lai, đó là một biến thể của Như Lai có đầy đủ trí tuệ và thần lực, hoạt động tạo tác và tác động cho sự vận động của vật chất.

Như vậy, soi xét đến tột cùng thì thấy, toàn thế giới tự nhiên này là tướng như, bất động. Mọi sự vận động, tác động qua lại của con người cũng như của muôn loài trong thế giới hữu tình đều do tác động bởi thần lực và trí tuệ của Như Lai. Sự tồn tại của con người cũng như của Vũ trụ vạn vật là do Như Lai quyết định theo Luật Nhân quả, do vậy mà có định mệnh chứ không phải ngẫu nhiên, tuỳ tiện. Toàn Vũ trụ chịu sự cai quản của một Trí tuệ có Thần lực tác động chuyển hoá tự nhiên.

Như vậy, nhận thức về Vũ trụ vạn vật của Phật giáo Đại thừa về cơ bản thể hiện ở ba nội dung:

  • Thứ nhất, Vũ trụ vô thỉ, vô chung; Vũ trụ rỗng không, không thật có vì tự nó không tự sinh ra chính nó.
  • Thứ hai, vũ trụ này, thế giới này là tướng như, bất động, vạn vật hiện hữu trong thế giới là tướng như, bất động, bởi tự tánh rỗng không, tự tướng rỗng không, không có chủ thể, không có năng lực vận động.
  • Thứ ba, sự vận động và phát triển của Vũ trụ vạn vật và con người là do Trí tuệ và Thần lực của Như Lai, tức là do Đấng Tối cao trong Vũ trụ này quyết định và thực hiện.

Các dòng Triết học Duy tâm cũng chỉ về một Đấng tạo hoá, mà nổi lên trong số đó có thể kể đến Triết học Kant, Triết học Hegel và Triết học Jean Guitton.

Kant I. (1724 – 1804), triết gia nổi tiếng người Đức, được cho là người bắt đầu cho lần thứ ba trong tổng số ba lần mở đường trong lịch sử triết học, đưa triết học thế giới đi đúng hướng, đã xác định: “Thế giới khả giác không là gì khác ngoài một chuỗi những hiện tượng được nối lại với nhau bằng những định luật phổ quát. Như vậy, thế giới khả giác không có nền tảng vững chắc nơi chính mình nó: Nó không phải là một vật tự thân và nhất thiết đòi hỏi một cái gì đó làm nền tảng cho bản chất, hiện tượng của nó” (Triết học Kant, tr. 73). Tiếp đến Kant nêu rõ: “chúng ta phải quan niệm một hữu thể vô chất, một vũ trụ khả niệm, một hữu thể tối cao, bởi vì chỉ nơi những hữu thể tự thân này, lí trí ta mới tìm thấy sự thoả mãn mà nó không hy vọng tìm được nơi những nguyên lí đồng hàng mà nó dùng để diễn giải các hiện tượng” (Triết học Kant, tr. 74).

Như vậy, Triết học Kant đã đề cập đến sự tồn tại của “một hữu thể vô chất”, “một hữu thể tối cao”, “một hữu thể tự thân”. Cũng có thể nói, trong Triết học Kant, ý tưởng về sự hiện hữu trong Vũ trụ một Đấng Tối cao, không phải vật chất và có khả năng tự nó là rõ ràng, nhất quán.

Hegel G. (1770 – 1831), triết gia và là nhà tư tưởng lớn người Đức. Bằng lí thuyết logic của mình, ông tiếp tục đi sâu vào các qui luật và phép biện chứng cần thiết để tìm đến Đấng Tạo hoá. Hegel cho rằng cơ sở của hết thảy mọi sự tồn tại, bản chất sâu sắc nhất của thế giới là một Ý thức nào đó rất “khách quan”, tồn tại độc lập với con người, có trước tự nhiên, có trước loài người và ông gọi đó là “Ý niệm tuyệt đối”. Hegel cũng đã kết luận: “Cái tuyệt đối là Tinh thần. Đó là định nghĩa cao nhất của cái Tuyệt đối. Người ta có thể nói rằng việc tìm ra định nghĩa ấy và hiểu được ý nghĩa và nội dung của nó là khuynh hướng tuyệt đối của mọi nền giáo dục và mọi học thuyết triết học; tất cả các tôn giáo và khoa học đều tập trung vào điểm này và chỉ từ đó, ta mới có thể hiểu được lịch sử thế giới” (Nguyễn Chí Hiếu, “Về khái niệm “Tinh thần tuyệt đối” trong Triết học Hegel”). Có thể thấy, trong Triết học Hegel, Tinh thần Tuyệt đối chính là Đấng Tối cao.

Jean Guitton (1901 – 1999), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, một trong những triết gia xuất sắc nhất của thế kỉ XX đã nói: “Khi quan sát tính phức tạp đáng kinh ngạc của sự sống, tôi đi đến kết luận rằng bản thân Vũ trụ thật “thông minh”: Một trí tuệ siêu việt tồn tại trên bình diện hiện thực (Tồn tại ở khoảnh khắc ban đầu mà chúng ta gọi là sáng tạo) đã ra lệnh cho vật chất để tạo ra sự sống” (Bên ngoài khoa học, tr.145).

Như vậy, tuy diễn đạt bằng những ngôn từ khác nhau, song các Triết gia duy tâm nổi tiếng là Kant, Hegel và Guitton đều đã chỉ ra: Trong Vũ trụ tồn tại một Đấng Tối cao là Tinh thần, là Trí tuệ. Và đây là điểm tương đồng trong Vũ trụ quan của dòng Triết học Duy tâm với các tôn giáo lớn. Bên cạnh đó, sự tương đồng còn thể hiện trong sự phân định ba ngôi theo thứ bậc mà ở ngôi vị cao nhất là Đấng Tối cao.

  • Hegel: Tinh thần Tuyệt đối, Tinh thần chủ quan, Tinh thần khách quan – cái đã được tạo ra.
  • Chúa ba ngôi trong Thiên Chúa giáo: Chúa cha, Chúa Thánh Thần, Chúa con – cái đã được tạo ra.
  • Phật giáo Đại thừa: Phật Tổ Như Lai, Phật Thập phương, Phật Thích Ca – cái đã được tạo ra.

Ngày nay, khoa học hiện đại đã phát triển tới mức bộc lộ “những giới hạn và những giới hạn đó là từ bản chất bên trong của nó”, “là hệ quả tất yếu của thế giới quan thuần tuý duy vật”. Càng đi sâu nghiên cứu, nhiều nhà khoa học càng đi đến kết luận không thể tránh được: Thượng đế có tồn tại! Trong số họ, có thể kể đến những tên tuổi nổi tiếng như:

Max Planck (1858 – 1947) – Người sáng lập ra Vật lí lượng tử, giải Nobel năm 1918, đã viết: “Do xung lượng của kiến thức đòi hỏi, không gì ngăn cản chúng ta liên kết trật tự của Vũ trụ với Thiên chúa của Tôn giáo. Đối với người tin, Thiên chúa đứng ở đầu câu chuyện, đối với nhà vật lí, Thiên chúa đứng ở cuối câu chuyện” (Bài: Hai mươi lăm nhà khoa học lừng danh nói về Thiên Chúa).

Albert Einstein (1879 – 1955) – Người đặt nền móng cho vật lí hiện đại (Thuyết Tương đối), Giải Nobel năm 1921. Einstein đã từng nói: “Những ai nghiêm túc nghiên cứu khoa học đều chắc chắn một điều là trong tất cả mọi định luật đều có bóng dáng của một thần linh siêu việt vượt lên trên con người và chúng ta phải cảm thấy mình thật thấp kém” (Bài “Hai mươi lăm nhà khoa học lừng danh nói về Thiên Chúa”).

Eugene Wigner (1902 – 1995) – Nhà vật lí, nhà toán học người Hung ga ri, giải Nobel về vật lí năm 1993 cho những đóng góp của ông vào lí thuyết hạt nhân và các hạt cơ bản. Ông đã phát biểu: “Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn đến kết luận rằng, nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng, Ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại” (Bộ sách “Phật học ứng dụng 4”, Tìm hiểu các tôn giáo khác, tr.30).

Và còn nhiều nhà khoa học nổi tiếng khác, bằng ngôn ngữ riêng của mình, thông qua hoạt động cụ thể của mình đã xác nhận sự tồn tại của Đấng tối cao, tạo tác hình thành lên Vũ trụ vạn vật. Đây là xu hướng nhận thức tất yếu của các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, khi phát hiện khả năng của khoa học là có giới hạn.

Như vậy, mặc dù cách tiếp cận để đi vào phép biện chứng và ngôn từ sử dụng không giống nhau, song hầu hết các triết gia duy tâm, các kinh pháp của các tôn giáo lớn và nhiều nhà khoa học đều đi đến một điểm chung thống nhất về sự tồn tại một Đấng Tối cao trong Vũ trụ. Đấng Tối cao đó tạo tác, sinh khởi và điều khiển mọi quá trình phát triển, tồn tại của Vũ trụ vạn vật bao gồm cả con người. Trong đó, duy nhất chỉ có Đại thừa Phật giáo đã đi sâu biện chứng, khám phá tường tận đến từng chi tiết cho quá trình sinh khởi, vận động của Vũ trụ vạn vật.

Rõ ràng, đã đến lúc các nghiên cứu trên thế giới cần phải vượt ra khỏi hạn định của vật chất, vượt ra khỏi thực tại của tự nhiên, tìm đến cái Siêu nhiên, nơi sinh khởi ra tự nhiên. Chỉ có như vậy mới phát hiện được bản chất thực của quá trình tồn tại của mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên, mới giải thích được một cách đúng đắn sự phát triển và định mệnh theo Luật Nhân quả của sự sống con người và vạn hữu trên thế giới cũng như trong Vũ trụ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật, Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập, Việt dịch: HT.Thích Trí Tịnh, Nhà xuất bản Hồng Đức, TP.HCM, 2014.​
  2. Kinh Lăng Già, Dịch từ Phạn sang Hán: Pháp sư Tam tạng Ấn Độ Cầu Na Bạt Đà La, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Duy Lực, NXB Thành Hội, TP.HCM 1994.
  3. Kinh Đại Bát Niết bàn, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Trí Tịnh, TP.HCM, 2017.
  4. Lời Chúa cho mọi người, Kinh Thánh, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2013.
  5. Bộ sách Phật học ứng dụng 4, Tìm hiểu các Tôn giáo khác, Hồng Quang, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2011.
  6. Các Tôn giáo trên thế giới, Lewis M.Hopfe, Mark R.Woodward, NXB Thời đại, 2011.
  7. Triết học Kant, Ts.Trần Thái Đỉnh, NXB Văn học, TP.HCM, 2014.
  8. Về khái niệm “Tinh thần tuyệt đối” trong Triết học Hêghen, Nguyễn Chí Hiếu, Tạp chí Triết học số 12 (187), tháng 12-2006.
  9. Một vài suy nghĩ về vai trò Triết học Hegel và “Ý niệm tuyệt đối” của ông, Vũ Hùng, Tạp chí Triết học 16-9-2008.
  10. Bên ngoài khoa học, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2004.
  11. Hội Long Hoa và sự giáng lâm của Đức Di Lặc, Tùng Thiên – Từ Bạch Hạc, 2008. <URL:https://www.daotam.info/booksv/hoilonghoa/hoilonghoa.htm>
  12. 25 Nhà Khoa học lừng danh nói về Thiên Chúa. <URL: http://baoconggiao.net/index.php/Dung-Chan/25-nha-khoa-hoc-lung-danh-noi-ve-thien-chua-1149.html >

Ngày 05 tháng 05 năm 2018

TSKH. LÂM QUANG CHIẾN

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *